Kỷ niệm 61 năm Ngày truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam (27/11/1961 – 27/11/2022)

Tổng thầu EPC và lợi ích quốc gia

15:03 | 01/11/2022

10,350 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Các doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn lên trở thành các tập đoàn công nghiệp mạnh, nắm giữ những lĩnh vực xương sống của một nền công nghiệp phát triển thì không thể không thực hiện vai trò tổng thầu EPC, EPCI. Đó chính là ý chí quốc gia và tự hào dân tộc.

Ghi chép của Trần Thị Sánh

Hơn chục năm trước, tôi đã theo những người thợ Lilama đi làm tổng thầu EPC Dự án nhiệt điện Uông Bí mở rộng, nhiệt điện khí Cà Mau, Nhơn Trạch, rồi nhiệt điện chạy than Vũng Áng 1 và gần đây nhất là nhiệt điện Sông Hậu 1. Vì vậy, với tôi, khái niệm tổng thầu EPC không có gì là xa lạ.

Một lần làm việc với tôi, Phó Tổng giám đốc PTSC Nguyễn Trần Toàn tự hào nói rằng: Doanh nghiệp của anh đã thực hiện tổng thầu EPCI nhiều dự án làm tôi không khỏi ngạc nhiên và hỏi lại, sao anh lại thêm chữ I vào đó? Như gãi đúng chỗ ngứa của người tâm huyết với nghề, Nguyễn Trần Toàn giải thích: EPCI (Engineering, Procurement, Construction and Installation), I tiếng Anh nghĩa là lắp đặt trên biển.

Nếu làm tổng thầu EPC đã khó khăn, phức tạp, rủi ro thì làm tổng thầu EPCI còn khó khăn, phức tạp, rủi ro hơn nhiều. Các dự án tổng thầu EPC hoàn toàn thực hiện trên đất liền, còn các dự án tổng thầu EPCI sau khi đã hoàn thành nhà máy hay dự án, nhà thầu còn phải vận chuyển khối sắt thép khổng lồ ấy, những “con khủng long” ấy ra biển và lắp đặt nó ở độ sâu từ 70m đến 150m tùy vào quy mô dự án hay địa lý, địa chất của biển. Việc vận chuyển các cấu kiện lớn, to nặng mấy chục ngàn tấn trên biển là hết sức khó khăn, phức tạp. Điều này đòi hỏi nhà thầu phải tính toán, phân tích độ rủi ro rất chi tiết, cẩn thận và tuân thủ nghiêm ngặt về an toàn lao động.

Toàn cảnh công trường của PTSC M&C tại Bà Rịa - Vùng Tàu - Ảnh đơn vị
Toàn cảnh công trường của PTSC M&C tại Bà Rịa - Vùng Tàu - Ảnh đơn vị

Tôi chăm chú nghe Nguyễn Trần Toàn nói và nhớ lại những năm tháng Lilama làm tổng thầu EPC Dự án nhiệt điện chạy than Uông Bí mở rộng, công suất 300MW đầy gian nan, có lúc tưởng như thất bại. Đây là dự án nhiệt điện chạy than đầu tiên ở nước ta được thực hiện theo phương thức tổng thầu trong nước và Lilama cũng là người tiên phong đảm nhận, thay thế các nhà thầu nước ngoài. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, trong các dự án điện thì nhiệt điện chạy than khó làm nhất bởi phải xử lý hệ thống đốt than rất phức tạp mà than của Việt Nam thuộc loại than antraxít rất khó cháy vì độ lưu huỳnh thấp. Vì thế, dự án nhiệt điện chạy than đầu tiên do trong nước làm tổng thầu này có trục trặc cũng là điều dễ hiểu. Thế mới biết, những năm qua, những kỹ sư và công nhân của PTSC đã phải làm việc trong điều kiện cam go và thử thách biết nhường nào. Và chính từ môi trường và những đòi hỏi nghiệt ngã này, họ đã trưởng thành, đã lớn lên cả về kỹ thuật lẫn con người.

Kỹ sư Bùi Hoàng Điệp, Giám đốc Dự án Biển Đông 1 là một trong các gương mặt trẻ tiêu biểu ấy. Gần 5 năm ngồi trên ghế giảng đường Đại học Xây dựng, lại được tôi luyện trong môi trường đầy thuận lợi, song cũng nhiều thách thức, cam go, Điệp đã nhanh chóng tiếp cận với công nghệ mới, phương thức làm việc hiện đại và ngày càng bộc lộ những tố chất cần có của người lãnh đạo. Điệp cho biết: Điều khó khăn, phức tạp nhất khi triển khai các hợp đồng EPCI là, người ta hoàn toàn chủ động xây dựng, lắp đặt nhà máy hay dự án trên bờ, còn trên biển việc vận chuyển và lắp đặt chỉ có thể thực hiện từ tháng 3 đến tháng 9 hằng năm, là những tháng được coi là sóng yên biển lặng. Vì thế, tiến độ thi công, chế tạo thiết bị trên bờ phải tính toán sao cho khớp với việc thi công trên biển bởi nếu chậm là mất luôn cả năm.

Cụm giàn khoan Hải Thạch - Mộc Tinh
Cụm giàn khoan Hải Thạch - Mộc Tinh

Khi đưa những công trình, những dự án khổng lồ ra biển phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chỉ cần thiếu một chiếc ốc, chiếc vít nhỏ hoặc sai sót một chi tiết thì việc khắc phục sẽ rất khó khăn và tốn kém. Hơn nữa, việc thuê các đội tàu rất đắt, thường là 300-400 ngàn USD một ngày (một đội tàu bao gồm tàu cẩu, neo, tàu vận chuyển thiết bị, tàu vận chuyển người, tàu dịch vụ ăn uống nghỉ ngơi…). Một đội tàu làm việc trên biển có giá lên đến 400-500 triệu USD và không phải lúc nào cũng thuê được. Việc lắp các giàn khoan, các khối thượng tầng cũng có nhiều cách, nhiều kiểu. Các dự án có tổng trọng lượng từ 4.000 tấn trở xuống thường lắp bằng cần cẩu, còn các dự án có khối lượng từ 4.000 tấn trở lên phải làm theo phương pháp đánh chìm sà lan hoặc trượt. Sau khi lắp xong, các thiết bị điều khiển hiện đại cùng các thợ lặn (như những con robot) phải lặn xuống độ sâu 133m để kiểm tra, cân chỉnh lại. Do việc vận chuyển và lắp đặt trên biển khó khăn, phức tạp như vậy nên tỷ trọng của phần I chiếm tới 30% giá trị dự án EPCI.

Là người trực tiếp tham gia hàng chục dự án tổng thầu EPCI, Điệp không thể quên những ngày tháng lênh đênh trên biển cùng đồng nghiệp thực hiện dự án khó khăn, phức tạp nhất từ trước đến nay này. Những tháng cao điểm nhất, Biển Đông 1 đã huy động tới hơn 500 người và đây thực sự là đại công trường trên biển. Khỏi phải nói, việc tuyển chọn công nhân, kỹ sư và cả lãnh đạo khắc khe, kỹ lưỡng đến mức nào. Đó là những người không chỉ có năng lực, trí tuệ, làm việc chuyên nghiệp, có trách nhiệm mà còn phải có tinh thần đồng đội cao, luôn coi công việc như của mình, coi đồng nghiệp như người thân. Điệp bảo: nhà báo thử tượng tượng xem hơn 500 nhân mạng trên biển với các quy định nghiêm ngặt về an toàn lao động, ngoài làm việc còn ăn ngủ, nước ngọt phải mang từ đất liền ra, rồi ốm đau, sảy chân, sảy tay. Chao ôi, cơ man là lo lắng, thử thách, là cam go… Vì vậy, Biển Đông 1 có thể coi là kỳ tích, là niềm tự hào của tuổi trẻ PTSC, của trí tuệ và tinh thần Việt Nam.

Đẳng cấp kỹ thuật Việt

Phải trèo lên tận tầng thượng tòa nhà điều hành sản xuất hình mũi tàu của Công ty TNHH Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC M&C mới có đủ không gian và độ cao để tôi chụp được mấy tấm ảnh đẹp về khu tổ hợp thiết bị, chế tạo và đóng mới khối thượng tầng giàn PQP Topside (hạng mục cuối cùng nhưng lại lớn nhất, quan trọng và phức tạp nhất về công nghệ của Dự án Biển Đông 1), dự án dầu khí ngoài khơi lớn nhất do chính bàn tay và khối óc của kỹ sư và công nhân ngành Dầu khí Việt Nam đảm nhận. Dưới cái nắng cháy da thịt, trên các tầng của giàn khoan, hàng ngàn người thợ trong trang phục bảo hộ lao động đang hối hả, cần mẫn làm việc.

Những âm thanh ầm ầm phát ra từ những chiếc cần cẩu, những chiếc máy cắt, máy hàn, máy tiện… tạo thành bản hòa tấu lúc nhẹ nhàng êm ái, lúc chát chúa đinh tai nhức óc. Không thể nào khác được bởi cuối tháng 6/2012, dự án quan trọng này phải hoàn thành thi công, chạy thử và hạ thủy. Đây là thành quả lao động cần cù và sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công nhân PTSC M&C sau hơn 2 năm thi công, đồng thời cũng đánh dấu bước trưởng thành ngoạn mục của ngành cơ khí chế tạo giàn khoan dầu khí, mở ra những triển vọng mới cho ngành cơ khí Việt Nam.

Tổng thầu EPC và lợi ích quốc gia
PTSC Hạ thủy PQP-HT Jacket

Hơn 30 năm làm báo, đến các công trường xây dựng, tôi đã nhiều lần nhìn thấy những thiết bị thủy công siêu trường, siêu trọng trên các nhà máy thủy điện, những chiếc máy nghiền, máy lọc bụi, tua bin, máy phát của các nhà máy nhiệt điện chạy than, những vỏ lò nung clinker khổng lồ của các nhà máy xi măng, những chiếc bình bể chứa dầu chịu áp suất cao to như sân vận động ở Nhà máy Lọc dầu Dung Quất… vậy mà đến đây, phóng cặp mắt nhìn đại công trường rộng lớn cùng những giàn khoan 4, 5 tầng khổng lồ, những cấu kiện lớn, những blog nhà ở hiện đại trên biển, những thiết bị siêu trường, siêu trọng, tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng và thán phục những người thợ cơ khí của PTSC M&C.

Đội mũ, đi giày và súng sính trong bộ quần áo bảo hộ lao động, tôi theo kỹ sư trẻ Trần Đức Thắng, Phó giám đốc Công ty PTSC M&C thận trọng bước trên những bậc thang bằng sắt lên vị trí cao nhất của Dự án Biển Đông 1. Thắng quê ở Huế, học Đại học Kiến Trúc, về làm việc ở đây gần 10 năm nên am hiểu tường tận về lĩnh vực cơ khí hàng hải. Anh say sưa kể về những năm tháng phôi thai của ngành cơ khí mới mẻ này. Nó mới chỉ phát triển hơn 30 năm nay mà tiên phong là một số doanh nghiệp cơ khí nhỏ. Tuy nhiên, hơn mười năm gần đây, cơ khí hàng hải mới phát triển mạnh mẽ mà đại công trường này là minh chứng sinh động. Nếu so sánh những giàn khoan, những con tàu, những blog nhà ở trên biển ba, bốn trăm tấn của ngành Dầu khí trước đây với những dự án mà PTSC M&C thực hiện hôm nay mới thấy được ngành cơ khí hàng hải Việt Nam đã tiến một bước dài.

Dự án Biển Đông 1 (còn được coi là con khủng long biển) cho chủ đầu tư Biển Đông POC được coi là dự án phức tạp nhất lúc đó của ngành dầu khí về mọi mặt: tiến độ, công nghệ và quy mô bao gồm 1 giàn xử lý trung tâm 12.000 tấn, 1 khối chân đế và cọc 17.000 tấn, tổng trọng lượng các công trình khác (WHP-HT1 và WHP-MT1) lên đến 20.500 tấn cùng hệ thống đường ống và cáp ngầm. Toàn bộ thiết kế chi tiết, mua sắm và thi công chế tạo trên bờ được người Việt Nam thực hiện trong vòng 30 tháng. Chỉ riêng việc gia cố mặt bằng sản xuất (nền bãi), tăng sức chịu tải từ 4 tấn lên 50 tấn/m2 để đặt lên đó các đường trượt hạ thủy chịu được trọng lượng 1.720 tấn/m (dài) đã là việc đầy cam go, phức tạp. Bằng trí tuệ và các giải pháp thi công tối ưu chưa được sử dụng ở Việt Nam bao giờ, những kỹ sư và công nhân PTSC M&C đã tạo ra mặt bằng có sức chịu tải lớn nhất Việt Nam -53 tấn/m2.

Các cần cẩu siêu trọng tay với dài có sức nâng 1.200 tấn có thể hoạt động an toàn trên nền móng này. Đây là một kỷ lục mà không nhiều nhà thầu trên thế giới thực hiện được. Với những kết quả ấn tượng đạt được, PTSC M&C đã khẳng định vị thế là một trong những tổng thầu EPCI hàng đầu trong nước và vươn ra tầm khu vực. Đây là một trong hơn 40 dự án cơ khí trên biển mà PTSC M&C đã thực hiện trong nhiều năm qua. Ngoài ra còn phải kể đến các dự án: Giàn Hải Sư Đen của Thăng Long JOC; giàn Thăng Long và giàn Đông Đô của Lam Sơn JOC; Dự án Sư Tử Đen Đông Bắc; Sư Tử Trắng; Chim Sáo…

Không phải ngẫu nhiên tập đoàn dầu khí hàng đầu Đông Nam Á Petronas lại xếp PTSC M&C vào các công ty có trình độ chế tạo cơ khí dầu khí đạt chuẩn quốc tế. Thành công của các dự án Bunga Orkid cho chủ đầu tư Talisman Malaysia Limited; Dự án Module máy nén khí Lan Tây cho Công ty British Petroleum (BP Việt Nam) càng cho thấy đẳng cấp kỹ thuật Việt.

Tổng thầu EPC mang lại lợi ích quốc gia

Cho đến nay những tập đoàn, công ty có khả năng đảm đương được công việc này trên thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Kinh nghiệm ở các nước như Mỹ, Italia, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc... và thực tế ở Việt Nam mấy năm qua cho thấy tổng thầu EPCI đã mang lại cho doanh nghiệp và quốc gia lợi ích rất lớn. Nó không chỉ tận dụng tối đa các nguồn lực trong nước như vật tư, nhân công, máy móc, chi phí quản lý dự án so với tổng thầu nước ngoài, giảm chi phí, đào tạo được đội ngũ kỹ sư quản lý, điều hành dự án, công nhân chuyên nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp trong nước có tích lũy, thúc đẩy các ngành cơ khí, tự động hóa, luyện kim… cùng phát triển.

Các doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn lên trở thành các tập đoàn công nghiệp mạnh, nắm giữ những lĩnh vực xương sống của một nền công nghiệp phát triển thì không thể không thực hiện vai trò tổng thầu EPC, EPCI. Đó chính là ý chí quốc gia và tự hào dân tộc. Điều này cũng lý giải vì sao PTSC M&C được coi là “chim đầu đàn”, là “quả đấm thép” của PTSC. Doanh thu của doanh nghiệp này những năm gần đây lên đến hơn 10.000 ngàn tỉ đồng, lợi nhuận đạt hơn 350 tỉ đồng/năm, góp phần đặc biệt quan trọng trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của Tổng Công ty PTSC.

Là người trực tiếp điều hành và quản lý doanh nghiệp chế tạo cơ khí và làm tổng thầu EPCI, Tổng giám đốc PTSC M&C Đồng Xuân Thắng cho rằng: Chính phủ cần có các chính sách khuyến khích ngành chế tạo cơ khí phát triển cũng như bảo hộ các doanh nghiệp thực hiện các dự án tổng thầu EPC, EPCI. Để tạo việc làm cho người lao động, duy trì sự phát triển bền vững, nâng cao tính chuyên nghiệp trong việc thực hiện các dự án tổng thầu EPCI, PTSC M&C cần phải có thêm một số dự án có qui mô tương tự như dự án Biển Đông 1 và nhiều dự án khác. Tuy nhiên, nhìn vào thị trường Việt Nam hiện nay, những mục tiêu trên khó có thể thực hiện được bởi các dự án xây lắp dầu khí trong những năm tới có chiều hướng giảm, thị trường bị thu hẹp, cạnh tranh ngày càng gay gắt. Thực tế trên, đòi hỏi PTSC M&C phải xây dựng chiến lược phát triển cho những năm sắp tới, một mặt vừa phải duy trì thị phần dịch vụ xây lắp trong nước. Mặt khác cần phát triển cung ứng dịch vụ ra nước ngoài, tham gia các dự án EPC các nhà máy công nghiệp trên bờ, mở rộng các loại hình cơ khí chế tạo mới như đóng phao nổi xử lý và chứa dầu, chứa khí trên biển FPSO/FSO, giàn tự nâng, giàn nửa nổi nửa chìm, chế tạo các modul, các cụm skids và các sản phẩm phi tiêu chuẩn.…

Để làm chủ thị trường trong nước, PTSC M&C mong muốn Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có những chính sách hỗ trợ các đơn vị trong nước mạnh hơn, đặc biệt là đối với các đơn vị đã thực hiện thành công nhiều dự án tổng thầu EPC, EPCI, đồng thời hạn chế việc các nhà thầu dầu khí nước ngoài thực hiện các dự án mà các đơn vị trong nước có thể đáp ứng được. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư trong nước cần tin tưởng và mạnh dạn giao thầu cho các tổng thầu trong nước thực hiện vai trò tổng thầu EPC/EPCI đối với các dự án cung cấp kho nổi FPSO, FSO, chế tạo các giàn tự nâng, khoan nửa nổi nửa chìm (semisub)…

Tuy nhiên, để tham gia và thắng thầu các dự án ở nước ngoài thực sự không đơn giản. Vì vậy, PTSC M&C đã xây dựng đề án phát triển dịch vụ ra nước ngoài trong đó có đề ra nhiều giải pháp. Theo đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh của PTSC, cử các cán bộ làm công tác thị trường có mặt tại các nước, các khu vực tiềm năng để gặp gỡ, tiếp xúc, nghiên cứu các chính sách, thiết lập các mối quan hệ, hợp tác cùng tham dự thầu hoặc nhận thầu một phần công việc. Rà soát lại giá chào thầu, xem xét lại các định mức, điều chỉnh đơn giá cho phù hợp, cắt giảm chi phí chồng chéo, thực hiện mức giá nội bộ trong các đơn vị tham gia đấu thầu các dự án EPCI. Hơn 20 năm qua, PTSC đã thực hiện thành công hơn 50 dự án tổng thầu EPCI, góp phần đưa ngành cơ khí dầu khí và nền công nghiệp Việt Nam lên bản đồ thế giới.

[PetroTimesMedia] Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng kiểm tra thực địa, hạ tầng và năng lực của các đơn vị Vietsovpetro, PTSC, PetroCons [PetroTimesMedia] Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng kiểm tra thực địa, hạ tầng và năng lực của các đơn vị Vietsovpetro, PTSC, PetroCons
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng kiểm tra thực địa, hạ tầng và năng lực của các đơn vị Vietsovpetro, PTSC, PETROCONs Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng kiểm tra thực địa, hạ tầng và năng lực của các đơn vị Vietsovpetro, PTSC, PETROCONs
PTSC sẵn sàng tham gia sâu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi: Khát vọng tự lực, tự cường PTSC sẵn sàng tham gia sâu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi: Khát vọng tự lực, tự cường
PTSC sẽ được vinh danh tại Vinh quang Việt Nam 2022 PTSC sẽ được vinh danh tại Vinh quang Việt Nam 2022
Kho LPG nổi Viet Dragon 68 sau 1 năm hoạt động Kho LPG nổi Viet Dragon 68 sau 1 năm hoạt động

DMCA.com Protection Status