Tin Thị trường: Nga gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu diesel

17:01 | 23/11/2023

10,330 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Nga gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu diesel; Hạn ngạch xuất khẩu của Trung Quốc mang tới nhiều thách thức...
Tin Thị trường: Nga gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu diesel

Nga gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu diesel

Bộ Năng lượng Nga ngày 22/11 cho hay Chính phủ nước này đã quyết định gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu diesel do thị trường nội địa đã bão hòa.

Bộ Năng lượng Nga thông báo: "Chính phủ Liên bang Nga đã quyết định gỡ bỏ lệnh cấm tạm thời xuất khẩu nhiên liệu diesel mùa Hè, được đưa ra vào ngày 21/9 như một phần trong loạt biện pháp nhằm ổn định tình hình giá cả trên thị trường nhiên liệu trong nước".

Phó Tổng giám đốc thứ nhất Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Boris Kopeikin đánh giá các biện pháp cấm tạm thời xuất khẩu nhiên liệu đã được thực hiện kịp thời, nhằm tạo thêm khối lượng trên thị trường nội địa và ổn định giá cả, đầu tiên là trong hoạt động bán buôn và bán lẻ.

Ông Kopeikin khẳng định, hiện nay thị trường đang dần đi đến trạng thái cân bằng, giá bán buôn và bán lẻ đã ổn định.

Ngày 21/9, Chính phủ Nga đã áp đặt lệnh cấm tạm thời đối với xuất khẩu xăng và dầu diesel để ổn định thị trường nội địa, nhưng có một số trường hợp ngoại lệ.

Ngày 6/10, Nga đã gỡ bỏ hạn chế xuất khẩu nhiên liệu diesel qua đường ống tới cảng biển đối với các nhà sản xuất cung cấp ít nhất 50% lượng nhiên liệu diesel cho thị trường nội địa.

Hạn ngạch xuất khẩu của Trung Quốc mang tới nhiều thách thức

Trung Quốc đã ghi nhận xuất khẩu xăng giảm trong tháng 10 so với một năm trước và so với tháng 9 năm nay do các nhà máy lọc dầu trong nước phải đối mặt với lợi nhuận thấp hơn và hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu còn lại khá hạn chế.

Sự sụt giảm trong xuất khẩu nhiên liệu của Trung Quốc cho thấy nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới có thể không thể giải cứu thị trường nhiên liệu châu Á và toàn cầu trong mùa đông này như đã làm vào mùa đông năm ngoái, nhà báo Clyde Russell của Reuters lưu ý.

Tháng trước, xuất khẩu dầu diesel của Trung Quốc tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước lên 1,1 triệu tấn, nhưng giảm so với mức xuất khẩu 1,18 triệu tấn của tháng 9, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Tuy nhiên, xuất khẩu xăng giảm 20% so với tháng 10 năm 2022, do nhu cầu trong nước tăng mạnh trong kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần vào đầu tháng 10.

Nhưng có vẻ như xuất khẩu dầu diesel của Trung Quốc đã đạt đỉnh vào tháng 6 năm nay, nhà báo Russell cho hay. Xuất khẩu dầu diesel của Trung Quốc đã giảm kể từ đó, ngoại trừ tháng 8, khi các nhà máy lọc dầu được cấp hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu đợt thứ ba.

Từ tháng 1 đến tháng 8, các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đã tăng gấp ba lần lượng xuất khẩu dầu diesel khi hạn ngạch xuất khẩu và lợi nhuận lọc dầu tăng ở châu Á đã chứng tỏ có đủ động lực trong bối cảnh nhu cầu dầu diesel trong nước ảm đạm. Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu dầu diesel của Trung Quốc tăng 197,2% so với cùng kỳ 8 tháng năm 2022, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan được Reuters trích dẫn.

Hồi cuối tháng 8, Trung Quốc đã cấp hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu lớn hơn dự kiến trong đợt phân bổ thứ ba cho năm 2023 khi giới chức nước này tìm cách khuyến khích các nhà máy lọc dầu duy trì tăng trưởng kinh tế.

Giá khí đốt tại châu Âu bật tăng trở lại

Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã gia hạn thêm 6 tháng (đến tháng 6/2024) đối với kế hoạch cho phép các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ các công ty bị tác động bởi sự tăng giá năng lượng do cuộc xung đột Nga - Ukraine gây ra.

Động thái kể trên cho phép 27 quốc gia thành viên EU cung cấp nhiều hình thức hỗ trợ tài chính để bù đắp cho các công ty bị tác động bởi chi phí cho điện và khí đốt tăng cao.

Kế hoạch này được đưa ra 1 tháng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022, gây xáo trộn nguồn cung năng lượng và khiến giá cả tăng vọt. Kế hoạch này sẽ đáo hạn vào ngày 31/12/2023.

EC cho rằng, mặc dù giá năng lượng đã bình ổn kể từ cuối năm ngoái, song, thị trường năng lượng vẫn dễ bị tổn thương.

EC cho hay: "Các quốc gia thành viên có thể duy trì các chương trình hỗ trợ của mình để trang trải giai đoạn sưởi ấm vào mùa Đông sắp tới". Tuy nhiên, Brussels cũng nhấn mạnh rằng trợ cấp sẽ chỉ được phép trong chừng mực giá năng lượng vượt quá đáng kể mức trước khủng hoảng.

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng do dự báo thời tiết lạnh hơn. Giá khí đốt tăng gần 7% trong phiên giao dịch đầu tuần này, qua đó kết thúc đà giảm 4 phiên liên tiếp.

Nhiệt độ tại vùng Tây Bắc châu Âu dự kiến ​​sẽ giảm xuống dưới mức bình thường vào cuối tháng này - điều có thể thúc đẩy nhu cầu sưởi ấm.

Bên cạnh đó, một tàu hàng Israel bị phiến quân Houthi bắt giữ ở Biển Đỏ hôm 19/11 đã làm dấy lên lo ngại rằng cuộc xung đột Israel-Hamas có thể dẫn đến sự gián đoạn vận chuyển trên diện rộng.

Bình An

DMCA.com Protection Status