Viện Dầu khí Việt Nam: Vươn lên làm chủ khoa học công nghệ hiện đại

07:34 | 10/06/2012

500 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Qua 1/3 thế kỷ xây dựng và phát triển, Viện Dầu khí Việt Nam đã thực sự trở thành tổ chức khoa học và công nghệ (KHCN) hàng đầu của ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam, với một số lĩnh vực ngang tầm khu vực, có khả năng triển khai nghiên cứu phát triển và cung cấp dịch vụ khoa học kỹ thuật cho toàn bộ chuỗi công nghiệp dầu khí.

Với những kết quả đã đạt được, ngày 30/5/2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Quyết định số 689/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Viện Dầu khí Việt Nam.

Làm chủ khoa học công nghệ Dầu khí

Sau khi thành lập Viện Dầu khí Việt Nam đã thực hiện giải pháp, một mặt học tập mô hình Viện Nghiên cứu địa chất dầu mỏ toàn Liên bang của Liên Xô, mặt khác nghiên cứu tiếp thu mô hình của Viện Dầu mỏ Pháp (IFP). Không chỉ giúp đào tạo lớp chuyên gia đầu tiên, năm 1980, Viện Dầu mỏ Pháp đã viện trợ cho Việt Nam 11 phòng thí nghiệm hiện đại nhất nước ta lúc bấy giờ ví như bước ngoặt đầu tiên để Viện Dầu khí Việt Nam hội nhập mạnh mẽ vào khoa học công nghệ dầu khí thế giới, đặc biệt là phương Tây.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm cơ sở vật chất của Viện Dầu khí Việt Nam - một trong số ít đơn vị thành công trong việc chuyển đổi và vận hành theo Nghị định 115 (ảnh: VPI)

Nhiệm vụ chủ yếu của Viện giai đoạn mới thành lập là nghiên cứu những vấn đề có liên quan đến công tác thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam, nghiên cứu các đề tài khoa học – kỹ thuật về thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí theo yêu cầu của Liên doanh Vietsovpetro và đề ra các yêu cầu trong các luận chứng kinh tế – kỹ thuật về khai thác và chế biến. Viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu, định hướng công tác khoan phát hiện các mỏ khí Tiền Hải C và Đông Quan D sau này; đồng thời cán bộ khoa học của Viện đã nhanh chóng tiếp cận các tài liệu địa chất – địa vật lý ở thềm lục địa phía nam, triển khai đồng bộ nhiều đề tài nghiên cứu về cấu trúc địa chất và tiềm năng dầu khí của các bể trầm tích Cửu Long và Nam Côn Sơn, xác định các cấu tạo triển vọng và lựa chọn vị trí giếng khoan thăm dò góp phần phát hiện các mỏ Bạch Hổ, Rồng, Đại Hùng… là những mỏ dầu chủ yếu mà hiện nay chúng ta vẫn đang khai thác.

Các chương trình đánh giá các đối tượng tìm kiếm thăm dò, khai thác, trữ lượng dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam; ứng dụng các công nghệ tiên tiến, nâng cao hiệu quả của công tác tìm kiếm thăm dò, khoan, khai thác, vận chuyển dầu khí trên biển; phân tích, đánh giá chất lượng dầu thô và khí thiên nhiên được phát hiện ở thềm lục địa Việt Nam, đề xuất hướng chế biến và sử dụng chúng; tạo cơ sở khoa học để hoạch định chính sách dầu khí, xác định cơ chế tổ chức quản lý của ngành đáp ứng các mục tiêu kinh tế – xã hội.

Trong giai đoạn 2006-2011, Viện đã thực hiện nhiệm vụ đánh giá tiềm năng dầu khí trên toàn lãnh thổ Việt Nam góp phần định hướng cho công tác tìm kiếm, thăm dò trong những năm 2011-2015 của Tập đoàn, đồng thời là cơ sở dữ liệu khoa học trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Việc phát hiện và đưa vào khai thác hàng loạt mỏ như: Tiền Hải C, Đông Quan D, Bạch Hổ, Rồng, Đại Hùng, Rạng Đông, Hồng Ngọc, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Sư Tử Trắng, Sư Tử Nâu, Tê Giác Trắng, Cá Ngừ Vàng, Báo Vàng, Báo Gấm, Mèo Trắng, Rồng Đôi Tây, Kim Long – Ác Quỷ – Cá Voi, Chim Sáo, Thiên Ưng, Đại Bàng, Lan Tây, Lan Đỏ… với tổng sản lượng khai thác dầu khí đạt trên 400 triệu tấn quy dầu, đã đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng chục tỉ USD của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không thể không nhắc tới vai trò và hiệu quả hoạt động nghiên cứu, tư vấn khoa học công nghệ của Viện trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò dầu khí.

Đi đầu ứng dụng công nghệ hiện đại

Hiện nay, Viện Dầu khí Việt Nam là đơn vị duy nhất cung cấp hầu hết các dịch vụ phân tích mẫu được đánh giá ngang tầm trong khu vực. Trung bình mỗi năm Viện phân tích hàng chục ngàn mẫu đá, dầu, khí, nước cho hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, phân tích mẫu dầu thô, khí nước, mẫu ô nhiễm, mẫu ăn mòn, mẫu sinh học cho lĩnh vực chế biến dầu khí và an toàn môi trường phục vụ yêu cầu sản xuất và nghiên cứu. Với việc phân tích được phần lớn các chỉ tiêu, loại mẫu trong nước, Viện đã tiết kiệm cho Tập đoàn, Nhà nước hàng triệu USD chi phí gửi và phân tích mẫu ở nước ngoài.

Các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực hóa – chế biến dầu khí đã phục vụ có hiệu quả công tác lập chiến lược, quy hoạch lĩnh vực chế biến dầu khí và nhiên liệu sinh học, lập dự án đầu tư, lựa chọn nhà bản quyền công nghệ, lựa chọn các nguồn nguyên liệu thích hợp, xác định thị trường sản phẩm đầu ra, xác định các giải pháp giảm giá thành, nâng cao hiệu quả hoạt động cho các nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất, Nghi Sơn, Long Sơn, tổ hợp Hóa dầu Long Sơn, Nhà máy Chế biến khí Dinh Cố nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước và tạo tiền đề cho các ngành công nghiệp khác phát triển. Bên cạnh đó, những kết quả tư vấn khoa học công nghệ cho các nhà máy Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau hoạt động an toàn và hiệu quả đã góp phần đảm bảo cung cấp ổn định, giảm lượng nhập khẩu và giảm giá bán phân đạm, hỗ trợ người nông dân và đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước.

Ngoài ra, các nghiên cứu trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học đã giúp đưa xăng sinh học (E5) sớm tiêu thụ trên quy mô toàn quốc và có bước chuẩn bị tích cực cho việc sản xuất và tiêu thụ diesel sinh học, hiện thực hóa Đề án phát triển Nhiên liệu sinh học của Chính phủ. Viện Dầu khí Việt Nam cũng bước đầu triển khai nghiên cứu các nguồn năng lượng mới, sạch và tái tạo được nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.

Trong lĩnh vực an toàn và môi trường, cán bộ khoa học của Viện tham gia khảo sát, đánh giá, quan trắc tác động môi trường, môi trường lao động, nghiên cứu lựa chọn hóa chất thân thiện với môi trường, xây dựng kế hoạch ứng cứu tràn dầu… góp phần đảm bảo an toàn cho mọi hoạt động dầu khí. Nghiên cứu chống ăn mòn các công trình dầu khí (các đường ống khí, các nhà máy điện, nhà máy đạm) cũng được đẩy mạnh và ứng dụng thực tiễn.

Các nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh lực kinh tế và quản lý như quy hoạch phát triển công nghiệp khí; chiến lược, quy hoạch hệ thống dự trữ dầu mỏ quốc gia; nghiên cứu thị trường công nghệ, đánh giá các hoạt động đầu tư và quản lý, thẩm định dự án, báo cáo đầu tư tuy chưa nhiều nhưng đã bước đầu góp phần hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam và góp phần xây dựng hoàn thiện cơ chế quản lý của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong giai đoạn mới.

Theo TS Phan Ngọc Trung – Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam: “Trong giai đoạn phát triển mới, Viện Dầu khí Việt Nam tập trung tối ưu hóa các nguồn lực để triển khai mạnh mẽ các hoạt động nghiên cứu và dịch vụ khoa học công nghệ; ứng dụng, đổi mới, chuyển giao và nâng cao vị thế công nghệ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tạo nên bước chuyển mình mạnh mẽ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn, Viện Dầu khí Việt Nam đã và đang phấn đấu là nơi hội tụ trí tuệ, chất xám khoa học công nghệ hiện đại, xứng đáng là Trí tuệ Dầu khí Việt Nam Anh hùng”.

Ngân Hà

(Năng lượng Mới số 127, ra thứ Sáu ngày 8/6/2012)

DMCA.com Protection Status