Bản lĩnh Petrovietnam ở Sahara

06:56 | 11/12/2015

2,252 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Khi số báo này đến tay bạn đọc thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) chuẩn bị cho buổi lễ đón dòng dầu thương mại tại mỏ Bir Seba ở sa mạc lửa Sahara.
Màu cờ sắc áo của Việt Nam trên Sa mạc lửa
Có hai ông Cường ở Bir Seba
Bir Seba: Hoa cát ở Sahara

Theo thông tin mà chúng tôi nắm được thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tới dự buổi lễ long trọng này. Đây là một niềm vinh dự và là sự động viên to lớn của lãnh đạo Đảng, Chính phủ đối với Petrovietnam nói chung và đối với các đơn vị chủ lực là PVEP và nhà thầu khoan danh tiếng PV Drilling.

Còn nhớ, hồi giữa năm, khi sang thăm Văn phòng Petrovietnam và PVEP tại Algeria, Thủ tướng đã rất vui khi “tiết lộ” một thông tin rằng, trong buổi làm việc với lãnh đạo Chính phủ Algeria đã có một vị đánh giá rất cao về những việc làm của PVEP và PV Drilling tại mỏ Bir Seba. Và họ khẳng định rằng, Việt Nam đã làm rất tốt ở đây, cho nên sẽ phải ký tiếp hợp đồng về dịch vụ dầu khí đối với các đơn vị của Việt Nam.

ban linh petrovietnam o sahara
Giàn khoan PVDrilling-11 trên sa mạc Sahara

Trải qua hơn 10 năm lao động cực kỳ gian khổ, vất vả và chịu đựng nhiều sự hiểm nguy, những người thợ dầu khí Việt Nam đã kéo cao ngọn cờ Tổ quốc trên sa mạc lửa Sahara. Thậm chí, còn nói rằng, dự án này là một chiếc “chìa khóa” để cho Petrovietnam vào châu Phi. Thôi thì nghe những lời to tát đấy cũng là để cho vui, chứ thực ra, trong công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí ở xứ người bao giờ cũng vô cùng khó khăn. Trước đã khó khăn một, thì bây giờ lại khó khăn 10. Thậm chí, gấp cả trăm lần. Bởi lẽ, những nơi nào “ngon ăn” thì các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới đã “chiếm” sạch rồi. Còn những nơi nào “xương xẩu” thì mới đến lượt chúng ta.

Dự án ở Bir Seba của Petrovietnam là dự án đầu tư nước ngoài đầu tiên mà chúng ta đã thắng thầu quốc tế, rồi trở thành nhà điều hành. Đây cũng là dự án ở nước ngoài đầu tiên chúng ta đưa được dịch vụ khoan vào thực hiện.

Trong các dự án thăm dò khai thác dầu khí, chỉ cần đưa được dịch vụ khoan đi theo thì cũng thắng lợi 1/3 rồi. Còn nếu làm cái gì cũng phải thuê của nước ngoài thì hiệu quả kinh tế sẽ bị giảm rất nhiều.

Hơn một chục năm lao động miệt mài, kiên nhẫn và đã phải vượt qua rất nhiều thách thức về kỹ thuật, rồi phải vượt qua rất nhiều những rào cản về các thủ tục đầu tư, đặc biệt phải vượt qua các rào cản về bảo hộ sản xuất của nước sở tại. Chúng ta đã từng bước vượt qua tất cả những khó khăn, thách thức đó. Và để rồi, mỏ Bir Seba đã cho dòng dầu với hiệu quả vượt xa dự kiến ban đầu.

“Dự án này không dành cho những người yếu tim; dự án này không dành cho những người thiếu ý chí”… rất nhiều cán bộ tham gia dự án này đã nói như vậy.

Quả thật, trong tâm trí những người đã từng tham gia dự án từ ban đầu như nguyên Tổng giám đốc Petrovietnam Đỗ Văn Hậu; Phó tổng giám đốc thường trực Nguyễn Quốc Thập; nguyên Phó tổng giám đốc PVEP Lê Văn Trương… và nhiều người khác nữa thì vẫn không thể nghĩ rằng chúng ta đã có đủ nội lực, ý chí, bản lĩnh và trí tuệ để vượt qua những khó khăn mà chưa bao giờ trong đời làm dầu khí của họ gặp phải.

Những cái nóng nung người ở sa mạc, những cơn bão cát mịt mù trời đất, những chuyến đi bị phiến quân phục kích, những vụ tai nạn do thiên tai trên đường vận chuyển ở giữa sa mạc, những tháng ngày ăn đói nhịn khát, chia nhau từng hớp nước uống ở sa mạc… Và cho đến bây giờ cũng nhiều người đã tự hỏi rằng, tại sao ngày ấy đã làm được như vậy. Đó là bản lĩnh của người dầu khí.

Dự án Bir Seba đã chứng minh một điều rất rõ ràng rằng: Những người thợ dầu khí Việt Nam có đủ các phẩm chất cần thiết nhất để thực hiện được các dự án dầu khí ở những nơi khó khăn nhất, dù đó là ở sa mạc Sahara hay trong rừng rậm Amazon ở Peru. Hình như không có một khó khăn nào có thể làm họ chùn bước.

Tất nhiên, với những người đi tiên phong thì rất cần có sự hỗ trợ từ hậu phương. Sự hỗ trợ đó là những cơ chế, chính sách hợp lý, chế độ tiền lương hợp lý, sự đồng lòng thống nhất từ trên xuống dưới để cùng nhau giải quyết những khó khăn mỗi khi gặp trở ngại.

Nghề dầu khí là một nghề chứa đựng sự rủi ro cao nhất trong các ngành nghề. Cho nên, không thể đòi hỏi được những người làm dầu khí khoan mũi nào cũng thành công, làm dự án nào cũng có được dòng dầu thương mại. Ngay ở Biển Đông nước ta thôi cũng có rất nhiều những tập đoàn dầu khí danh tiếng bỏ ra hàng trăm triệu đôla để thăm dò một khu mỏ, bỏ ra cả chục năm ròng rã tìm kiếm nhưng rồi tay trắng vẫn hoàn tay trắng.

Đối với nghề dầu khí không có cái gì nói trước được, cũng giống như ở Bir Seba, khoan mũi thứ nhất toàn nước lã và các loại khí vớ vẩn. Khoan mũi thứ hai thì cho một chút dầu, mà nói một cách hơi ngoa thì là không đủ ướt mũi khoan.

Đến lúc này thì hầu như không còn mấy người dám tin rằng, dự án này sẽ thực hiện được tiếp. Ấy vậy mà khi khoan đến mũi thứ ba thì đã cho dòng dầu vượt xa dự kiến.

Người ta bảo trong nghề dầu khí, trí tuệ, trình độ khoa học kỹ thuật cao, sự nhạy cảm của những người làm công tác địa vật lý, những người thợ khoan là yếu tố quan trọng bậc nhất để có được sự thành công của một dự án. Nhưng còn có một yếu tố nữa mà thiếu nó thì không nói được điều gì, ấy là… may mắn.

Nghề nào chứa đựng nhiều rủi ro thì nghề đó lại chứa đựng nhiều yếu tố may mắn. Nhưng sự may mắn thì không phải bỗng dưng mà có, bởi nó còn được tạo thành bởi nhiều yếu tố khác, một trong những yếu tố đó là ý chí và quyết tâm của người thợ. Quyết đoán, dám làm nhưng không duy ý chí; khẩn trương từng giờ, từng phút khi vào cuộc nhưng không vội vã; thận trọng đến từng ly, từng tấc nhưng không nhút nhát… Người dầu khí luôn có những phẩm chất như vậy.

Thành công ở mỏ Bir Seba đã cho chúng ta rất nhiều bài học lớn trong công tác đấu thầu nước ngoài, làm nhà điều hành, dịch vụ khoan. Và hy vọng rằng những bài học đó sẽ là cẩm nang cho những dự án đầu tư nước ngoài về sau.

Ngoài ý nghĩa kinh tế của dự án thì còn có một ý nghĩa chính trị to lớn khác, đó là chứng minh rằng, người dầu khí Việt Nam sẽ làm tốt ở những nơi khó khăn nhất. Và đặc biệt là tại những vùng xa xôi này thì mỗi cán bộ dầu khí còn là những nhà ngoại giao nhân dân. Họ đã mang màu cờ sắc áo của Petrovietnam, mang ngọn cờ Tổ quốc Việt Nam đến với người dân bản xứ. Không những thế, họ còn giúp nước chủ nhà có thêm một đội quân kỹ thuật làm việc trên những giàn khoan.

Người viết bài này đã ra giàn khoan PV DRILLING 11, được chứng kiến việc những người thợ khoan Việt Nam hướng dẫn cho người lao động bản xứ từ cách cầm vòi nước rửa giàn khoan, cách quét làm vệ sinh giàn khoan, thậm chí cách chạy lên cầu thang giàn khoan như thế nào để nhanh mà lại đảm bảo an toàn. Và khác với nhiều các nhà thầu nước ngoài, giữa người chủ và thợ thường có sự phân biệt, có ranh giới một cách rất rõ ràng, nhưng ở Algeria, giữa người người lính Petrovietnam và những người thợ bản xứ, sự phân biệt đó hầu như không có. Chẳng thế mà có chuyện những anh công nhân bản xứ làm việc ở giàn khoan của PVEP, đến khi kết thúc hợp đồng họ phải đi nơi khác, họ đã ôm anh em ta mà khóc. Đấy là những điều mà chỉ có những người dầu khí Việt Nam mới làm được.

Trong lúc giá dầu giảm sâu một cách tiêu cực, ảnh hưởng tới gần như tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrovietnam thì chúng ta có được dòng dầu ở Bir Seba, nơi cách chúng ta hơn một vạn kilômét thật sự là một mốc son trong lịch sử xây dựng và phát triển dầu khí Việt Nam.

Như Phong

Năng lượng Mới 482

DMCA.com Protection Status