Tin tức kinh tế ngày 15/2: Nhập khẩu phân bón sụt giảm mạnh

21:00 | 15/02/2023

5,200 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Nhập khẩu phân bón sụt giảm mạnh; Quyết tâm gỡ cảnh báo "thẻ vàng" IUU; Cam sành rớt giá thê thảm… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 15/2.
Tin tức kinh tế ngày 15/2: Nhập khẩu phân bón sụt giảm mạnh
Nhập khẩu phân bón sụt giảm mạnh (Ảnh minh họa)

Giá vàng thế giới tăng nhẹ, trong nước tiếp tục giảm

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay 15/2, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 66,50 - 67,32 triệu đồng/lượng, giảm 100 nghìn đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.

Vàng Doji niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,35 - 67,25 triệu đồng/lượng, chưa đổi so với chốt phiên gần nhất. Công ty vàng bạc Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,45 - 67,25 triệu đồng/lượng, giảm 50 nghìn đồng/lượng so với chốt phiên liền trước.

Ở thị trường quốc tế, theo Kitco giá vàng thế giới đứng ở mức 1.858 USD/ounce, tăng nhẹ 3 USD/ounce so với phiên giao dịch trước.

Lần đầu Việt Nam xuất khẩu đậu đũa ngâm muối Lào Cai sang Nhật Bản

Sáng 15/2, lãnh đạo UBND xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) cho biết, đã hoàn tất đóng thùng và vận chuyển ra cảng Hải Phòng 7,5 tấn đậu đũa ngâm muối của Lào Cai lần đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Theo ông Ngô Minh Quế, Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng, việc xuất khẩu thành công lô hàng đậu đũa ngâm muối đầu tiên mở ra cơ hội lớn cho nông dân địa phương đưa các sản phẩm nông sản bản địa ra thị trường quốc tế.

Đề nghị Ấn Độ mở cửa thị trường cho trái cây tươi Việt Nam

Tại buổi làm việc với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ diễn ra ngày 14/2, Bộ Công Thương đề nghị phía Ấn Độ lên phương án để có thể mở cửa thị trường đối với nhiều mặt hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam, trước mắt là các loại trái cây như nhãn, bưởi, chôm chôm, sầu riêng.

Cũng tại buổi làm việc, hai bên đã thống nhất trong việc ngăn chặn đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trong khu vực và thế giới; tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường nông sản cho doanh nghiệp của hai nước; cung cấp thông tin của thị trường, nâng cao thương hiệu cạnh tranh.

Bắt nhịp để xúc tiến thương mại hiệu quả sang thị trường Hàn Quốc

Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, với nhiều điểm mới trong chính sách thương mại của thị trường này, doanh nghiệp cần thay đổi phương thức xúc tiến thương mại cho phù hợp với bối cảnh thị trường được cho là rất cần thiết để xuất khẩu đạt hiệu quả cao.

Theo đó, năm 2023 và những năm tiếp theo, các bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu, phát triển sản phẩm thông qua việc đề nghị phía Hàn Quốc hỗ trợ phân tích thị trường, sản phẩm với một số sản phẩm cụ thể; hỗ trợ marketing trên nền tảng mảng xã hội.

Đặc biệt, nhằm tăng cơ hội bán hàng vào hệ thống các siêu thị và kênh phân phối cần đẩy mạnh hoạt động giao lưu, hợp tác giữa các hiệp hội ngành hàng trong nước với các hiệp hội ngành hàng của Hàn Quốc cũng như với các tập đoàn phân phối như như Lotte Mart, E-Mart, Home Plus, CJ Home Shoping.

Nhập khẩu phân bón sụt giảm mạnh

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2023 cả nước nhập khẩu 139.355 tấn phân bón, tương đương 57,06 triệu USD, giá trung bình 409,4USD/tấn, giảm mạnh 52% về lượng, giảm 63,2% kim ngạch và giảm 23,4% về giá so với tháng 12/2022; So với tháng 1/2022 cũng giảm cả lượng, kim ngạch và giá, với mức giảm tương ứng 56,8%, 62,9% và 14%.

Trong tháng 1/2023 nhập khẩu phân bón từ thị trường chủ đạo Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh 44% về lượng, giảm 59,4% kim ngạch, và giảm 27,4% về giá so với tháng 12/2022, đạt 70.265 tấn, tương đương 25,81 triệu USD, giá 367,4 USD/tấn; So với tháng 1/2022 thì giảm 48,9% về lượng, giảm 55,2% kim ngạch và giảm 12,3% về giá.

Quyết tâm gỡ cảnh báo "thẻ vàng" IUU

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 81/QĐ-TTg ban hành "Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4" (gọi tắt là kế hoạch).

Mục tiêu của kế hoạch là triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), gỡ cảnh báo "thẻ vàng" trong năm 2023.

Cam sành rớt giá thê thảm

Theo nhiều nhà vườn trồng cam tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, gần 1 tháng nay giá cam liên tục giảm. Cam chín vàng ươm, nhưng giá bán chỉ 2.000 đồng/kg, tiêu thụ lại cầm chừng, làm cho người trồng thấp thỏm, lo âu.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, tỉnh đã có quy hoạch 12.000ha đất nông nghiệp để trồng cam. Tuy nhiên mấy năm qua giá cam tăng cao làm cho diện tích cam hiện nay tăng lên hơn 17.000 ha, vượt 5.000ha so với kế hoạch. Các địa phương trồng cam sành nhiều nhất là huyện Trà Ôn, Tam Bình và Vũng Liêm.

Trước đó, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã cảnh báo về diện tích cam sành phát triển "nóng", cần phải có những khuyến cáo cho nông dân. Tuy nhiên, vào thời điểm trên, việc trồng cam đang có lãi nên khuyến cáo không được nông dân tuân thủ. Do đó, chính quyền chỉ trong vai trò hỗ trợ người dân về cây giống, kỹ thuật...

Tin tức kinh tế ngày 14/2: Thúc đẩy giao thương nông thủy sản Việt - Trung

Tin tức kinh tế ngày 14/2: Thúc đẩy giao thương nông thủy sản Việt - Trung

Doanh số bán ôtô bất ngờ lao dốc; Thúc đẩy giao thương nông thủy sản Việt - Trung; Đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 14/2.

P.V (t/h)

DMCA.com Protection Status