Tổng Cục Thống kê thông tin sâu hơn về toàn cảnh nền kinh tế 9 tháng

17:32 | 12/10/2021

2,462 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Ngày 12/10, Tổng cục Thống kê cung cấp một số thông tin phân tích sâu hơn về bức tranh toàn cảnh nền kinh tế nước ta qua 9 tháng năm 2021. Từ cái nhìn tổng thể này, các ngành, địa phương có thể xây dựng nên các kịch bản phục hồi kinh tế phù hợp và hiệu quả nhất.

Trước tiên, nhận định về việc GDP quý III/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước - mức thấp nhất trong lịch sử phát triển kinh tế nước ta, Tổng Cục Thống kê chỉ rõ, trong đó khu vực dịch vụ du lịch vẫn đang "lót đáy" khi tiếp tục giảm tới 9,28%, kế tiếp là khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%. Quý III/2021 chỉ ghi nhận khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt tăng trưởng dương 1,04%.

Cảng Sao Mai Vũng Tàu
Bà Rịa - Vũng Tàu là căn cứ Dầu khí, dịch vụ cảng biển và du lịch của khu vực Đông Nam Bộ.

Tuy nhiên, tính chung 9 tháng, tăng trưởng GDP vẫn đạt 1,42% so với cùng kỳ năm trước; trong đó ngoài khu vực dịch vụ giảm 0,69% thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực dịch vụ vẫn đạt tăng trưởng dương lần lượt là 2,74% và 3,57% nhưng đều thấp hơn so với kỳ vọng.

Tổng cục Thống kê nêu nguyên nhân, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng thấp (+1,04%) trong quý III do ảnh hưởng giãn cách xã hội kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ nông sản. Đặc biệt là nuôi trồng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long khi đến hơn 90% sản lượng cá tra và tôm nước lợ tập trung tại vùng này. Sản lượng thủy sản nuôi trồng cả nước quý III giảm 8,8%, trong đó cá tra giảm gần 20% và tôm giảm 5,2%.

Khu vực công nghiệp và xây dựng suy giảm ở hầu hết các ngành trong quý III, trong đó giảm mạnh nhất là ngành xây dựng và khai khoáng với mức giảm lần lượt là 11,41% và 8,25%. Trong khi việc ngành khai khoáng như khai thác than đá, dầu khí giảm mạnh là việc được dự báo từ trường do các mỏ suy giảm tự nhiên về sản lượng, thiếu chính sách khuyến khích về thăm dò khai thác... thì việc ngành xây dựng giảm mạnh có nhiều yếu tố chủ quan đến từ việc chậm giải ngân đầu tư công, thiếu nhân lực.

Đáng lưu ý, khu vực xây dựng là ngành được xác định là đòn bẩy phục hồi kinh tế, là ngành được bố trí lượng tài chính lớn về đầu tư công nhưng do chậm giải ngân, thiếu nỗ lực triển khai các công trình trọng điểm từ trung ương tới địa phương nên tác động tích cực đem lại còn hạn chế.

Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, vốn luôn giữ vai trò là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng tăng trưởng quý III cũng giảm 3,24%. Đây là hiện tượng chưa từng xảy ra vì quý III luôn là quý tăng trưởng mạnh, chuẩn bị hàng hóa cho dịp cuối năm khi lượng cầu trên toàn thế giới tăng mạnh trong các dịp lễ lớn như Noel, Tết Nguyên đán. Bởi vậy, không được phép chủ quan khi nghĩ rằng quý IV ngành chế biến chế tạo sẽ "tự động" phục hồi trở lại mà cần làm rõ nguyên nhân, thực hiện ngay giải pháp khắc phục cho ngành công nghiệp có tính xương sống của nền công nghiệp Việt Nam.

Khu vực dịch vụ quý III giảm kỷ lục do thời gian giãn xã hội cách kéo dài (giảm 9,28%). Trong đó, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 54,8% (20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 chiếm 63% ngành dịch vụ cả nước); vận tải kho bãi giảm 21,1%; bán buôn, bán lẻ giảm gần 20%.

Tuy nhiên, trong quý III, một số ngành đạt mức tăng trưởng dương, đặc biệt ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng rất cao 38,7% do dồn sức chống dịch; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,1% do tăng trưởng tín dụng đạt tốt; hoạt động thông tin và truyền thông tăng 5,3% với sản lượng chủ yếu phục vụ công tác phòng chống dịch và hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước, học tập của học sinh, sinh viên.

quy-i-nam-2019-cong-nghiep-che-tao-thu-hut-fdi-lon-nhat-trong-cac-linh-vuc-kinh-te
Công nghiệp chế biến chế tạo cũng cần phải có giải pháp hỗ trợ khẩn cấp.

Theo địa bàn, tại 20 tỉnh Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Hà Nội với tổng GRDP chiếm gần 57% GDP cả nước (TP HCM chiếm 17%; Hà Nội chiếm 12,6%; Bình Dương 4,8%; Đồng Nai chiếm 4,5%; Bà Rịa - Vũng Tàu chiếm 3,8%). Nói về sức sản xuất thì các tỉnh nêu trên chiếm gần 53% về khu vực công nghiệp, xây dựng khu vực công nghiệp và hơn 63% khu vực dịch vụ du lịch.

Do chiếm tỷ trọng lớn nên mỗi biến động trong tăng trưởng GRDP của các tỉnh, thành phố trọng điểm này đều có ảnh hưởng không nhỏ tới GDP của toàn nền kinh tế. Khi đại dịch bùng phát, giãn cách xã hội kéo dài dẫn đến đứt gãy lưu thông, sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Nhiều doanh nghiệp đã buộc phải lựa chọn phương án sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nếu không sẽ phải tạm ngừng hoạt động làm ảnh hưởng đến các đơn hàng đã ký kết trước đó.

Để hoạt động như vậy, các doanh nghiệp cũng phải chịu chi phí vận hành rất lớn, lực lượng lao động thiếu hụt do nghỉ việc, cung ứng nguyên vật liệu bị gián đoạn nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã không thể hoàn thành đơn hàng đúng hạn, phải giãn hoặc hủy bỏ hợp đồng. Nhiều doanh nghiệp bị phá sản, giải thể do kiệt quệ, không đủ lực để chống chịu dịch bệnh kéo dài. Một số doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh hoặc kinh doanh cầm chừng, trì hoãn việc sản xuất do không hiệu quả, thua lỗ trong điều kiện rất khó khăn.

Hiện nay, mô hình chung để phục hồi kinh tế đã có nhưng đi vào thực hiện cần từng địa phương rà soát lại toàn bộ các nguồn lực về tài chính, vật tư, nhân công. Đưa ra các kịch bản phù hợp tình hình thực tế phòng chống dịch và phục hồi sản xuất. Từ đó, kiến nghị lên trung ương, các tỉnh thành phố cùng khu vực để có giải pháp hỗ trợ, cùng phối hợp để phục hồi sản xuất thứ tự ngành nào trước, ngành nào sau, đảm bảo hiệu quả từng gói kích cầu kinh tế mà Chính phủ đưa ra.

Có thể thấy rằng, đề nắm bắt đúng và trúng cơ hội phục hồi kinh tế cần sự nỗ lực, thống nhất của các Bộ Ngành trung ương, địa phương và người dân. Nếu vẫn giữ tâm thế ỷ lại, thụ động, địa phương chủ nghĩa... thì chắc chắn sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường đối với sự phát triển của đất nước.

Tùng Dương

Bàn về mô hình phát triển kinh tế Việt Nam cho tương lai (P2) Bàn về mô hình phát triển kinh tế Việt Nam cho tương lai (P2)
Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, tối ưu nguồn lực trong quản lý Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, tối ưu nguồn lực trong quản lý
Phục hồi kinh tế - Cần một chương trình tổng thể với quy mô đủ lớn Phục hồi kinh tế - Cần một chương trình tổng thể với quy mô đủ lớn
Mô hình nào cho phục hồi kinh tế? Mô hình nào cho phục hồi kinh tế?

DMCA.com Protection Status