Tin tức kinh tế ngày 1/4: Chi phí đầu vào tăng mạnh nhất trong 11 năm

21:04 | 01/04/2022

3,810 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Chi phí đầu vào tăng mạnh nhất trong 11 năm; Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài tăng cao; Huy động nhập khẩu than để giải cứu các nhà máy điện trong nước… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 1/4.
Tin tức kinh tế ngày 4/1:
Chi phí đầu vào tăng mạnh nhất trong 11 năm

Giá vàng thế giới tiếp tục tăng, thị trường trong nước biến động trái chiều

Tại thị trường vàng trong nước, giao dịch lúc 8h sáng nay: Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 68,15-68,87 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tăng 150.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua-bán vàng là 720.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 68,05-68,80 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và giữ nguyên mức giá chiều bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua - bán vàng là 750.000 đồng/lượng.

Còn tại Tập đoàn DOJI, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 67,90-68,85 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giữ nguyên mức giá chiều mua vào và tăng 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch giá mua - bán vàng là 950.000 đồng/lượng.

Tại thị trường vàng thế giới (cùng giờ Việt Nam): giá vàng được niêm yết ở mức 1.934,10 USD/ounce, tăng 4,1 USD/ounce so với phiên giao dịch sáng qua.

Giá dầu giảm mạnh, mất mốc 100 USD/thùng

Giá dầu thế giới bắt đầu giảm mạnh từ ngày hôm qua, chính thức mất mốc 100 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch này 31/3, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 5 giảm 7,54 USD/thùng, tương đương 7% xuống 100,28 USD/thùng sau khi chạm mức thấp 99,66 USD/thùng. Còn giá dầu thô Brent cũng giảm 5,54 USD, tương đương 4,8% xuống 107,91 USD/thùng.

Giá dầu vào hôm nay (1/4) tiếp tục đi xuống. Cụ thể, theo dữ liệu từ Oilprice, vào lúc 10h30' ngày hôm nay (1/4, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 6 được giao dịch ở mức 107,9 USD/thùng, giảm 5,54 USD, tương đương 4,88% so với ngày hôm qua. Cùng thời điểm, giá dầu thô WTI giao tháng 5 được giao dịch ở mức 99,86 USD/thùng, giảm 0,42 USD, tương đương 0,42% so với ngày hôm qua.

Theo giới phân tích, giá dầu lao dốc sau một loạt diễn biến nóng tác động tới nguồn cung dầu toàn cầu.

Chi phí đầu vào tăng mạnh nhất trong 11 năm

Theo báo cáo chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global công bố ngày 1/4, tốc độ tăng chi phí đầu vào đã nhanh hơn và đạt mức tăng nhanh nhất trong gần 11 năm.

Theo đó, có hơn nửa số người trả lời khảo sát cho biết giá cả đầu vào của họ đã tăng so với tháng trước, và nguyên nhân được nhắc tới là chi phí dầu và khí đốt tăng. Giá nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển tăng cũng được nhắc đến.

Chi phí đầu vào tăng được cho là vì cuộc chiến tại Ukraine. “Ảnh hưởng dễ nhận thấy nhất cho các công ty Việt Nam trong tháng 3 là về giá cả. Chi phí đầu vào đã tăng mạnh nhất trong gần 11 năm khi chi phí mua dầu và khí đốt tăng sau khi chiến tranh nổ ra. Điều này đã làm tiêu tan hy vọng rằng áp lực lạm phát có thể dịu đi trong những tháng tới”, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global, bình luận.

Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài tăng cao

Tổng cục Thống kê cho biết, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 3 tháng đầu năm 2022 có 24 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 180,2 triệu USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước; có 3 lượt dự án điều chỉnh vốn tăng 31,2 triệu USD, giảm 92,8%.

Theo đó, có 12 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó: Lào là nước dẫn đầu với 64,3 triệu USD, chiếm 30,4% tổng vốn đăng ký; Hoa Kỳ 34,5 triệu USD, chiếm 16,3%; Canada 34 triệu USD, chiếm 16,1%; Singapore 29,9 triệu USD, chiếm 14,1%; Indonesia 22,7 triệu USD, chiếm 10,8%.

Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 211,5 triệu USD, giảm 63% so với cùng kỳ năm trước.

Quý I/2022, Việt Nam nhập khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp nhất từ thị trường Brazil

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính chung quý I/2022, kim ngạch NK các mặt hàng nông lâm thủy sản ước đạt gần 9,8 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị NK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 6,2 tỷ USD, giảm 2,7%; nhóm hàng thủy sản ước khoảng 564,3 triệu USD, tăng 13%; nhóm lâm sản chính khoảng 675,4 triệu USD, giảm 10,3%; nhóm sản phẩm chăn nuôi khoảng 726,3 triệu USD, giảm 15,5%; nhóm đầu vào sản xuất ước trên 1,6 tỷ USD, giảm 2,3% (nhưng phân bón tăng 55,8%, thuốc bảo vệ thực vật tăng 17,1%).

Đứng đầu là thị trường Brazil xuất khẩu sang Việt Nam đạt 846 triệu USD, chiếm 8,6% thị phần, trong đó, mặt hàng bông các loại chiếm 29,5% giá trị xuất khẩu. Tiếp theo là Campuchia đạt khoảng 738,4 triệu USD, chiếm 7,5% thị phần, trong đó, mặt hàng cao su chiếm khoảng 81,1% giá trị xuất khẩu.

Huy động nhập khẩu than để giải cứu các nhà máy điện trong nước

Ngày 1/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc họp khẩn với 3 tập đoàn lớn, gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các đơn vị chức năng để chỉ đạo thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm cung ứng đủ điện năm 2022 và cung ứng đủ than cho sản xuất điện.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị sản xuất than (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc), khí (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) nâng cao năng lực sản xuất nhiên liệu sơ cấp trong nước; tăng cường ký kết các hợp đồng mua bán than, khí với các đối tác truyền thống và các đối tác mới. Cùng đó, nâng cao trách nhiệm trong việc hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để bảo đảm huy động tối đa các nguồn điện. Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia và các đơn vị truyển tải phải đặt vào trạng thái luôn sẵn sàng để thực hiện được các mục tiêu này.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm tiếp tục tăng

Theo Cục Thống kê, 3 tháng đầu năm, chỉ số công nghiệp (IIP) bao gồm dầu thô và khí đốt của tỉnh tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. IIP trừ dầu thô và khí đốt ước tăng 7,86%.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,42%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 6,58%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,96%.

Một số sản phẩm khác có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước như: bu tan đã được hóa lỏng tăng 64,67%; bộ com - lê, quần áo đồng bộ, áo jacket tăng 55,56%; bia dạng lon tăng 42,27%; ure tăng 13,65%; polyaxetal, polyete khác và nhựa epoxy tăng 12,62%.

Tin tức kinh tế ngày 31/3: Quý I/2022, xuất siêu nông, lâm, thủy sản tăng gấp 3 lần

Tin tức kinh tế ngày 31/3: Quý I/2022, xuất siêu nông, lâm, thủy sản tăng gấp 3 lần

Cục Hàng không sẽ giám sát hoạt động của Bamboo Airways trong 3 - 6 tháng tới; Quý I/2022, xuất siêu nông, lâm, thủy sản tăng gấp 3 lần; Bộ Công Thương đang xây dựng bản đồ nông sản Việt Nam… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 31/3.

P.V (Tổng hợp)

DMCA.com Protection Status