Vừa là khát vọng vừa là sứ mệnh!

14:03 | 01/12/2011

619 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống ngành Dầu khí, Báo Năng lượng Mới có đôi điều trao đổi với một số gương mặt nữ quản lý trong ngành, những bóng hồng đằm thắm đã thuận lòng ghé đôi vai chia sẻ gánh nặng thương trường, mang yêu thương làm lắng dịu khắc nghiệt trên hành trình gian nan đi tìm lửa…

Chị Võ Thị Thanh Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn

PV: Là một phụ nữ, một nhà quản lý còn trẻ lại được giao làm đại diện cho Petrovietnam trong một liên doanh lớn như Lọc hóa dầu Nghi Sơn, chị thấy sức ép của trọng trách tới mức nào?

Chị Võ Thị Thanh Ngọc: Quả là dự án rất lớn, trách nhiệm và sức ép theo đó cũng quá lớn nhưng cũng còn sớm để nói được điều gì về trọng trách và áp lực lên cá nhân mình. Tôi đã từng bước được tham gia dự án này từ khi đàm phán chuẩn bị thành lập liên doanh năm 2007 khi công tác tại Ban Chế biến Dầu khí của Tập đoàn, tiếp cận ngày một sát hơn với các hoạt động của dự án, nên khi được giao nhiệm vụ là Phó tổng giám đốc tháng 11/2010, là người đại diện của Tập đoàn tại công ty liên doanh, tôi đã rất lo lắng liệu mình có thể đảm đương được trọng trách này không. Được sự chỉ đạo sâu sát, động viên và hỗ trợ kịp thời của các lãnh đạo Tập đoàn đã cho tôi tự tin hơn trong từng công việc mình làm. Sức ép phần nào được giải tỏa, tuy nhiên tôi càng ý thức hơn trách nhiệm của mình trong dự án trọng điểm của Tập đoàn.

PV: Có vẻ như chị không thấy trở ngại gì?

Chị Võ Thị Thanh Ngọc: Câu chuyện còn dài ở phía trước vì chúng tôi mới chỉ bắt đầu. Khó khăn đang đến và sẽ còn đến rất nhiều, nhất là đối với một dự án lớn tầm quốc tế về quy mô và vốn đầu tư, có yếu tố đầu tư nước ngoài từ các công ty dầu khí lớn. Chúng tôi sẽ làm hết sức để có thể giải quyết kịp thời, hợp lý, hiệu quả từng vấn đề, sao cho lợi ích của các bên được đảm bảo và công bằng. Trong tôi chỉ luôn có những trăn trở và quyết tâm, phải làm sao để giành được quyền lợi cao nhất cho Tổ quốc, cho Tập đoàn, cho chính những người Việt Nam tham gia dự án mà vẫn bảo đảm quyền lợi của các bên tham gia đầu tư trong liên doanh. Phấn đấu cho sự hài hòa đó là thách thức rất lớn, luôn chiếm trọn tâm tư của tôi.

PV: Được biết, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn áp dụng những tiến bộ khoa học tiên tiến nhất, vậy khi làm việc với các đối tác và nhà thầu, những vấn đề kỹ thuật công nghệ chuyên sâu có làm khó được chị?

Chị Võ Thị Thanh Ngọc: Đó chính là niềm tự hào của chúng tôi. Sự chuyên nghiệp của các nhà thầu số 1 thế giới, các tư vấn và ngay các đồng chủ đầu tư chính là điểm mạnh của dự án. Về phía Việt Nam, Petrovietnam với đội ngũ chuyên gia dầu khí trẻ có kinh nghiệm, trình độ cao, có sức bật và năng lực đã không thua kém các đối tác Nhật Bản và Kuwait dày dạn kinh nghiệm, cùng với sự đồng thuận và nhiệt huyết vì dự án, tuân thủ kỷ luật, chỉ đạo của các lãnh đạo là sức mạnh của chúng tôi trong mọi vấn đề từ hoạch định chiến lược, đầu tư, xây dựng đến những việc liên quan sâu về kỹ thuật công nghệ. Ngoài ra, chúng tôi luôn nhận được sự trợ giúp kịp thời dưới mọi hình thức như tham gia bán thời gian vào dự án đến tư vấn trực tiếp của các cán bộ chuyên gia từ các ban của Tập đoàn, các đơn vị trong ngành, đặc biệt là NMLD Dung Quất. Có thể nói, giai đoạn hiện nay là một trong những giai đoạn khó khăn nhất, tuy nhiên chúng tôi vững tin rằng chúng tôi sẽ vượt qua để tiến đến ngày khởi công dự án không xa.

PV: Chị có thể chia sẻ điều gì với những người phụ nữ trong ngành Dầu khí, đặc biệt là những người đang làm công tác quản lý?

Chị Võ Thị Thanh Ngọc: Thật may mắn và hạnh phúc là tôi luôn được chính những người phụ nữ đi trước, những phụ nữ ưu tú trong ngành Dầu khí, chỉ đạo trực tiếp, dìu dắt động viên như PTGĐ Trần Thị Bình, PTGĐ Phạm Thị Thu Hà…, vì vậy gian nan vất vả, những suy tư rất phụ nữ được chia sẻ rất nhiều. Phụ nữ chúng tôi, ai cũng cần có thời gian để chăm sóc gia đình, con cái và chăm sóc chính bản thân mình. Tuy nhiên, ngành Dầu khí là ngành rất đặc trưng, tinh thần Dầu khí đòi hỏi mỗi chúng ta làm việc quyết liệt và hết mình, phụ nữ dầu khí càng phải hy sinh nhiều hơn. Những hưởng thụ cá nhân và giải trí trở nên xa xỉ, nhường chỗ cho những chuyến công tác, những buổi họp và cả những cuộc điện đàm liên miên.

PV: Vì sao chị và họ có thể vượt qua tất cả, vượt qua chính mình để trụ lại ngành, để hoàn thành nhiệm vụ?

Chị Võ Thị Thanh Ngọc: Chúng ta ai cũng mong có một công việc phù hợp, để lo cho tương lai, hạnh phúc cho gia đình. Tôi tin rằng nếu chỉ nhìn bên ngoài về những gì người phụ nữ dầu khí như chúng tôi làm thì có lẽ ít ai lựa chọn một công việc như vậy. Nhìn tấm gương những chị đi trước, tôi hiểu phần nào lòng nhiệt huyết và niềm tự hào trong mỗi công việc. Nói điều này có vẻ sách vở và lãng mạn, nhưng lại là thực tế. Thành công trong mỗi công việc cụ thể mang đến cho chúng tôi sự tự tin, chúng tôi hạnh phúc bằng niềm hạnh phúc lớn hơn so với những hưởng thụ thông thường. Đó chính là Văn hóa Dầu khí mà mỗi chúng ta đang hàng ngày vun đắp?!

PV: Chân thành cảm ơn chị đã nhận trả lời phỏng vấn!

Chị Nguyễn Minh Thu, Tổng giám đốc OceanBank

PV: Với chị, ngành Dầu khí có ý nghĩa như thế nào trong tâm tưởng?

TGĐ Nguyễn Minh Thu: Nói về ngành Dầu khí trong tâm tưởng, tôi nghĩ bất cứ ai là người Dầu khí hoặc đã từng làm việc với đối tác trong ngành Dầu khí đều có nhiều điều để chia sẻ. Riêng với tôi, ngành Dầu khí không chỉ có trong tâm tưởng như những hoài niệm, mà nó là những điều luôn hiện hữu, giống như nước để uống và không khí để thở.

Điều đầu tiên để nói đến là hai chữ “Tự hào”. Tự hào về sứ mệnh và nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao trọng trách tổ chức quản lý, giám sát công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí, đồng thời sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cho đất nước…; tự hào vì những cán bộ ngành Dầu khí, với đặc thù của công việc, luôn được tiếp cận sớm và nhanh nhất những tiến bộ của khoa học công nghệ, trình độ kỹ thuật và nghiệp vụ sánh ngang bằng cán bộ nước ngoài; tự hào về Văn hóa Dầu khí đã góp phần xây dựng nên những thế hệ cán bộ giỏi về nghiệp vụ, chuẩn mực trong lối sống, nhân ái và trách nhiệm, tự tin hội nhập quốc tế; tự hào về những đóng góp to lớn của toàn ngành vào nền kinh tế – xã hội của đất nước… Từ những cảm xúc ấy, mỗi cán bộ đều tự ý thức được trách nhiệm của mình trong sứ mệnh chung của toàn ngành.

PV: Chị có thể nói gì về hai chữ "cơ duyên"

TGĐ Nguyễn Minh Thu: Với tôi, hai chữ “cơ duyên” thật nhiều ý nghĩa. Tôi đã may mắn trong sự lựa chọn công việc, đạt được những kết quả tốt đẹp, nếu như không có cơ duyên thì khó thành.

Hồi bé tôi thích học văn, đã từng tham gia CLB Văn học, là học trò của chú Phạm Hổ, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha. Thế nhưng lớn lên là “dân thi khối A” và học chuyên về tự nhiên. Ra trường đi làm trong lĩnh vực kỹ thuật rồi sau đó cơ duyên đã đưa tôi đến với đại gia đình Dầu khí. Đến nay lại làm quản lý trong lĩnh vực tài chính ngân hàng (OceanBank) với Tập đoàn Dầu khí là cổ đông, đối tác chiến lược.

PV: Chị nhìn nhận ra sao về những "khách hàng Dầu khí” cũng như tiềm năng của họ?

TGĐ Nguyễn Minh Thu: Các doanh nghiệp dầu khí chủ lực đều là những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế lớn mạnh, nhanh chóng tiếp cận với tiến bộ của khoa học và trình độ ứng dụng công nghệ cao, hợp tác quốc tế sâu rộng. Các công trình, dự án của ngành Dầu khí trong và ngoài nước hầu hết có vốn đầu tư lớn. Tiềm năng của các doanh nghiệp dầu khí gắn liền với nhiệm vụ chính trị, kinh tế của ngành và đã góp phần tạo ra một lượng của cải vật chất lớn cho xã hội. Gắn liền với hoạt động của ngành Dầu khí, OceanBank có thế mạnh trong việc am hiểu đặc điểm, tình hình hoạt động của ngành Dầu khí cũng như việc liên kết sự phát triển kinh tế ngành với kinh tế vùng. Chúng tôi đánh giá các doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu khí là đối tác quan trọng hàng đầu và ưu tiên số một trong chiến lược hoạt động của mình. Từ đó, OceanBank không ngừng hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao năng lực của định chế… để có khả năng đáp ứng tốt nhất cho việc cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng, tư vấn tài chính cho các doanh nghiệp dầu khí. Ngoài ra, đội ngũ đông đảo cán bộ công nhân viên chức trong ngành cũng chính là nhóm khách hàng có tiềm năng rất lớn trong chiến lược đẩy mạnh bán lẻ của OceanBank.

PV: OceanBank được tiếng tốt là bạn đồng hành cùng doanh nghiệp, đôi điều về cách thức chia sẻ khó khăn, đồng cam cộng khổ để cùng phát triển, thưa chị?

TGĐ Nguyễn Minh Thu: Liên tiếp các năm 2008, 2009 và đến 2011 này, các doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và lạm phát. Nguồn vốn hoạt động của nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, điều đó dẫn đến “sức đề kháng” của doanh nghiệp rất mong manh trước những biến động của thị trường, lãi suất, tỉ giá… Hơn nữa, việc sử dụng vốn vay hiệu quả và vấn đề quản trị tài chính của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) hiện còn có những yếu kém. Tôi cho rằng bài toán giảm lãi suất tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp mới chỉ là giải pháp tình thế nếu như doanh nghiệp chưa có kế hoạch tái cơ cấu hoạt động trong dài hạn, nghiên cứu kỹ thị trường và phương án kinh doanh tối ưu.

OceanBank một mặt đã thực hiện các giải pháp nhằm hạ lãi suất cho vay để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh. Song song với đó, OceanBank đã xây dựng và triển khai gói chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay bổ sung vốn lưu động với mức lãi suất giảm từ 1-3%/năm và nhiều ưu đãi về phí đối với các dịch vụ ngân hàng như: tài khoản thanh toán, thanh toán quốc tế, bảo lãnh ngân hàng…, rút ngắn thời gian thẩm định, xét duyệt tín dụng và thời gian giải ngân….

PV: Trưởng thành từ công tác chuyên môn, nay làm quản lý một ngân hàng lớn, chị đón nhận điều đó như một cơ hội cho khát vọng thể hiện năng lực hay chỉ là trách nhiệm đơn thuần?

TGĐ Nguyễn Minh Thu: Tôi nghĩ bất cứ ai trong vai trò người quản lý doanh nghiệp đều phải đối mặt với những thách thức trên thương trường và chịu những áp lực nhất định. Là người làm quản lý hoạt động của một ngân hàng, ngoài trách nhiệm để mọi hoạt động an toàn, hiệu quả, còn là trách nhiệm trước cổ đông, Hội đồng Quản trị, 1.600 cán bộ nhân viên… Đó là trách nhiệm nhưng cũng là khát vọng và sứ mệnh của mình. Tôi nghĩ người lãnh đạo cũng như người cầm lái của con thuyền vậy, phải luôn vững tay lái thì con thuyền mới có thể vững vàng để ra khơi.

PV: Kinh doanh tiền bạc, một nghề khô khan và đầy áp lực, sự lãng mạn và nữ tính có còn chỗ trú ẩn hay không, thưa chị và quỹ thời gian cho những thiên chức của người phụ nữ với con cái, gia đình…?

TGĐ Nguyễn Minh Thu: Phụ nữ ngày nay phải cân bằng giữa công việc xã hội và thiên chức trong gia đình. Hãy để ngoài cửa ngôi nhà của bạn những mối quan hệ công việc và mang vào đó những nụ cười, sự ân cần. Với tôi, người phụ nữ thành đạt là người có một gia đình hạnh phúc, một công việc thành công và được những người xung quanh yêu mến. Dù làm bất cứ công việc gì, ở vị trí nào, người phụ nữ cũng phải đặt gia đình lên trên hết.

PV: Xin cảm ơn, chúc chị luôn hạnh phúc và thành công!

Nguyễn Tiến Dũng

DMCA.com Protection Status