Tin tức kinh tế ngày 17/4: Quý 1/2022, ngành thép tăng trưởng tích cực
Quý 1/2022, ngành thép tăng trưởng tích cực |
Giá vàng thế giới tăng mạnh, trong nước biến động nhẹ
Tại thị trường vàng trong nước, giao dịch lúc 8h sáng nay: Giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 69,20-69,87 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giữ nguyên mức giá cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch cuối tuần. Chênh lệch giá mua-bán vàng là 670.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 69,30-69,90 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tăng 250.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch cuối tuần. Chênh lệch giá mua - bán vàng là 600.000 đồng/lượng.
Còn tại Tập đoàn DOJI, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 69-69,65 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giữ nguyên mức giá cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch cuối tuần. Chênh lệch giá mua - bán vàng là 650.000 đồng/lượng.
Tại thị trường vàng thế giới (cùng giờ Việt Nam): giá vàng được niêm yết ở mức 1.986,10 USD/ounce, tăng 11,9 USD/ounce so với phiên giao dịch cuối tuần.
Doanh nghiệp Châu Âu lạc quan về môi trường kinh doanh Việt Nam
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, trong quý 1/2022, niềm tin của các doanh nghiệp Châu Âu vào môi trường đầu tư của Việt Nam tiếp tục tăng, dựa theo kết quả mới nhất của báo cáo Chỉ số Môi trường Kinh doanh của Hiệp hội.
Trong quý 1/2022, Chỉ số Môi trường kinh doanh đã tăng lên 73 điểm, đạt mức cao nhất kể từ sau đợt bùng phát dịch lần thứ tư. Con số này tăng 12 điểm so với quý 4 năm ngoái, bên cạnh mức tăng gần 58 điểm so với quý 3/2021. Lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu hiện lạc quan hơn với việc Việt Nam nới lỏng các quy định chống dịch và tiếp tục phục hồi phát triển kinh tế. Chỉ số Môi trường kinh doanh có khả năng duy trì xu hướng đà tăng này trong quý tới, với triển vọng kinh doanh lạc quan hơn.
Lãnh đạo các doanh nghiệp Châu Âu cũng đang có những dự báo tích cực cho sự tăng trưởng trong tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Hơn 2/3 số người được hỏi tin rằng nền kinh tế Việt Nam có nhiều khả năng ổn định và cải thiện trong quý 2 tới. Cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu chỉ ra các dự báo quý 2 đầy tham vọng. Theo đó, gần 66% số người tham gia khảo sát mong đợi doanh thu tăng trong quý thứ hai của năm, so với 52% của quý trước. Tương tự như vậy, hơn 46% số người được hỏi dự đoán số lượng nhân viên sẽ tăng trong quý tới.
Rộng đường xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Algeria
Ông Hoàng Đức Nhuận, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria cho biết, những năm gần đây, Algeria chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu song đây vẫn là thị trường tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam.
Mặc dù là một thị trường đầy tiềm năng và là cửa ngõ quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư và hợp tác thương mại với các nước Châu Phi nhưng thương mại song phương giữa Việt Nam và Algeria vẫn còn khiêm tốn.
3 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria đạt 30,6 triệu USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Algeria, cà phê chiếm 65% tổng giá trị xuất khẩu. Algeria là thị trường còn nhiều dư địa cho cà phê Việt Nam và trong tương lai gần đây cũng là mặt hàng xuất khẩu số 1 vào thị trường này.
Thị trường Trung Quốc vẫn “bấp bênh” cả đầu xuất và nhập
Theo các chuyên gia, với chính sách “Zezo Covid”, các ngành nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu từ Trung Quốc như sản xuất hàng điện tử, lắp máy, dệt may,… sẽ gặp những khó khăn nhất định. Về phía xuất khẩu, nhóm hàng tiêu dùng chịu ảnh hưởng do nhu cầu hạn chế của người dân. Xuất khẩu nông sản chịu rủi ro cao.
Dệt may vẫn đối mặt với nhiều thách thức
Một số doanh nghiệp dệt may lớn như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), May 10, Dệt may Thành Công… hiện đã kín đơn hàng cho đến hết quý II, thậm chí là quý III, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cũng có mức tăng cao nhất so với cùng kỳ từ năm 2012 đến nay. Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam vẫn đang đối mặt với những thách thức không nhỏ về chi phí vận chuyển, giá nguyên vật liệu, chi phí nhân công, yêu cầu mới về bảo vệ môi trường…
Quý 1/2022, ngành thép tăng trưởng tích cực
Ngày 18/4, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố báo cáo về tình hình thị trường thép Việt Nam tháng 3 và quý 1/2022.
Theo đó, trong tháng 3/2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 3,338 triệu tấn, tăng 29,16% so với tháng 2/2022 và tăng 6,8% so với cùng kỳ 2021. Tiêu thụ thép các loại đạt 3,123 triệu tấn, tăng 21,3% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ.
Tính chung quý 1/2022 so với cùng kỳ năm 2021, sản xuất thép thành phẩm đạt 8,456 triệu tấn, tăng 3,2%; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 8,137 triệu tấn, tăng 11,9%.
Standard Chartered Việt Nam và Leo Việt Nam hợp tác tài trợ tín dụng
Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam vừa công bố cung cấp tín dụng tài trợ thương mại liên kết bền vững 13,5 triệu USD cho Công ty TNHH Sản phẩm Giấy Leo (Việt Nam)
Trong khuôn khổ của hợp tác này, Ngân hàng sẽ cung cấp một hạn mức tín dụng trị giá 13,5 triệu USD cho công ty Leo Việt Nam nhằm đáp ứng các nhu cầu về vốn lưu động của công ty. Phía Leo Việt Nam cam kết sẽ giảm khối lượng chất thải nguy hại và tổng cường độ chất thải xuống mức cam kết trong khoảng thời gian nhất định.
Tin tức kinh tế ngày 17/4: Xe nhập từ Trung Quốc bất ngờ giảm mạnh Xe nhập từ Trung Quốc bất ngờ giảm mạnh; Một số loại nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đột ngột tăng giá trị xuất khẩu; Tái cơ cấu để vực dậy vận tải đường sắt… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 17/4. |
P.V