Tin Thị trường: Nga - Thổ nối lại đàm phán về thành lập trung tâm giao dịch khí đốt

16:37 | 18/09/2023

9,792 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Nga - Thổ nối lại đàm phán về thành lập trung tâm giao dịch khí đốt tự nhiên; Nguồn cung diesel khan hiếm một lần nữa đe dọa lạm phát...
Tin Thị trường: Nga - Thổ nối lại đàm phán về thành lập trung tâm giao dịch khí đốt

Nga - Thổ nối lại đàm phán về thành lập trung tâm giao dịch khí đốt

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã tái khởi động các cuộc thảo luận về việc thành lập một trung tâm giao dịch khí đốt tự nhiên trong khu vực, nhưng những bất đồng hiện tại về nền tảng giao dịch có thể trì hoãn điều này.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, ông và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã đồng ý thành lập một trung tâm khí đốt tự nhiên đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Erdogan khi đó tuyên bố: "Châu Âu có thể nhận khí đốt tự nhiên từ Thổ Nhĩ Kỳ".

Trước đó, Tổng thống Putin lần đầu tiên đề nghị Nga chuyển hướng cung cấp khí đốt tự nhiên từ các đường ống Nord Stream bị hư hỏng và thành lập một trung tâm khí đốt châu Âu ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Các cuộc đàm phán Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đình chỉ do trận động đất hồi tháng 2 ở Thổ Nhĩ Kỳ và cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5.

Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ, Alparslan Bayraktar thông báo rằng, các cuộc đàm phán đã được nối lại.

Tuy nhiên, có những bất đồng về nền tảng giao dịch. Ông Bayraktar cho biết Nga muốn có một nền tảng mới trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất mở rộng Sàn giao dịch năng lượng Istanbul hiện đang hoạt động.

Reuters dẫn lời quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, để chuẩn bị cho một trung tâm khí đốt tiềm năng, nước này cũng có kế hoạch mở rộng cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên.

Nguồn cung diesel khan hiếm đe dọa lạm phát

Thị trường sản phẩm chưng cất toàn cầu đang thắt chặt trở lại, làm tăng giá dầu diesel và dầu sưởi khi mùa thu hoạch và mùa sưởi ấm mùa đông tới gần, đồng thời có nguy cơ khiến gia tăng áp lực lạm phát.

Những gián đoạn của các nhà máy lọc dầu, dòng chảy thương mại dầu mỏ toàn cầu thay đổi, thị trường vận tải hàng hóa lạc quan một cách thận trọng ở Mỹ và tồn kho ở mức thấp nhất trong nhiều năm đã thắt chặt thị trường dầu diesel và có khả năng sẽ khan hiếm hơn nữa trong những tháng tới.

Hợp đồng tương lai diesel ở Mỹ đang tăng trong bối cảnh Bờ Đông tranh nhau mua nhiên liệu chưng cất trước mùa đông, khi các nhà máy lọc dầu tiến hành bảo trì theo kế hoạch.

Thị trường dầu diesel toàn cầu cũng đang eo hẹp, khi dầu dự trữ bị rút ra và nguồn cung dầu thô hạn chế bởi liên minh OPEC+ thông qua việc cắt giảm sản lượng liên tục.

Giá dầu diesel tăng dự kiến sẽ ảnh hưởng rộng hơn đến nền kinh tế, khi chi phí sản xuất và vận tải đường bộ tăng, có khả năng dẫn đến áp lực lạm phát nhiều hơn mức mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác mong muốn.

Nếu lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao, lo ngại về Mỹ và nền kinh tế toàn cầu sẽ nhiều hơn.

Báo cáo tồn kho hàng tuần mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, dự trữ nhiên liệu chưng cất ở Mỹ tăng 3,9 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 8/9, nhưng tồn kho vẫn thấp hơn khoảng 13% so với mức trung bình 5 năm tại thời điểm này trong năm.

Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO) mới nhất hồi đầu tuần trước, EIA cho rằng các kho dự trữ vào mùa thu sẽ giảm nhiều hơn mức trung bình theo mùa thông thường do bảo trì nhà máy lọc dầu.

Bảo trì tại nhà máy lọc dầu Irving Oil ở St. John, New Brunswick và tại nhà máy lọc dầu Monroe Energy ở Trainer, Pennsylvania, dự kiến ​​sẽ làm giảm nguồn cung dầu nhiên liệu chưng cất cho Bờ Đông, nơi tiêu thụ dầu sưởi nhiều nhất ở Mỹ.

EIA dự báo tồn kho sản phẩm chưng cất sẽ giảm khoảng 11 triệu thùng trong tháng 10, nhiều hơn mức giảm trung bình trong tháng 10 từ năm 2018-2022 là gần 8 triệu thùng, phần lớn là do bảo trì. Lợi nhuận lọc dầu diesel cao hơn dự kiến ​​trong tháng 8 và sẽ tăng trong suốt tháng 10.

Khối lượng dầu thô toàn cầu được nạp lên tàu giảm mạnh

Vortexa mới đây cho biết, lượng dầu thô và condensate trên toàn cầu được nạp lên tàu đã giảm trong tháng 8 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm ngoái, dẫn đến sự sụt giảm trong lượng tải của Ả Rập Xê-út.

Theo Vortexa, nguồn cung toàn cầu đang thắt chặt, trong khi nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đang phục hồi.

"Sự kết hợp giữa nguồn cung thắt chặt hơn và nhu cầu ngày càng tăng này có thể sẽ tiếp tục kéo dài đến cuối năm nay và hỗ trợ giá cả, đặc biệt là do việc gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện gần đây của Ả Rập Xê-út trong bối cảnh hoạt động của các nhà máy lọc dầu toàn cầu nhìn chung tăng lên", Jay Maroo, Trưởng phòng Thông tin & Phân tích Thị trường (MENA) tại Vortexa cho hay.

Trước đó, Ả Rập Xê-út đã gia hạn sản lượng tự nguyện cắt giảm 1 triệu thùng mỗi ngày cho đến tháng 12. Động thái này đã ngay lập tức đẩy giá chuẩn dầu Brent và WTI vượt mốc 90 USD/thùng trong tuần trước, và có tuần tăng thứ ba liên tiếp.

Theo dữ liệu của Vortexa, khối lượng dầu thô và condensate được nạp lên tàu trên toàn cầu đã giảm xuống khoảng 47 triệu thùng/ngày trong tháng 8, mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm 2022, do lượng dầu tải từ Ả Rập Xê-út giảm gần 1,1 triệu thùng/ngày.

Maroo của Vortexa nhận định: "Việc giảm tải của Ả Rập Xê-út có nghĩa là đóng góp của Vương quốc này vào tổng lưu lượng đường biển toàn cầu đang ở mức thấp trong nhiều năm".

Về phía Trung Quốc, sau đợt sụt giảm trong tháng 7, nền kinh tế thứ hai thế giới đã nhập thêm gần 1,3 triệu thùng dầu thô so với tháng trước đó trong tháng 8 với gần 13 triệu thùng/ngày, theo phân tích của Vortexa.

Hồi tuần trước, Vortexa nói rằng thị trường chưa cảm nhận được toàn bộ tác động của việc cắt giảm sản lượng bổ sung của Ả Rập Xê-út. Điều này có thể dẫn đến thị trường thắt chặt hơn nếu nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới giữ xuất khẩu ở mức thấp.

Bình An

DMCA.com Protection Status