Nước Nga - trọn vẹn trong tôi một tình yêu

05:41 | 25/11/2017

1,064 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Với ông Phạm Việt Dũng, nguyên Phó trưởng ban Tìm kiếm Thăm dò - phụ trách Văn phòng Biển Đông của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, dù đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng ngày học tập tại đất nước Liên Xô trước đây vẫn ghi dấu ấn không phai mờ.  
nuoc nga tron ven trong toi mot tinh yeu
Ông Phạm Việt Dũng

Năm 1970, tốt nghiệp cấp 3 khi mới tuổi 17, chúng tôi tạm biệt quê hương lên đường đến với Liên Xô học tập. Chúng tôi về đến khuôn viên rộng lớn của Trường Đại học Dầu - Hóa Baku, tại đây chúng tôi được chào đón trong tình cảm nồng ấm của các thầy, cô giáo, các bạn sinh viên của trường. Chúng tôi được thông báo sẽ học 1 năm tại khoa dự bị tại đây với môn tiếng Nga và ôn tập các kiến thức về toán, vật lý… của chương trình phổ thông cấp 3.

Chúng tôi sinh hoạt và học tập ngay trong tòa nhà đẹp và thuận tiện: Tầng trệt là các lớp học, văn phòng các khoa, các tầng trên là nơi ở của chúng tôi. Các phòng ở khá rộng rãi dành cho 4 sinh viên. Nhà trường cũng bố trí một sinh viên Nga ở cùng để giúp chúng tôi học ngoại ngữ.

Sau khoảng hơn 4 tháng học, nhà trường tổ chức cho chúng tôi đi tham quan và giới thiệu về thành phố Baku, nơi chúng tôi đang sống. Đây là trung tâm chính trị, văn hóa và kinh tế của Azerbaijan và của cả vùng Kavkaz. Baku nằm ở bờ Nam của bán đảo Absheron, một bán đảo nhô ra biển Caspi. Từ đầu thế kỷ XX, các mỏ dầu Baku lớn nhất thế giới. Thành phố có tới hơn 3.000 mỏ dầu, giếng dầu vào năm 1900. Trước Thế chiến II, Baku là một trong những trung tâm lớn nhất sản xuất các thiết bị ngành dầu mỏ.

Một năm học trôi qua chóng vánh. Năm 1971, tôi đến thành phố Leningrad (nay là St. Petersburg), theo học Trường Đại học Mỏ Leningrad (thuộc Liên Xô cũ) chuyên ngành trắc lượng mỏ. Những năm tháng ấy, dù khó khăn nhưng chúng tôi luôn xác định phải học hành chăm chỉ, quyết tâm có kết quả thật tốt. Các thầy cô thành phố Baku hay thành phố Leningrad khi ấy rất cảm thông với hoàn cảnh đất nước của các sinh viên Việt Nam và luôn quan tâm cả về tình cảm cũng như tạo mọi điều kiện, hỗ trợ về vật chất, tinh thần để các lưu học sinh chúng tôi yên tâm học tập.

nuoc nga tron ven trong toi mot tinh yeu
Các cựu sinh viên từng học tập tại Trường Đại học Dầu - Hóa Baku chụp ảnh nhân buổi gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/2017)

Không phụ công các thầy cô giáo, chúng tôi luôn tự giác tập trung thời gian và sức lực toàn tâm toàn ý học tập để đạt thành tích học tập tốt, lĩnh hội được nhiều tri thức và phương pháp khoa học có tính nền móng cho sự nghiệp sau này, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nước nhà. Không chỉ hăng say học tập ngày đêm mà chúng tôi còn rất tích cực tham gia các hoạt động lao động và văn nghệ ngoại khóa rất sôi nổi. “Ngày ấy, vào dịp nghỉ hè chúng tôi được tham gia lao động tình nguyện. Thường là về các vùng phía nam ấm áp giúp nông dân Nga thu hoạch nho, táo hoặc bẻ hoa thuốc lá ở các nông trang tập thể. Đây mới thực sự là cánh đồng trải dài bát ngát. Ôtô chạy cả giờ mới hết cánh đồng nho. Sinh viên được giao lưu, trao đổi với bạn bè quốc tế”, ông Dũng cho biết. Với ông và nhiều du học sinh Việt Nam, đó là những tháng ngày sôi nổi, tràn đầy nhiệt huyết.

Tháng 11-1976, ông Phạm Việt Dũng về nước được điều về công tác tại Liên đoàn Địa chất 36 đóng ở tỉnh Thái Bình. Năm 1980, ông chuyển công tác về Vụ Kỹ thuật địa chất thuộc Tổng cục Dầu khí, rồi chuyển về làm Phó trưởng ban Tìm kiếm Thăm dò - phụ trách Văn phòng Biển Đông của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu, năm 2013.

Suốt sự nghiệp đằng đẵng gần 40 năm của mình, dù trải qua nhiều biến động, nhiều đơn vị công tác nhưng ông Phạm Việt Dũng vẫn luôn gắn bó với công việc, tập trung minh giải, xử lý các tài liệu về địa vật lý và trắc địa; làm báo cáo chuyên đề minh giải liên kết tất cả các dạng tài liệu, khoa học ứng dụng trong dầu khí. Trong suốt cuộc đời mình, ông Dũng đã sống và làm việc tận tụy, bởi theo ông - ông đã học được rất nhiều kiến thức, phương pháp làm việc khoa học và kinh nghiệm sống quý báu từ những người thầy giáo Nga. Đặc biệt, tấm lòng người Nga và tình cảm quốc tế trong sáng giữa nhân dân hai nước luôn là những “dấu ấn” nhắc nhở ông hãy sống tốt đẹp hơn trong đời mình.

“Rất nhiều người trong chúng tôi, sau khi học tập và tu nghiệp ở Liên Xô ngày đó, đã về nước thành đạt trong những lĩnh vực giáo dục, kinh tế, địa chất, ngành dầu khí... những người mà sau này trở thành những thế hệ nòng cốt, phục vụ công cuộc bảo vệ, xây dựng, kiến thiết đất nước Việt Nam. Với tôi, 6 năm sống và học tập ở Liên Xô, được tiếp xúc với nhiều người, từ các thầy, cô giáo, bạn bè sinh viên đến những người dân của đất nước Xôviết rất đôn hậu, tốt bụng, đó chính là những kỷ niệm đẹp không bao giờ quên trong cuộc đời tôi”, ông Dũng chia sẻ.

Trường Đại học Dầu - Hóa Baku (thủ đô Azerbaijan) là trường danh tiếng và có truyền thống lâu đời nhất châu Âu. Đặc biệt, trường rất giỏi đào tạo sinh viên trong ngành thăm dò, khai thác dầu khí. Nhiều thế hệ lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), của Vietsovpetro đã từng học tập tại trường và trở thành những cán bộ chủ chốt như nguyên Tổng giám đốc PVN Trần Ngọc Cảnh; Thành viên phụ trách Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn; Thành viên Hội đồng Thành viên PVN Phan Ngọc Trung; Anh hùng Lao động, nguyên Tổng giám đốc Vietsovpetro: Nguyễn Giao, Trần Lê Đông; Tổng giám đốc Vietsovpetro Từ Thành Nghĩa… và nhiều cán bộ lãnh đạo khác.

Nguyễn Hoan (ghi)

DMCA.com Protection Status