Bác sĩ Lèng Văn Chi: 7.000 ngày trên giàn khoan

07:00 | 21/07/2014

2,477 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Vui vẻ, mộc mạc, sâu sắc, chân thành là những gì tôi cảm nhận được khi trò chuyện với bác sĩ Lèng Văn Chi. Hiện anh đang công tác trên giàn Đại Hùng, Công ty TNHH MTV Điều hành Thăm dò Khai thác Dầu khí trong nước (PVEP POC). Người cán bộ công đoàn mẫu mực, rất trách nhiệm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động trên giàn.

Năng lượng Mới số 340

Lèng Văn Chi là người dân tộc Tày, quê Bắc Kạn, tốt nghiệp ĐH Y Thái Nguyên năm 1989. Năm 1990, anh vào Vũng Tàu nhưng chưa xin được việc đúng chuyên môn, về làm ở trại trẻ mồ côi Vũng Tàu. Và từ năm 1990 - 1995, anh học thêm tiếng Anh, khi thấy PTSC tuyển bác sĩ đi giàn thì anh đăng ký phỏng vấn và đi làm bác sĩ trên các giàn khoan thăm dò từ năm 1995 - 1997. Đến năm 1997, anh chuyển sang công tác trên giàn khai thác mỏ Đại Hùng.

Đó là thời kỳ sôi nổi, ham khám phá điều mới lạ của tuổi trẻ đồng thời anh cũng muốn sử dụng vốn tiếng Anh sau 5 năm đèn sách, thêm nữa là muốn có thu nhập cao hơn để lo cho gia đình. Ưa sự thay đổi, không thích một công việc cố định nhàm chán cũng là bản tính của anh, đặc biệt, anh rất thích những công việc có nhiều thử thách. 20 năm làm việc trên giàn là quãng thời gian không hề ngắn đối với những người gắn bó với ngành dầu khí. Có lẽ đó là duyên nợ của anh và không nỡ bỏ giàn về bờ. Điều kiện làm việc trong thời gian đầu về giàn Đại Hùng so với bây giờ theo anh không quá khác biệt, có khác chăng là văn hóa giữa các thành viên, một ngôi nhà đa quốc gia, đa văn hóa. Giờ đây 100% người Việt đủ bản lĩnh nội lực tham gia vận hành toàn bộ, như một gia đình, tính tình ai như thế nào đều biết rõ. Anh bảo: “Sống với đồng nghiệp trên giàn nhiều hơn sống với vợ con mà”.

Bác sĩ Lèng Văn Chi: 7.000 ngày trên giàn khoan

Bác sĩ Lèng Văn Chi trên sân bay giàn Đại Hùng của PVEP POC

Bác sĩ Lèng Văn Chi nói vui, trên giàn, chức danh của anh có lẽ nhàn rỗi hơn so với nhiều người. Các công nhân, kỹ sư tham gia vận hành giàn có cường độ lao động bận rộn hơn, nửa ngày làm nửa ngày nghỉ và ca đêm vẫn vất vả hơn. Thời gian nửa ngày còn lại chủ yếu nghỉ ngơi lấy sức. Và bác sĩ thì không thể thiếu trên bất kỳ giàn khoan hay giàn khai thác nào.

Anh nhớ nhất một vụ tai nạn hy hữu. Một tàu dịch vụ cấp dầu cho giàn bị trục trặc máy, thuyền trưởng mất khả năng điều khiển, ống dầu bị kéo căng và đứt, quất vào hai người. Thủy thủ người Philippines bị gãy cả hai chân, còn thủy thủ trưởng người Malaysia bị ống dầu va vào ngực, sau vào bờ kiểm tra bị gãy 3 xương sườn. Trên tàu lúc đó không có bác sĩ. Tình thế hết sức nguy cấp. Thuyền trưởng điện cho giàn trưởng giàn Đại Hùng, một ê kíp 5 người cùng với bác sĩ Lèng Văn Chi và thuốc men xuống xuồng cứu hộ ra tàu. Đầu tiên, bác sĩ phải thực hiện sơ cứu, nẹp xương, chích thuốc giảm đau, cho người bị thương vào cáng, chuyển xuống xuồng cứu hộ. Nghe có vẻ đơn giản nhưng tàu dịch vụ và xuồng cứu hộ cứ dập dềnh, chao đảo nên để đưa người bị nạn xuống tàu rất khó khăn.

Sau đó, trước khi đưa lên máy bay thì bác sĩ cho nạn nhân thở ô xy, cho nằm nghiêng để phía phổi không bị tổn thương, truyền dịch nước muối sinh lý và giữ đường ven. Bác sĩ Lèng Văn Chi chia sẻ: “Tính từ lúc xảy ra sự cố đến lúc đưa nạn nhân vào bờ mất 4 tiếng. Hai thủy thủ được chuyển thẳng về TP HCM, sau được đưa sang Singapore chữa trị. Cả hai đều vượt qua nguy kịch”. Theo các bác sĩ trên bờ đánh giá, công tác cấp cứu đạt yêu cầu, ngăn ngừa và không cho tình trạng trở nên xấu đi, giữ ổn định để chuyển nạn nhân đến nơi an toàn, đủ điều kiện chữa trị. Đó là trường hợp bị tai nạn nặng nhất mà anh từng gặp trong 20 năm làm bác sĩ trên giàn.

Không những cứu chữa người lao động trên giàn, anh còn tham gia cứu chữa ngư dân ở những ngư trường xa giàn. Anh nhớ, cách đây không lâu, có ngư dân bị đau bụng, mọi người trên tàu đánh bắt xa bờ quyết định chở về bờ, đi ngang qua giàn, họ vào nhờ cứu giúp. Khi bác sĩ Lèng Văn Chi khám, chẩn đoán bị đau ruột thừa, nếu tàu về đất liền mất từ 16-20 tiếng thì không kịp, anh báo cho lãnh đạo giàn Đại Hùng, sau báo về lãnh đạo trong bờ để có phương án ứng cứu ngư dân. Từ khi gọi về bờ đến khi trực thăng ra giàn mất hai giờ, sau đưa bệnh nhân về Bệnh viện Lê Lợi, Vũng Tàu điều trị, bị viêm ruột thừa nặng, sắp vỡ (viêm ruột thừa sau 24 tiếng dễ bị vỡ nếu không cứu kịp thời rất nguy hiểm đến tính mạng). Tuy nhiên, để quyết định trực thăng ra gấp đưa bệnh nhân vào bờ thì không hề đơn giản, vì một chuyến bay ra, bay vào chi phí gần cả 100 triệu đồng. Khoản thanh toán sẽ do các cấp lãnh đạo quyết định cứu giúp chứ ngư dân không đủ tiền chi trả. Trong quá trình công tác, bác sĩ Chi nhớ giàn Đại Hùng cứu khoảng 3-4 ngư dân, có người bị đau ruột thừa, có người bị chân vịt thuyền cắt gần đứt cánh tay…

Anh bảo rằng: “Giàn khoan thì trang bị tối đa có thể để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro chứ ngư dân phải chịu nhiều thiệt thòi, nguy hiểm luôn rình rập”. Cách đây 6 tháng, có trường hợp bị ngã trong buồng tắm vào lúc 9 giờ đêm trên tàu dịch vụ. Nạn nhân vẫn tỉnh, ăn uống, nói chuyện bình thường nhưng vẫn chảy máu lỗ tai. Những ca tai nạn như thế khá khó khăn cho bác sĩ khi quyết định gọi máy bay cấp cứu ngay, hay chờ đến sáng hãy gọi. Đến sáng về ngay hay chờ máy bay đổi ca. Đêm đó, bác sĩ Chi quyết định đề nghị lãnh đạo giàn điều động máy bay cấp cứu gấp. Về đất liền chụp phim, nạn nhân bị nứt nền sọ nhưng chưa tổn thương đến não. Sau điều trị một thời gian thì anh ấy bình phục. Và trong hơn 20 năm làm bác sĩ trên giàn, chưa bao giờ bác sĩ Chi bị khiển trách vì quyết định dành cho bệnh nhân. Cái khó nhất đối với anh khi làm việc trên giàn là thiếu các điều kiện và phương tiện chuyên môn để hỗ trợ bác sĩ, mà chủ yếu là khám lâm sàng phát hiện các triệu chứng để chẩn đoán và điều trị.

Hiện nay, anh làm giám sát an toàn trên giàn Đại Hùng và thay thế chức danh bác sĩ khi cần thiết. Đối với công việc bác sĩ giàn, hằng ngày anh thực hiện khám bệnh, cấp phát thuốc, đặt thuốc và mua thuốc, bảo dưỡng các dụng cụ y tế, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, giám sát nhà bếp, huấn luyện về cứu thương tại chỗ trên giàn. Đồng thời có nhiệm vụ hướng dẫn công tác an toàn cho những người mới lên công tác ở giàn như xem phim an toàn, chỉ nơi tập trung lối thoát hiểm, xuồng cứu sinh, nơi tập trung khi có báo động; kiểm tra an toàn hàng tuần, giúp điểm danh khi có thực tập báo động trên giàn, ghi biên bản trong cuộc họp an toàn để rút kinh nghiệm.

Không chỉ làm tốt nhiệm vụ trên giàn mà bác sĩ Chi còn là Phó chủ tịch Công đoàn năng nổ, hoạt bát, vào các dịp lễ, tết trên giàn, tổ chức CĐ đều tổ chức bóng đá, bóng bàn và trao thưởng cho các hoạt động đoàn thể. Khi về bờ, anh thường tổ chức hoạt động tập thể cho người lao động trong các dịp lễ 1/6, trung thu để các gia đình gặp gỡ nhau, hiểu nhau hơn như một gia đình lớn, tình cảm càng thêm gắn bó.

Có dịp về bờ gần hai năm, sau anh lại xin quay về giàn, gắn bó 20 năm trong ngành, anh rất tâm đắc với hệ thống quản lý và văn hóa trên giàn Đại Hùng rất tuyệt vời. Tất cả mọi người đặt công việc hàng đầu, không dựa trên tình cảm hay quan hệ cá nhân làm ảnh hưởng đến công việc. Trong công việc phân cấp trên cấp dưới rõ ràng, sau công việc thì rất hòa đồng như một gia đình lớn. Anh cho rằng, ngoài tiền lương thì môi trường làm việc làm cho người lao động yêu, gắn bó với đơn vị. Giờ đây, từ giàn trưởng đến tất cả các chức danh khác đều do người Việt Nam đảm trách. Mỗi năm anh em đều có nhiều sáng kiến và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Anh bảo, luôn thấy tự hào khi được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp và đội ngũ người lao động thân thiện như thế. Không những thế: “Chúng tôi vừa làm kinh tế để làm giàu cho tổ quốc vừa bảo vệ chủ quyền quốc gia, khẳng định chủ quyền biển đảo của tổ quốc ở vùng nước sâu xa bờ”, bác sĩ Lèng Văn Chi khẳng định.

Thiên Thanh

DMCA.com Protection Status