Triển vọng sản xuất kinh doanh 2024-2026 của PETRONAS (Kỳ IV)
Thế giới hiện đang chuyển dịch sang một tương lai carbon thấp, điều này khiến việc loại bỏ carbon trở thành một mệnh lệnh chiến lược đối với lĩnh vực OGSE của Malaysia nhằm chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi này để không chỉ tham gia mà còn có thể cạnh tranh trên quy mô toàn cầu. Bằng cách này, lĩnh vực dầu khí có thể vẫn là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Malaysia và đóng góp vào các ưu tiên phát triển bền vững của quốc gia. Tuy nhiên, điều này sẽ đòi hỏi lĩnh vực OGSE phải thích ứng, đổi mới và hợp tác để có thể phát triển bền vững.
PETRONAS cam kết chi tới 20% tổng chi tiêu đầu tư vốn tài chính (2022-2026) để tăng cường nỗ lực loại bỏ carbon. |
Năm 2023, Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN sẽ cao hơn 3,4% mỗi năm từ năm 2021 đến năm 2050 nếu thế giới có thể hạn chế khí thải do con người tạo ra và đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, điều này sẽ bổ sung thêm khoảng 13,1 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế khu vực. Việc hạn chế phát thải có thể đạt được một phần bằng cách phát triển và triển khai các công nghệ và chuỗi giá trị mới mang lại cơ hội kinh doanh thú vị cho quan hệ đối tác, hợp tác và đồng sáng tạo. Năm 2022, đầu tư toàn cầu vào năng lượng sạch đạt 1,1 nghìn tỷ USD, phù hợp với số tiền chi cho sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Đến cuối năm 2023, đầu tư vào năng lượng sạch dự kiến sẽ đạt 1,7 nghìn tỷ USD, vượt qua đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch. Bản thân PETRONAS cũng đã cam kết chi tới 20% tổng chi tiêu đầu tư vốn tài chính (2022-2026) để tăng cường nỗ lực loại bỏ carbon và theo đuổi các giải pháp năng lượng sạch hơn.
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình chuyển đổi năng lượng cần thiết, các khu vực khác đang ứng phó bằng các biện pháp chính sách và quy định như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) và Đạo luật giảm thiểu lạm phát (IRA) của Hoa Kỳ đang định hình tương lai hệ thống năng lượng toàn cầu. Những biện pháp này, cùng với các biện pháp khác có thể áp dụng ở các khu vực khác, đem lại cả rủi ro và cơ hội cho lĩnh vực OGSE của Malaysia, nơi sử dụng 1/4 số lao động. PETRONAS đang đáp lại lời kêu gọi tăng tốc thay đổi này và cam kết dẫn đầu quá trình chuyển đổi nhằm sản xuất năng lượng theo cách có trách nhiệm hơn, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế-xã hội của Malaysia.
Để đáp ứng quá trình chuyển đổi năng lượng và nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng về các nguồn năng lượng sạch hơn, PETRONAS sẽ cần quản lý lượng khí thải trong toàn bộ chuỗi giá trị của mình. Điều này bao gồm việc giới thiệu các hành động táo bạo và chủ động để đảm bảo các hoạt động bền vững trong lĩnh vực OGSE của Malaysia. PETRONAS sẽ tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp của mình để giúp xây dựng năng lực của họ nhằm phục vụ hiệu quả và tạo cơ hội trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Khát vọng net-zero của Malaysia: Chính phủ Malaysia nhận thấy những cơ hội đáng kể trong quá trình chuyển đổi năng lượng, như một cách tiếp cận toàn quốc hướng tới kết quả và đảm bảo tạo việc làm, tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Chính phủ Malaysia cũng đã tiến hành đánh giá giữa kỳ Kế hoạch Malaysia lần thứ 12 (2021-2025) để đánh giá tiến độ đạt được trong nỗ lực phát triển rộng hơn cũng như vạch ra các hành động trong hai năm cuối cùng để cắt giảm 45% lượng phát thải so với GDP (2030) và đạt được mức phát thải ròng khí nhà kính (GHG) net-zero (2050), dựa trên Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Những hành động này bao gồm: Thực hiện chính sách carbon quốc gia và cơ chế định giá carbon; phát triển khuôn khổ pháp lý về thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon; xây dựng chiến lược phát triển phát thải thấp dài hạn (LT-LEDS); công bố lộ trình phát triển bền vững OGSE quốc gia nhằm thúc đẩy các hoạt động phát triển bền vững và phát triển các tiêu chuẩn báo cáo đơn giản hóa.
Những nội dung trên sẽ bổ sung cho NETR của Chính phủ Liên bang về Quy hoạch tổng thể công nghiệp mới và Chính sách năng lượng quốc gia, giai đoạn 2022-2040. Tất cả các kế hoạch này đều đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng, ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cho hành trình hướng tới sự bền vững của lĩnh vực OGSE Malaysia. Nếu làm được như vậy, lĩnh vực dầu khí có thể đi đầu trong sự thay đổi, giúp duy trì khả năng cạnh tranh toàn cầu khi các nền kinh tế thế giới chuyển đổi sang các hệ thống năng lượng carbon thấp.
Đường hướng tới mục tiêu net-zero của PETRONAS: Với tư cách là đơn vị giám sát tài nguyên dầu khí của Malaysia, PETRONAS sẽ hỗ trợ các nỗ lực phát triển kinh tế không phát thải cacbon và cung cấp năng lượng đáng tin cậy cho phép tăng trưởng lũy tiến. Đồng thời cam kết cắt giảm lượng khí thải từ hoạt động của mình và đa dạng hóa chuyển sang các hoạt động kinh doanh chuyển đổi năng lượng mới sạch hơn, ít sử dụng carbon hơn và phù hợp với sự thay đổi về sở thích của người tiêu dùng và thị trường. Những cam kết này được quy định trong Lộ trình PETRONAS NZCE 2050, trong đó quy định việc giảm phát thải từ hoạt động và tham vọng tăng trưởng đối với các giải pháp năng lượng sạch hơn, cả hai đều đem lại cơ hội cho các nhà đầu tư và nhà cung cấp. Việc cắt giảm phát thải sẽ đạt được thông qua bốn đòn bẩy chính: Không đốt dầu và thông gió thường xuyên; hiệu quả năng lượng; điện khí hóa; thu hồi và lưu trữ carbon (CCS).
Để hỗ trợ Lộ trình NZCE 2050 của mình, PETRONAS đang nỗ lực hướng tới hạn chế lượng phát thải trong hoạt động ngay ở trong nước với mức tương đương 49,5 triệu tấn carbon dioxide (2024) với các mục tiêu bao gồm thuộc các Phạm vi 1 (phát thải trực tiếp trực tiếp từ hoạt động của chính công ty) và Phạm vi 2 (phát thải gián tiếp từ năng lượng mua cho hoạt động của mình. PETRONAS đã đặt mục tiêu cắt giảm 25% lượng khí thải carbon tuyệt đối trên toàn tập đoàn (2030), bao gồm cả lượng khí thải thuộc các Phạm vi 1 và Phạm vi 2.
Ngoài ra, PETRONAS cũng đã đặt mục tiêu cắt giảm 50% lượng khí thải methane từ chuỗi giá trị khí đốt tự nhiên toàn tập đoàn vào năm 2025. Điều này hỗ trợ tham vọng của Malaysia trong việc giảm 30% lượng khí thải methane (2030), phù hợp với Cam kết methane toàn cầu (Global Methane Pledge) với mục tiêu toàn tập đoàn đến năm 2030 lần lượt sẽ là 70% và 50% đối với chuỗi giá trị khí đốt tự nhiên của Malaysia.
Chuỗi giá trị năng lượng: Để đạt được Lộ trình NCZE 2050 một cách nhanh chóng và rộng rãi, PETRONAS cần cắt giảm lượng khí thải một cách đáng kể và nhanh chóng trên toàn chuỗi giá trị, trong đó, các chuỗi giá trị năng lượng carbon thấp mới sẽ cần được tạo ra và các chuỗi giá trị hiện có sẽ cần được thiết kế lại. Trong tương lai, PETRONAS sẽ tiếp tục cải thiện các nỗ lực báo cáo thuộc Phạm vi 3 (phát thải gián tiếp trên chuỗi giá trị) để xác định các cơ hội thực hiện hành động tác động đến biến đổi khí hậu trên toàn chuỗi giá trị của mình. Lượng phát thải thuộc Phạm vi 3 của PETRONAS chiếm phần lớn lượng phát thải GHG của tập đoàn, do đó cần có sự hợp tác chặt chẽ với cả khách hàng công nghiệp và nhà cung cấp cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) để giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa lợi ích từ những nỗ lực cắt giảm phát thải.
Tuy vậy, theo kết quả Khảo sát PETRONAS OGSE 3.0 năm 2023 (PETRONAS OGSE Survey), các nhà bán hàng và nhà cung cấp của họ chưa chuẩn bị tốt cho những nỗ lực loại bỏ carbon bởi vì chỉ có 25% số người được khi được hỏi đã trả lời sẽ áp dụng các sáng kiến về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), trong khi 82% khác thì lại không biết hoặc hầu như không áp dụng nhận thức được các ưu đãi, chương trình hoặc cơ chế hỗ trợ ESG mà họ có thể tiếp cận. Việc tiếp cận các tài nguyên như Bộ công cụ và Hướng dẫn báo cáo phát triển bền vững của Bursa Malaysia cũng như các khóa đào tạo ESG của Tổng Công ty phát triển nguồn nhân lực là rất quan trọng trong việc xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực cung cấp trang thiết bị và dịch vụ dầu khí OGSE của Malaysia và sẽ cải thiện tính minh bạch trong chuỗi giá trị năng lượng khi mà quá trình chuyển đổi năng lượng vượt xa mức đầu tư vào công nghệ loại bỏ carbon. Hiện các khoản đầu tư quy mô lớn liên quan cũng là cơ hội duy nhất để đảo ngược tình trạng tổn thất thiên nhiên và tăng cường tiến bộ xã hội.
Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học: Quan điểm của PETRONAS về thiên nhiên và đa dạng sinh học là nhằm mục đích thực hiện cách tiếp cận chủ động nhằm hỗ trợ sự thịnh vượng của hệ sinh thái tự nhiên thông qua năm lĩnh vực hành động chính: Thiết lập các khu vực loại trừ tự nguyện; quản lý rủi ro thiên nhiên và đa dạng sinh học; thúc đẩy thiên nhiên và đa dạng sinh học thông qua quan hệ đối tác và hợp tác; hỗ trợ chính sách công nhằm bảo vệ thiên nhiên và đa dạng sinh học; thúc đẩy các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào thiên nhiên chất lượng cao.
Tất cả những điều nêu trên hỗ trợ các cam kết của Malaysia và các chính phủ sở tại khác về bảo tồn sinh học như đã được nêu trong Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (CBD COP15). Những nỗ lực của PETRONAS là không thể thiếu trong việc hỗ trợ đền bù carbon dựa vào tự nhiên như là một phần trong kỳ vọng của PETRONAS sẽ đạt được NZCE (2050). Để đạt được mục tiêu này, vào năm 2023 vừa qua, PETRONAS đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Quỹ Lâm nghiệp Malaysia để khám phá, phát triển và đầu tư chất lượng cao vào các dự án có các giải pháp dựa vào thiên nhiên ở Malaysia.
Chuyển đổi công bằng và nhân quyền: Chuyển đổi công bằng kết hợp các khía cạnh xã hội của hành động thích ứng với biến đổi khí hậu, có tính đến sự thịnh vượng dự kiến do quá trình chuyển đổi đem lại sẽ được hưởng lợi bởi tất cả mọi người dân. Trong năm 2023, PETRONAS đã triệu tập một loạt hội nghị bàn tròn để thúc đẩy đối thoại và tham gia về ý nghĩa của quá trình chuyển đổi năng lượng đối với lĩnh vực năng lượng Malaysia, bao gồm cả người lao động, nhà cung cấp và cộng đồng. Một số bài học quan trọng được rút ra, bao gồm nâng cao nhận thức tổng thể về tính bền vững, đưa ra những kỳ vọng rõ ràng, có các giải pháp mục tiêu và tích cực thu hút các bên liên quan xác định và đáp ứng nhu cầu của họ.
PETRONAS cũng vẫn cam kết duy trì nhân quyền trong hoạt động và xuyên suốt chuỗi giá trị của mình, điều này bao gồm việc tăng cường thẩm định về quản lý nhân quyền bằng cách sử dụng khảo sát, đánh giá và giám sát việc tuân thủ các chính sách và hướng dẫn về nhân quyền của PETRONAS cũng như đảm bảo có một cơ chế khiếu nại hiệu quả được áp dụng như một phần trong chính sách tố giác của PETRONAS.
Lực lượng lao động: Quá trình chuyển đổi năng lượng đang làm thay đổi nhanh chóng bối cảnh năng lượng nên việc thích ứng và chuyển đổi liên tục sẽ là điều hết sức cần thiết, đặc biệt là đối với lực lượng lao động. Việc nâng cao và đào tạo lại lực lượng lao động sẽ rất quan trọng đối với lĩnh vực OGSE của Malaysia nhằm thu được lợi ích từ xu hướng toàn cầu rộng lớn hơn hướng tới nền kinh tế carbon thấp, dự báo sẽ tạo ra hàng triệu công ăn việc làm mới trong khu vực ASEAN. Hiện các kỹ năng liên lĩnh vực và đa lĩnh vực cần thiết để thúc đẩy quá trình loại bỏ carbon và tăng trưởng trong chuỗi năng lượng mới sẽ có nhu cầu cao vì tư duy và phương pháp tiếp cận đổi mới sẽ rất quan trọng trong việc giải quyết quy mô của những thách thức phía trước.
Tóm lại, quá trình chuyển đổi năng lượng đem lại cả thách thức và cơ hội cho lĩnh vực OGSE của Malaysia, lĩnh vực buộc phải thích ứng, đổi mới và hợp tác để phát triển bền vững, đồng thời duy trì khả năng cạnh tranh toàn cầu. PETRONAS vẫn luôn cam kết hợp tác làm việc với các nhà cung cấp của mình để xây dựng nhận thức, năng lực và kỹ năng của họ nhằm đảm bảo họ cũng có thể hưởng lợi từ những cơ hội mà quá trình chuyển đổi năng lượng có thể đem lại.
Tuấn Hùng
PETRONAS