Vạn dặm tìm dầu trên sa mạc Sahara

08:57 | 26/01/2012

828 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
– Trên sa mạc Sahara xa xôi, có một giàn khoan dầu khí và những người Việt đang ngày đêm kiên cường làm việc, bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết và cách biệt địa lý.

Giàn khoan đất liền đầu tiên PV DRILLING 11 giữa Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí Việt Nam (PV Drilling) và Groupement Bir Seba – Liên doanh giữa Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP), Sonatrach (Tập đoàn Dầu khí Algeria) và PTTEP (Thái Lan) đã hoạt động trên vùng mỏ MOM và BRS tại Algeria từ tháng 7/2007 và khoan trở lại từ 20/11/2011 với hiệu suất đạt 98 – 99%. Những người Việt đi tìm lửa trên sa mạc Sahara đang thể hiện trí tuệ và tầm vóc của những người con ngành Dầu khí trên con đường vươn xa chinh phục những vùng mỏ mới.

Chuyện những người "vừa đi vừa làm”

Khi hai anh thanh niên Nguyễn Công Đoàn (Giám đốc Chi nhánh PV Drilling Algeria) và Nguyễn Thế Sơn (Phó giám đốc Chi nhánh PV Drilling Algeria, hiện là Trưởng ban Phát triển kinh doanh và hỗ trợ dịch vụ – PV Drilling) xách balô sang nhận nhiệm vụ tìm văn phòng và hoàn tất các thủ tục hành chính để Chi nhánh PV Drilling Algeria và giàn khoan đi vào hoạt động, họ không thể hình dung được những khó khăn, bỡ ngỡ đang đợi trước mắt mình. Phải đến làm việc ở một nơi chưa có ai vạch đường đi, những kinh nghiệm ít ỏi trước đó từ các đồng nghiệp ở PVEP và thông tin từ Internet không giúp ích nhiều, hai anh và cả đội ngũ PV Drilling sau này thực sự phải mày mò “vừa đi vừa làm”.

Khó khăn đầu tiên phải kể đến ở Algeria có lẽ là vấn đề an ninh. Nó gây ra phiền hà ngay khi người ta lần đầu đặt chân đến đất nước này và tiếp tục là mối phiền hà lớn khi sống, làm việc ở đây.

Theo quy định bắt buộc, những người nước ngoài ở Algeria khi di chuyển quá phạm vi bán kính 50km thì phải có lực lượng quân đội hộ tống. Đây là nhiệm vụ bắt buộc của quân đội Algeria, người nước ngoài muốn đi đâu xa chỉ cần báo trước 3 ngày và tự lo phương tiện đi lại, là được “phục vụ” miễn phí. Thế nhưng, để huy động được đội ngũ ít nhất 7 con người với đầy đủ súng ống, quân phục nghiêm trang đi hộ tống, không phải lúc nào cũng đơn giản. Phía nhà chức trách quân đội không bao giờ báo chính xác giờ đi cho khách, vì thế, sau 3 ngày hẹn, khách phải tự đến văn phòng ngồi đợi lính hộ tống tới, nếu họ tới rồi báo bận, không đi được thì khách bị buộc phải ra về và… đợi tiếp.

Tổng giám đốc PV Drilling Phạm Tiến Dũng (áo đen) trong lần thăm anh em làm việc tại Algeria.

Với những thành viên PV Drilling ở Algeria, các quãng đường phải di chuyển thường xuyên từ khoan trường tới văn phòng, lên thủ đô, ra cảng, cách nhau từ 100, 300 đến 800km, là một trở ngại lớn trong công việc. Khoảng thời gian chờ đợi 3 ngày và vô số nhiêu khê khiến công việc thường bị chậm trễ nếu không khéo sắp xếp. Việc phải vượt quãng đường dài qua những sa mạc cát mênh mông có lẽ không dễ khiến người ta nản lòng và cáu giận bằng việc chờ đợi, phụ thuộc vào đội hộ tống.

Cũng vì những bất ổn về an ninh, trên khoan trường mỏ MOM và BRS của PV Drilling Algeria, lực lượng bảo vệ lên tới 60 người (gồm 30 lính do quân đội cử đến và 30 nhân viên bảo vệ thuê thêm), đông gần gấp đôi so với toàn bộ ê kíp 40 người làm việc trên giàn và văn phòng. PV Drilling và đối tác phải chịu chi phí ăn ở cho 60 người này, đồng thời trả lương cho 30 nhân viên bảo vệ.

Lý do an ninh còn khiến anh em kĩ sư PV Drilling Algeria “khóc dở mếu dở” khi vận chuyển giàn PV DRILLING 11 đến sa mạc. PV DRILLING 11 trị giá khoảng 19 triệu USD, được đặt hàng sản xuất tại Tập đoàn Hong Hua International ở Trung Quốc rồi được chuyển bằng đường biển tới cảng Algeria.

Thủ tục hải quan chậm chạp khiến hơn 30 ngày sau, giàn mới được chuyển về Hassi Messaoud và sau đó ra mỏ (khoan trường). Những lô thiết bị cồng kềnh buộc phải thuê người bản xứ vận chuyển qua sa mạc bằng đường bộ, kỹ sư PV Drilling không được đi cùng vì không có quân đội hộ tống. Thiết bị cẩu kéo nhiều lần, người vận chuyển không có hiểu biết, lại thiếu giám sát, nên về đến mỏ thì rất nhiều thứ bị vỡ nát, méo mó, trong đó có những thiết bị quan trọng như hệ thống điều khiển VFD, có thể khiến giàn không hoạt động được… Ê kíp vừa dựng giàn vừa sửa chữa trong tâm trạng hết sức lo lắng.

Thời gian đầu chạy thử, giàn bị trục trặc nhiều lần do thiết bị hư hại. Rất may sau đó, với những nỗ lực khắc phục không mệt mỏi và kinh nghiệm dày dặn khi làm việc ở giàn khoan trên biển của đội ngũ PV Drilling, PV DRILLING 11 đã hoạt động với hiệu suất cao và không để xảy ra sự cố nào.

Không chỉ có hải quan, các thủ tục hành chính ở Algeria đều khá rườm rà và chậm chạp. Dù có quy định giờ làm việc hành chính tương đối giống Việt Nam, nhưng thường 8 – 9 giờ nhân viên mới tới, làm một lúc thì nghỉ trưa rồi 2 – 3 giờ chiều mới làm việc tiếp.

Vì thế, theo lời anh Nguyễn Thế Sơn, câu trả lời thường xuyên mà anh phải nghe khi đi giao dịch là “tomorrow” (ngày mai). Một trở ngại nữa là ngôn ngữ. Người Algeria sử dụng tiếng Pháp và tiếng Arập. Với tiếng Pháp, anh em người Việt còn đoán và hiểu được tương đối, nhưng với chữ Arập thì đành… chịu chết.

Anh Sơn kể, theo quy định bắt buộc, Chi nhánh PV Drilling muốn thuê văn phòng thì phải có đại diện ba bên: bên thuê, bên cho thuê cùng hai luật sư và nhà chức trách có công năng gần như tòa án, cùng đến để thống nhất hợp đồng. Đặc biệt, tất cả các thủ tục này bắt buộc phải bằng tiếng Arập và phải lăn tay trên hợp đồng chứ không ký. Lúc đó, anh Sơn và anh Nguyễn Công Đoàn vừa “điểm chỉ” vừa run vì không biết có bất trắc gì xảy ra không…

Còn vô số những khó khăn, bỡ ngỡ mà những “Người tiên phong của ngành Khoan Dầu khí Việt Nam” gặp phải ở đất nước châu Phi xa xôi này, nhưng tất cả đều được khắc phục và vượt qua với tinh thần “vừa đi vừa làm” để công việc chạy đúng tiến độ.

Đội ngũ thợ khoan người Việt vững vàng trên sa mạc Sahara

Trong chuyến thăm anh em ở Algeria, một Phó tổng giám đốc PV Drilling đứng trên văn phòng Chi nhánh nhìn nhà cửa trên sa mạc mênh mông, đã thốt lên, nơi này giống như “Làng Vũ Đại ngày ấy” với những lò gạch xơ xác…

Nói như thế hẳn bạn đọc hình dung được phần nào những khó khăn mà đội ngũ lao động PV Drilling phải đối mặt khi làm việc trên sa mạc. Cái nóng khủng khiếp 50-60oC khiến người ta cảm thấy như phải đứng cả ngày trong lò bánh mì. Anh em làm việc ngoài giàn mỗi lần về nghỉ ca, lại bị người ở nhà gọi đùa là “người Arập” vì râu ria mọc lởm chởm, làn da đen sạm nắng gió sa mạc. Nhưng đâu chỉ có nắng nóng, Sahara có tới 7-8 tháng trong năm là mùa lạnh, nhiệt độ thường xuống thấp từ -1 tới -5oC.

Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt đó, anh em làm việc trên giàn phải ăn ngủ, sinh hoạt ngay trong các container tại mỏ. Thức ăn khác biệt, nhất là người đạo Hồi không ăn thịt heo, khiến mỗi lần nghỉ ca, anh em phải mang theo lỉnh kỉnh rất nhiều ruốc, đồ khô, thịt kho, ướp lạnh… để có sức làm việc. Nước sạch để nấu ăn và uống ở đây luôn đắt hơn xăng và nước sinh hoạt chung rất hay bị cúp. Anh em làm việc văn phòng ở trong thành phố Hassi Messaoud, nhưng việc phải nhịn tắm 2, 3 ngày không phải là chuyện lạ.

Sống và làm việc ở một đất nước có rất ít dịch vụ vui chơi giải trí, việc đi lại bị hạn chế vì lý do an ninh, ngoài những giờ làm việc vất vả trên giàn, những lúc rảnh rỗi, không gian sinh hoạt của anh em chỉ bó hẹp trong nhóm đồng nghiệp nhỏ cùng xem phim, hát karaoke, chơi game với nhau. Anh em làm việc trên giàn theo ca 6 tuần đi và 6 tuần nghỉ, anh em khối văn phòng, kĩ sư, người hỗ trợ thì cứ 6-8 tuần đi và nghỉ nửa thời gian. Chúng tôi khó có thể hình dung hết những hy sinh trong cuộc sống riêng tư của đội ngũ lao động PV Drilling ở Algeria gồm 30 người ở đủ lứa tuổi từ 20 tới 50. Đặc biệt, trong đó có cô gái trẻ Trần Thị Hoàng “dám” xung phong sang làm kế toán.

Nhưng vượt lên tất cả những khó khăn đó, thành quả mà họ đạt được rất xứng đáng để chúng ta khâm phục và tự hào, đó là đội ngũ người Việt Nam rất vững vàng trong vận hành giàn khoan đất liền và trong các giao dịch quốc tế. Không chỉ có thành thạo ở giàn khoan trên biển, PV Drilling giờ đây đã có ê kíp làm việc ở giàn đất liền có thể đảm nhiệm tốt tất cả những vị trí then chốt như giàn trưởng, đốc công…

PV DRILLING 11 đã đạt được những thành công trong việc khoan an toàn, hiệu quả, với hiệu suất khoan từ 98 – 99%, đồng thời đạt được nhiều thành tựu như choòng khoan đạt hiệu suất cao nhất do Smith Bits chứng nhận, khoan trong thành hệ Hamra Quartzite Formation với tốc độ 2.75m/h với chiều sâu 208.5 TD.Từ chỗ bỡ ngỡ nơi xứ người, đội ngũ PV Drilling giờ đây đã rất tự tin và có nhiều kinh nghiệm giao dịch quốc tế, rất thuận lợi cho việc mở rộng thị trường sau này. Anh em vẫn nói đùa với nhau: “Chúng mình đã làm việc trên sa mạc thì chẳng có nơi nào trên thế giới là không làm được!”. Chúng tôi biết đằng sau câu nói đùa ấy là những trải nghiệm quý giá từ mồ hôi và chất xám của những con người “nói được và làm được”.

Nếu không tới Algeria, chúng ta không thể biết rằng, trên sa mạc Sahara xa xôi, người dân biết tới và khâm phục hai con người Việt Nam vĩ đại là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ. Những người Việt xa lạ ở Algeria bỗng được người bản địa thiện cảm và yêu mến hơn khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam. Algeria xa xôi cũng trở nên thân thiết hơn, khi có những người lính từng sang Việt Nam thời chiến tranh, lấy vợ người Việt và giờ đây, con cái họ lại làm việc cho ngành Dầu khí Việt Nam ở chính Algeria. Thế giới rộng lớn đã trở nên gần gũi hơn nhiều nhờ những sải chân ngày càng vươn dài của những người con đất Việt. Với giàn khoan PV DRILLING 11 đang ngày đêm làm việc trên sa mạc Sahara, chúng tôi tin rằng, những sải chân ấy sẽ ngày càng vững vàng vươn xa để chinh phục những vùng mỏ mới và làm giàu cho đất nước!

Thanh Loan

DMCA.com Protection Status