Xuân về nơi "ốc đảo" Hủa Na

05:50 | 11/02/2024

9,966 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Sau 10 năm chính thức bước vào vận hành, Nhà máy Thủy điện Hủa Na nay đã thay đổi hình hài, dáng vóc. Và mặc dù còn nhiều khó khăn - sống tại Hủa Na như thể sống trong một “ốc đảo” - song các cán bộ, công nhân viên (CBCNV) nhà máy hiện đều rất an tâm lao động sản xuất, xây dựng nhà máy…
Xuân về nơi
Xuân về nơi "ốc đảo" Hủa Na

Chúng tôi có mặt tại Nhà máy Thủy điện Hủa Na (Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na - thuộc Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP) vào những ngày chớm xuân. Bất chấp những đợt gió mùa nối tiếp nhau tràn về, dọc con đường từ Hà Nội dẫn đến huyện vùng cao cực Tây của tỉnh Nghệ An (huyện Quế Phong) những nhành hoa ban, chuối rừng và cả những cành đào đã nở rộ những bông hoa tươi thắm…

Dẫn chúng tôi đi thăm nhà máy, Giám đốc Bùi Huy Thành hồ hởi chia sẻ. Năm 2023 là tròn 10 năm Nhà máy Thủy điện Hủa Na phát điện thương mại, mỗi năm trung bình cung cấp 712,7 triệu kWh lên lưới điện quốc gia. Ngày 12-1-2024 cổ phiếu HNA của nhà máy được chuyển từ sàn giao dịch UPCOM lên HOSE - về chung sàn với các cổ phiếu thuộc “họ” dầu khí như PVD, PVT, POW…, khẳng định vị thế của một doanh nghiệp nhỏ song “có võ”.

Có thể nói, không nhiều nhà máy điện có được khuôn viên khang trang, sạch đẹp như ở đây. Tất cả đường đi lối lại, các vườn cây, các dãy nhà công vụ, nhà làm việc như thể ở một khu nghỉ dưỡng hay du lịch sinh thái. Toàn bộ khu vực nhà máy rộng gần 40 ha, xanh - sạch - đẹp như một công viên. Đặc biệt tại đây có hệ thống tưới nước tự động theo công nghệ của Israel; và càng ngạc nhiên hơn nữa, hệ thống này không dùng điện mà chỉ dùng áp lực nước từ trên cao dẫn xuống.

Xuân về nơi
Tết nào nhà máy cũng tổ chức gói bánh chưng

Không chỉ có những vườn cây ăn trái, những vườn rau đủ loại, những trang trại “mini” nuôi gà, vịt, lợn, dê... mà còn có những ao cá sâu trong lòng núi đến gần 300m. Chỉ cần gõ vài tiếng kẻng là cá lăng, cá trắm, cá chép và đặc biệt nhiều là cá mương lao đến làm khuấy động cả một vùng nước.

Cũng trong khuôn viên nhà máy còn có cả khu vực dành cho luyện tập thể thao, thể dục như sân bóng chuyền, bể bơi tiêu chuẩn, nhà tập gym. Kỹ sư Trần Khắc Đồng, Phó Quản đốc Phân xưởng Vận hành - Sửa chữa cho chúng tôi biết, cứ đến mùa hè con em CBCNV đều rất thích đến nhà máy. Các em được đi trồng cây, thu hoạch trái, đi bắt cá, nướng cá…, một chuyến “về với thiên nhiên” hết sức bổ ích.

2. Có lẽ không nhiều người biết rằng, Hủa Na từng là một dự án thủy điện thuộc dạng “xương xẩu”, “khó nhằn” nhất, đến nỗi mà không một doanh nghiệp nào muốn làm.

Ngay khi có mặt tại Quế Phong để khảo sát tính khả thi của Dự án Thủy điện Hủa Na, đa phần các chuyên gia hàng đầu về thủy điện đều nhận định, đây gần như là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Xuân về nơi
CBCNV nhà máy chăm sóc vườn rau

Những người đi mở đất đầu tiên kể lại rằng, khi ấy đã có một bản báo cáo dài như… sớ, phân tích tỉ mỉ những điểm không thể thực hiện được dự án. Trong đó có bằng chứng về kết cấu địa tầng phức tạp, diện tích lòng hồ quá lớn, đặc biệt là đường sá giao thông gần như chưa có gì, không thuận lợi cho việc vận chuyển vật tư, thiết bị xây dựng…

Các nhà tư vấn còn cho rằng, ngay từ đầu dự án này đã đi ngược quy trình của thủy điện. Trình tự của thủy điện là nhà máy được đặt thấp hơn đập nước nên đường vào công trình thủy điện nào cũng là nhà máy trước rồi đến đập nước. Nhưng ở Hủa Na thì ngược lại, do chỉ có một con đường độc đạo nên phải đi theo đường xoắn ốc từ thấp lên cao rồi lại vòng xuống nên vào Hủa Na ai cũng phải đi qua đập thủy điện rồi mới vòng qua nhà máy. Nói về mức độ khó khăn của dự án, những người xây dựng Thủy điện Hủa Na còn đùa tếu với nhau rằng: “Hủa Na như một ca đẻ ngược”.

Bất chấp những khó khăn trở ngại, với quyết tâm “trị thủy”, bắt “thủy tặc” trở thành thủy lợi - những con người dầu khí đã biến điều không thể thành có thể. Biến một vùng đất hoang vu khô cằn trở thành một nhà máy sinh ra nguồn năng lượng và lợi nhuận đều đặn hằng năm. Quan trọng hơn, sự có mặt của nhà máy đã khiến bộ mặt huyện vùng cao Quế Phong thay đổi một cách căn bản. Đời sống của một bộ phận người dân tộc Thái (chiếm đa số tại đây) đã thay đổi theo hướng văn minh, tiến bộ hơn.

Nói như nhà báo Nguyễn Như Phong, Nhà máy Thủy điện Hủa Na đã làm thay đổi cả một vùng cực Tây nghèo khó của tỉnh Nghệ An; nhà máy không chỉ mang lại ánh sáng điện cho người dân mà cách sống, cách sinh hoạt, tư duy của những cán bộ đảng viên của nhà máy cũng đã góp phần vào việc thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con dân tộc Thái trên mảnh đất này.

3. Để có được mùa “quả ngọt” như hiện nay, từ lãnh đạo nhà máy cho đến các kỹ sư, CBCNV Thủy điện Hủa Na đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả mà không ai có thể tưởng tượng nổi. Một số lãnh đạo nhà máy nói vui, để hoàn thành được dự án “kỳ vĩ” này thì nhiều anh em đã thực sự vượt qua được “sổ đoạn trường”. Có thể chia làm 3 thời kỳ. Giai đoạn 1, khó khăn nhất là từ ngày khởi công xây dựng nhà máy (năm 2008) cho đến ngày phát điện chính thức (năm 2013). Giai đoạn 2 là từ năm 2013-2023: Còng lưng trả nợ và giai đoạn 3 là năm 2024 trở đi: Cất cánh và phát triển.

Nhớ lại những ngày đầu đi phá núi “mở đường” vào năm 2006-2007, nhiều CBCNV nhà máy vẫn nhớ như in. Thời điểm mới về nhà máy, bản thân Bùi Huy Thành cũng tham gia đoàn khảo sát “ăn dầm nằm dề” hàng tháng trời nơi rừng sâu núi thẳm.

Xuân về nơi
Xuân nghĩa tình Dầu khí tại Hủa Na

“Hồi đó, chúng tôi phải men theo những con đường sống trâu mà người dân đi làm nương, tìm đến những điểm bằng phẳng để cắm lều phát rừng. Có ngày đi bộ đến 12 tiếng từ chân đồi lên đến đỉnh đồi rồi lại vòng xuống để khảo sát, trắc địa, đo đạc. Chuyện ăn hoa chuối rừng luộc, uống nước suối vã là chuyện thường, không thể kể hết”, anh Thành kể lại.

Mỗi chuyến khảo sát kéo dài hàng tháng trời. Mọi người phải chuẩn bị sẵn nồi niêu, gạo, cá khô, lạc khô, muối mắm… để có thể chủ động nấu cơm ăn uống tại bất cứ vị trí nào. Kỷ niệm mà Bùi Huy Thành nhớ nhất là vào mùa nước lũ năm 2008, sau khi đoàn khảo sát có mặt tại bản Huổi Phong thì mưa lũ sầm sập đổ về. Hơn 1 tuần trời cả đoàn trú chân tại một căn nhà hoang giữa rừng, không sao di chuyển nổi. Thực phẩm đoàn mang theo cạn dần. Mấy cân cá khô lúc đầu “anh nuôi” chỉ lấy phần thân cá để chế biến, nhưng sau đó đến lượt đầu cá, vụn cá cũng phải ăn. Rồi gạo hết, anh em trong đoàn phải húp cháo loãng cầm hơi.

Những khảo sát của Bùi Huy Thành và anh em trong đoàn sau đó cũng góp phần cho Ban Giám đốc quyết định rời khu vực nhà máy từ phía trên thượng nguồn xuống cách vị trí ban đầu khoảng hơn chục kilômét. Tại vị trí này vừa bảo đảm an toàn vận hành nhà máy vừa đạt được tiêu chí về an ninh, quốc phòng.

Hoàn thành nhiệm vụ khảo sát, Bùi Huy Thành lại lộn ra Hà Nội để gia nhập vào đội thiết kế. Lúc này anh em cán bộ trong Nghệ An bắt đầu dùng các loại xe tải xe xúc để khai hoang làm đường đưa các loại máy móc siêu trường siêu trọng khác để bắt đầu xây dựng nhà máy.

Lúc đó, cơ cấu công ty chỉ có 4 phòng với 14 thành viên. Công việc đầu tiên là mở đường, làm tiền trạm cho máy ủi, cần cẩu chạy vào. Tất cả anh em, từ trưởng phòng đến phó phòng đều cầm dao, mác, đi phát rừng lấy dấu đường. Chỉ trong vòng 5 tháng “một dúm người” từ đồng bằng lên đã băng rừng, mở đường đưa máy san gạt, máy ủi vào để… phạt bằng chóp một quả đồi cao 300m để xây dựng khu văn phòng làm việc. Thế rồi, từng tốp công nhân, từng đoàn máy móc nối đuôi nhau vào, biến rừng núi hoang sơ thành một đại công trường hối hả suốt ngày đêm.

4. Cũng theo lãnh đạo nhà máy, việc xây dựng đã thập phần vất vả, song việc di dân và “an cư lạc nghiệp” cho bà con vùng lòng hồ mới là bài toán phức tạp nhất. Theo tính toán, số hộ phải di dời là 1.400 hộ với gần 1 vạn con người. Con số này là ngang bằng với Thủy điện Lai Châu, mà công suất Thủy điện Lai Châu gấp 10 lần Hủa Na. 1.400 hộ dân thuộc vùng lòng hồ được di dời đến 16 điểm và trung bình mỗi hộ được đền bù, hỗ trợ tổng cộng gần 1 tỉ đồng.

Năm 2006, khi còn là phóng viên của Báo Công an nhân dân, tôi từng có mặt tại Tương Dương (huyện láng giềng của Quế Phong) - nơi cũng có một nhà máy thủy điện được xây dựng - thì vấn đề di dân gặp nhiều bất cập. Nhiều hộ dân sau khi di chuyển lên nơi tái định cư mới được một thời gian đã bất ngờ… hồi hương. Bởi về nơi mới họ không có đất canh tác, những căn nhà dựng không đúng ý họ... Một số địa bàn di dân tái định cư ở công trình thủy điện phía Bắc cũng gặp trường hợp tương tự.

May mắn là ở Hủa Na đã không gặp phải tình cảnh như vậy, nhờ có những biện pháp hợp lý, hợp tình đến từ Ban Quản lý dự án và chính quyền địa phương. Theo anh Mai Minh Sơn, Trưởng phòng Tổ chức hành chính của nhà máy, trước khi tổ chức di rời, cán bộ thuộc Tổ tái định cư đã xuống tận nhà bà con để bàn bạc, lấy ý kiến. Có nhiều phương án để cho bà con chọn lựa. Một là nhận một cục tiền và tự di chuyển đến nơi ở mới. Hoặc có thể nhận nhà kèm theo đất canh tác cùng tiền hỗ trợ đến các điểm tái định cư mà Nhà nước đã bố trí. Phương án xây nhà theo kiểu gì… cũng được Tổ di dân in trước bản vẽ để cho bà con chọn, ký xác nhận vào đấy thì mới triển khai xây dựng.

Đến nay, sau nhiều năm đến nơi ở mới, với sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện của Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na cùng với các cấp chính quyền địa phương, bà con tái định cư đã ổn định được cuộc sống. Cơ sở hạ tầng như: Đường giao thông, điện sinh hoạt, trường học, trạm y tế… được đầu tư xây dựng đồng bộ theo đúng tiêu chuẩn, quy định hiện hành của Nhà nước.

Bất chấp những khó khăn trở ngại, với quyết tâm “trị thủy”, bắt “thủy tặc” trở thành thủy lợi - những con người dầu khí đã biến điều không thể thành có thể. Biến một vùng đất hoang vu khô cằn trở thành một nhà máy sinh ra nguồn năng lượng và lợi nhuận đều đặn hằng năm.

5. Có thể nói, Nhà máy Thủy điện Hủa Na đã qua những ngày tháng khó khăn nhất. Việc tiếp theo là phải nâng cao đời sống cho anh em CBCNV. Và như phần đầu tôi đã đề cập, quả thật không thấy ở đâu phong trào “làm nông” lại sôi nổi như ở Hủa Na. Có lẽ cũng do chính hoàn cảnh “ốc đảo” của mình.

Từ nhà máy, muốn đi mua con gà, cân thịt bò, thịt lợn hay là để mua xăng thì phải đi hơn 60km mới tới chợ; phải đi hơn 30km mới tới được một hiệu tạp hóa và cũng phải đi hơn 30km mới tới một điểm ở Sốp Chạo để có trường mẫu giáo, trường mầm non.

Bởi vậy CBCNV ở đây ngoài giờ làm việc chính là bảo đảm vận hành an toàn tuyệt đối cho 2 tổ máy thì phải tăng gia sản xuất và lo đi trồng rừng. Tại đây, tất cả CBCNV đều phải lao động ngoài giờ, kể cả việc thực hiện vệ sinh công nghiệp, quét dọn lau chùi nhà cửa. Tóm lại là anh em sống hoàn toàn “tự cung tự cấp”.

Anh em ở đây rất thạo trồng cây gây rừng, làm vệ sinh nhà máy và chăn nuôi gà vịt, lợn, dê, kể cả nuôi cá… Mỗi một phòng ban nghiệp vụ của nhà máy đều có những vườn rau, vườn cây ăn trái và khu vực chăn nuôi riêng. Như trường hợp anh Bùi Xuân Hòa, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn, một mình anh phải phụ trách đến 3 ha mít và 1.500 gốc chuối.

Cũng vì thế mà mỗi dịp Xuân về, anh em CBCNV nhà máy đều tổ chức gói bánh chưng, bánh dày. Rồi còn “đụng lợn, đụng dê” chia cho mọi nhà ăn tết. Còn món măng khô đã được chuẩn bị sẵn từ giữa năm…

Nói như vậy song không phải toàn là màu hồng, vẫn còn những khó khăn. Đơn cử là nhà máy phải phụ thuộc vào nguồn nước từ “ông trời”. Nếu năm nào mưa ít, mực nước tích không cao thì sẽ ảnh hưởng đến công suất phát điện. Lại nữa, khi tiêu thụ điện giảm, nhà máy chỉ được điều động phát điện mỗi ngày vài ba tiếng, sẽ ảnh hưởng đến doanh thu.

Giám đốc Bùi Huy Thành chia sẻ, lãnh đạo nhà máy đang có kế hoạch tìm kiếm, nghiên cứu các dự án thủy điện quy mô vừa và nhỏ tại Nghệ An, Thanh Hóa, Tây Nguyên… trong năm 2024. Hiện công ty đang tập trung đánh giá tiềm năng kinh doanh của Nhà máy Thủy điện Nậm Nơn 20 MW tại Nghệ An và Dự án Nhà máy Thủy điện Sơn Trà 1D 12 MW ở Quảng Ngãi. Ngoài ra, công ty cũng nghiên cứu thực hiện Dự án điện mặt trời ở lòng hồ Thủy điện Hủa Na…

Xuân về nơi
Từ ngoài đã thấy vẻ xanh - sạch - đẹp của Nhà máy Thủy điện Hủa Na

Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo sáng suốt từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sự tháo vát của Ban Giám đốc và sự cần cù, ý chí vượt khó của người lao động, Thủy điện Hủa Na sẽ ngày một phát triển, trở thành điểm sáng hôm nay, ngày mai và muôn đời sau!

Tháng 7-2012, Nhà máy Thủy điện Hủa Na chính thức tích nước lòng hồ. Tháng 2-2013, Tổ máy số 1 bắt đầu phát điện, hòa lưới điện quốc gia. Ngày 27-3-2013, đến lượt Tổ máy số 2 hòa lưới điện quốc gia thành công.
Chuyện công tác Đảng ở nhà máy thủy điện Hủa NaChuyện công tác Đảng ở nhà máy thủy điện Hủa Na
Sắp niêm yết cổ phiếu HNA của Công ty cổ phần Thủy điện Hủa NaSắp niêm yết cổ phiếu HNA của Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na
Chính thức niêm yết cổ phiếu HNA của Công ty CP Thủy điện Hủa Na trên sàn HOSEChính thức niêm yết cổ phiếu HNA của Công ty CP Thủy điện Hủa Na trên sàn HOSE

Minh Khang

DMCA.com Protection Status