Tin tức kinh tế ngày 3/4: Nhiều ngân hàng dự báo lợi nhuận quý I không đạt kỳ vọng

21:00 | 03/04/2022

3,439 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Nhiều ngân hàng dự báo lợi nhuận quý I không đạt kỳ vọng; Doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn trong vận chuyển hàng đi Nga; Thái Lan muốn họp với Việt Nam, Trung Quốc, Lào để tăng thương mại trái cây… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 3/4.
Tin tức kinh tế ngày 3/4:
Nhiều ngân hàng dự báo lợi nhuận quý I không đạt kỳ vọng

Giá vàng trong nước và thế giới ít biến động

Giá vàng trong nước rạng sáng 3/4 ít biến động khi các cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý điều chỉnh giảm nhẹ giá vàng.

Cụ thể, SJC ở cả 3 khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đã điều chỉnh giảm 100.000 đồng ở chiều mua và 50.000 đồng ở chiều bán. Với mức giảm này, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 68,3 triệu đồng/lượng mua vào và 69,07 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.

Đầu ngày 3/4 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đang đứng mức 1.925 - 1.926 USD/ounce, giảm 10 USD so với phiên giao dịch liền trước.

Nhiều ngân hàng dự báo lợi nhuận quý I không đạt kỳ vọng

Đây là thông tin được các nhà băng chia sẻ trong cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý II/2022 do Vụ dự báo, thống kê (thuộc Ngân hàng Nhà nước) thực hiện.

Cụ thể, cuộc khảo sát được thực hiện với toàn bộ tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam với tỷ lệ trả lời đạt 94%.

Theo đó, các ngân hàng đánh giá tình hình kinh doanh của hệ thống trong quý I năm nay đã có sự cải thiện so với quý trước nhưng chưa đạt kỳ vọng. Tuy nhiên, hầu hết tổ chức tín dụng (73-80%) kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện hơn trong quý II và cả năm 2022 với mức độ cải thiện cao hơn so với năm 2021.

Doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn trong vận chuyển hàng đi Nga

Thông tin từ Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho hay, xung đột Nga – Ukraine đang là một trong những nguyên nhân chính làm tăng giá trên thị trường một số mặt hàng nhiên liệu, nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng như khí đốt – dầu mỏ, xăng dầu dẫn đến chi phí logicstic tăng cao.

Về vận chuyển, lưu thông hàng hóa, hiện một số hãng tàu đã từ chối nhận đơn hàng vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi Nga, dẫn đến hàng hóa không xuất khẩu được, chậm thu tiền hàng để quay vòng sản xuất.

Cá biệt, có nhiều doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu đi Nga, hiện đã sản xuất xong và sẵn sàng để xuất khẩu, nhưng không có hãng vận tải nào nhận hàng để đưa sang Nga. Ngoài ra, việc cấm vận hàng không cũng sẽ dẫn đến các hãng hàng không phải chọn đường bay dài hơn, chi phí tăng, áp lực gia tăng lên hệ thống vận chuyển logistics toàn cầu và giá cả hàng hóa.

Thái Lan muốn họp với Việt Nam, Trung Quốc, Lào để tăng thương mại trái cây

Theo Bộ Công Thương, Bộ Thương mại Thái Lan đã đề xuất cuộc họp chung giữa Thái Lan, Trung Quốc, Lào và Việt Nam nhằm tăng xuất nhập khẩu trái cây và mở một làn xanh dành cho trái cây Thái Lan tại mỗi cửa khẩu góp phần đẩy nhanh việc giải phóng hàng tránh gây thiệt hại.

Theo báo cáo của Vụ Nội thương (Bộ Thương mại Thái Lan), tổng sản lượng trái cây vụ mùa 2022 của nước này dự kiến tăng 13% lên 5,43 triệu tấn, chủ yếu là sầu riêng (tăng 22%), măng cụt (tăng 43%), nhãn (tăng 7,8%), chôm chôm (tăng 6%) và xoài (tăng 5%).

Ngày đầu thu phí cảng biển hơn 8 tỷ đồng

Sở Giao thông vận tải TP HCM vừa báo cáo kết quả sau hai ngày vận hành thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn.

Theo đó, ngày 1/4 có 6.139 tờ khai với số tiền 8,25 tỷ đồng. Ngày 2/4 (tính đến 17h) có 4.138 tờ khai với số tiền gần 4,7 tỷ đồng. Dự kiến năm 2022, thành phố thu 3.036 tỷ đồng, bình quân 8,32 tỷ đồng một ngày. Như vậy, số tiền phí ngày đầu tiên gần bằng bình quân số thu mỗi ngày dự kiến trong đề án thu phí.

Đài Loan ngày càng chuộng mật ong Việt Nam

Báo cáo của Cơ quan quản lý Ngoại thương Đài Loan (BOFT), năm 2021, Đài Loan đã nhập khẩu về 3,93 tấn mật ong tự nhiên từ 30 đối tác trên toàn thế giới, với kim ngạch đạt 10,57 triệu USD, tăng 2,46% về lượng so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, Việt Nam là đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 về nhóm mặt hàng này với 382 nghìn kg, chiếm 9,72% thị phần nhập khẩu của đảo này trong năm 2021. Xuất khẩu mật ong của Việt Nam sang Đài Loan năm ngoái tăng lần lượt 43% và 42% về lượng và giá trị so với cùng kỳ trước đó.

Xuất khẩu cà phê tăng cả về lượng và giá

Chỉ qua một tháng rưỡi của năm 2022, lượng cà phê xuất khẩu đã đạt 452.200 tấn, tăng 82.000 tấn so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch đã đạt 1.011,3 triệu USD, tăng tới 356,5 triệu USD, nằm trong nhóm 13 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Đơn giá cà phê xuất khẩu tăng tới 26,4% so với cùng kỳ năm trước.

Cà phê là mặt hàng được xuất khẩu từ rất sớm của Việt Nam và tham gia câu lạc bộ các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD từ năm 2010. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu cà phê cao gấp 139,7 lần so với năm 1986.

Tin tức kinh tế ngày 2/4: Tiền thuế thu nhập cá nhân, bất động sản tăng mạnh

Tin tức kinh tế ngày 2/4: Tiền thuế thu nhập cá nhân, bất động sản tăng mạnh

Tiền thuế thu nhập cá nhân, bất động sản tăng mạnh; Ngân hàng bắt đầu mạnh tay siết vốn đầu tư, kinh doanh bất động sản; Thu ngân sách thuế bảo vệ môi trường tăng mạnh trong quý I/2022…là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 2/4.

P.V (Tổng hợp)

DMCA.com Protection Status