Bài 10: Phát triển điện khí ở Việt Nam dưới góc nhìn của các chuyên gia
Ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương): Phát triển điện khí LNG là xu hướng tất yếu
Theo ông Bùi Quốc Hùng, trong những năm gần đây, đặc biệt từ sau Hội nghị Liên Hiệp Quốc năm 2015 về Biến đổi khí hậu (COP21), nhu cầu LNG trên thế giới tăng đáng kể, theo thống kê, nhu cầu LNG trên thế giới tăng với nhịp độ bình quân 6,3%/năm, công suất LNG trên thế giới tăng từ 340 triệu tấn/năm (năm 2017) lên 453 triệu tấn/năm vào năm 2022.
Ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo. Ảnh: VNEEP. |
Ông Bùi Quốc Hùng cho rằng, điện khí LNG có nhiều ưu điểm, là nguồn điện lớn có khả năng vận hành ổn định, hiệu suất cao (có thể đạt trên 62%) có khả năng bù đắp thiếu hụt công suất tức thời cho hệ thống (trong trường hợp các nguồn năng lượng tái tạo dừng phát điện) do các nhà máy điện khí có khả năng khởi động nhanh.
Điện khí cũng có nhiều ưu điểm trong việc giảm phát thải khí CO2 và NOx (giảm khoảng 40% khí CO2 và khoảng 90% khí NOx so với các nhà máy nhiệt điện than và dầu) xả ra môi trường, không thải bụi và là nguồn điện chạy nền có khả năng thay thế toàn bộ các nhà máy nhiệt điện than trong tương lai.
Có nhiều địa điểm thuận lợi về mặt hạ tầng để phát triển các dự án LNG tại Việt Nam là một trong những lợi thế để có thể hình thành các trung tâm nhiệt điện sử dụng LNG quy mô lớn, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội nhiều địa phương trong tương lai.
“Vì vậy, xu hướng chuyển dịch sang nhiệt điện khí LNG trong bối cảnh Việt Nam vừa có các cam kết rất mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 (Hội nghị Liên Hiệp Quốc năm 2021 về Biến đổi khí hậu) là tất yếu và không thể đảo ngược. Phát triển mạnh mẽ nhiệt điện khí LNG trong tương lai chắc chắn sẽ giúp ngành điện phát triển xanh hơn và hạn chế sự phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than vốn chiếm tỷ lệ khá cao trong hệ thống hiện nay”, ông Bùi Quốc Hùng khẳng định.
Tuy nhiên, ông Bùi Quốc Hùng cũng chỉ ra rằng, phát triển điện khí ở Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức như: Việc phát triển các dự án vẫn phải tuân thủ các quy trình đầu tư thông thường. Nhiệt điện LNG là một loại hình nguồn điện mới tại Việt Nam và chưa có dự án nào đã đi vào vận hành. Chính vì vậy, một trong các khó khăn chính đó là quá trình lựa chọn nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực để phát triển dự án thường bị kéo dài. Bên cạnh đó, Việt Nam không chủ động được nguồn cấp LNG do hoàn toàn phải nhập khẩu loại nhiên liệu này. Do vậy, chúng ta phải chấp nhận việc giá nhiên liệu LNG biến động thất thường. Bên cạnh đó vì giá nhiên liệu thường chiếm tỷ lệ 70-80% giá thành điện năng sản xuất nên việc xây dựng cơ chế giá phù hợp để thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu nhưng không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện là thách thức rất lớn với Việt Nam.
PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính): Giá LNG sẽ là trở ngại lớn và là thách thức đối với nhà đầu đầu tư
PGS.TS Ngô Trí Long nhận định, việc phát triển nguồn điện nền của nước ta trong thời gian tới được dự báo là sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh: Thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển; nhiệt điện than không được phát triển thêm sau năm 2030 theo cam kết với quốc tế; điện sinh khối công suất nhỏ và giá thành không dễ cạnh tranh; điện hạt nhân chưa được xác định cụ thể, trong khi điện khí hydro, amoniac còn nhiều vướng mắc để thương mại hóa.
PGS.TS Ngô Trí Long phát biểu tại Diễn đàn Đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam. |
Do đó, phát triển nhiệt điện khí (cả tự nhiên và LNG) là hướng đi tất yếu và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam, bởi nguồn điện LNG có khả năng chạy nền, khởi động nhanh, sẵn sàng bổ sung và cung cấp điện nhanh cho hệ thống khi các nguồn điện năng lượng tái tạo giảm phát, đồng thời ít phát thải CO2.
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã nhận thức rõ tầm quan trọng của LNG trong bối cảnh phát triển năng lượng gắn liền với bảo vệ môi trường, nên đang gấp rút thực hiện hàng loạt chỉ đạo và các vận hành cho các dự án khí - điện LNG lớn.
“Nhiệt điện khí có công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao, thân thiện với môi trường sẽ kịp thời bổ sung nguồn điện khi các nhà máy điện năng lượng tái tạo không ổn định, hoặc không thể phát điện do thời tiết. LNG đang được xem là một trong những giải pháp quan trọng và xu hướng tất yếu trong chính sách bảo đảm an ninh năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh việc khai thác các nguồn tài nguyên truyền thống của Việt Nam như thủy điện, than, dầu khí đang trên đà suy giảm”, PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định.
Tuy nhiên, PGS.TS Ngô Trí Long cũng cho rằng, hiện giá LNG tăng cao và sự bất ổn nguồn cung sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp nhập khẩu LNG cũng như nhà đầu tư dự án điện khí LNG tại Việt Nam.
Giá LNG nhập khẩu cao là trở ngại trong tương lai khi ký các hợp đồng mua bán điện giữa chủ đầu tư và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), do EVN sẽ phải mua đắt - bán rẻ. Mặt khác, theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), cơ cấu nguồn điện khí LNG đến năm 2030 dự kiến đạt 22.400 MW (14,9%), đồng nghĩa các dự án LNG sẽ phải đối diện với rủi ro nhập khẩu giá cao khi có biến động địa chính trị từ nay tới năm 2030.
Ngoài ra, giá LNG tăng mạnh gây khó khăn trong xác định hiệu quả dự án điện khí LNG, đàm phán giá điện để ký hợp đồng mua bán điện là khâu khó nhất.
Cũng theo PGS.TS Ngô Trí Long, các dự án điện khí LNG được bổ sung quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư đều theo hình thức nhà máy điện độc lập (IPP). Theo hình thức này, các nhà máy đều phải tham gia thị trường điện. Hiện không có quy định bên mua điện phải bao tiêu sản lượng điện, trừ các nhà máy có ràng buộc về bao tiêu nhiên liệu và có văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển ngang các quy định bao tiêu nhiên liệu của nhà máy trong hợp đồng cung cấp nhiêu liệu sang hợp đồng PPA.
Song, việc đàm phán giá mua điện tại hợp đồng mua bán điện phải tuân thủ các quy định trên cơ sở tính toán sản lượng bán ra hằng năm, dòng tiền thu về, chi phí đầu tư...
Hiện nay, khoảng một nửa các dự án điện khí LNG chưa khởi công, chậm tiến độ cũng bởi chưa hoàn tất các đàm phán liên quan tới hợp đồng mua bán điện.
TS Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam: Phát triển điện khí, nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Theo TS Nguyễn Quốc Thập, việc triển khai hoạt động dự án điện khí là rất quan trọng. Nó không chỉ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia mà còn giúp chúng ta thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam với quốc tế về mục tiêu đến năm 2050 phát thải ròng bằng 0.
TS Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam. |
Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều khó khăn thách thức trong việc triển khai các dự án điện khí LNG. Cụ thể, các khó khăn, vướng mắc mà các dự án điện khí LNG đang gặp phải đó là: Các nhà đầu tư không thể thống nhất được hầu hết các điều khoản pháp lý, kinh tế và thương mại trong các dự án. Đơn cử như, dự án điện khí Nhơn Trạch 3 & 4, Bạc Liêu… Ngoài ra, hàng loạt các vấn đề chưa được xem xét, thống nhất như: Bỏ bảo lãnh Chính phủ, nhưng các doanh nghiệp lại chưa đủ hành lang pháp lý để bảo lãnh thay thế (thông qua Điều lệ và Quy chế tài chính của các tập đoàn kinh tế nhà nước như EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam -Petrovietnam); Bảo lãnh, bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ/nội tệ và nghĩa vụ thánh toán quốc tế về nhập khẩu LNG; Ban hành khung giá phát điện cho nhà máy phát điện khí LNG vẫn còn bỏ ngỏ; Cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm (Qc); Chưa có cam kết bao tiêu sản lượng khí hàng năm; Cam kết về đường dây chuyển tải và đấu nối của dự án; Quyền thuê đất;…
TS Nguyễn Quốc Thập cho rằng, với 9 nhóm vấn đề chính nêu trên, các dự án điện khí LNG hiện đang bị đình trệ và có nguy cơ không thực hiện được Quy hoạch và các mục tiêu đã đề ra.
Để các dự án điện khí LNG được triển khai, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, thực hiện được mục tiêu Quy hoạch điện VIII, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, cần phải thực hiện ngay các giải pháp cấp bách là: có cơ chế để các chủ thể nhà máy điện khí LNG được quyền đàm phán bán điện trực tiếp với các hộ tiêu thụ điện và EVN là một trong số đó; Các chủ thể nhà máy điện được quyền mua trực tiếp LNG và thuê kho cảng tàng trữ và tái hóa khí; Các chủ thể nhà máy điện có thể đầu tư bổ sung đường dây truyền tải và đấu nối. Khi đó giá bán điện sẽ do bên mua và bán thỏa thuận.
Cùng với đó, điều chỉnh Điều lệ và Quy chế tài chính của EVN, Petrovietnam để họ có đầy đủ cơ sơ pháp lý để cam kết và thế chấp với các chủ thể trong Hợp đồng mua bán LNG và mua bán điện; Thực hiện bảo lãnh, bảo đảm cơ chế chuyển đổi ngoại tệ, nội tệ, còn tỷ giá sẽ do thị trường quyết định.
Đặc biệt, TS Nguyễn Quốc Thập cũng chỉ ra rằng, muốn xây dựng thành công các nhà máy điện khí LNG phải tháo gỡ nút thắt lớn nhất có tính bao trùm đó là: “Chúng ta cần khẳng định hoạt động của chuỗi LNG và điện khí LNG sẽ do thị trường điều chỉnh, tức là tuân theo quy luật của thị trường, tương tự như các nước đã làm”, TS Nguyễn Quốc Thập nhấn mạnh.
TS Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội: Cần phải có cơ chế để tiêu thụ nguồn điện khí LNG
TS Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội cho biết: Theo Quy hoạch điện VIII đến năm 2030, điện khí có tỷ trọng lớn nhất (24,8%), sau đó là đến điện than (20%), thủy điện (19,5%), điện gió (18,5%)… Không khó để có thể kết luận điện khí sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong tổng công suất nguồn điện trong tương lai.
TS Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội. |
Điện khí là nguồn điện ổn định, chúng ta chủ động được về nguồn nhiên liệu. Hơn nữa độ phát thải của điện khí là rất nhỏ. Sử dụng nguồn điện này còn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, thực hiện các cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu.
“Điện khí hoàn toàn có thể đóng vai trò là nguồn điện nền, giữ ổn định cho hệ thống, đảm bảo dòng điện cung ứng, bù đắp những hao hụt do các nguồn điện khác. Do đó đứng trên góc độ lợi ích quốc gia thì cần phải tập trung khai thác điện khí để có thể sử dụng tối đa nguồn tài nguyên, đảm bảo hiệu quả kinh tế, giữ được sự ổn định về mặt chất lượng và giá cả”, TS Nguyễn Minh Phong khẳng định.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, việc triển khai điện khí LNG đang gặp nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Trước hết là vấn đề bao tiêu sản lượng. Rõ ràng trong Quy hoạch điện VIII đã khẳng định tỷ trọng điện khí là lớn nhất. Do vậy này. Dù rằng cơ quan thu mua, phân phối điện cũng có cái khó là có thể đã có những hợp đồng bao tiêu đối với các nguồn điện khác song khi ký mới các hợp đồng thì cần phải ưu tiên điện khí.
Còn về vấn đề giá cả, ngoài việc bản thân các nhà máy điện khí cần phải có những biện pháp tiết kiệm trong sản xuất để có được mức giá đầu ra tối ưu thì Nhà nước cũng cần phải có cơ chế “đỡ” giá cho điện khí. Việc cơ quan thu mua điện áp giá hiện tại cho sản lượng điện trong tương lai cũng là vấn đề cần phải có sự can thiệp của cơ quan quản lý.
TS Nguyễn Anh Tuấn - nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), Giảng viên trường Đại học Điện lực: Phải đưa ra khung giá điện để các nhà đầu tư yên tâm thúc đẩy triển khai các dự án điện khí
Theo TS Nguyễn Anh Tuấn - nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), Giảng viên trường Đại học Điện lực cho biết: Về cơ cấu nguồn điện quy hoạch, tổng công suất của điện khí vào năm 2030 là khoảng 37.330 MW, chiếm tỷ trọng lớn, là sự cần thiết cho quá trình chuyển dịch cơ cấu sang năng lượng xanh sạch, thay thế dần điện than.
TS Nguyễn Anh Tuấn - nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương). |
Đây là con số đã được tính toán với các giả thiết mà chúng ta dự đoán cho đến thời điểm phê duyệt về chi phí công nghệ, giá nhiên liệu, có cân nhắc đến các ràng buộc cam kết quốc tế về giảm phát thải cũng như các chính sách khác hiện áp dụng.
Trong vận hành hệ thống điện, như chúng ta biết là cần phải có nguồn điện đảm bảo chạy nền và trong mọi điều kiện thay đổi của môi trường (thủy văn, thời tiết...). Hiện tại và cho đến tương lai gần - năm 2030 - điện than và điện khí đóng vai trò nền tảng cho cung cấp điện. Điện than không thể phát triển tiếp được, do vậy điện khí phải đóng vai trò này, ít nhất trong giai đoạn chuyển dịch đến năm 2035.
Mặc dù vậy, hiện nay các dự án điện khí LNG hiện đang trì trệ. Nguyên nhân dẫn đến điều này chính là giá bán điện cho EVN theo tính toán đang cao hơn giá bán lẻ điện bình quân mà EVN bán ra cho nền kinh tế.
“Hiện tại Bộ Công Thương vẫn chưa ban hành khung giá phát điện cho nhà máy điện khí LNG nên việc cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm (Qc) từ phía EVN và bao tiêu sản lượng khí hàng năm cũng khiến nhà đầu tư lo lắng về hiệu quả của dự án”, TS Nguyễn Anh Tuấn nhận định.
Do đó, TS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: Để điện khí có thể “về đích" theo Quy hoạch điện VIII thì Nhà nước phải đưa ra khung giá điện để các bên đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện, từ đó các các bên quan tâm mới có thể lên kế hoạch để xây dựng nhà máy, tính toán bài toán kinh tế để đầu tư. Nếu không “chốt" được khung giá điện thì sẽ không ai bỏ tiền để đầu tư. Bên cạnh đó, việc bao tiêu sản lượng cũng cần phải được đàm phán, ký kết.
Đặc biệt, giá bán điện hiện tại cần phải có sự cân đối, hợp lý hơn so với cơ cấu, nguồn phát điện hiện tại. Biểu giá điện hiện tại của nước ta có phần “lạc hậu” so với quy hoạch, so với các quốc gia khác.
Nhóm PV
Bài 11: TS Thái Doãn Hoàng Cầu: Phát triển điện lực hiệu quả, bền vững cần các cơ chế thị trường điện