Thủy điện Hủa Na: Thành công nhờ đồng thuận

07:52 | 19/09/2013

1,246 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Nhân dịp Thủy điện Hủa Na khánh thành, phóng viên Báo điện tử PetroTimes đã có cuộc phỏng vấn ông Lữ Đình Thi, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong (Nghệ An) về vai trò, ý nghĩa của dự án và ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na (PV Power HHC) về quá trình thực hiện dự án.

PV: Thưa ông, Dự án Thủy điện Hủa Na ra đời có vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương?

Ông Lữ Đình Thi: Trước khi dự án được thực hiện, Quế Phong là một huyện vùng biên, miền núi gặp nhiều khó khăn phía tây bắc Nghệ An. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn chiếm trên 40%. Trong những năm qua, huyện chúng tôi chọn cho mình một cách đi riêng, đó là tranh thủ mọi nguồn vốn tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng làm tiền đề cho sự phát triển. Tính đến nay huyện Quế Phong đã có 14/14 xã, thị trấn đã có điện lưới quốc gia. Trong những năm qua, trên địa bàn đã có 159 công trình mới mọc lên. Huyện Quế Phong còn có tiềm năng lớn về khai thác thủy điện, đến nay toàn huyện đã có 4 nhà máy thủy điện, trong đó Dự án Thủy điện Hủa Na nằm trong quy hoạch điện VI của Chính phủ do chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí có tổng mức đầu tư lớn nhất, chất lượng cao.

Qua 5 năm thực hiện, đến tháng 3/2013 cả 2 tổ máy Nhà máy Điện Hủa Na với tổng công suất 180MW đã hòa vào lưới điện quốc gia, cùng với các công trình Thủy điện Bản Cốc, Sao Va, Nhạn Hạc đưa tổng số công suất phát điện lên 330MW. Đây là tiềm năng lớn để Quế Phong bước vào con đường hiện đại hóa nông thôn. Dự án Thủy điện Hủa Na ra đời là bước ngoặt to lớn, góp phần cải thiện nguồn điện năng của đất nước và là cơ hội thuận lợi đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của miền tây Nghệ An. Sự thành công khởi đầu của dự án đã khẳng định quyết tâm không ngừng cải thiện môi trường đầu tư của Nghệ An.

Ông Lữ Ðình Thi

PV: Ở hầu hết các dự án thủy điện, công tác di dân, giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề rất nan giải ở địa phương. Huyện Quế Phong đã thực hiện công tác này với thời gian rất ngắn, những yếu tố nào đã làm nên “kỳ tích” đó, thưa ông?

Ông Lữ Ðình Thi: Để đạt được tiến độ đề ra, đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung của lãnh đạo tỉnh Nghệ An và huyện Quế Phong, thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho công tác tái định cư (TĐC). Những thách thức ban đầu đặt ra đối với chúng tôi phải di dời khỏi khu vực lòng hồ hơn 1.361 hộ dân ở 14 bản thuộc xã Đồng Văn và Thông Thụ; chiếm khoảng 10% dân số của cả huyện trong thời gian sớm nhất, đây là nhiệm vụ lớn, song lãnh đạo tỉnh, huyện Quế Phong và các tổ chức chính trị đã vào cuộc quyết liệt, cùng với sự hỗ trợ của các ban, ngành trong tỉnh tăng cường tuyên truyền vận động, hướng dẫn chính sách tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân chính là những yếu tố quyết định rút ngắn thời gian di dân, giải phóng mặt bằng.

PV: Ông có đánh giá thế nào về tiến độ thực hiện dự án của chủ đầu tư?

Ông Lữ Đình Thi: Chúng tôi đánh giá rất cao về tiến độ thực hiện dự án của chủ đầu tư. Mặc dù có nhiều thời điểm hết sức khó khăn phải cắt giảm đầu tư, nhưng bằng quyết tâm và trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc huy động nguồn vốn, đáp ứng yêu cầu chi trả giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu TÐC. Quá trình quy hoạch các điểm TÐC, chính quyền địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình phúc lợi điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt... gắn với xây dựng nông thôn mới trong thời gian nhanh nhất.

Huyện chúng tôi đã có riêng nghị quyết chuyên đề về TĐC Thủy điện Hủa Na. Khi thành lập ban chỉ đạo ở các cấp chúng tôi nhận được sự ủng hộ, đồng thuận khá lớn từ phía người dân. Có thể nói rằng, chưa có một dự án TĐC nào thuận lợi như Dự án Thủy điện Hủa Na, kể cả ngay từ bước đầu khi xây dựng một số cơ chế chính sách, quy định về TĐC thì người dân rất đồng tình. Việc di dời dân trong khi các hạng mục chưa xong chính là thể hiện tinh thần hợp tác rất cao của người dân.

PV: Chính quyền địa phương đã thực hiện những giải pháp nào để ổn định đời sống cho người dân?

Ông Lữ Đình Thi: Kể từ khi bà con đến nơi ở mới, chúng tôi đã thành lập nhóm hỗ trợ sản xuất trong ban chỉ đạo, triển khai quy hoạch đất sản xuất, sớm bàn giao cho các gia đình, trong đó đất lâm nghiệp hộ cao nhất được nhận 5ha, hộ thấp nhất 2ha; đất làm nương rẫy 1.500m2 - 2.000m2/hộ cùng với 400m2 đất vườn liền kề và 350-400m2 đất ở. Ðẩy mạnh tiến độ khai hoang ruộng nước, ở những nơi có điều kiện xây dựng hệ thống thủy lợi nhỏ... Với mục tiêu phấn đấu từ năm 2017 đến 2020 ổn định sản xuất, đời sống cho toàn bộ các gia đình TÐC. Trước mắt, khi đất sản xuất chưa bàn giao hết, huyện đã tổ chức cấp gạo cho các hộ dân với mức 30 kg/người/tháng từ 3 đến 4 năm.

Trong thời gian tới, chính quyền địa phương bằng mọi cách tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện cho bà con nuôi cá lồng ở lòng hồ thủy điện, trồng rau sạch trên đất bán ngập, trồng cây cao su…

PV: Chính quyền địa phương đã có những biện pháp nào để giữ vững an ninh, đảm bảo cho thủy điện vận hành an toàn, hiệu quả lâu dài, thưa ông?

Ông Lữ Đình Thi: Là một công trình trọng điểm quốc gia, sự sống còn cho cả vùng hạ lưu sông Chu, an ninh ở đây còn gắn liền với an ninh biên giới nên chúng tôi đặc biệt chú trọng tới công tác này. Chính quyền, lực lượng công an, bộ đội biên phòng, nhân dân địa phương luôn có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra khu vực lòng hồ để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhà máy.

PV: Xin cảm ơn ông!

Từ tinh thần dầu khí đến kỳ tích Hủa Na

PV: Xin chúc mừng Thủy điện Hủa Na chính thức khánh thành, vào thời điểm quan trọng này, ông có thể cho biết những điều tâm đắc về dự án?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT PV Power HHC

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Nhà máy Thủy điện Hủa Na hoàn thành hòa lưới điện quốc gia đảm bảo tiến độ, chất lượng, kết quả này trước hết là nhờ quyết tâm cao, cộng với sự chỉ đạo chặt chẽ, quyết liệt của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power). Đồng thời là sự hội tụ của những yếu tố như: Sự đồng thuận của nhân dân, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, các cổ đông và sự đoàn kết một lòng, quyết tâm từ chủ đầu tư đến toàn thể cán bộ, công nhân lao động trên công trường, các nhà thầu thi công như Lilama, Sông Đà… Điều tâm đắc nhất của chúng tôi chính là tinh thần dầu khí đã tạo nên một nền tảng vững chắc cho sự thành công của Dự án Thủy điện Hủa Na. Được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tập đoàn, PV Power đã thường xuyên đôn đốc, tổ chức giao ban trên công trường hằng tháng đã giải quyết, tháo gỡ được những vướng mắc của dự án ở nhiều thời điểm khác nhau.

PV: Thưa ông, để hoàn tất một khối lượng công việc lớn trong khoảng thời gian ngắn như vậy, ông đánh giá như thế nào về sự phối kết hợp giữa các bên?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Dự án Thủy điện Hủa Na thành công như ngày hôm nay do sự toàn tâm, toàn ý, sự thống nhất đoàn kết của chủ đầu tư, các nhà thầu thi công, các cấp chính quyền và nhân dân địa phương. Cụ thể như đối với công tác giải phóng mặt bằng và di dân tái định cư, Dự án Thủy điện Hủa Na phải di chuyển 1.362 hộ dân ra khỏi khu vực lòng hồ thuộc 14 bản của 2 xã Đồng Văn và Thông Thụ của huyện Quế Phong. Với khối lượng công việc khổng lồ như vậy nhưng nhờ sự hậu thuẫn của đồng bào, của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của các đơn vị trên địa bàn nên việc di dân ra khỏi khu vực lòng hồ đã hoàn thành đảm bảo điều kiện tích nước hồ chứa vào ngày 4/7/2012. Được sự quan tâm của Lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An, Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na không những xây dựng tốt các khu tái định cư mà còn tạo các điều kiện tốt nhất giúp bà con ổn định cuộc sống lâu dài. Trong chuyến kiểm tra công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và di dân tái định cư Dự án Thủy điện Hủa Na vào tháng 1/2012, đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đã đánh giá: “Các khu tái định cư của Dự án Thủy điện Hủa Na là điển hình của sự chăm lo đời sống cho bà con, với chất lượng cao, tiến độ nhanh và rất phù hợp với tập quán cuộc sống của đồng bào dân tộc Thái”.

Đạt được mục tiêu phát điện của dự án, PV Power HHC cùng các đơn vị thi công đã thực hiện công tác quản lý đầu tư xây dựng và công tác xây dựng, lắp đặt thiết bị của nhà máy bằng các biện pháp như: tăng cường nhân lực, làm việc 3 ca liên tục, làm việc cả các ngày nghỉ, lễ, tết… Đặc biệt, trong hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước, PVN, PV Power đã cấp đủ vốn để PV Power HHC giải ngân kịp thời cho các nhà thầu, đảm bảo các điều kiện về quản lý đầu tư xây dựng, đạt được các mốc tiến độ của dự án.

PV: Xây dựng thủy điện, tính sống còn và hiệu quả kinh tế thể hiện tại các mốc tiến độ. Ông có thể điểm lại những thời điểm quan trọng của dự án?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Nói về những mốc thời gian quan trọng có ảnh hưởng quyết định đến thành công của dự án, đầu tiên phải kể đến quyết định cơ cấu lại tài chính của toàn bộ dự án, lãnh đạo PVN đưa PV Power HHC từ một công ty cổ phần, PVN chỉ chiếm 15% lên cổ đông chi phối chiếm 52,33% vốn. Từ đó, dưới sự chỉ đạo của PVN/PV Power, PV Power HHC có thể quyết định xử lý toàn bộ các vấn đề then chốt của dự án.

Mốc thời gian đặc biệt của dự án chính là nhiệm vụ mà PVN đặt ra cho PV Power HHC tại cuộc họp vào ngày 19-6-2009. Lãnh đạo PVN đã yêu cầu Dự án Thủy điện Hủa Na sau 3 năm phải đạt được mục tiêu phát điện, hòa lưới điện quốc gia. Đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn mà nhiều chuyên gia về xây dựng thủy điện cho rằng “không tưởng”. Trước tình hình ấy, Hội đồng Quản trị và Ban Điều hành PV Power HHC đã xin một cơ chế đặc biệt để có thể đẩy nhanh tiến độ thi công là “những vấn đề tại hiện trường, lãnh đạo công ty được phép quyết định xử lý ngay rồi báo cáo sau” nếu vượt thẩm quyền. Chính từ sự tin tưởng của lãnh đạo cấp trên đã biến ý chí “không có gì là không thể thực hiện” của người dầu khí đã làm nên thành tích: Dự án đã hoàn thành và phát điện đúng mục tiêu. 

PV: Thưa ông, tính đến ngày 15/9 tổng sản lượng điện đã hòa lưới điện quốc gia của Thủy điện Hủa Na là bao nhiêu?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Được sự giúp đỡ, chia sẻ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đặc biệt là Cục Điều tiết Điện lực, của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cũng như chỉ đạo và quan tâm của lãnh đạo PVN, PV Power, sự quản lý chuyên nghiệp của PV Power HHC từ đầu mùa lũ đến nay, hằng tháng Nhà máy Thủy điện Hủa Na đều phát điện được trên 90% công suất, tính đến hết ngày 10/9/2013 tổng sản lượng đạt gần 400 triệu kWh điện. Có thể khẳng định, Nhà máy Thủy điện Hủa Na đang vận hành ổn định, liên tục và an toàn.

PV: Trước thời khắc khánh thành Nhà máy Thủy điện Hủa Na, ông có muốn nhắn nhủ gì với những người từng “chung lưng đấu cật” cùng ông trong những năm qua?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Tại thời điểm này, khi nhà máy đã có doanh thu từ tiền bán điện, một lần nữa tôi xin thay mặt HĐQT, các cổ đông của PV Power HHC bày tỏ lòng biết ơn đối với sự hy sinh, rời xa gia đình, người thân để hăng say xây dựng thủy điện. Sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo PVN và PV Power, các cổ đông, sự nỗ lực của các nhà thầu và sự ủng hộ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An đã giúp đỡ chúng tôi hoàn thành tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và di dân tái định cư của dự án. Đặc biệt, chúng tôi tri ân đến sự hy sinh không gì bù đắp nổi của đồng bào các dân tộc tại địa phương đã từ bỏ mảnh đất sinh sống, gắn bó hằng bao đời nay vì sự phát triển kinh tế đất nước.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cảm xúc những người làm Thủy điện Hủa Na

Ông Trần Văn Biên, Phó giám đốc PV Power HHC, phụ trách kỹ thuật: Điều tôi tự hào nhất đó là sự đoàn kết của tập thể cán bộ, công nhân viên, thể hiện tinh thần dầu khí bất khuất, không quản ngại khó khăn của hàng nghìn cán bộ, công nhân lao động trên công trường. Nhìn lại 3 năm thực hiện dự án, từ tích nước, di dân, đến nay hàng triệu kWh điện lên lưới điện quốc gia mỗi ngày khiến chúng tôi rất xúc động và tự hào. Đó là thành quả lao động miệt mài, kỷ luật và trách nhiệm của những người xây dựng Thủy điện Hủa Na.

Riêng dân kỹ thuật thì những dấu ấn đặc biệt là những sáng kiến, đột phá trong công tác thi công xây dựng. Đột phá thi công đầu tiên là hạng mục đường hầm dẫn dòng. Trải qua rất nhiều cuộc họp cùng các chuyên gia thi công thủy điện hàng đầu Việt Nam đã nghiên cứu, đánh giá địa chất và quyết định bỏ 200m bê tông đường hầm dẫn dòng thi công. Đây là lần đầu tiên một công trình thủy điện thực hiện thành công giải pháp này. Ngoài ra là các sáng kiến như chuyển đổi bộ cốp pha đơn thành bộ cốp pha kép trong thi công hầm dẫn nước, cải tiến phương án dẫn nước mùa lũ 2011 trong điều kiện đập chính chưa hoàn thành, mở đường công vụ khi tiến độ thi công đường Tây Nghệ An chậm tiến độ, lắp đặt cầu thép định hình thay thế cầu bê tông cốt thép… đều thể hiện bản lĩnh và tính quyết đoán của ban quản lý dự án cũng như sự chuyên nghiệp của các nhà thầu thi công Sông Đà và LILAMA.

 Ông Cao Xuân Quỳnh, Phó chánh Văn phòng, Trợ lý Chủ tịch HĐQT: Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là mảng công tác phức tạp, khó kiểm soát và thường là nguyên nhân làm chậm tiến độ các dự án. Trong điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, nhưng lãnh Tập đoàn, lãnh đạo tổng công ty vẫn kiên quyết chỉ đạo phải tập trung lực lượng, trí tuệ và tiền bạc cùng với địa phương không những thực hiện tốt chính sách BT, HT & TĐC mà còn làm tốt công tác an sinh xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Để có được thành công như hôm nay, phải khẳng định rằng: nếu không có sự vào cuộc quyết liệt, sự hỗ trợ kịp thời, mạnh mẽ từ việc kiểm tra, đôn đốc đến việc thu xếp vốn của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí, của Tập đoàn Dầu khí; sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương; của các cấp bộ Đảng, chính quyền địa phương và đặc biệt là sự đồng thuận, hy sinh của bà con 14 bản vùng lòng hồ thì chắc chắn dự án không đạt được kết quả như ngày hôm nay.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Trưởng ban Quản lý đường dây 220kV Hủa Na - Thanh Hóa: Dự án đường dây 220kV Hủa Na - Thanh Hóa do chúng tôi thi công đi qua 5 huyện, 2 tỉnh là Quế Phong (Nghệ An), Thường Xuân, Thọ Xuân, Triệu Sơn và Thiệu Hóa (Thanh Hóa) với chiều dài 74,8km tuyến, gồm 206 vị trí trọng điểm. Với địa hình rừng núi khó khăn, phức tạp trong thi công và công tác đền bù giải phóng mặt bằng hết sức nan giải. Bất kể mưa nắng, chúng tôi phải luôn kiểm tra đường dây một cách thường xuyên. Ngoài ra còn phải đi kiểm tra sự cố, kiểm tra trước và sau những ngày lễ tết, những ngày mưa bão, lũ lụt, nhất là những cung đoạn đường dây xung yếu. Nhiệm vụ sau này của chúng tôi là giữ cho dòng điện Hủa Na luôn thông suốt, đó là trọng trách và cũng hết sức vinh quang.

Ông Bùi Xuân Hòa, Trưởng phòng Vận hành: Công việc chính của chúng tôi là vận hành an toàn các thiết bị trong nhà máy. Phần lớn đều là những anh em trẻ nên tinh thần làm việc rất cao, ham học hỏi và không quản ngại khó khăn. Khi vào ca, chúng tôi phải thường xuyên theo dõi các thông số vận hành của thiết bị, kiểm tra thiết bị, hàng giờ ghi thông số để báo cáo, ghi chép sổ sách, vệ sinh nơi làm việc. Ngoài ra, còn phải thực hiện thao tác “đóng, cắt” điện đột xuất hoặc theo kế hoạch của điều độ điện lực. Trường hợp xảy ra những hiện tượng bất thường, trở ngại, những tình huống sự cố của thiết bị, chúng tôi phải kiểm tra xử lý (trong khả năng chuyên môn được cho phép). Với niềm tin được cấp trên giao phó, thay mặt cho anh em đội quản lý vận hành chúng tôi sẽ cố gắng  đảm bảo công tác vận hành an toàn, ổn định lâu dài cho nhà máy.

K.C


Kiên Công (thực hiện)

DMCA.com Protection Status