Tin tức kinh tế ngày 23/12: Việt Nam chi hơn 8 tỉ USD nhập xăng dầu
Việt Nam chi hơn 8 tỉ USD nhập xăng dầu (Ảnh minh họa) |
Giá vàng trong nước và thế giới đồng loạt lao dốc
Mở cửa phiên giao dịch sáng 23/12, Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng mua vào 65,90 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 66,70 triệu đồng/lượng, cùng giảm 200.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/12.
Cùng thời điểm, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào - bán ra ở mức 65,75 - 66,70 triệu đồng/lượng. So với chốt phiên giao dịch ngày 22/12, giá mua và bán vàng tại DOJI cùng giảm 100.000 đồng/lượng.
Đầu giờ sáng 23/12 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay đang ở mức 1.794 USD/oz, giảm 24 USD/oz với cuối giờ chiều 22/12.
Việt Nam chi hơn 8 tỉ USD nhập xăng dầu
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu 7,89 triệu tấn xăng dầu các loại với trị giá 8,12 tỉ USD, tăng 23,9% về lượng và tăng 119,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, lượng dầu diesel nhập về đạt 4,27 triệu tấn, giảm 3% và chiếm 54% lượng xăng dầu các loại nhập khẩu cả nước; lượng xăng nhập về đạt 1,7 triệu tấn, tăng 2,3 lần và chiếm 21% lượng nhập khẩu xăng dầu cả nước…
Xuất hiện doanh nghiệp thưởng Tết hơn 1 tỉ đồng
Một số địa phương đã có báo cáo về tình hình thưởng Tết của doanh nghiệp năm 2023. Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, thành phố Đà Nẵng là địa phương có mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất với mức thưởng hơn 1 tỉ đồng, thuộc về khối doanh nghiệp doanh nhân.
Một số tỉnh thành cũng đã công bố tình hình lương, thưởng của các doanh nghiệp trên địa bàn. Thanh Hóa ghi nhận doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là gần 360 triệu đồng, đến từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tại Vĩnh Phúc, một doanh nghiệp FDI cũng thưởng Tết Dương lịch 365 triệu đồng. Hay tại Bình Dương, mức thưởng Tết cao nhất là gần 900 triệu đồng, đến từ Công ty Cổ phần Gỗ An Cường.
Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 15% trong năm 2022
Theo nhận định của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), từ năm 2016, thương mại điện tử Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới với nét nổi bật là tốc độ phát triển nhanh và ổn định ở mức 2 con số. Giai đoạn này có thể kéo dài từ năm 2016 tới năm 2025.
Cụ thể, dù nền kinh tế chịu nhiều tác động nặng nề bởi đại dịch, nhưng năm 2020 thương mại điện tử vẫn tăng trưởng hơn 15%, đạt quy mô khoảng 13,2 tỉ USD.
Khuyến cáo người dân, doanh nghiệp không chạy theo “cơn sốt” sầu riêng
Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, Trung Quốc vừa chấp thuận thêm 32 mã số vùng trồng và 5 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang nước này. Tuy nhiên, người dân và doanh nghiệp cần tỉnh táo khi xây lộ trình xuất khẩu, tránh chạy theo 'cơn sốt' sầu riêng khi Thái Lan và Malaysia đang vào vụ thu hoạch.
"Người dân và doanh nghiệp cần phải tỉnh táo khi xây lộ trình xuất khẩu sầu riêng, tránh tính trạng thua lỗ hoặc chờ hỗ trợ tiêu thụ giống một số nông sản trong quá khứ. Đặc biệt, toàn ngành hàng cần tính toán kỹ chi phí và giá bán, bởi không phải lúc nào Việt Nam cũng trong cảnh một mình một chợ như 3 tháng trước", Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo.
Tin tức kinh tế ngày 22/12: HSBC nâng dự báo tăng trưởng 2022 của Việt Nam lên 8,1% HSBC nâng dự báo tăng trưởng 2022 của Việt Nam lên 8,1%; Thị trường bán lẻ lấy lại đà tăng tốc; Thái Lan trên đà lấy lại ngôi vị nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 22/12. |
P.V (t/h)