Tìm giải pháp cho công tác nhân tài ở Việt Nam

18:52 | 06/09/2011

806 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Sáng 6/9, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Chủ nhiệm Đề tài ĐTĐL.2010 G/47 tổ chức Hội thảo khoa học “Công tác nhân tài ở Việt Nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn”. Đồng chí Hồ Đức Việt nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì Hội thảo.

Đến dự, có các đồng chí: Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Tuấn Khanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương; lãnh đạo các ban Đảng, bộ, ngành Trung ương; đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Về phía Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam có đồng chí Phùng Đình Thực, Tổng giám đốc Tập đoàn; đồng chí Lê Minh Hồng, Phó tổng giám đốc tập đoàn; đồng chí Phạm Xuân Cảnh; Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn; đồng chí Trần Quang Dũng; Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn…

Đồng chí Hồ Đức Việt phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo khoa học lần này nhằm tiếp thu ý kiến đóng góp của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, những người quản lý các doanh nghiệp nhằm làm rõ thêm cơ sở lý luận và thực tiễn của công tác nhân tài ở nước ta hiện nay.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Hồ Đức Việt cho rằng công tác nhân tài ở nước ta hiện nay cũng có những hạn chế, bất cập. Do chúng ta còn thiếu những mục tiêu cụ thể, những chương trình, kế hoạch tổng thể, những giải pháp mang tính chiến lược trong công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và trọng dụng nhân tài nên chưa chú ý tới nhiệm vụ theo dõi quá trình phát triển của những mầm mống tài năng được phát hiện sớm trong các trường phổ thông và đại học.

Trong cơ chế, quy trình đánh giá, tuyển chọn và sử dụng cán bộ cũng còn những mặt yếu, chưa phát huy đầy đủ dân chủ, còn hạn chế về tính khách quan, công khai, minh bạch. Vì thế, không ít người tài đã không được phát hiện, trọng dụng hoặc bố trí vào vị trí thích hợp. Chính sách đãi ngộ đối với nhân tài trong điều kiện mới cũng chưa được nghiên cứu thực thi đầy đủ nên chưa phát huy được tác dụng, chưa thu hút được nhiều người có tài (cả trong và ngoài Đảng) vào công tác trong hệ thống chính trị cũng như người từ nước ngoài về Việt Nam làm việc. Chúng ta cũng chưa chú ý tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để nhân tài hoạt động, phát triển tài năng, toàn tâm toàn ý cho công việc….

Vì thế đã dẫn đến tình trạng có người tài đã rời bỏ khu vực công tác phù hợp với năng lực, sở trường, khả năng cống hiến của mình để chuyển sang khu vực khác có chế độ đãi ngộ tốt hơn. Một số chủ trương về nhân tài của Đảng và Nhà nước trong những năm vừa qua còn thiếu sự chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, tập trung và có tính hệ thống; việc thực hiện chính sách vẫn còn mang tính tự phát ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương; việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài còn thiếu đồng bộ và còn nhiều thiếu sót….

Theo TS Văn Tất Thu, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ: Nhân tài có vị trí đặc biệt quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua tất cả các thời kỳ lịch sử, không chỉ trong các lĩnh vực quân sự, chính trị, mà cả trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa. Ông cha ta đã ý thức rõ vị trí, vai trò của hiền tài, coi hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì đất nước hùng mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Đó là một chân lý đã được khắc trên bia tiến sỹ tại Quốc Tử Giám Hà Nội từ thế kỷ XV. Năm 1429, Vua Lê xuống chiếu cần hiền khẳng định “đất nước thịnh trị tất ở việc cử hiền và người làm vua thiên hạ phải lo việc đó trước tiên”. Vua Quang Trung trong chiếu lập Nhà học nhấn mạnh “dựng nước lấy học làm đầum cần thị lấy nhân tài làm gốc”. Bác Hồ dạy “nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài”.

TS Văn Tất Thu cho rằng, chúng ta chỉ có thể thực hiện thành công sự nghiệo công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và mở cửa hội nhậo kinh tế quốc tế khi biết chăm lo vun trồng nguyên khí của quốc gia, biết phát hiện, đào tạo, trọng dụng và sử dụng đúng nhân tài. Nhân tài khác với thiên tài và nhân tài hoàn toàn có thể đào tạo được.

Để sử dụng và phát huy hiệu quả của nhân tài, theo các đại biểu, cần tiếp tục đổi mới tư duy về nhân tài, về vai trò của nhân tài đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Cần xây dựng một hệ thống chính sách, kế hoạch và giải pháp mạnh về bồi dưỡng, thu hút, sử dụng nhân tài. Cụ thể, cần định danh và phân loại nhân tài, có tiêu chí cụ thể trong việc đánh giá, sử dụng nhân tài; cần xây dựng các thiết chế đặc thù để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Cần có chính sách khuyến khích việc phát hiện và tiến cử nhân tài. Cần có chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút đội ngũ nhân tài quốc tế (bao gồm cả du học sinh Việt Nam đào tạo ở nước ngoài và người nước nước ngoài).

Theo các đại biểu, có 2 điều kiện cơ bản, quan trọng nhất về cơ chế đánh giá, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, đó là lương bổng và điều kiện môi trường làm việc phải đảm bảo tốt để nhân tài phát huy năng lực. Nếu lương thấp thì không thu hút được nhân tài, đó không phải là cách trọng dụng nhân tài và như vậy, nhân tài sẽ ra đi. Nhưng ngược lại, ở những chỗ lương cao, nhưng môi trường kỳ thị, đố kỵ và thiếu dân chủ, tự do thật sự, không minh bạch thì nhân tài cũng không có triển vọng cống hiến và phát triển thì nhân tài cũng sẽ ra đi.

Văn Dũng

DMCA.com Protection Status