Bir Seba: Hoa cát ở Sahara

07:00 | 14/06/2015

1,645 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Nắng, gió, cát bụi và sự cô đơn là thử thách cho bất cứ người nào trên cái mênh mông sa mạc này, nhưng tất cả là sự cống hiến tuổi thanh niên cho chung một ý chí: Tìm ra dòng dầu cho đất nước. Nhiều người khi trở về, dù đã qua các vị trí cao hơn, vẫn luôn quan tâm và dõi theo từng bước đi của dự án, vẫn háo hức với từng bức hình, từng đoạn phim về những công trình, nhà máy đang hiện hình trên vùng sa mạc bão lửa. Ý chí, khát vọng cho một dự án đã nối kết nhiều thế hệ cán bộ của Petrovietnam để chỉ mai kia thôi, mọi nỗ lực sẽ được kết trái ngọt lành như cây chà là vững chãi trong cát sa mạc!

Năng lượng Mới số 430

Nắng, gió và cát

Đường đến Bir Seba qua muôn trùng gian khó. Quãng đường 11.111km cất cánh từ thủ đô Hà Nội và đặt chân đến Nhà máy Xử lý Dầu khí tại Bir Seba phải chuyển qua 4 lần máy bay và vài lần xe hơi. Đó là chặng bay 12 giờ đồng hồ từ Hà Nội sang Paris, rồi tiếp hơn 2 giờ từ Paris sang thủ đô Algers, hơn 1 giờ nữa cho chặng bay từ thủ đô đến Hassi Messaoud; cuối cùng là 45 phút từ Hassi ra đến sân bay dã chiến gần công trường. Tất cả chưa kể thời gian chờ đợi vạ vật ở sân bay, ở khách sạn... Nhưng đó là mọi sự thuận lợi. Còn những hôm trái gió thì quá trình này kéo dài như vô tận. Một cán bộ biệt phái của PVEP bông đùa với tôi trong lúc chờ máy bay đi xuống mỏ: cái chuyện dậy từ ba giờ sáng, hộc tốc chạy ra sân bay, chờ đến giờ trưa, hay đến chiều… hoặc đến tối là chuyện bình thường!

bir seba hoa cat o sahara

Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Khánh kiểm tra tiến độ Dự án Nhà máy Xử lý dầu khí tại mỏ Bir Seba

Đưa 14 người trong đoàn công tác của PVEP ra công trường nhà máy là một chiếc máy bay hai cánh quạt: khi nó rồ ga cất cánh thì nghe đâu đó tiếng rắc rắc như là mọi thứ sắp tung ra tứ phía; và dưới cái nắng của sa mạc Sahara thì hệ thống điều hòa bằng… gió trời của chiếc máy bay này có thể khiến hành khách muốn nhảy ra ngoài cho… dễ thở.

Chiếc máy bay cà tàng hạ trên một sân bay dã chiến, chạy song song là chiếc xe bán tải chở đồ cứu hỏa. Đường băng dài khoảng một cây số với lố nhố người đứng xung quanh. Ngay lập tức, Phó giám đốc PVEP Algeria Nguyễn Văn Lâu nhắc tôi: đừng hướng ống kính vào quân đội nhé. À ra thế, hóa ra là quân đội bảo vệ. Anh nào cũng to cao lực lưỡng súng lăm lăm đứng thành từng tốp quanh 5-6 chiếc xe bán tải. Mọi hoạt động của người nước ngoài trên sa mạc, hay thậm chí là ở thành phố Hassi đều được “đính kèm” lực lượng vũ trang. Như chuyến bay này và mọi chuyến bay khác, đến và đi từ sa mạc, sẽ có lực lượng quân đội đến bảo vệ sân bay cả tiếng đồng hồ trước thời điểm hạ cánh, chiếm lĩnh các cao điểm, cắt cử người gác; họ sẽ đợi cho chuyến bay hạ cánh, rồi khi máy bay cất cánh thì mới rời đi và tiếp tục công tác bảo vệ hành khách trên chuyến xe trở về khu trại.

bir seba hoa cat o sahara

Kỹ sư Nguyễn Thanh Tuấn (bên phải) kiểm tra đường ống tại Trạm thu gom số 3 thuộc Dự án Bir Seba trên sa mạc Sahara

Ra khỏi máy bay, ấn tượng đầu tiên là nắng sa mạc. Thứ ánh sáng không được che chắn bởi bất cứ gợn mây, bóng cây nào như đánh bật mọi màu sắc, tất cả trong mắt những người vừa đặt chân đến là khung cảnh trắng lóa, mờ mờ, xen lẫn bóng người sẫm hơn chút ít. Sahara những ngày tháng này không nóng như “huyền thoại”, vẫn có thể cảm nhận được thứ gió khô lùa vào từng khe tóc để xua đi cái nóng nực đọng lại trong chiếc máy bay già nua kia. Gió thổi khiến mồ hôi lạnh toát phía sau lưng.

Khu trại ở của Liên doanh Groupement Bir Seba (GBRS) cách sân bay đâu đó khoảng 20km xen lẫn đường đất sét khô cứng và đường nhựa mới trải phẳng lỳ. Thấp thoáng trong lờ mờ cát vàng là những đường ống, tháp xử lý, cột đuốc bên cạnh khu nhà ở bằng container.

Nói đến sa mạc thì phải nói đến cát. Cát mịn như một thứ bột... mì, tưởng chừng có thể tan biến khi siết nhẹ hai ngón tay. Tuy nhiên, bão cát thì là một nỗi khủng khiếp. Tôi may mắn được “nếm” bão cát ngay trong ngày đầu tiên đến sa mạc này. Anh em trong “site” truyền tai nhau về dự báo bão cát đã xuất hiện trên điện thoại. Chân trời ửng hồng từ ngày trước, nhìn như sắp xảy ra điều gì chẳng lành. Tôi theo chân kỹ sư đường ống Nguyễn Thanh Tuấn đi kiểm tra các hạng mục công trình: và mong chờ được chứng kiến một bức tường cát sẽ dựng lên ở phía chân trời nào đó rồi… đổ ập xuống như… trong phim. Ấy thế mà không phải. Gió từ từ nổi lên khi chúng tôi vừa rời khỏi khu nhà ở, chân trời đã mù mịt không nhìn ra dạng gì nữa.

Tuấn lục trong balô để lấy một chiếc “mặt nạ” hoa văn sặc sỡ. “Cái này lấy của vợ đấy chứ khẩu trang chú đeo không ăn thua” - anh cười.

Trời mù dần, gió rin rít qua khe kính bảo vệ, cát chạy thành sóng trên đường nhựa, Tuấn đeo nốt đống đồ bảo hộ lỉnh kỉnh vào người. “Ơ thế vẫn leo à, đang bão?”- tôi hỏi. “Leo chứ, bão này đã là gì”.  Anh kể, nhiều khi bão ập xuống và tất cả chỉ lấy lờ mờ, tầm nhìn chỉ trong khoảng vài ba mét thì may ra mọi công việc mới tạm dừng. 

Chiếc khẩu trang bảo hộ lao động siết chặt vào đầu tôi nhưng có vẻ như vô tác dụng với cơn gió mỗi lúc một mạnh lên. Đôi kính cận tôi đeo ngay lập tức bị phủ một lớp cát vàng lờ mờ. Cát bay vào mắt, vào tai ngứa và xót; cát như hòa với không khí để xuyên qua quần áo, len lỏi trong cơ thể, khiến tôi có cảm giác được hong khô hơn mấy phần. Vậy mà Tuấn vẫn leo, vẫn trèo lên khu vực cao gần nhất của nhà máy… Chúng tôi đi xuyên qua các khu vực, từ khu bơm nước cứu hỏa, rồi mấy bình tách lọc dầu, nước, sau đó là 3 tầng cao sắt thép của khu vực “piperack”. Cơn bão kéo dài khoảng ba giờ trước khi lặng hẳn gió nhưng cũng đủ khiến tất cả mọi người được phủ một lớp cát vàng vàng như… đánh phấn từ chân lên tới đầu.

bir seba hoa cat o sahara

Tác giả (ngoài cùng bên trái) và cán bộ biệt phái của PVEP tại sa mạc Sahara

Thời tiết ở Bir Seba thời gian này được coi là… đẹp, khi nhiệt độ duy trì đâu đó 400C trong cả ngày, ban đêm thì se lạnh. Tuy nhiên, đến chính hạ hoặc mùa đông thì có vẻ rất khủng khiếp. Nắng nóng tháng 6 hay tháng 7 có thể lên đến 600C, đó là chưa kể cái nóng do cát hấp thụ nhiệt rồi tỏa ra; nhiệt độ ban đêm xuống dưới 00C.

Chế độ… giam lỏng

Đập vào mắt bất kỳ ai mới đặt chân vào khu văn phòng tại Bir Seba là một tấm bản đồ chỉ rõ khu “greenzone”, nôm na là

Bir Seba là một góc nhỏ trong sa mạc Sahara, nằm khép nép trên con đường từ Algers, thủ đô của Cộng hòa Algeria xuống đến Hassi Messaoud, trung tâm dầu khí của cả vùng Bắc Phi. Dự án khai thác dầu khí tại lô 433a và 416b (khu vực Bir Seba) được thực hiện bởi liên doanh giữa Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) cùng đối tác PTTEP (Thái Lan) và Sonatrach (Algeria) (Liên doanh Groupement Bir Seba (GBRS)). Đây là dự án nước ngoài đầu tiên do PVEP tham gia với tư cách là nhà điều hành, được chính thức khởi động từ 2013. Dự kiến, dự án sẽ cho dòng dầu đầu tiên vào tháng 7-2015, với sản lượng giai đoạn 1 là 20.000 thùng/ngày.

 

khu an toàn, tự do đi lại. Greenzone bao quát khu vực nhà ở, văn phòng, đường dẫn và khu vực công trường Nhà máy Xử lý dầu khí (CBF). Những tưởng tự do là… tự do, hóa ra không phải, và sau 4 ngày lang thang ở chốn “cát bụi” này, tôi mới thấm thía câu nói của một cán bộ biệt phái: ra sa mạc là đi tù, nhưng không bị cùm chân!

Trước hết, “vùng xanh” bao quát khu vực nhà ở và làm việc, nhưng thực tế là ai đi đâu, ra vào khu vực nào đều phải khai báo và được ghi chép cẩn thận. Lực lượng bảo vệ ở đây có đến hai lớp. Phía trong cùng là lực lượng bảo vệ dịch vụ, họ có trách nhiệm ghi chép những người ra vào, bảo vệ vòng trong nhưng cũng được trang bị súng đạn giắt đầy mình. Đồn trú bên ngoài là một lực lượng quân đội chính quy. Họ có trại riêng, áp lưng vào khu nhà ở của dự án và mọi động tĩnh trong ngoài đều được giám sát bởi hàng chục chòi canh xung quanh. Nếu bạn không phải là người địa phương thì mọi hoạt động của bạn trên miền sa mạc này đều có người giám sát, xin kể ra đây vài câu chuyện:

Số là anh em Việt Nam phải làm muộn để chuẩn bị việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong chuyến thăm Algeria vừa qua. Việc tranh thủ này phải thực hiện sau 17 giờ, được coi là giờ giới nghiêm tại khu nhà máy. Thế là chỉ sau vài phút, trên mấy màn hình kiểm soát nhà máy đã thấp thoáng bóng dáng của lực lượng vũ trang đi tìm người. Sau một hồi vòng quanh, họ tập trung lại ngay cửa phòng điều khiển trung tâm. Tôi mở cửa thì thấy đâu đó 4 chiếc xe chở đầy… lính đang đứng nhìn chằm chằm. Sau khi nghe lời giải thích của một cán bộ biệt phái PVEP, họ giãn mặt ra ngay và kiên nhẫn đứng đợi.

Trong mấy ngày tôi bám theo các kỹ sư của PVEP đi khảo sát các đầu giếng và trạm thu gom dầu khí. Các anh phải đăng ký trước khoảng 2 ngày, để lực lượng quân đội còn bố trí xe bảo vệ, đi đến đâu, thời gian bao lâu cũng đều phải đăng ký. Cá biệt, muốn ra giàn thăm anh em PVD cũng rất khó, bởi nếu không có nhiệm vụ thì… miễn đi. Tờ mờ sáng là một chiếc Landcruiser đã đợi chúng tôi ở cửa khu văn phòng, trên xe chất kín người và cơ man nào là súng. Họ cũng đã có sẵn một tờ lịch trình và đi sau xe chúng tôi như hình với bóng. Bạn cứ làm việc của mình, còn họ thì làm việc của họ. Đó là đi theo bảo vệ. Được biết, doanh nghiệp không phải trả bất cứ chi phí nào cho việc bảo vệ của quân đội, ngoại trừ đôi lúc bồi dưỡng cái bánh, chai nước… Tuy nhiên, những bất tiện trong công việc thì thật đáng kể, đặc biệt với những dự án đang gấp rút tiến độ như thế này. Vậy mới biết, hòa bình và ổn định chính trị quan trọng đến nhường nào cho việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

Tất cả những biện pháp này là đề phòng trường hợp như vụ khủng bố con tin vào đầu năm 2013. Khi đó, các phiến quân Hồi giáo vũ trang đã tấn công vào nhà máy khí ở khu vực Amenas, bắt cóc con tin đa phần là người nước ngoài. Các biện pháp giải cứu của Chính phủ Algeria đã không đem lại hiệu quả, khi 37 con tin thiệt mạng, trong đó có 7 người Nhật Bản và họ đều đang làm việc cho nhà thầu JGC - và cũng là nhà thầu chính cho dự án tại Bir Seba của liên doanh. Từ đó trở đi, việc bảo vệ an toàn cho các lao động nước ngoài tại Algeria được đặt lên trên hết.

Rồi thì như tại liên doanh GBRS, người lao động ngoại quốc cũng phải chịu những sự quản lý đặc biệt. GBRS có văn phòng làm việc tại Hassi và ngay trong thành phố thì việc bảo vệ cũng đã rất chặt chẽ. Con đường từ sân bay Hassi về khu khách sạn, văn phòng EuroJapan chỉ khoảng 20km nhưng bắt buộc phải có cảnh sát hộ tống, ít nhất là một chiếc chạy trước, không thì có đến 3 chiếc dẫn đoàn, khóa đuôi… Hay như tất cả đều được bố trí ở trong một khách sạn đầy đủ tiện nghi, văn phòng làm việc được thuê ngay trước mặt. Mọi dịch vụ trong khách sạn, trừ dịch vụ quán bar buổi tối đều được… miễn phí cho khách ở.

 Nghe vậy mà nếu chỉ ở đó hai ngày thôi, bạn sẽ biết thế nào là… giam lỏng. Công việc của cán bộ liên doanh bắt đầu lúc 6 giờ sáng, kết thúc lúc 18 giờ. Ngoài thời gian đó thì họ chỉ có thể loanh quanh tán gẫu trong khu vực bể bơi, không thì đành về phòng xem tivi. Mọi hoạt động bên ngoài đều gắn với cảnh sát. Các cán bộ biệt phái của PVEP cho hay, ngày trước thì họ còn có thể lấy xe đi chợ, dạo phố phường khá tự do, nhưng giờ thì việc đi chợ cũng bị hạn chế, tất cả có cảnh sát đi kèm. Vậy nên thực phẩm “ăn thêm” cho hợp khẩu vị Việt Nam của anh em đều được chuyển xuống từ thủ đô. Cán bộ PVEP cũng đang đề xuất một khu vực thể thao riêng nhằm giải khuây giữa trùng trùng… thép gai.

Cuộc sống dưới “site” cũng có đôi chút giống vậy. Mọi người tập trung trong văn phòng lúc 6 giờ sáng, khi mặt trời còn chưa mọc hẳn, và về “chuồng” đâu đó khoảng lúc 19 giờ, khi nắng vẫn khá chói chang. Anh em ở đây sau giờ làm việc cũng còn có chỗ để tập thể thao, đi dạo cũng như tụ tập cho gần gũi những đêm sa mạc.

Tinh thần dầu khí trên sa mạc lửa!

Ngược dòng cơn bão cát, tôi gặp kỹ sư giám sát chất lượng Phan Văn Đang lủi thủi một mình với tệp tài liệu các chi tiết cần kiểm tra. Anh Đang và kỹ sư Tuấn trao đổi ngay về mấy cái chi tiết bị nhà thầu bỏ qua hay chưa thực hiện đúng. Cho dù với tầm bão cát kiểu như vừa chứng kiến thì gần như mọi công việc vẫn được tiếp diễn, đặc biệt là các công việc liên quan đến giám sát.

bir seba hoa cat o sahara

Kỹ sư đường ống Nguyễn Thanh Tuấn trên công trường Nhà máy Xử lý dầu khí

Cũng phải nói thêm về nhiệm vụ của các cán bộ biệt phái PVEP dưới công trường Nhà máy Xử lý Dầu khí ở Bir Seba. Nhà máy, đầu giếng và các trạm thu gom cơ bản đã được xây dựng xong, đang trong quá trình chạy thử và xin giấy phép khai thác dầu thương mại. Cán bộ PVEP duy trì ở mỏ trên dưới 8 người làm các nhiệm vụ giám sát, tiếp nhận bàn giao thiết bị khai thác trong tương lai là chủ yếu; chưa kể khoảng gần hai chục người trên thủ đô và thành phố Hassi. Đó là cả một khối lượng công việc khổng lồ. Hàng triệu chi tiết của cả hệ thống đều được lên sơ đồ cẩn thận tỉ mỉ, và nhiệm vụ của các cán bộ biệt phái là phải dò đến từng chi tiết, kiểm tra xem đã lắp đặt đúng kỹ thuật chưa… Đặc biệt là trong khoảng thời gian cao điểm này, tất cả các bên liên quan đều đẩy nhanh tiến độ thì công việc của những người giám sát còn bộn bề gấp trăm lần. Vậy nên, việc buổi sáng đến văn phòng và thấy hàng chồng tài liệu chất trên bàn không còn là chuyện… bình thường.

Trong cái tiếng rú rít chói tai của hệ thống báo động đang chạy thử ở phòng điều khiển trung tâm, tôi bắt gặp kỹ sư tự động hóa Đỗ Minh Tiến. Anh làm ngót nghét đã 7 năm ở đây, từ những ngày nhà thầu Nhật Bản bắt đầu công tác thiết kế và thi công những hạng mục đầu tiên. Tiến bắt đầu sự nghiệp dầu khí tại Vietsopetro, kinh qua nhiều đơn vị khác nhau trước khi đến với PVEP Algeria. Hầu như những người tôi gặp, ai cũng đều có một “hồ sơ” khá khủng trước khi đến với sa mạc lửa này. Đơn cử như kỹ sư Nguyễn Văn Tuấn, anh từng đến Philippines, Nhật Bản, châu Phi… rồi run rủi thế nào lại về PVEP. Những tưởng không phải xa gia đình nữa, hóa ra còn đi… xa quá.

Cách trại của chúng tôi khoảng 20km là cán bộ của PVD. Công việc nơi đây xem chừng còn vất vả hơn nhiều lần những gì tôi có thể tưởng tượng: anh em chia thành 2 ca, làm việc suốt ngày đêm bên cạnh tiếng ầm ì xoèn xoẹt của cần khoan, của máy phát… Mọi sự còn phức tạp hơn đến khi chuyển giàn đi khoan giếng khác. Cả khối sắt 2.000 tấn, chưa kể hệ thống phụ trợ, nhà ở xung quanh được tháo gỡ, di chuyển và lắp đặt sang nơi khác chỉ trong vòng chưa đầy một tuần lễ. Việc nghe có vẻ đơn giản, nhưng ở một nơi đường không ra đường, đất không ra đất thế này thì là cả một sự gian nan. Anh em không những phải tiếp xúc với nắng gió mà còn cả những thứ hóa chất độc hại từ dung dịch khoan, bùn khoan phun từ dưới hàng nghìn mét đất đá. Da sạm đen, thô ráp, râu ria như cả năm không cạo chính là “chân dung” chung của anh em thợ khoan.

Bir Seba, Hassi Meassoud, hay Algeria đã là nơi rèn đức, luyện tài cho nhiều thế hệ cán bộ Tập đoàn dầu khí Việt Nam trong suốt 12 năm qua.  Nhiều người khi trở về, dù đã qua các vị trí cao hơn, vẫn luôn quan tâm và dõi theo từng bước đi của dự án, vẫn háo hức với từng bức hình, từng đoạn phim về những công trình, nhà máy đang hiện hình trên vùng sa mạc bão lửa.

Có thể ví những cán bộ, kỹ sư của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam như những bông hoa cát, thứ hoa được kết tinh từ hạt cát sa mạc sau hàng triệu năm.

Ý chí, khát vọng cho một dự án đã nối kết nhiều thế hệ cán bộ của Petrovietnam để chỉ mai kia thôi, mọi nỗ lực sẽ được kết trái ngọt lành như cây chà là vững chãi trong cát sa mạc!

Nguyễn Bảo Sơn

 

DMCA.com Protection Status