Tuổi trẻ ngành Dầu khí: Hai công trình tiết kiệm tiền tỉ

14:03 | 12/11/2013

1,110 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Hằng năm, nhiều công trình của ngành Dầu khí đã được tôn vinh về những thành tích trong lao động sáng tạo, mà lực lượng nòng cốt là thanh niên. Vừa qua, 2 công trình của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã được Trung ương đoàn vinh danh tại Festival “sáng tạo trẻ” toàn quốc lần thứ VI, năm 2013.

Tại giàn khoan Tam Đảo 02

Công trình “Mở rộng sàn CTU tăng giới hạn khoan thăm dò cho giàn khoan Tam đảo 02” của đoàn viên Lương Xuân Mạnh, Viện Nghiên cứu Khoa học, Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) được đánh giá rất cao. Từ tháng 8/2010, giàn Tam Đảo 02 là giàn khoan tự nâng được Vietsovpetro sử dụng vào việc khoan thăm dò, khai thác và sửa giếng trong vùng biển có độ sâu lên đến 115m nước. Quá trình khoan thăm dò, định tâm ống khoan được thực hiện bằng sàn đỡ thiết bị căng ống chống CTU (Conductor Tensioner Unit) hay còn được gọi là sàn CTU. Cấu tạo sàn CTU của giàn Tam Đảo 02 gồm hai sàn chính: Sàn cố định được liên kết với vách tàu bằng khớp bản lề và thanh treo. Sàn di động có thể trượt trên giàn cố định để tăng vị trí khoan thăm dò của giàn.

Thi công hạng mục cửa nhận nước Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1

Nhược điểm của sàn CTU có thể nhận thấy: chiều dài của giàn Tam Đảo-02 có thể khoan được các giếng xa 22,7m nhưng với khả năng sàn CTU này chỉ khoan được các giếng xa nhất là 10,527m. Do thời tiết và hệ thống định vị, việc di dời giàn tự nâng là một thiết bị nổi nặng gần hai chục ngàn tấn vào đúng chính xác đến 1m là rất khó khăn. Thực tế khi đã vào đúng tọa độ, chống chân lên lấy cân bằng lại giàn thì sai số lên đến trên dưới 1m. Lúc này việc hạ lại giàn để lấy lại tọa độ chính xác là hầu như không thể. Vì vậy việc tăng khả năng vươn xa cho CTU để có thể khoan đúng tọa độ hoặc di dời vào đúng giếng để khoan là rất cần thiết. Chính về vấn đề này, tác giả đã đưa ra giải pháp nối dài dầm của sàn CTU để mở rộng giới hạn khoan thăm dò của giàn mà không ảnh hưởng tới kết cấu ban đầu của sàn CTU.

Giải pháp được đưa ra là thiết kế dầm nối dài cho sàn di động. Dầm nối dài phải đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và đảm bảo khả năng làm việc an toàn trong quá trình khoan. Dầm nối dài được tổ hợp từ thép tấm có bề dày lớn nhất là 40mm. Với dầm nối dài này, sàn khoan thăm dò của giàn Tam Đảo 02 có thể khoan thêm một dãy giếng nữa theo tiêu chuẩn an toàn của Vietsovpetro. Có thể thấy hiệu quả kinh tế rất rõ từ sáng tạo này. Không cần phải dịch giàn để khoan giếng khoan hoặc khoan các giếng đã có kết cấu định vị đầu giếng ngầm (Sub-sea template) mà vẫn thi công được ở những vị trí xa hơn. Từ đó khắc phục những tốn kém do công việc dịch giàn. Mở rộng giới hạn khoan thăm dò cho giàn Tam Đảo 02 từ 6,98m đến 13m. Từ đó tăng khả năng cho việc di chuyển vào đúng vị trí giếng khoan.

Sau khi áp dụng sáng kiến này sẽ tiết kiệm chi phí cho 5 ngày di chuyển giàn để đưa giàn vào vị trí mới là 774.230USD. Tiết kiệm chi phí thuê tàu lặn, kéo, rải neo… là 333.360USD. Như vậy tổng số tiền tiết kiệm trong thời gian 5 ngày di dời giàn là 1.107.590USD. Ngoài ra, sáng kiến này đã góp phần quan trọng để giàn Thỏ Trắng được đưa vào hoạt động vào ngày 29/6/2013 vượt kế hoạch 15 ngày và góp phần chặn đà suy giảm sản lượng dầu khai thác của Vietsovpetro trong năm 2013.

Sản phẩm  “Mở rộng sàn CTU tăng giới hạn khoan thăm dò cho giàn Tam Đảo 02” đã thể hiện được tính sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm của thế hệ trẻ Vietsovpetro. Sáng kiến này có thể được áp dụng cho các giàn có kết cấu sàn CTU tương tự như giàn Tam Đảo 02 (ví dụ: giàn Tam Đảo 01, Tam Đảo 03...) khi cần mở rộng các vị trí khoan trong công tác khoan tìm kiếm, thăm dò dầu khí.

Trên công trình nhiệt điện Vũng Áng 1

Đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Thi công Cơ giới và Lắp máy Dầu khí (PVC-ME) thuộc Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) với công trình sáng tạo: “Thay đổi biện pháp thi công hệ cừ vây Larsen IV bằng hệ thống ván khuôn định hình chế tạo sẵn của tấm bê tông chắn sóng (Massconcrete) số 1 và số 2 tại hạng mục Cửa nhận nước làm mát Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1”.

Bí thư Đoàn PVC Hoàng Hữu Thành cho biết: “Công trình sáng tạo của PVC đã phát huy tốt hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật, tiết kiệm chi phí thi công cho dự án khoảng 4,5 tỉ đồng, đồng thời là tiền đề cho việc áp dụng với các công tác thi công tấm bê tông dưới nước tại các công trình biển”.

Thật vậy, khi nghe đồng chí Vũ Minh Khang và đồng chí Nguyễn Anh Khôi trình bày công trình này, chúng tôi mới thấm hết sức sáng tạo và dày công của những thanh niên dầu khí. Đồng chí Vũ Minh Khang, Giám đốc Công ty Cổ phần Kết cấu và Đường ống PME1 trực thuộc Công ty Cổ phần Thi công Cơ giới và Lắp máy Dầu khí (PVC-ME), là người đưa ra ý tưởng và phụ trách công tác thiết kế sản phẩm, chỉ đạo công tác thi công. Đồng chí Nguyễn Anh Khôi, hiện đang là Đội trưởng Đội thi công của Công ty PVC-ME tại hạng mục Cửa nhận nước làm mát công trường Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, là người trực tiếp thi công và hạ thủy thành công 02 khối Massconcrete.

Công trình Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 là dự án trọng điểm nằm trong quy hoạch Điện VI của quốc gia, là nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất 1200MW. Theo hồ sơ thiết kế biện pháp kỹ thuật thi công do Tổng Công ty PVC thuê đơn vị tư vấn thiết kế là công ty Cổ phần Đầu tư Tư vấn Phát triển Cảng Việt Nam lập và trình lên Chủ đầu tư thì biện pháp thi công 2 khối bê tông chắn sóng #1 và #2 của hạng mục Cửa nhận nước làm mát là: sử dụng hệ cừ vây Lassen IV. Theo đó, khối lượng thi công rung hạ cừ để thi công hai khối ván khuôn #1 và #2 vào khoảng 3.700md cừ Lassen IV (tương đương 280 tấn thép cừ).

Qua phân tích, đánh giá các ưu, nhược điểm của các phương án thi công và cuối cùng thấy được ưu điểm vượt trội của phương án thi công sử dụng hệ ván khuôn định hình chế tạo sẵn, nhóm nghiên cứu đã ngay lập thống nhất lựa chọn phương án này làm phương án thi công.

Đồng chí Vũ Minh Khang nhớ lại: Do yêu cầu tiến độ gấp rút, đo đếm từng ngày, tất cả các công việc được triển khai quyết liệt, từng bước hoàn thiện cũng như triển khai song song nhiều công tác từ thiết kế chi tiết sản phẩm, gia công và chế tạo sản phẩm, vận chuyển tập kết máy móc thiết bị và xây dựng biện pháp thi công đến thi công hạ thủy, lắp đặt sản phẩm. Cụ thể, việc thiết kế và tính áp lực tiến hành song song với việc trình bày bản vẽ thi công và biện pháp thi công đã hoàn thành trong 4 ngày. Việc xây dựng biện pháp thi công và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt được hoàn thiện sau 7 ngày làm ngày làm đêm. Việc tập kết một loạt các máy móc thiết bị lớn đã được hoàn thành trong thời gian ngắn bao gồm: Jackup 400 tấn, sà lan 400 tấn, cẩu 50 tấn, cẩu 25 tấn, máy toàn đạc, máy hàn, Palang xích 10 tấn, Palang xích 5 tấn,…

Sau một thời gian khẩn trương thiết kế, chế tạo sản phẩm, với sự cố gắng nỗ lực hết mình của tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty PVC-ME, công tác chế tạo 2 khối bê tông chắn sóng #1 và #2 đã diễn ra an toàn, chất lượng.

Sau đó các khối bê tông được cẩu từng phân đoạn lên Jackup và chuyển ra vị trí thi công đặt vào sàn đạo đã có sẵn trên biển. Các kỹ sư tiến hành tổ hợp 3 phân đoạn thành 1 khối ván khuôn thép định hình và sử dụng palang xích để hạ thủy thành công sản phẩm. Công tác kiểm tra cao độ, kiểm tra an toàn được kiểm tra kỹ lưỡng, cẩn thận trước khi đổ bê tông. Sau 10 ngày thi công cao điểm, khối bê tông chắn sóng (Mass concrete) số 1 đã hoàn thành trong tháng 5/2013. Khối bê tông chắn sóng (Mass concrete) số 2 với biện pháp thi công phức tạp hơn đã hoàn thành sau 20 ngày trong tháng 6/2013, đảm bảo tiến độ đề ra.

Đ.Chính

DMCA.com Protection Status