Tổng giám đốc PVI Bùi Vạn Thuận: Thành công bởi sự khác biệt

09:23 | 12/07/2011

2,072 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Kinh tế thế giới năm 2011 vẫn đang trong tình trạng bất ổn khó lường. Trong nước,  sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn. Thị trường bảo hiểm Việt Nam không là ngoại lệ, cạnh tranh khốc liệt, không lành mạnh khiến nhiều doanh nghiệp lỗ nặng, "ăn" cả vào vốn. Tổng Công ty CP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) hiện là một trong số rất ít doanh nghiệp bảo hiểm có thể đứng vững và phát triển. Báo Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với ông Bùi Vạn Thuận, Tổng giám đốc PVI xung quanh vấn đề này.

Ông Bùi Vạn Thuận

PV: Đã 15 năm PVI là đơn vị được giao trọng trách quản lý rủi ro cho tài sản và hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), ông đánh giá như thế nào về vai trò của PVI đối với một Tập đoàn trụ cột của nền kinh tế nước nhà hiện nay?

Ông Bùi Vạn Thuận: Thành công lớn nhất của PVI là quản lý rủi ro, đảm bảo an toàn cho tài sản và hoạt động kinh doanh của Petrovietnam bởi hoạt động dầu khí là hoạt động kỹ thuật phức tạp và thu xếp các đơn bảo hiểm cũng rất phức tạp, dễ xảy ra tình trạng cái cần thì không được bảo hiểm, cái không cần lại được bảo hiểm. Trong khi các hãng bảo hiểm xếp chung các đơn bảo hiểm này vào một “giỏ”, PVI lại tự thiết kế để "may đo” cho mỗi dự án một chương trình bảo hiểm thích hợp nhất với đặc thù rủi ro của từng loại công trình dầu khí, tiết kiệm được chi phí không cần thiết. Hơn nữa, không chỉ là đối tác thông thường, PVI còn là đơn vị thành viên của Tập đoàn nên luôn làm hết sức mình để bảo vệ quyền lợi của Tập đoàn một khi xảy ra rủi ro.

Trong suốt 15 năm qua, PVI luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý rủi ro và thu xếp chương trình bảo hiểm an toàn cho các công trình dầu khí (bao gồm cả các công trình tại các vùng chồng lấn) và cho các công trình trọng điểm quốc gia khác. Qua đó, PVI đóng góp quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Sau 15 năm phát triển, doanh thu của PVI đang hướng tới mốc 5.000 tỉ đồng với lợi nhuận trên 400 tỉ, tổng tài sản và các chỉ số tài chính đều tăng gấp vài trăm lần.

PV: Trong bối cảnh thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đang đứng trước những khó khăn không nhỏ, PVI được đánh giá là doanh nghiệp thành công bởi những phương cách khác biệt, sự khác biệt khi vượt qua trở ngại hay khi định hướng kinh doanh, thưa ông?

Ông Bùi Vạn Thuận: Định hướng đúng sẽ vượt qua được trở ngại. Mô hình ban đầu của PVI là đảm bảo an toàn tài sản cho Petrovietnam. PVI đã định hướng phải vươn ra các thị trường bên ngoài, đó là sự khác biệt của chúng tôi, vươn ra để cạnh tranh, để chiếm lĩnh thị trường và đến nay, doanh thu trong ngành chỉ chiếm khoảng 30%, phần còn lại là từ ngoài ngành đem lại.

Thứ hai, trước kia theo thông lệ, các dự án dầu khí lớn đều do các nhà môi giới đứng ra thu xếp bảo hiểm. Một doanh nghiệp chưa đủ tầm cỡ và uy tín, chưa đủ sự chuyên nghiệp thì không thể chen chân vào các thị trường lớn. Lúc ấy, hầu như môi giới đang kiểm soát toàn bộ các dự án về năng lượng của Tập đoàn. Đây là thách thức rất lớn mà chúng tôi xác định phải vượt qua. Cách chúng tôi vươn lên để đến nay có thể loại bỏ hoàn toàn được môi giới, đứng ra trực tiếp thu xếp các chương trình bảo hiểm an toàn cho Tập đoàn, kiểm soát được các rủi ro, giảm được các chi phí, chính là sự khác biệt.

PV: Được biết, PVI gần như nắm trọn thị trường bảo hiểm dầu khí, do năng lực đặc biệt của mình hay do lợi thế trong ngành?

Ông Bùi Vạn Thuận: Muốn làm bảo hiểm năng lượng phải có năng lực thực sự, phải được xếp hạng. Các tập đoàn lớn trên thế giới hầu như đều có các công ty bảo hiểm chuyên lo thu xếp các chương trình bảo hiểm cho sự hoạt động của mình. Một doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với đa dạng các ngành nghề và công trình với tính chất khác nhau, rủi ro khác nhau, bảo hiểm nhà máy lọc dầu khác với bảo hiểm giàn khoan, đường ống… do đó cần những đơn bảo hiểm khác nhau mà chỉ có công ty trong ngành mới hiểu được để thu xếp những chương trình bảo hiểm thích hợp. Đặc biệt đối với các dự án xa bờ, các dự án ở những vùng chồng lấn nhạy cảm.

PVI nắm trọn thị trường bảo hiểm dầu khí chính bằng năng lực cạnh tranh và uy tín của mình. PVI trở thành doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được tổ chức A.M.Best xếp hạng B+ (Tốt), năng lực tài chính vững mạnh sánh ngang với các doanh nghiệp tốt của Anh, Mỹ (theo như lời phát biểu của Giám đốc A.M.Best tại Lễ trao giấy chứng nhận xếp hạng năng lực cho PVI)… được Tạp chí “World Finance” trao giải thưởng “Nhà bảo hiểm tiêu biểu của năm 2010”.

PV: Và đó là giấy thông hành để PVI bước ra thế giới?

Ông Bùi Vạn Thuận: Đúng vậy, để có thể cạnh tranh với các chương trình toàn cầu của các công ty bảo hiểm nước ngoài có uy tín và truyền thống, đòi hỏi PVI phải có năng lực tài chính thực sự và minh bạch hóa, đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế khắt khe nhất. Năng lực cạnh tranh toàn cầu của PVI được thể hiện ở chỗ, đến nay PVI giành được hầu hết các hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các dự án của Petrovietnam ra nước ngoài và các dự án của nhà thầu dầu khí nước ngoài vào Việt Nam, góp phần tích cực vào việc quản lý hoạt động của các nhà thầu dầu khí nước ngoài tại Việt Nam như: BP, Total, Petronas,… PVI là doanh nghiệp Bảo hiểm Việt Nam nhận các hợp đồng tái bảo hiểm từ nước ngoài về trong nước trong khi các doanh nghiệp bảo hiểm khác thường phải tái bảo hiểm ra nước ngoài, PVI cũng là đơn vị tiên phong “xuất khẩu” sản phẩm bảo hiểm ra thị trường thế giới. PVI không những dẫn đầu thị trường về quy mô mà còn dẫn đầu thị trường về hiệu quả và năng suất lao động, thu nhập bình quân tốt nhất.

PV: Nhiều năm qua, vấn nạn truyền thống của các doanh nghiệp bảo hiểm là cạnh tranh phi kỹ thuật, hạ thấp phí bảo hiểm, mở rộng điều khoản, điều kiện bảo hiểm dẫn đến rủi ro cao, vậy theo ông, cần có giải pháp gì để thị trường bảo hiểm phi nhân thọ phát triển lành mạnh và bền vững?

Ông Bùi Vạn Thuận: Đúng là thực tế hiện nay thị trường bảo hiểm có sự cạnh tranh khốc liệt, cạnh tranh không lành mạnh. Bảo hiểm là lĩnh vực không sản xuất, ký được hợp đồng đã không dễ, xử lý rủi ro và bồi thường càng khó hơn. Một khi xảy ra rủi ro, bồi thường cho một đơn bảo hiểm có thể gấp hàng ngàn, thậm chí một vài trăm ngàn lần so với phí bảo hiểm, việc giải quyết bồi thường như thế nào mới là quan trọng, cho nên việc tính toán lượng định trước rủi ro là rất cần thiết đối với doanh nghiệp bảo hiểm.

Theo tôi, để có một thị trường bảo hiểm lành mạnh, phát triển bền vững, trước hết khách hàng nên có lựa chọn sáng suốt những nhà bảo hiểm thực sự có uy tín, có năng lực để gửi gắm niềm tin. Sau đó, Nhà nước nên có chính sách bắt buộc bảo hiểm không được kinh doanh lỗ và cần xây dựng một hệ số tín nhiệm đối với việc xếp hạng, đánh giá ngành này nhằm bảo đảm sự quản lý giám sát hiệu quả của Nhà nước.

PV: Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn.

DMCA.com Protection Status