Thực hiện chuyển đổi số trong công tác Đảng tại Đảng ủy Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí
Thực hiện Chuyển đổi số quốc gia là chủ trương lớn của Đảng ta, là nhiệm vụ cụ thể hóa đột phá chiến lược, vừa cấp bách vừa lâu dài trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do vậy, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặc biệt nhấn mạnh về chủ trương Chuyển đổi số và Chuyển đổi số trở thành một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của đất nước trong giai đoạn 2021-2030. Ngày 07/06/2021, Đảng Ủy khối Doanh nghiệp Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK về thực hiện Chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối doanh nghiệp Trung ương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện Nghị quyết số 184-NQ/ĐU ngày 15/02/2022 của Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia Việt Nam, Đảng ủy Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã triển khai mạnh mẽ công tác chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại mới, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác Đảng tại PVEP.
Ngay sau khi có chỉ đạo từ Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia Việt Nam, Đảng ủy PVEP đã ban hành Chương trình hành động số 03/CTr-ĐU ngày 12/4/2022, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cho quá trình chuyển đổi số. Để thực hiện hiệu quả, PVEP đã thành lập và liên tục kiện toàn Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc triển khai Chuyển đổi số. Gần nhất ngày vào ngày 10/9/2024, Ban Chấp hành Đảng ủy PVEP ban hành Quyết định số 208-QĐ/ĐU v/v Kiện toàn Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Tổng công ty. Trực tiếp đồng chí Nguyễn Thiện Bảo – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Điều đó đã minh chứng cho sự quyết tâm cao trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo của Người đứng đầu tổ chức Đảng và doanh nghiệp đối với công tác chuyển đổi số tại PVEP.
Phát biểu chỉ đạo của Đồng chí Nguyễn Thiện Bảo – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí. |
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số
Trong thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện việc chuyển đổi số tại Đảng ủy Tổng công ty đã và đang được triển khai mạnh mẽ với mục tiêu thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động công tác Đảng tại PVEP một cách toàn diện, đưa vào thực tiễn ứng dụng các phương thức lãnh đạo, điều hành dựa trên số hóa dữ liệu, nâng cao khả năng tích hợp và đối mới sáng tạo trong toàn Đảng ủy. Trong quá trình thực hiện, PVEP đã tổ chức nhiều cuộc họp chuyên đề để thảo luận và quán triệt công tác chuyển đổi số, cũng như thực hiện các chương trình đào tạo nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của chuyển đổi số. Những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục trong quá trình thực hiện đã từng bước thay đổi tổng thể, toàn diện hoạt động điều hành của Đảng ủy Tổng công ty trên môi trường công nghệ số gắn với công tác cải cách hành chính trong Đảng. Đồng thời, giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp giữa các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy và các đơn vị có liên quan, các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc được thuận lợi trên cơ sở dữ liệu được số hóa; đổi mới, sáng tạo phương thức làm việc; hiện đại hóa công tác tham mưu tổng hợp, các nghiệp vụ công tác Đảng, phục vụ hoạt động của Đảng ủy và các đơn vị tham mưu, giúp việc.
Một số nền tảng công nghệ phát triển như MS Teams, OneDrive, 1Office, Power BI đã được ứng dụng rộng rãi trong các hoạt động điều hành, quản lý tại PVEP. Đến nay, trên 90% hồ sơ công việc có nội dung không mật được xử lý trên môi trường số, giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu suất làm việc và minh bạch trong quá trình ra quyết định, 100% văn bản chỉ đạo của Đảng ủy Tổng công ty có nội dung không mật được số hóa, tích hợp vào cơ sở dữ liệu dùng chung trong Tổng công ty trên ứng dụng 1Office phục vụ hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng; hệ thống thông tin (hạ tầng mạng LAN, truyền số liệu chuyên dùng, thiết bị, giải pháp công nghệ thông tin…) được nâng cấp và sử dụng đáp ứng yêu cầu an toàn thông tin. Ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử ở Đảng ủy PVEP hiện đang được tích cực triển khai; các cấp ủy cơ sở đã quan tâm tuyên truyền và triển khai thực hiện nghiêm túc, giúp cán bộ, đảng viên trong Đảng ủy Tổng công ty nhận thức đúng được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc cài đặt, sử dụng ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử trong trong sinh hoạt Đảng. Từ quá trình triển khai thực tế tại PVEP có thể rút ra nhiều bài học quý báu giúp nâng cao hiệu quả chuyển đổi số, đặc biệt là:
Tư duy lãnh đạo tiên phong và cam kết từ cấp trên: Quá trình chuyển đổi số thành công luôn bắt đầu từ sự quyết tâm của lãnh đạo cao nhất. Với sự chỉ đạo sát sao từ Đảng ủy PVEP, các chính sách chuyển đổi số đã được thúc đẩy và triển khai mạnh mẽ. Sự cam kết từ cấp lãnh đạo đóng vai trò quyết định trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi số trở nên toàn diện và sâu rộng.
Tính nhất quán trong việc triển khai các giải pháp số: PVEP đã có những bước đi nhất quán trong việc triển khai các hệ thống số hóa văn bản, hồ sơ công việc, qua đó giảm thiểu việc sử dụng tài liệu giấy và tăng cường tính minh bạch trong quá trình quản lý.
Phó Tổng Giám đốc PVEP Hoàng Ngọc Trung phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện. Để cánh cửa này có thể thay đổi thì tất yếu phải thay đổi từ bên trong. Để đấy mạnh hơn nữa quá trình chuyển đổi số tại PVEP, Chi bộ Kiểm soát xin đưa ra một số kiến nghị và giải pháp như sau:
1. Đối với Đảng bộ PVEP:
Sớm xây dựng và ban hành chiến lược chuyển đổi số dài hạn và toàn diện của PVEP
Chuyển đổi số không chỉ là một nhiệm vụ ngắn hạn mà cần có một chiến lược dài hạn, bao gồm các mục tiêu rõ ràng và lộ trình thực hiện cụ thể. Để đảm bảo sự thành công và bền vững của quá trình này, PVEP cần:
Xác định các mục tiêu chiến lược rõ ràng: Các mục tiêu chuyển đổi số cần gắn liền với các yếu tố cốt lõi của công tác quản trị và điều hành doanh nghiệp, như nâng cao hiệu quả quản lý, tối ưu hóa chi phí, cải thiện năng suất lao động, và đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Việc định nghĩa rõ ràng các kết quả mong muốn sẽ giúp dễ dàng hơn trong việc đo lường và đánh giá tiến độ.
Lập kế hoạch chi tiết về các giai đoạn triển khai: Chiến lược chuyển đổi số cần được chia thành các giai đoạn nhỏ, với các nhiệm vụ cụ thể. Điều này giúp quá trình triển khai được thực hiện theo từng bước, tránh tình trạng dàn trải nguồn lực và tập trung vào các yếu tố ưu tiên hàng đầu, như hệ thống quản lý dữ liệu, an ninh mạng, và tự động hóa quy trình.
Thành lập các nhóm chuyên trách về chuyển đổi số: Một đội ngũ chuyên môn, bao gồm các chuyên gia công nghệ thông tin và đại diện từ các Ban/Đơn vị khác nhau, có nhiệm vụ triển khai và giám sát quá trình chuyển đổi số. Nhóm này cần được đào tạo chuyên sâu và có sự liên kết chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài nước để cập nhật công nghệ tiên tiến và các xu hướng mới nhất.
Tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số và văn hóa số
Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đến sự thành công của chuyển đổi số. Để đáp ứng yêu cầu của quá trình này, PVEP cần tập trung vào việc nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập, quán triệt, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng cách:
Đào tạo nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho toàn bộ nhân sự: Tất cả đảng viên, cán bộ cần được phổ biến về tầm quan trọng của chuyển đổi số tới sự phát triển của đất nước, đào tạo về các kỹ năng số cơ bản và nâng cao, bao gồm cách sử dụng các hệ thống quản lý mới, các công cụ phân tích dữ liệu, và các giải pháp công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data). PVEP tăng cường tổ chức các khóa đào tạo nội bộ và hợp tác với các tổ chức đào tạo chuyên nghiệp để đảm bảo rằng đội ngũ nhân sự của mình luôn sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của công nghệ mới.
Xây dựng văn hóa số trong PVEP: Văn hóa số không chỉ đơn thuần là sử dụng công nghệ mà còn là cách tổ chức làm việc linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả dựa trên nền tảng số. Để phát triển văn hóa số, PVEP cần thúc đẩy việc sử dụng công nghệ trong các hoạt động hàng ngày, khuyến khích tinh thần đổi mới và sáng tạo từ mỗi cán bộ, đảng viên, cũng như đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có trách nhiệm trong việc áp dụng và phát triển các giải pháp công nghệ.
Khuyến khích việc học tập suốt đời: Trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng, PVEP cần thúc đẩy tinh thần học hỏi liên tục của đảng viên, CBNV để thường xuyên cập nhật các xu hướng và kỹ năng mới. Các khóa học trực tuyến, hội thảo chuyên đề và các buổi tập huấn thường xuyên sẽ giúp đội ngũ nhân sự tiếp cận được những công nghệ tiên tiến và phương pháp làm việc hiện đại.
Tổng Giám đốc PVEP Trần Hồng Nam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Đảm bảo an ninh mạng và bảo mật thông tin
Với sự phát triển mạnh mẽ của chuyển đổi số, việc bảo mật thông tin trở nên đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh các hệ thống dữ liệu và thông tin số hóa ngày càng trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng. PVEP cần:
Đầu tư vào các giải pháp bảo mật tiên tiến: PVEP cần phát triển một hệ thống bảo mật mạnh mẽ để bảo vệ dữ liệu nhạy cảm và thông tin nội bộ. Điều này có thể bao gồm việc triển khai các phần mềm chống virus, hệ thống tường lửa, và các giải pháp mã hóa dữ liệu. Việc đầu tư vào các công nghệ bảo mật hiện đại như Blockchain và các phương pháp xác thực sinh trắc học cũng có thể là một hướng đi khả thi.
Xây dựng hệ thống quản lý rủi ro an ninh mạng: PVEP cần phát triển một hệ thống quản lý rủi ro để phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ an ninh mạng. Việc này bao gồm giám sát liên tục các hệ thống công nghệ thông tin, triển khai các biện pháp phòng ngừa và ứng phó khi xảy ra sự cố, cũng như đảm bảo các dữ liệu quan trọng được sao lưu và phục hồi nhanh chóng.
Đào tạo đội ngũ cán bộ về an ninh thông tin: Tất cả các cán bộ, đảng viên cần được đào tạo về các nguyên tắc bảo mật thông tin, như cách nhận diện các cuộc tấn công mạng, cách bảo mật thông tin cá nhân, và các biện pháp bảo vệ dữ liệu trong công việc hàng ngày. Đồng thời, PVEP cần thực hiện các cuộc diễn tập an ninh mạng để đảm bảo rằng đội ngũ nhân sự có thể phản ứng nhanh chóng và hiệu quả khi xảy ra sự cố.
PVEP tổ chức diễn tập, thực chiến đảm bảo an toàn, an ninh mạng. |
Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ và các tổ chức quốc tế
Trong quá trình chuyển đổi số, PVEP cần mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu và các tổ chức quốc tế để cập nhật các giải pháp công nghệ tiên tiến, học hỏi từ những mô hình thành công, và tìm kiếm cơ hội phát triển mới. Một số giải pháp cụ thể bao gồm:
Hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trong nước: những doanh nghiệp đã có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai chuyển đổi số tại Việt Nam và có thể cung cấp các giải pháp tối ưu về hạ tầng công nghệ, quản trị dữ liệu, và bảo mật. Việc hợp tác sẽ giúp PVEP tận dụng được các dịch vụ, công nghệ tiên tiến mà không cần đầu tư quá nhiều vào nghiên cứu và phát triển nội bộ.
Mở rộng hợp tác quốc tế: PVEP cần mở rộng mối quan hệ với các tổ chức quốc tế và các tập đoàn năng lượng, công ty dầu khí trên thế giới để học hỏi và áp dụng các công nghệ mới nhất vào lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí. Việc này không chỉ giúp PVEP tiếp cận với những giải pháp tiên tiến mà còn tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ và phát triển đội ngũ nhân sự có chuyên môn quốc tế.
PVEP đồng hành cùng diễn đàn “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Tư duy và hành động mới”. |
2. Đối với các Đảng viên
Con người là nhân tố quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số. Để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững trong công tác Đảng cần có sự quyết tâm thực hiện chuyển đổi số của các đảng viên. Đảng viên là những người có nhận thức, thái độ, hành động đúng đắn và đi đầu, mở đường trong các phong trào, các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, có khả năng sáng tạo, nắm bắt công nghệ nhanh, có lợi thế trong việc thích nghi với môi trường số. Do vậy, đảng viên cần phải khẳng định vai trò tiên phong, nòng cốt trong quá trình chuyển đổi số, cụ thể như sau:
Thứ nhất, nhận thức và tư duy đúng về chuyển đổi số
Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề về công nghệ, nhận thức và tư duy đúng đắn về chuyển đổi số giữ một vai trò rất quan trọng, đây là bước đầu tiên trong chuyển đổi số. Bởi có nhận thức và tư duy đúng thì mỗi đảng viên mới hành động đúng trong môi trường số và từ đó thấm nhuần và truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh.
Khi mỗi đảng viên nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, bản thân đảng viên sẽ chủ động thay đổi, chủ động chuyển mình để thích nghi với môi trường số. Để có nhận thức về Chuyển đổi số, đảng viên có thể chủ động tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn dữ liệu mở; Tham gia những chuyên đề, hội nghị, hội thảo về Chuyển đổi số; Thường xuyên nắm bắt, cập nhật và nghiên cứu về Chuyển đối số.
Thứ hai, hành động và thống nhất hành động về chuyển đổi số
Mỗi đảng viên cần xác định rõ tình hình thực tại chuyển đổi số tại đơn vị và thống nhất hành động theo kế hoạch, lộ trình, bước đi của Đảng bộ, đơn vị mình đang sinh hoạt và công tác.
Bên cạnh đó, tích cực tham gia các phong trào, hội thảo, cuộc thi, chuyên đề, chương trình liên quan đến Chuyển đổi số do cấp trên, đơn vị phát động; Tích cực hoạt động trên môi trường số như cài đặt mã định danh cá nhân; Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, sàn thương mại điện tử Việt Nam; Sử dụng ví điện tử, các phương tiện thanh toán số; Sử dụng Sổ tay đảng viên điện tử, Phòng họp không giấy, quét mã QR lấy tài liệu điện tử…
Thường xuyên sử dụng công nghệ số và rút kinh nghiệm để có thể hướng dẫn người thân trong gia đình, đồng nghiệp và mọi người xung quanh hoạt động trên môi trường số. Bên cạnh đó, Đảng viên cần duy trì và lặp đi lặp lại thói quen sử dụng công nghệ số để tạo văn hóa chuyển đổi số.
Mỗi đảng viên cần có ý thức chủ động tham gia và hưởng ứng vào quá trình chuyển đổi số, “hành động không chờ vận động”.
Thứ ba, nâng cao năng lực để trở thành con người số
Để tiếp cận, nghiên cứu và tìm hiểu công nghệ số nhằm ứng dụng vào thực tế cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Kiến thức giúp con người làm việc trong môi trường số. Do vậy, mỗi đảng viên cần tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ công nghệ thông tin và khả năng ngoại ngữ để phát triển bản thân, sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số và làm chủ được chuyển đổi số góp phần đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực để có thể hội nhập và hợp tác quốc tế. Mỗi đảng viên có thể nâng cao năng lực bằng cách học hỏi từ bạn bè quốc tế, đối tác nước ngoài; tham gia các lớp đào tạo, khóa học online qua mạng Internet; tham gia Hội thảo liên quan đến chuyển đổi số… Sau đó, ứng dụng linh hoạt vào công việc, công tác Đảng và cuộc sống.
Thứ tư, sáng tạo trong chuyển đổi số
Vận dụng kiến thức của bản thân và kiến thức học tập được, đảng viên cần chủ động đưa ra những giải pháp, sáng kiến thiết thực và phù hợp với đơn vị nhằm từng bước cải tiến từ trong công việc chuyên môn của chính đảng viên, công tác Đảng nơi đảng viên sinh hoạt và thúc đẩy công tác Chuyển đổi số tại đơn vị.
Sự sáng tạo của mỗi đảng viên sẽ góp phần tạo ra những mô hình kinh doanh mới, gia tăng trải nghiệm của khách hàng, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đảng viên cần thường xuyên rèn luyện tư duy đổi mới nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong nội bộ doanh nghiệp để doanh nghiệp của mình trở thành một Trung tâm đổi mới sáng tạo.
Thứ năm, nâng cao truyền thông trong chuyển đổi số
Mỗi đảng viên hãy trở thành một hạt nhân để lan tỏa và đưa công nghệ số đến mọi ngóc ngách của cuộc sống và đến từng gia đình nhằm giúp ích cho việc phổ cập công nghệ số cho người dân.
Tuyên truyền, phổ biến cho mọi người xung quanh biết và sử dụng các nền tảng số, đặc biệt là cho những người cao tuổi hoặc những người dân ở vùng sâu, vùng xa không có nhiều điều kiện để tiếp xúc với công nghệ.
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Đảng viên đi trước làng nước theo sau”, với vai trò tiên phong cùng tinh thần nhiệt huyết, lòng trung thành và sự quyết tâm của mình, Chi bộ Kiểm soát tin tưởng rằng với sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng ủy PVEP cùng với sự tham gia tích cực của các đảng viên, Đảng bộ PVEP sẽ góp phần đưa công cuộc chuyển đổi số của nước ta đi tới thành công.
Chi bộ Kiểm soát