Việt Nam đang từng bước làm chủ và phát triển ngành công nghiệp hạt nhân
Xây dựng ngành công nghiệp hạt nhân vì mục tiêu chiến lược
Giải trình về dự án Luật Năng lượng nguyên tử đang lấy ý kiến, trình Quốc hội thông qua, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, việc xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử xuất phát từ nhu cầu chiến lược quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới mục tiêu trung hòa carbon, với ưu điểm là nguồn năng lượng sạch, ổn định và có độ an toàn cao, điện hạt nhân đang được nhiều quốc gia quay lại phát triển mạnh mẽ sau một thời gian thoái trào. Hiện nay, điện hạt nhân đóng góp từ 10-30% tổng sản lượng điện ở nhiều nước.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng |
Đối với Việt Nam, Bộ trưởng cho biết, chiến lược phát triển ngành hạt nhân sẽ được triển khai theo từng giai đoạn. Giai đoạn đầu sẽ tập trung phát triển các ứng dụng dân sự như quan trắc phóng xạ, chế tạo thiết bị nội địa, từng bước tiến tới làm chủ công nghệ và phát triển toàn diện ngành công nghiệp hạt nhân trong nước. “Việt Nam đặt mục tiêu tự chủ ngành hạt nhân, bắt đầu từ việc sản xuất thiết bị, triển khai ứng dụng, tiến tới làm chủ toàn bộ chu trình từ thiết kế, thi công đến vận hành và xử lý nhiên liệu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về vấn đề an toàn, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc quản lý an toàn trong hoạt động năng lượng nguyên tử sẽ do Nhà nước thống nhất quản lý để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Bộ KH&CN đã làm việc với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và kết quả đánh giá sơ bộ cho thấy hệ thống pháp luật Việt Nam cơ bản đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, an ninh hạt nhân.
Ông Hùng nêu rõ, Việt Nam đã xây dựng kế hoạch quản lý an toàn xuyên suốt từ khâu chọn vị trí nhà máy, thẩm định báo cáo tiền khả thi, nhập khẩu và xử lý nhiên liệu, cho đến khi dừng vận hành và đóng cửa nhà máy. Mỗi giai đoạn đều được kiểm soát chặt chẽ về điều kiện bức xạ, đảm bảo đủ điều kiện về an toàn để triển khai.
Thiết kế luật hiện đại, chuyên sâu và toàn diện
Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) đã thiết kế nhiều chương riêng biệt, trong đó có chương dành cho quy định về nhà máy điện hạt nhân, chương về đảm bảo an toàn và an ninh hạt nhân, thể hiện quan điểm quản lý chặt chẽ trong suốt vòng đời của các cơ sở hạt nhân.
“Nguyên tắc xuyên suốt là đảm bảo mức an toàn và an ninh cao nhất, thể hiện qua từng quy định áp dụng cho mọi đối tượng, từ thiết bị bức xạ đến quá trình xử lý, thải loại nhiên liệu”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng dành riêng các chương cho quy định về bồi thường thiệt hại do sự cố bức xạ và quy trình xử lý bức xạ hạt nhân. Các cơ chế thanh tra, giám sát cũng được bổ sung nhằm tăng cường minh bạch, bảo đảm năng lượng nguyên tử chỉ phục vụ mục đích hòa bình, đúng với các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, dự thảo Luật không chỉ phục vụ mục tiêu phát triển ngành công nghiệp năng lượng mà còn chú trọng thúc đẩy các ứng dụng năng lượng nguyên tử trong y tế, khoa học, nông nghiệp và kinh tế - xã hội. Đồng thời, Luật cũng đề xuất phân loại rủi ro và khuyến khích đưa các thành tựu công nghệ mới vào ứng dụng, từ đó giảm gánh nặng đầu tư của Nhà nước.
Để phát triển bền vững ngành hạt nhân, Bộ trưởng cho biết, Nhà nước sẽ có chính sách đào tạo, thu hút và đãi ngộ chuyên gia trong và ngoài nước. Việc xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao là một trụ cột quan trọng để Việt Nam tiến tới làm chủ hoàn toàn lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Với định hướng rõ ràng, sự chuẩn bị bài bản và tinh thần cầu thị tiếp thu góp ý, dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) đang từng bước hoàn thiện, hướng đến mục tiêu tạo nền tảng pháp lý vững chắc để phát triển ngành công nghiệp hạt nhân vì mục tiêu hòa bình, hiện đại và bền vững.
Huy Tùng