Công nghiệp Cơ khí Dầu khí: Hiện đại hóa là bước đi tất yếu

08:38 | 22/08/2012

1,454 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Tại hội thảo “Phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành Cơ khí Việt Nam” vừa diễn ra đầu tháng 8, các doanh nghiệp trong ngành Dầu khí đã đề xuất với Chính phủ, Bộ Công Thương nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn và tạo đà cho công nghiệp cơ khí dầu khí phát triển. Từ thực tế sản xuất, các doanh nghiệp trong ngành Dầu khí vẫn đang tự lực cánh sinh là chính, cùng với đó là hợp tác hiệu quả với đối tác ngoại để sản xuất các công trình trọng điểm quốc gia.

Từ Tam Đảo - 03

Với Công ty Cổ phần Chế tạo giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) thì công nghệ chế tạo cơ khí không còn giản đơn, tụt hậu 2-3 thế hệ nữa. PV Shipyard đã có vị trí hàng đầu trong ngành công nghiệp cơ khí chế tạo. Giàn khoan tự nâng 90m nước - Tam Đảo 03 được bàn giao cho Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro vào ngày 30/3/2012, vượt tiến độ 2 tháng so với hợp đồng đã minh chứng trình độ chế tạo cơ khí của PV Shipyard đang đạt tầm quốc tế. Giàn khoan tự nâng 90m nước thuộc danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn 2009-2015 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16/1/2009. Dự án có tổng giá trị gần 200 triệu USD và có tổng trọng lượng chế tạo, lắp đặt gần 12.000 tấn. Đây cũng là một dự án lớn, phức tạp, đòi hỏi công nghệ cao và là dự án sản xuất đầu tiêu được PV Shipyard triển khai thực hiện ngay sau quá trình thành lập. Dự án hiện đã hoàn thành theo đúng tiêu chuẩn được Đăng kiểm Quốc tế chứng nhận.

Giàn khoan tự nâng 90m nước - Công trình tiêu biểu của ngành cơ khí dầu khí

Để thấy được tính chủ động và tự lực của PV Shipyard, Tổng giám đốc PV Shipyard  Phan Tử Giang cho biết, PV Shipyard đã thực hiện các công việc về thiết kế, xây lắp và quản lý dự án giàn khoan tự nâng 90m nước trị giá hơn 65 triệu USD, chiếm tỷ lệ 33,9% giá trị toàn dự án. Ngoài ra, PV Shipyard cũng đã mua sắm vật tư, thiết bị của các nhà sản xuất trong nước trên 1,4 triệu USD, chiếm tỷ lệ 1,3% giá trị mua sắm. Như vậy, toàn dự án có giá trị nội địa hóa là 34,7%.

Tổng giám đốc Phan Tử Giang cho biết thêm: Từ thành công ấy, PV Shipyard tiếp tục triển khai các dự án chế tạo giàn khoan tự nâng 130m nước cho Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và Dự án chế tạo sà lan khoan tiếp trợ (Tender Assist Barge) cho Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling).

Hướng đến việc nội địa hóa trong việc cung cấp các giải pháp tích hợp các hệ thống trên giàn khoan, PV Shipyard đã tính đến cung cấp: hệ thống máy phát điện chính và dự phòng (trị giá trên 5,2 triệu USD); tích hợp hệ thống điều hòa thông gió (trị giá trên 1,5 triệu USD) các hệ thống báo cháy, bảo vệ... Đó là các phần việc tiếp theo được PV Shipyard đánh giá là có nhiều triển vọng trong việc nội địa hóa từ các dự án chế tạo sắp tới với mục tiêu đưa tổng tỷ lệ nội địa hóa lên đạt 40-45%.

Đến Biển Đông 1

Một công ty khác cũng đến từ ngành Dầu khí là Công ty CP Dịch vụ cơ khí hàng hải PTSC (PTSC M&C) thuộc Tổng Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (PTSC) đang từng bước tiếp cận, thực hiện và làm chủ công nghệ thi công chế tạo và xây lắp các công trình dầu khí như giàn khai thác đầu giếng, giàn xử lý công nghệ trung tâm, các nhà máy xử lý chế biến dầu khí trên bờ. Các công trình này đòi hỏi độ chính xác và trình độ tay nghề cao cũng như yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng hết sức nghiêm ngặt. Chất lượng trong thi công chế tạo của PTSC M&C đã đạt tầm cỡ quốc tế và đã được chứng thực và ghi vào trong các sách vàng về chất lượng của các khách hàng quốc tế, được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Malaysia (Petronas) đánh giá cao...

Không phải ngẫu nhiên tập đoàn dầu khí hàng đầu Đông Nam Á Petronas lại xếp PTSC M&C vào các công ty có trình độ chế tạo cơ khí dầu khí đạt chuẩn quốc tế. Thành công của các dự án Bunga Orkid cho chủ đầu tư Talisman Malaysia Limited; dự án Module máy nén khí Lan Tây cho Công ty British Petroleum (BP Việt Nam) là những minh chứng rõ rệt khẳng định thực tế trên.

Trong đó, dự án Biển Đông 1 cho chủ đầu tư Biển Đông POC được coi là dự án phức tạp nhất hiện nay của ngành Dầu khí về mọi mặt: tiến độ, công nghệ và quy mô bao gồm 1 giàn xử lý trung tâm 12.000 tấn, 1 khối chân đế và cọc 17.000 tấn, tổng trọng lượng các công trình khác (WHP-HT1 và WHP-MT1) lên đến 20.500 tấn và hệ thống đường ống và cáp ngầm. Toàn bộ thiết kế chi tiết, mua sắm và thi công chế tạo trên bờ được thực hiện trong vòng 30 tháng. Đây là một kỷ lục mà không nhiều nhà thầu trên thế giới có thể thực hiện được. Với hàng loạt các kết quả ấn tượng đã đạt được, PTSC M&C đã khẳng định vị thế là một trong những tổng thầu EPCI (thiết kế, mua sắm, chế tạo, vận chuyển và lắp đặt) hàng đầu trong nước và vươn ra tầm khu vực.

Trong dự án cơ khí dầu khí, thiết kế chi tiết là khâu chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng là khâu quan trọng nhất trong việc tối ưu hóa các giải pháp kỹ thuật, tiết kiệm chi phí cho dự án, giúp tăng tính chủ động và giảm thiểu các rủi ro trong các công đoạn mua sắm và thi công. Do vậy, PTSC M&C đã có chiến lược phát triển thiết kế chi tiết từ rất sớm, coi đây là bàn đạp để tiến hành các khâu tiếp theo như chế tạo cơ khí, lắp đặt công trình. PTSC M&C đã tự thực hiện thiết kế chi tiết giàn Hải Sư Đen của Thăng Long JOC; giàn Thăng Long và giàn Đông Đô của Lam Sơn JOC. Ngoài ra, trong những năm vừa qua, PTSC M&C cũng đã hoàn thành công tác quản lý thiết kế chi tiết các dự án Sư Tử Đen Đông Bắc; Sư Tử Trắng; Chim Sáo.

Bên cạnh đó, PTSC M&C đang định hướng tập trung phát triển mở rộng vào mảng dịch vụ chế tạo các công trình biển như giàn khoan bán chìm, tàu chứa và xử lý dầu FPSO/FSO; dịch vụ cho các ngành công nghiệp phụ trợ trên bờ (nhà máy điện, nhà máy lọc dầu, công trình cảng biển...).

Đầu tư cơ sở hạ tầng

Ngành Dầu khí sẽ phát triển và chuẩn hóa theo các quy định quốc tế. Hướng tới viễn cảnh đó, các doanh nghiệp cơ khí trong ngành Dầu khí đã nhanh chóng xây dựng cơ sở vật chất, hợp tác quốc tế để nắm bắt công nghệ chế tạo. Với mục tiêu lâu dài là đa dạng hóa sản phẩm, nhắm tới các khách hàng tiềm năng là những công ty khoan, dịch vụ biển lớn trên thế giới như Seadrill, Rowan Drilling, Transocean. Bắt đầu từ tháng 7/2012, PV Shipyard đã bước một chân vào thị trường quốc tế bằng việc ký kết hợp đồng chế tạo tàu tự nâng (liftboat) cho Levingston (Hoa Kỳ).

PV Shipyard cũng đã bắt đầu triển khai dự án đầu tư xây dựng căn cứ đóng mới và sửa chữa giàn khoan dầu khí với tổng mức đầu tư trên 4.556 tỉ đồng từ tháng 7/2008 trên diện tích 39,8ha tại khu vực Sao Mai Bến Đình, TP Vũng Tàu. Đến nay, PV Shipyard cơ bản đã hoàn thành các hạng mục giai đoạn I với tổng kinh phí trên 1.410 tỉ đồng, đảm bảo cơ sở vật chất và hạ tầng cho việc đóng mới và sửa chữa đồng thời từ 2 đến 3 giàn khoan tự nâng cùng một lúc. Giai đoạn II với hạng mục ụ chìm chủ chốt hiện đang tiếp tục được nghiên cứu, lựa chọn phương án và thời điểm đầu tư thích hợp. Dự kiến sau khi hoàn thành cả 2 giai đoạn, PV Shipyard sẽ chủ động hoàn toàn trong việc đáp ứng cơ sở vật chất, hạ tầng cho đóng mới, sửa chữa các loại giàn khoan dầu khí có độ phức tạp nhất cũng như hầu hết các loại phương tiện nổi khác, công suất đáp ứng 4 đến 5 giàn khoan đồng thời.

Nga Chính

(Năng lượng Mới số 148, ra thứ Ba ngày 21/8/2012)

DMCA.com Protection Status