Tương lai rộng mở với Đại Hùng!
PV: Thưa ông, thành công của dự án Phát triển mỏ Đại Hùng pha 3 có ý nghĩa như thế nào đối với Chi nhánh PVEP-POC và tương lai phát triển mỏ Đại Hùng cũng như mở rộng tại Lô 05.1(a) và các lô lân cận?
Giám đốc PVEP-POC Lê Đức Tuệ: Đối với Chi nhánh PVEP-POC, đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính chất sống còn. Dự án đóng vai trò then chốt trong việc duy trì sản lượng khai thác tại mỏ Đại Hùng, nâng cao hệ số thu hồi, gia tăng hiệu quả kinh tế cho PVEP/PVEP-POC, Petrovietnam và Nhà nước. Cụ thể, với việc đưa vào khai thác các giếng thuộc pha 3, lưu lượng khai thác toàn mỏ dự kiến sẽ đạt khoảng 18.000 thùng/ngày vào cuối năm 2025, đóng góp thêm khoảng 2,5 tỷ USD doanh thu và 450 triệu USD ngân sách nhà nước, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của mỏ Đại Hùng trong chiến lược phát triển ngành Dầu khí quốc gia.
![]() |
Lãnh đạo Chính phủ, Petrovietnam, PVEP, PVEP-POC thực hiện nghi thức đón dòng dầu thương mại đầu tiên từ dự án Phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 3 |
Không chỉ vậy, thành công của Đại Hùng pha 3 còn mở ra một tương lai rộng mở phía trước. Hiện nay, chúng tôi đang triển khai dự án Đại Hùng Nam, dự kiến đưa vào khai thác vào cuối năm 2026. Khi đó, sản lượng của mỏ Đại Hùng sẽ tăng lên gần 30 nghìn thùng/ngày, chúng ta cũng sẽ tiếp tục thăm dò mở rộng để tìm ra những cấu tạo mới đưa vào phát triển. Tập thể "những người đi tìm lửa" của Petrovietnam, PVEP/PVEP-POC sẽ quyết tâm phấn đấu đưa sản lượng của mỏ Đại Hùng đứng vào Top 3 NDH có sản lượng cao nhất của Việt Nam trong những năm tới.
PV: Được biết trong quá trình triển khai, dự án đã đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ?
Giám đốc PVEP-POC Lê Đức Tuệ: Dự án Phát triển mỏ Đại Hùng pha 3 đã về đích thành công rực rỡ, các tiêu chí về an toàn - chất lượng - tiến độ và hiệu quả của dự án đều đạt và vượt so với kế hoạch. Để đi đến thành công đó, dự án đã đi qua hành trình đầy biến động với nhiều thách thức đặc biệt. Hiếm có một dự án nào mà khó khăn đến ngay từ thời điểm Kế hoạch đại cương phát triển mỏ (ODP, được phê duyệt vào ngày 11/3/2020) như với Đại Hùng pha 3. Đó là thời điểm của đại dịch Covid-19 hoành hành, vật tư thiết bị cung thấp hơn cầu, khủng khoảng địa chính trị thế giới... làm ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình chuẩn bị và công tác thi công dự án.
Trong đó, cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, xung đột tại Trung Đông đã ảnh hưởng đến nguồn cung trên thế giới và công tác vận chuyển hàng từ châu Âu về đến khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thay vì đi qua kênh đào Suez thì hàng hóa phải vận chuyển qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi dẫn đến thời gian giao hàng và chi phí hàng tăng lên. Cùng với đó là nhu cầu phát triển năng lượng sau đại dịch tăng dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai dự án do thiếu hụt cả hàng hóa và nhân lực dự án.
![]() |
Ông Lê Đức Tuệ: Thành công của Đại Hùng pha 3 mở ra tương lai rộng mở phía trước. |
Bên cạnh đó, điều kiện đặc thù của mỏ cũng là thách thức lớn. Đại Hùng là mỏ xa bờ, thời tiết thủy văn phức tạp, chi phí huy động nhân lực, thiết bị rất cao. Ngoài ra, cụm xử lý trung tâm là giàn FPU cũng đặt ra yêu cầu kỹ thuật khắt khe. Tình trạng thiếu hụt nhân lực và vật tư cũng xảy ra do thị trường trong nước và quốc tế đều có nhu cầu cao sau đại dịch...
PV: Trước những khó khăn đó, PVEP-POC đã vượt qua thế nào để đưa dự án về đích thành công?
Giám đốc PVEP-POC Lê Đức Tuệ: Thành công của dự án là kết quả từ sự chỉ đạo quyết liệt, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, Bộ Công Thương, Petrovietnam và PVEP. Đồng thời là sự đoàn kết, đồng lòng vì mục tiêu chung từ toàn hệ thống cùng tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo và tận tâm của toàn thể cán bộ nhân viên PVEP-POC. Nhờ đó mà những khó khăn trong quá trình thực hiện được giải quyết nhanh chóng, đặc biệt là các khó khăn khách quan mà cả nhà thầu và chủ đầu tư đều khó lường trước được.
Đặc biệt, sự quyết đoán của các cấp lãnh đạo có ý nghĩa quan trọng đẩy nhanh tiến độ dự án. Điển hình là Chiến lược thầu tổng thể của dự án (OCS) được phê duyệt bởi Petrovietnam và PVEP trước thời điểm Kế hoạch phát triển mỏ (FDP) được phê duyệt đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các gói thầu nhằm đạt mục tiêu dự án, đặc biệt là mua sắm các vật tư dài hạn và gói thầu EPCI. Cụ thể là gói thầu "Cung cấp thép kết cấu chính - Primary Steel", PVEP-POC đã trao thầu cho các nhà thầu chỉ 3 tuần sau khi FDP được phê duyệt chính thức.
Ngoài ra, sự thấu hiểu, phối hợp, chia sẻ từ các đối tác tham gia dự án, từ Tổng thầu EPCI Vietsovpetro, PV Drilling, PTSC. Trong quá trình triển khai dự án, với bất kể một phát sinh nào, các bên đều cùng ngồi lại đàm phán trên tinh thần cùng chung mục tiêu lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
![]() |
Dự án Phát triển mỏ Đại Hùng pha 3 là minh chứng cho một tập thể 100% người Việt Nam đã sẵn sàng làm chủ trong điều hành, quản lý và phát triển các dự án dầu khí quy mô lớn, phức tạp. |
Do đó, thành công của dự án Phát triển mỏ Đại Hùng pha 3 không chỉ đơn thuần là việc triển khai thành công một dự án khai thác dầu khí, mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết, trí tuệ và bản lĩnh của con người Việt Nam. Dự án là minh chứng cho một tập thể 100% người Việt Nam đã sẵn sàng làm chủ trong điều hành, quản lý và phát triển các dự án dầu khí quy mô lớn, phức tạp và khẳng định vị thế mới của ngành Dầu khí nước nhà.
PV: Việc vận hành khai thác mỏ Đại Hùng nói chung, pha 3 nói riêng luôn đặt ra yêu cầu rất cao về an toàn, ổn định và hiệu quả. Đội ngũ PVEP-POC đã chuẩn bị gì để đảm bảo hiệu suất khai thác tối ưu, thưa ông?
Giám đốc PVEP-POC Lê Đức Tuệ: Để đạt hiệu suất khai thác tối ưu tại mỏ Đại Hùng, điều trước tiên là chúng tôi cần phải hiểu rõ những khó khăn, thách thức đặc thù của mỏ - nằm ở khu vực nước sâu, xa bờ, điều kiện thời tiết khắc nghiệt và có cấu trúc địa chất phân khối nhỏ, phức tạp. Bên cạnh đó, hệ thống thiết bị công nghệ được đặt trên giàn nửa nổi nửa chìm càng đòi hỏi đội ngũ vận hành phải có kiến thức liên ngành và khả năng thích ứng cao.
Chúng tôi đặc biệt chú trọng đào tạo lực lượng kỹ sư - chuyên gia đủ năng lực làm chủ thiết bị và công nghệ, từ khai thác, điện, tự động hóa đến hàng hải. Công tác bảo trì, bảo dưỡng hệ thống FPU/WHP được thực hiện thường xuyên, đảm bảo thiết bị vận hành ổn định, an toàn.
Đội ngũ kỹ sư, chuyên gia của chúng tôi thường xuyên nghiên cứu, cập nhật và nắm rất rõ về các cấu tạo địa chất từng khu vực, sử dụng phần mềm mô phỏng chế độ khai thác từng giếng kết hợp với thực tế để đưa ra các chế độ khai thác tối ưu cho từng giếng. Nhờ có các biện pháp can thiệp giếng kịp thời, cùng với đó là chế đội khai thác phù hợp mà trong thời gian dài khai thác tự nhiên (từ năm 2011 đến nay), sản lượng khai thác luôn được duy trì ổn định.
Đồng thời, trong điều kiện khí tượng thủy văn phức tạp, đội ngũ trên giàn cũng được trang bị kiến thức và kỹ năng để chủ động ứng phó theo mùa, đặc biệt vào mùa gió chướng.
![]() |
Việc đưa vào khai thác các giếng thuộc pha 3, lưu lượng khai thác toàn mỏ dự kiến sẽ đạt khoảng 18.000 thùng/ngày vào cuối năm 2025. |
Chúng tôi nỗ lực triển khai các kế hoạch, định hướng kể trên nhằm đảm bảo vận hành mỏ Đại Hùng an toàn, ổn định, tối ưu hóa hiệu suất khai thác, góp phần vào thành công của pha 3 và khẳng định vị thế ngành Dầu khí Việt Nam.
PV: Dự án Phát triển mỏ Đại Hùng pha 3 đã để lại những bài học gì đối với PVEP-POC?
Giám đốc PVEP-POC Lê Đức Tuệ: Chúng tôi rút ra nhiều bài học quan trọng. Trước hết là lựa chọn mô hình phát triển hợp lý, chẳng hạn như việc thiết kế giàn đầu giếng không người, kết nối khai thác về FPU để vừa đảm bảo hiệu quả kỹ thuật, vừa tối ưu chi phí. Kế đến là vai trò dẫn dắt chiến lược của Petrovietnam, PVEP và sự chỉ đạo, hỗ trợ sát sao của Chính phủ, Bộ Công Thương là yếu tố quan trọng thúc đẩy triển khai dự án bài bản và hiệu quả. Điều này được thể hiện rõ trong quá trình xây dựng và phê duyệt ODP/FDP của dự án Phát triển mỏ Đại Hùng Nam.
Một yếu tố then chốt là con người. Ngay từ giai đoạn đầu của dự án, PVEP-POC đã đặc biệt chú trọng đến công tác nhân sự và đã thiết lập đội ngũ nhân sự kết hợp những thành viên giàu kinh nghiệm cùng với các kỹ sư trẻ theo mô hình vừa làm vừa đào tạo và tất cả đội ngũ là người Việt Nam. Đến nay, đội ngũ đã trưởng thành và đủ tự tin triển khai tất cả các khâu của dự án dầu khí từ Thăm dò - Khoan - Phát triển mỏ - Vận hành khai thác.
![]() |
Người lao động tại Phòng điều khiển của giàn Đại Hùng 01. |
Kế đến là sự chủ động tổ chức triển khai dự án, giám sát và phối hợp chặt chẽ giữa PVEP/PVEP-POC với các nhà thầu trên tinh thần hợp tác, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Ngoài ra, sự phối hợp nội bộ giữa các phòng, ban của PVEP-POC từ bộ phận trực tiếp như Phát triển mỏ, Vận hành khai thác, Khoan, Công nghệ mỏ, đến các bộ phận gián tiếp như Thương mại - Kế hoạch, HSE... cũng đã đem lại hiệu quả cho toàn dự án. Sự phối hợp chặt chẽ này giúp giảm thiểu rủi ro phát sinh chi phí, tận dụng tối đa thời gian dừng mỏ để triển khai công việc, nâng cao hiệu suất khai thác trong điều kiện khó khăn đặc biệt như ở Đại Hùng.
Tiếp nối thành công pha 3, chúng tôi tự tin sẽ tiếp tục triển khai thành công các dự án sắp tới tại Đại Hùng, trước mắt là dự án Đại Hùng Nam và chương trình khoan bổ sung, với tinh thần chủ động, bản lĩnh và trí tuệ của người Việt.
PV: Cảm ơn ông đã chia sẻ!
Lê Trúc (Thực hiện)
-
Đảng ủy PVEP kết nạp đảng viên mới: Phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu, sẵn sàng cống hiến
-
Cảnh báo mạo danh Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam lừa đảo tuyển dụng
-
[VIDEO] Gần 4.300 đảng viên Petrovietnam tham dự quán triệt Nghị quyết 68-NQ/TW và Nghị quyết 66-NQ/TW của Bộ Chính trị