Đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước

Thêm lời giải từ Lọc hóa dầu Nghi Sơn

06:50 | 24/05/2018

4,059 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Sự kiện Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) đi vào vận hành thương mại và xuất xưởng thành công những lô sản phẩm đầu tiên đã đánh dấu cột mốc quan trọng không chỉ riêng nhà máy mà còn đối với cả nền công nghiệp chế biến dầu khí Việt Nam

Làm chủ công nghệ

Có dịp ghé thăm Nhà máy Lọc hóa dầu (NMLHD) Nghi Sơn thời gian này, bất kỳ ai, ở đâu cũng đều thán phục việc vận hành thành công nhà máy. Càng đặc biệt hơn, sau rất nhiều “sự cố”, cuối cùng dự án có tổng mức đầu tư hơn 9 tỉ USD, được coi vào loại hiện đại bậc nhất Đông Nam Á, đã vận hành, xuất xưởng thành công những lô sản phẩm thương mại đầu tiên (xăng RON 92 và RON 95), đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn kỹ thuật và xuất bán cho các đối tác thương mại để phục vụ nhu cầu tại thị trường Việt Nam. Đó là những sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ đối với dự án mà còn đối với vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

them loi giai tu loc hoa dau nghi son
Ban lãnh đạo NSRP chứng kiến xuất lô sản phẩm đầu tiên của NMLD Nghi Sơn

Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP - đơn vị quản lý NMLHD Nghi Sơn) Đinh Văn Ngọc cho biết: Sau nhiều năm nỗ lực bền bỉ, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, dòng dầu mới mang thương hiệu Việt đã tuôn chảy, mang theo niềm vui và những kỳ vọng của tập thể đội ngũ kỹ sư, người lao động trên công trường. Cũng theo ông Ngọc, Lọc hóa dầu Nghi Sơn là nhà máy lọc dầu thứ hai tại Việt Nam có công suất 200 nghìn thùng dầu thô/ngày (tương đương 10 triệu tấn dầu thô/năm), cùng với Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất (Quảng Ngãi) có công suất 6,5 triệu tấn/năm sẽ đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu dùng nội địa trong thời gian tới.

Phó tổng giám đốc Đinh Văn Ngọc cũng cho biết thêm, NMLHD Nghi Sơn được bắt đầu xây dựng vào tháng 7-2013 và hoàn thành vào tháng 4-2017 với hàng trăm triệu giờ công lao động. Từ đó đến nay, NSRP đã tiến hành vận hành thử khoảng 3.000 hệ thống trong khoảng 1 năm với hơn 1.000 người lao động trong và ngoài nước làm việc toàn thời gian tại mặt bằng nhà máy. Các công nghệ tiên tiến của thế giới trong ngành công nghiệp hóa dầu đã được áp dụng để vận hành tổ hợp lọc hóa dầu rất phức tạp này.

Một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu đối với các NMLHD đó là việc đào tạo nguồn nhân lực để có thể làm chủ công nghệ và vận hành an toàn nhà máy. Chính vì vậy mà trong gần 2 năm qua, NSRP đã chủ động ký hợp đồng trực tiếp đào tạo tại chỗ cho 627 nhân sự của mình với Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị quản lý NMLD Dung Quất). Các học viên của NSRP đã được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp và được trang bị đầy đủ từ các kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất về các tác vụ hằng ngày trong ca làm việc cho đến các quy trình có độ phức tạp, chuyên môn cao hơn như quy trình dừng, khởi động và nhiều quy trình xử lý sự cố khẩn cấp của NMLHD.

Theo lãnh đạo của BSR cho biết, từ năm 2014 đến nay, BSR đã cung cấp gần 70 kỹ sư, chuyên gia của NMLD Dung Quất thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau bao gồm vận hành, kỹ thuật, bảo dưỡng, kiểm tra thiết bị... tham gia làm việc trực tiếp dài hạn tại Dự án tổ hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Bên cạnh đó, BSR đã cử hàng trăm lượt nhân sự, chuyên gia giỏi tham gia vào các đợt hỗ trợ kiểm toán BMC (Before Mechanical Completion) nhằm rà soát và tư vấn hoàn thiện hệ thống quy trình, hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng, kiểm soát chất lượng của NSRP. Đồng thời, các chuyên gia của BSR cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý giá liên quan đến công tác chuẩn bị chạy thử, chạy thử và chạy nghiệm thu nhà máy; công tác điều độ, tối ưu hóa quá trình sản xuất, nhập dầu thô và xuất bán sản phẩm; công tác quản lý chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt, thực hiện quyết định của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), từ 26-4 đến 25-6-2018, BSR tiếp tục cử 25 chuyên gia tham gia tư vấn, hỗ trợ công tác khởi động Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Điều đó cho thấy sự trưởng thành và chủ động nắm bắt công nghệ của đội ngũ kỹ sư, người lao động người Việt Nam, thay vì phải phụ thuộc chủ yếu vào kỹ sư nước ngoài ở giai đoạn mới hoạt động NMLD Dung Quất, đến nay, chúng ta đã có thể chủ động vận hành an toàn NMLHD được đầu tư rất nhiều trang thiết bị hiện đại trên thế giới.

Chủ động nguồn

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam là nước vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu xăng dầu. Do đó, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc chủ yếu vào giá xăng dầu thế giới. Việc NMLHD Nghi Sơn đi vào hoạt động và đáp ứng khoảng 40% nhu cầu của thị trường sẽ giúp Việt Nam chủ động được nguồn nhiên liệu trong thời gian sắp tới.

them loi giai tu loc hoa dau nghi son
Tàu Great Lady cập cảng nhận lô sản phẩm xăng RON 92 đầu tiên của NMLHD Nghi Sơn

Theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) Phan Thế Ruệ, thị trường xăng dầu Việt Nam năm 2018 sẽ tăng khoảng 7-8% so với năm 2017, khoảng hơn 18 triệu tấn. Trong đó, riêng 2 nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn đã có thể đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu trong nước, điều đó cho thấy tín hiệu tích cực trong việc chủ động nguồn cung xăng dầu, hạn chế dần lượng hàng nhập khẩu và hạn chế tối đa sự tác động về giá đối với thị trường xăng dầu trong nước.

Cùng đề cập về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, NMLHD Nghi Sơn được dự đoán cung cấp sản lượng khoảng 40%, tạo nguồn cung mới cho thị trường xăng dầu nội địa. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là chất lượng và giá thành sản phẩm như thế nào? Dù chất lượng, giá cả ra sao thì họ vẫn phải bán theo giá quốc tế. Bởi vì, nếu bán giá cao hơn giá quốc tế chắc chắn không có người mua, còn bán thấp hơn sẽ không có lợi nhuận, khó có sức cạnh tranh. Trước mắt, chúng ta cần phải xem sản lượng, khả năng cung ứng của nhà máy này ra sao để từ đó có cái nhìn chính xác, đánh giá một cách toàn diện được.

Lọc hóa dầu Nghi Sơn là nhà máy lọc dầu thứ hai tại Việt Nam có công suất 200 nghìn thùng dầu thô/ngày (tương đương 10 triệu tấn dầu thô/năm).

Kể từ 1-1-2018, trên thị trường chỉ còn lưu hành 2 loại xăng, đó là xăng RON 95 và xăng E5 RON 92. Tuy nhiên, mức tăng tiêu dùng của xăng E5 RON 92 (thay thế xăng RON 92) không đạt như kỳ vọng (hiện tỷ lệ sử dụng xăng RON 95 chiếm 58%, xăng E5 RON 92 chiếm 42%) khiến doanh nghiệp phân phối, kinh doanh xăng dầu đề xuất Nhà nước nên “khai tử” đối với mặt hàng xăng RON 95; chỉ còn bán xăng E5 RON 92, tiến tới bán xăng E5 RON 95. Liên quan tới đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sẽ tập hợp và báo cáo Chính phủ theo đúng tình hình thực tiễn, quan trọng nhất là bảo đảm an ninh năng lượng cho tiêu dùng và sản xuất kinh doanh; bảo đảm tính cạnh tranh trên thị trường.

Theo Chủ tịch Vinpa Phan Thế Ruệ, xu thế của thị trường xăng dầu là đa dạng hóa sản phẩm được lưu hành trên thị trường với nhiều đối tượng tham gia. Đến nay, trên thị trường chỉ lưu hành xăng RON 95 và xăng E5 RON 92. Mục tiêu thị trường xăng dầu Việt Nam phải có tiêu chuẩn mức cao hơn hiện nay, với 29 đầu mối và hàng trăm nhà phân phối song tính cạnh tranh thực sự chưa xuất hiện, toàn quốc chỉ có một loại giá. Khi giá thống nhất, các doanh nghiệp cạnh tranh nhau bằng mức chi phí, cứ đẩy chi phí xuống cơ sở làm cho cuộc cạnh tranh thị phần không lành mạnh, yếu tố rủi ro trong kinh doanh ngày càng cao, không ổn định, không đem lại yếu tố tích cực thật sự trong kinh doanh xăng dầu hiện nay. Chính vì vậy, cần phải xây dựng được cơ chế quản lý, thanh kiểm tra, giám sát đồng bộ để giám sát chất lượng, số lượng xăng dầu bán ra nhằm bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, lợi ích của doanh nghiệp và của Nhà nước. Đồng thời, phải sửa đổi Nghị định 83 để làm sao cơ chế phải thông thoáng, minh bạch, bình đẳng và tạo điều kiện để thị trường xăng dầu Việt Nam cạnh tranh, phát triển.

Hoàng Anh

DMCA.com Protection Status