Tin tức kinh tế ngày 14/4: Còn hơn 412 nghìn tỷ đồng nợ xấu cần xử lý
Ảnh minh ọa |
Giá vàng thế giới giảm nhẹ, trong nước tiếp tục tăng
Sáng 14/4, Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng mua vào 69,25 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 69,85 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên giao dịch liền trước. Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC đang là 600.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào - bán ra ở mức 69,15 - 69,75 triệu đồng/lượng. So với chốt phiên giao dịch ngày 13/4, giá vàng tại DOJI giữ nguyên giá ở cả 2 chiều chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá mua - bán vàng tại DOJI là 600.000 đồng/lượng.
Sáng 14/4 (theo giờ Việt Nam) giá vàng thế giới niêm yết trên Kitco ở mức 1.976,9 USD/oz, giảm 1,3 USD/oz so với chốt phiên giao dịch trước.
Còn hơn 412 nghìn tỷ đồng nợ xấu cần xử lý
Sáng 14/4, tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42 ngày 21/6/2017 của Quốc hội và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.
Trình bày báo cáo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, lũy kế từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến ngày 31/12/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, nợ xấu chưa được xử lý theo Nghị quyết này vẫn ở mức cao với hơn 412 nghìn tỷ đồng.
Úc hỗ trợ gần 250 tỷ đồng hỗ trợ đào tạo nghề tại Việt Nam
Sáng 14/4, Bộ LĐ-TB&XH và Đại sứ quán Úc tại Việt Nam đã công bố giai đoạn tiếp theo của chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills). Mục tiêu của chương trình là gắn kết trong đào tạo giữa các trường nghề và doanh nghiệp logistics. Qua đó nâng cao chất lượng dạy và học, tay nghề của người học khi ra trường nhằm đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng trong ngành logistics.
Dự án trị giá 13,8 triệu đô la Úc (tương đương khoảng 246 tỷ đồng), kéo dài từ nay tới hết năm 2025.
Đại diện Đại sứ quán Úc tại Việt Nam cho biết, Úc cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực. Một lực lượng lao động lành nghề sẽ giúp đảm bảo cho các ngành của Việt Nam duy trì được độ cạnh tranh và phục hồi sau dịch COVID-19.
Cục trưởng Hàng không nói về đề xuất tăng giá vé máy bay
Bên lề hội nghị tổng kết an toàn giao thông toàn quốc sáng nay (14/4), ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Hàng không VN cho biết, trước thực tế giá nhiên liệu Jet A1 tăng 130 USD mỗi thùng (gần gấp đôi năm 2021), Cục Hàng Không đã đề xuất “nới” giá trần giá vé máy bay để tháo gỡ một phần khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang phải chịu lỗ lớn.
Trước lo ngại tăng giá vé máy bay sẽ ảnh hưởng ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng, ông Thắng cho biết việc tăng giá vé máy bay không ảnh hưởng đến lạm phát.
Ông Thắng cho hay, mức giá được đề xuất không tăng nhiều so với giá trần hiện nay (tăng bình quân 3,7%), tương đương mức trần đã áp dụng vào năm 2015. Cục Hàng không cũng đã tính toán giá trần để bảo vệ quyền lợi của hành khách, đảm bảo chính sách vĩ mô của nhà nước để chống lạm phát, tăng giá.
Giá dầu thế giới đi lên do lo ngại thắt chặt nguồn cung
Chốt phiên giao dịch ngày 13/4, ngọt nhẹ New York (WTI) tăng 3,65 USD (3,7%) lên 104,25 USD/thùng; giá dầu Brent tăng 4,14 USD (4%) lên 108,78 USD/thùng.
Trong phiên trước đó, giá hai mặt hàng này đều tăng hơn 6%.
Giá dầu thế giới đi lên giữa những lo ngại về tình trạng thắt chặt nguồn cung khi các nhà giao dịch dầu dự kiến sẽ 'xa lánh' nguồn dầu từ Nga.
Dự kiến đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 460/QĐ-TTg ngày 14/4/2022 phê duyệt Chiến lược nợ công đến năm 2030 (Chiến lược), trong đó, dự kiến đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50%GDP .
Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2025 kiểm soát chỉ tiêu bội chi ngân sách nhà nước được Quốc hội phê duyệt trong dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2021-2025, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn về nợ bao gồm trần, ngưỡng trong giới hạn được Quốc hội phê duyệt.
Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ bình quân không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước; nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.
Doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội xuất khẩu hàng thời trang sang châu Phi
Theo Cục Xúc tiến thương mại, tại nhiều nước Châu Phi, ngành công nghiệp dệt may còn chưa phát triển dù có nguồn bông nguyên liệu dồi dào. Với dân số và thu nhập của người dân Châu Phi ngày càng tăng, lục địa này sẽ trở thành một thị trường tiêu thụ đầy triển vọng cho mặt hàng dệt may, da giày do thu nhập của người dân được cải thiện, gu thẩm mỹ và sở thích thời trang đa dạng. Các nước Ch
Mặc dù Việt Nam là một trong 8 quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn trên thế giới, song giá trị xuất khẩu của nhóm hàng này sang Châu Phi còn khá khiêm tốn. Theo đánh giá, Việt Nam hoàn toàn có thể gia tăng xuất khẩu hàng dệt may, da giày vào Châu Phi, bởi mặt hàng này có những lợi thế cạnh tranh như chi phí lao động thấp hơn so với nhiều nước Châu Á, trong khi kỹ năng, tay nghề may tốt và năng suất, chất lượng cao.
Tin tức kinh tế ngày 13/4: Xuất khẩu sang Trung Quốc hồi phục mạnh Xuất khẩu sang Trung Quốc hồi phục mạnh; Quý I, tiền trả nợ chiếm hơn 1/3 thu ngân sách; Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng 1 triệu đồng… là những tin tức kinh tế đang chú ý ngày 13/4. |
P.V (Tổng hợp)