Urê hạt đục của Nhà máy Đạm Cà Mau: Tốt hơn phân đạm của Trung Quốc

14:31 | 01/05/2012

2,690 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Mô hình trình diễn phân urê hạt đục (do Nhà máy Đạm Cà Mau sản xuất) sử dụng trên cây lúa tại 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đảm bảo năng suất lúa thu hoạch cao hơn hoặc tương đương các loại phân urê nhập ngoại. Điều này đã được các chuyên gia nông nghiệp, các cơ quan quản lý ngành và bà con nông dân xác nhận.

Mời nông dân vào cuộc

Nhằm chuẩn bị thị trường urê hạt đục, từ giữa cuối tháng 2/2012 cho đến đầu tháng 4/2012, Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) phối hợp cùng Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đã tổ chức một loạt hội thảo tổng kết mô hình trình diễn sử dụng phân đạm hạt đục bón lúa tại các tỉnh ĐBSCL.

Bà con nông dân tham quan và kiểm chứng ruộng mô hình trình diễn urê hạt đục sử dụng cho cây lúa

Qua số liệu báo cáo của đơn vị, địa phương thực hiện mô hình cho thấy, việc sử dụng phân urê hạt đục đã cho năng suất cao hơn và chi phí thấp hơn so với ruộng đối chứng sử dụng phân urê nhập khẩu từ Trung Quốc. Năng suất thu hoạch lúa theo mô hình trình diễn đạm hạt đục được đánh giá khoảng 8-9 tấn/ha, cây lúa cứng, tỉ lệ nhiễm rầy nâu ít hơn. Đồng thời trong các buổi hội thảo, bà con nông dân đã đưa ra những câu hỏi thực tiễn về cách nhận biết sản phẩm, giá cả và kênh phân phối và đã được các cán bộ chuyên môn giải đáp cặn kẽ. Tại các cuộc hội thảo này, bà con được giới thiệu về Nhà máy Đạm Cà Mau, được hướng dẫn kỹ thuật sử dụng đạm hạt đục, cán bộ kỹ thuật khuyến cáo bà con xuống giống tránh rầy nâu, áp dụng biện pháp 4 đúng, 3 giảm, 3 tăng, phòng trừ rầy nâu.

Nhiều ý kiến của bà con nông dân xung quanh cách sử dụng phân đạm hạt đục, kỹ thuật canh tác, chăm sóc lúa… cũng được đưa ra bàn luận. Đặc biệt, bà con quan tâm về giá thành, chất lượng so với phân ngoại, sản phẩm đạm hạt đục trên các loại cây trồng khác nhau. Các chuyên gia và bà con nông dân cho rằng, đạm Cà Mau hạt to, rải đều, dễ phối trộn, không chảy nước, ít mạt, ruộng mô hình có năng suất và mã lúa được đánh giá cao hơn, đẹp hơn ruộng đối chứng sử dụng phân đạm Trung Quốc.

Nói về mô hình trình diễn urê hạt đục trong một cuộc hội thảo tại tỉnh Sóc Trăng, nông dân Nguyễn Văn Truyền (xã Long Tân, huyện Ngã Năm, Sóc Trăng) đưa ra một so sánh cụ thể: “Năm vừa qua tôi được chọn tham gia mô hình, được cung cấp phân đạm urê hạt đục sử dụng. Tôi thấy cây lúa có chồi nhiều hơn, bông lúa to, hạt trắc nhiều hơn. Tôi cùng với cán bộ Trung tâm Khuyến nông thu hoạch thử nghiệm năng suất của ruộng mô hình cao hơn ruộng sử dụng phân đạm xanh 200kg/ha, chi phí ruộng mô hình lại thấp hơn 700 ngàn đồng/ha”.

Được biết, hộ nông dân của ông Nguyễn Văn Truyền nằm trong trong mô hình trình diễn sử dụng phân đạm hạt đục trên giống lúa OM 6976 vụ đông xuân tại 2 huyện Thạnh Trị và huyện Ngã Năm (Sóc Trăng) với thời gian xuống giống từ ngày 1/12/2011. Năng suất ruộng mô hình sử dụng đạm hạt đục tại 2 huyện này được đánh giá là 8,5 tấn/ha.

Còn tại một cuộc hội thảo ở tỉnh An Giang, qua tổng kết mô hình trình diễn trên giống lúa Jesmine 85 vụ Đông Xuân cho thấy, năng suất mô hình trình diễn đạm hạt đục được đánh giá trên 8 tấn/ha, lúa cứng cây, không đổ, chín đều. Nông dân Nguyễn Mạnh Hùng tại phường Bình Đức (TP Long Xuyên, An Giang) bày tỏ: “Mỗi năm tôi mua 30 tấn phân đạm, tôi thường sử dụng phân urê Trung Quốc, ruộng nhà tôi bên cạnh ruộng mô hình trình diễn urê hạt đục, tôi thường so sánh thấy lá lúa ruộng mô hình cứng hơn, dày hơn, xanh bền hơn, quan sát hạt phân đạm hạt đục không có mạt, hạt to, dễ bón, dễ trộn”.

Hiệu quả nhãn tiền

Qua năng suất lúa thu hoạch từ các mô hình trình diễn urê hạt đục tại 13 tỉnh ĐBSCL, các nhận xét chung đều cho rằng: Phân urê hạt đục sử dụng cho cây lúa đảm bảo cho năng suất cao hơn hoặc tương đương các loại phân urê nhập ngoại. Điều này đã được các nhà khoa học, các cơ quan quản lý ngành Nông nghiệp: Cục Trồng trọt, Sở Nông nghiệp các tỉnh, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Bảo vệ Thực vật, đại lý, bà con nông dân chứng kiến tại các điểm trình diễn. Kết quả này đã và đang được phổ biến rộng rãi thông qua các phương tiện truyền thông như báo, truyền hình, tạp chí nông nghiệp… để bà con nông dân có thể yên tâm sử dụng phân đạm Cà Mau thay thế các loại phân urê nhập khẩu như trước đây.

Phát biểu trong một hội thảo, bà Nguyễn Thị Kiều (Phó giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ) nhận xét Đạm Cà Mau ra đời đã giải quyết vấn đề nhập siêu phân bón, đáp ứng đầy đủ lượng phân bón cho bà con, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường và mong rằng, đạm Phú Mỹ và đạm Cà Mau sẽ là người bạn đồng hành cùng bà con nông dân. Còn theo bà Lâm Thanh Tùng (Chi cục phó Chi cục Bảo vệ Thực vật thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng) thì ruộng trình diễn thí điểm sử dụng đạm hạt đục cho thấy kết quả rất tốt, năng suất rất cao, lúa chắc hạt, bông lúa dài hơn. “Năng suất ruộng mô hình sử dụng đạm hạt đục được đánh giá cao hơn so với ruộng đối chứng sử dụng đạm Trung Quốc. Như vậy đã có đủ cơ sở để khuyến cáo bà con sử dụng đạm sản xuất trong nước như đạm Cà Mau, đạm Phú Mỹ để thay thế được hoàn toàn việc sử dụng phân đạm nhập khẩu” – bà Tùng nói.

Ông Võ Thanh Tân, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ Thực vật thuộc Sở NN&PTNT An Giang thì chia sẻ thêm: “Đây là mô hình trình diễn đạm hạt đục thứ 8 triển khai thí điểm tại An Giang trên ba vụ khác nhau: vụ Hè Thu, Thu Đông và đông xuân và trên các vùng đất khác nhau trong tỉnh. Kết quả theo dõi, nghiên cứu và đánh giá khoa học đều cho thấy mô hình sử dụng đạm hạt đục có các chỉ tiêu sinh trưởng: chiều cao cây, số cây/m2, số bông/m2, số hạt chắc/bông, năng suất và chỉ tiêu theo dõi sâu bênh hại đều cho kết quả tốt, năng suất bằng hoặc cao hơn so với đối chứng”… Có thể thấy rằng, qua việc tổng kết mô hình trình diễn urê hạt đục sử dụng trên cây lúa, nhiều bà con bày tỏ và mong muốn sớm có đạm Cà Mau sử dụng ngay trong vụ Hè Thu này.

Vụ Đông Xuân 2011-2012 tại các tỉnh khu vực ĐBSCL cũng đã dần kết thúc, đa số diện tích lúa đã được bà con nông dân thu hoạch và chuẩn bị xuống giống đại trà cho vụ Hè Thu 2012. Hiện nay, Nhà máy Đạm Cà Mau đã có các đợt chào bán sản phẩm thương mại và công tác bán hàng, tập huấn đại lý cũng như một số chương trình hỗ trợ bán hàng cho vụ Hè Thu 2012 cũng đang được PVFCCo phối hợp chặt chẽ với với công ty con vùng miền chuẩn bị triển khai.

Thông qua các buổi hội thảo tổng kết thực hiện mô hình, lãnh đạo Sở NN&PTNT các tỉnh, các chuyên gia đầu ngành và các cán bộ chuyên môn địa phương đánh giá cao việc hợp tác chặt chẽ giữa PVCFC, PVFCCo với các địa phương cũng như hộ nông dân tại các tiểu vùng canh tác khác nhau để chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa đồng thời giới thiệu sản phẩm đạm urê hạt đục một cách rộng rãi đến với bà con nông dân để họ có thể yên tâm sử dụng.

Thế Vinh

DMCA.com Protection Status