Vai trò quản lý nhà nước về thăm dò khai thác dầu khí tại Indonesia

15:59 | 11/12/2021

4,577 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Indonesia quản lý ngành dầu khí theo mô hình trong đó chính phủ hoạch định và ban hành chính sách, cũng như thực hiện chức năng quản lý nhà nước, trong khi công ty dầu khí quốc gia (NOC) đóng vai trò độc lập, chỉ thực hiện chức năng của nhà đầu tư.
Indonesia

Đối với quốc gia Đông Nam Á Indonesia, Tổng cục Dầu khí (DGOG) là cơ quan thuộc Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản (MoEMR), chịu trách nhiệm xây dựng và ban hành các chính sách về năng lượng.

Trước đây, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Indonesia (Pertamina) giữ vai trò độc quyền trong hoạt động thăm dò khai thác, vận chuyển, phân phối và bán sản phẩm dầu khí tại Indonesia. Tuy nhiên, kể từ năm 2001, Pertamina đã được chuyển đổi thành công ty dầu khí độc lập.

Chính phủ Indonesia đã quyết định thành lập BPMIGAS (2002) và sau đó đến năm 2013 được thay thế bằng SKK Migas (trực thuộc MoEMR) để thực hiện vai trò quản lý nhà nước về dầu khí.

Các quyền và nghĩa vụ của Pertamina phát sinh từ các hợp đồng, thay mặt cho Chính phủ, được chuyển giao cho SKK Migas. SKK Migas báo cáo trực tiếp Tổng thống và được giám sát bởi Ủy ban bao gồm Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản và các lãnh đạo cấp cao trong Chính phủ.

Quyền thăm dò khai thác chỉ có thể thực hiện được thông qua thỏa thuận hợp tác giữa chính phủ (thông qua SKK Migas) và nhà thầu. Các hợp đồng có thể được trao bằng đấu thầu hoặc chào hàng trực tiếp.

Hình thức chào hàng trực tiếp được áp dụng đối với một số trường hợp, trong đó có áp dụng đối với các hợp đồng dầu khí đã hết hạn hoặc được nhà thầu hoàn trả. Các hợp đồng này có thể được quản lý bởi Pertamina, nhà thầu hiện tại hoặc điều hành chung giữa nhà thầu theo hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) và Pertamina.

Indonesia cho phép các nhà đầu tư lựa chọn giữa 2 loại hợp đồng phân chia sản phẩm: PSC thu hồi chi phí và PSC chia gộp, đều được cấp phép trong 30 năm và có thể gia hạn thêm 20 năm.

Mặc dù vậy, luật pháp Indonesia không cho phép chuyển nhượng quyền lợi tham gia trong PSC cho bên thứ 3 và thay đổi nhà điều hành trong thời gian 3 năm đầu tiên của giai đoạn thăm dò.

Việc Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản cho phép lựa chọn thay đổi cấu trúc PSC từ "thu hồi chi phí" sang "chia gộp", cho thấy cơ quan này đã linh hoạt điều chỉnh các điều khoản của PSC để thu hút đầu tư.

Được biết, nhà thầu cần phải thông báo cho Chính phủ nước sở tại và SKK Migas bất kỳ phát hiện nào về dầu khí trong diện tích hợp đồng. Sau khi thông báo được SKK Migas chấp thuận, nhà thầu sẽ trình Kế hoạch phát triển mỏ (POD) ngay khi có thể (thời hạn không quá 3 năm).

POD đầu tiên sẽ được MoEMR phê duyệt dựa trên ý kiến của SKK Migas. Các POD tiếp theo được phê duyệt trực tiếp bởi SKK Migas. Sau khi POD được phê duyệt, nhà thầu được yêu cầu bắt đầu hoạt động dầu khí trong vòng 5 năm kể từ khi kết thúc giai đoạn thăm dò, nếu không thực hiện được thì PSC không còn hiệu lực.

Nhà thầu có trách nhiệm báo cáo nhà trức trách Indonesia về trữ lượng dầu khí hàng năm gồm trữ lượng dầu khí xác minh, có khả năng và có thể.

Bình An

DMCA.com Protection Status