Tái cơ cấu là sự sống còn của doanh nghiệp

17:04 | 24/12/2015

1,125 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ngày 24/12/2015 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương giai đoạn 2011 – 2015, kế hoạch 2016 – 2020. Trong đó, đáng chú ý nhất là sẽ tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty "đầu tàu" nền kinh tế gồm Dầu khí, Điện lực, Than Khoáng sản, Hóa chất, Thuốc lá…

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, Phó trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương Nguyễn Trọng Dũng, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các Tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp trung ương.

tai co cau phai la su song con cua doanh nghiep
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng phát biểu tổng kết hội nghị.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, trong giai đoạn 2011 – 2015, về cơ bản Bộ Công Thương đã hoàn thành việc cổ phần hóa, thoái vốn DNNN theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tính đến tháng 12/2015, Bộ Công Thương đã hoàn thành công tác cổ phần hóa và chuyển đổi 8 DNNN thành công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Bao gồm: Tập đoàn Dệt may Việt Nam, TCT Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam; Cty TNHH MTV Giao nhận kho vận ngoại thương; Cty TNHH MTV Điện máy; Công ty TNHH MTV Du lịch và Xúc tiến thương mại; Cty TNHH MTV Viện máy và Dụng cụ công nghiệp IMI; Cty TNHH MTV Caric; Cty TNHH MTV Cơ khí Duyên hải. Được biết, hiện nay tổng số vốn Nhà nước còn nắm giữ ở 8 DN nêu trên đạt hơn 3.600 tỷ đồng.

Trong số 7 doanh nghiệp đang thực hiện cổ phần hóa năm 2015 có 3 Tổng công ty và 4 Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên. Cụ thể gồm: Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Giấy Việt Nam, Máy và Thiết bị công nghiệp, Công ty Điện máy và Đầu tư; Công ty Xây lắp và Vật liệu xây dựng V; Công ty Thực phẩm và Đầu tư công nghệ Fococev; Công ty Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC.

tai co cau phai la su song con cua doanh nghiep
Đại diện lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Bộ Công Thương.

Đối với các Tổng công ty, đến nay Bộ Công Thương đã thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa và dự kiến sẽ thực hiện bán cổ phần lần đầu trong quý I/2016. Các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cũng sẽ hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2015 hoặc tháng 1/2016, riêng công ty Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại BMC, Bộ đang chỉ đạo xác định giá trị doanh nghiệp và hoàn thành cổ phần hóa trong Quý I/2016.

Riêng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), sau khi thực hiện đề án tái cấu trúc, hiện PVN còn nắm giữ 1 Tổng công ty 100% vốn nhà nước hoạt động trong lĩnh vực cốt lõi là thăm dò, khai thác dầu khí (PVEP), 24 doanh nghiệp cấp 2; 126 doanh nghiệp cấp 3 và không có DN cấp 4. Những năm qua, PVN cũng hoàn thành sáp nhập Tổng công ty Tài chính CP Dầu khí với Ngân hàng Phương Tây để thành lập Ngân hàng cổ phần Đại chúng (PVcomBank), bán cổ phần trong Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn và dự kiến cổ phần hóa hầu hết các tổng công ty trực thuộc.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) là tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tiên thực hiện cổ phần hóa cũng đã hoàn thành thoái vốn ở 7 đơn vị với tổng số tiền 204,1 tỷ đồng. Hiện nay, Vinatex đang chỉ đạo thoái vốn tiếp tại một số lĩnh vực như chứng khoán, ngân hàng, tài chính để lành mạnh hóa và minh bạch tài sản khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

tai co cau phai la su song con cua doanh nghiep
Đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược.

Như vậy, trong giai đoạn 2011 – 2015, Bộ Công Thương hoàn thành công tác sắp xếp, cổ phần hóa 15 doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có 5 doanh nghiệp có nhà đầu tư chiến lược là các Tập đoàn và các Tổng công ty. Các nhà đầu tư chiến lược này thì phần lớn là nhà đầu tư trong nước, chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia mua cổ phần của các doanh nghiệp thuộc Bộ.

Trao đổi với các phóng viên về hoạt động tái cơ cấu và thoái vốn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng công tác này vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn bởi thị trường chứng khoán Việt Nam chưa khởi sắc, các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc tài chính và công nợ, tài sản nên những doanh nghiệp còn lại vẫn chưa thể hoàn tất quá trình tái cơ cấu, thoái vốn. Bộ trưởng khẳng định: “Tái cơ cấu không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm mà còn là sự sống còn của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu, rộng của Việt Nam”.

tai co cau phai la su song con cua doanh nghiep
Toàn cảnh hội nghị tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương.

Giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, đáng chú ý nhất là sẽ tập trung cổ phần hóa, thoái vốn của các tập đoàn, Tổng công ty “đầu tàu” trong nền kinh tế gồm Dầu khí, Điện lực, Than Khoáng sản, Hóa chất, Thuốc lá….

Bùi Công

DMCA.com Protection Status