Tin tức kinh tế ngày 3/1: Thu ngân sách Nhà nước năm 2022 tăng 15%
Thu ngân sách Nhà nước năm 2022 tăng 15% (Ảnh minh họa) |
Giá vàng đồng loạt tăng vọt
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi đứng yên trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 3/1 tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, hiện niêm yết lần lượt ở mức 66,3 - 67,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại thị trường TP HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 66,3 - 67,1 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối cùng của năm 2022 tại Mỹ tăng 9,1 USD lên 1.824,5 USD/ounce.
Việt Nam chi gần 1,4 tỉ đô la nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thống kê 11 tháng năm 2022, Việt Nam nhập khẩu gần 615 ngàn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá khoảng 1,35 tỉ đô la, tăng 4,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Thịt và các sản phẩm từ thịt được nhập khẩu từ 55 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Brazil, Hàn Quốc và Nga là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam.
Ấn Độ là thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt trâu, bò, heo, gà… cho Việt Nam với 141,88 ngàn tấn, trị giá 455 triệu đô la, tăng 48,4% về lượng và tăng 48,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Thu ngân sách Nhà nước năm 2022 tăng 15%
Ngày 3/1, Bộ Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2022 ước đạt 1.803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 127,8% dự toán, tăng 15% so với năm 2021.
Trong số đó, thu nội địa vượt 21,8% dự toán, tăng 9,9%; thu từ dầu thô vượt 176% dự toán, tăng 74,3%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 43,9% dự toán, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách nhà nước năm 2022 vượt dự toán chủ yếu do hoạt động kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng khả quan (GDP tăng 8,02%); tổng mức bán lẻ tăng 19,8%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,8%, xuất khẩu tăng 10,6%, nhập khẩu tăng 8,4%, xuất siêu 11,2 tỷ USD. Bên cạnh đó, giá dầu và một số hàng hóa, nguyên liệu đầu vào tăng cao đã góp phần tăng thu từ dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Ngân hàng UOB: GDP Việt Nam sẽ tăng 6,6% trong năm 2023
Ngân hàng UOB (Singapore) vừa công bố Báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý IV/2022 và triển vọng năm 2023 với một số dự báo đáng chú ý; trong đó, UOB giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 ở mức 6,6%, phù hợp với dự báo chính thức là 6,5%, dù động lực tăng trưởng về tổng thể có thể sẽ suy giảm hơn.
Các chuyên gia của UOB cho rằng, sự tăng trưởng mạnh mẽ đạt được trong năm 2022 cho thấy sự bền bỉ và khả năng phục hồi của Việt Nam sau những thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra, nhờ vào các lĩnh vực kinh tế đa dạng từ các ngành sản xuất và dịch vụ. Tuy vậy, đà tăng trưởng về tổng thể có thể sẽ suy giảm hơn nữa vào năm 2023, do việc thắt chặt chính sách tiền tệ từ các ngân hàng trung ương lớn ảnh hưởng đến nhu cầu bên ngoài. UOB giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 6,6%, nhất quán với dự báo chính thức là 6,5%.
Tập trung xử lý 6 tổ chức tín dụng yếu kém, 8 dự án chậm tiến độ
Sáng 3/1, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành trong cả nước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, trong năm 2023, Chính phủ tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài đã được Bộ Chính trị cho chủ trương, gồm: 6 tổ chức tín dụng yếu kém, 8 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, Ngân hàng Phát triển Việt Nam…
Tin tức kinh tế ngày 2/1: Vận tải hàng không tăng gần 4 lần so với năm 2021 Vận tải hàng không tăng gần 4 lần so với năm 2021; Ô tô nhập ồ ạt về nước dịp sát Tết Nguyên đán 2023; Xuất khẩu gạo có nhiều cơ hội đột phá trong năm 2023… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 2/1. |
P.V (t/h)