Ngành Dầu khí Việt Nam phát triển cùng đất nước

Bài 2: "Phao cứu sinh" của đất nước thời kỳ đổi mới

14:27 | 11/12/2018

692 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Kinh tế nước ta những năm sau giải phóng gặp muôn vàn khó khăn trong thế bị bao vây, cấm vận. Trước năm 1975, Liên Xô cung cấp 1 triệu tấn dầu/năm cho miền Bắc, Mỹ cung cấp 1 triệu tấn dầu/năm ở miền Nam.
bai 2 phao cuu sinh cua dat nuoc thoi ky doi moiBài 1: Có nguồn gốc quân đội, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả hai miền Nam-Bắc thiếu hụt dầu trầm trọng. Do đó, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, việc làm sao kiếm được 1 triệu tấn dầu để bổ sung cho nguồn năng lượng bị thiếu hụt trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Nhất là khi đó, nguồn viện trợ dầu của Liên Xô sắp kết thúc.

Huyền thoại về dầu đá móng

Ngày 26-6-1986, nước ta đã khai thác được tấn dầu thô thương mại đầu tiên ở mỏ Bạch Hổ trên thềm lục địa Việt Nam, từ giàn MSP-1. Cả nước hy vọng. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ sau mấy tháng, sản lượng dầu từ MSP-1 giảm dần. Đến khoảng giữa năm 1988, tình hình ở mỏ Bạch Hổ khá bi đát: Các giếng ở MSP-1 tắt dần, giàn MSP-2 ngâm mình dưới sóng biển… Lúc đó, niềm tin về ngành dầu khí (NDK) Việt Nam dường như cũng tắt dần giống ngọn lửa leo lét trên giàn MSP-1.

Khi đó, Vietsovpetro quyết định tiến hành khoan lại tầng đá móng giếng BH-1, mặc dù trước đó đã kết luận là vỉa khô, không dầu. Bởi năm 1974, Công ty Mobil (Mỹ) khoan giếng tìm kiếm BH-1X trên cấu tạo Bạch Hổ và chỉ phát hiện dầu trong tầng Miocen tuổi Đệ Tam. Trước năm 1975, quan điểm tìm kiếm của các công ty dầu nước ngoài chỉ tập trung trong tầng miocen; tầng chứa oligoxen và lớp vỏ phong hóa trên móng được xem hình thành trong điều kiện lục địa nên không phải là mục tiêu để khoan tìm kiếm dầu khí. Hơn nữa, móng nằm lót dưới bề trầm tích Đệ Tam là các đá xâm nhập magma granitoid lại càng không phải là đối tượng được quan tâm vì theo học thuyết hữu cơ, dầu không thể sinh và chứa trong các đá magma có nguồn gốc sâu trong vỏ Trái Đất. Các nhà khoa học về dầu khí đều cho rằng: Trong đá móng không thể có dầu!

bai 2 phao cuu sinh cua dat nuoc thoi ky doi moi
Giàn khai thác dầu khí của Vietsovpetro tại mỏ Bạch Hổ. Ảnh: HẢI SƠN

Anh hùng Lao động Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, người đã ở ngoài giàn MSP-1 trực tiếp chỉ đạo chiến dịch khoan thăm dò BH-1 lúc đó, cho biết: "Sau phát hiện ban đầu mơ hồ ở giếng số 1, rồi đến BH-6, Rạng Đông... và mặt khác, khi kiểm tra lại tài liệu cũ của Mobil thì thấy kết tinh mẫu vụn khoan vào tầng móng phát quang có dầu… Tất cả những điều này củng cố niềm tin trước đây của tôi khi khoan BH-1 là: Trong tầng đá móng Bạch Hổ có dầu!".

Thế nên, trong cuộc họp tháng 8-1988 của Ban tổng giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro thảo luận về phương hướng tiếp tục đối với giàn MSP-1 và MSP-2, ông Ngô Thường San có nói lại quy trình trước đây khi khoan giếng BH-1, chưa khoan xuống tầng đá móng và sau đó chỉ đặt cầu xi măng chứ không đổ kín và đề nghị quay lại kiểm tra giếng này một lần nữa trước khi cưa chân đế giàn khoan đưa lên phía Bắc. “Tôi cũng không hiểu vì sao khi đó ông V.S.Volk-Tổng giám đốc liên doanh đồng ý quay trở lại khoan kiểm tra giếng này. Vì kỳ thực cách làm đó không an toàn, giếng đã bắn vỉa mà bây giờ đưa choòng khoan xuống nữa thì sẽ bị kẹt. Nhưng không thể ngờ rằng, quyết định đó đã làm nên kỳ tích lịch sử của NDK Việt Nam”, ông Ngô Thường San, nhớ lại.

Ngày 3-9-1988, sau khi nghỉ lễ 2-9, giếng BH-1 được khoan trở lại. Đến khoảng 8 giờ ngày 6-9, ông Volk thông báo là dầu lên rất mạnh khi khoan qua tầng móng, áp lực của vỉa đẩy ra, dung dịch sét-trấu bung ra. Khi khoan qua cầu xi măng cuối cùng thì dầu bắt đầu phun rất mạnh, áp suất trên miệng giếng khoảng 110atm, phải đóng đối áp bên trên và điện vào đất liền để tìm phương án tiếp theo.

Tình hình lúc đó không thể đóng giếng lâu vì có thể thiết bị đầu giếng với áp suất thiết kế không chịu nổi... Hai cách được Vietsovpetro đưa ra: Một, bơm sét vào để dập giếng và hoàn tất giếng theo đúng quy cách bằng cần khai thác. Hai, cứ để vậy và cho khai thác bằng cần khoan, chờ đến khi áp suất giảm, lúc đó mới sửa chữa giếng và hoàn tất giếng đúng theo quy định của một giếng khai thác. Nhưng nếu dập thì có thể rất khó để khơi giếng trở lại. Vì thế, ban lãnh đạo Vietsovpetro chọn phương án khai thác luôn trong điều kiện bộ khoan cụ. Đó cũng là lần đầu tiên trong lịch sử dầu khí thế giới ghi nhận có dòng dầu trong đá móng và cũng là lần đầu tiên dầu được khai thác trong cần khoan thời gian dài để chờ áp suất giảm.

Giếng BH-1 cho dòng dầu lớn, khoảng 2.000 tấn/ngày. Không chỉ cán bộ, người lao động Vietsovpetro vui mừng mà cả nước vui mừng trước thông tin này. Khi báo tin ra Trung ương, không ít lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã không kìm nổi xúc động, nhiều người rơm rớm nước mắt. Từ chỗ chỉ mong mỗi năm đất nước có khoảng 1 triệu tấn dầu để giải quyết khó khăn, thế nhưng, sau đó nguồn cung dầu từ trong đá móng của mỏ Bạch Hổ lúc cao điểm vào giai đoạn 2001-2004 lên tới hơn 12 triệu tấn/năm. Nguồn dầu vô cùng quý giá tại mỏ Bạch Hổ và các mỏ khác đã được xuất khẩu, tạo nguồn thu ngân sách lớn và ổn định, giúp đất nước vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn khi bị bao vây cấm vận về kinh tế, tạo tiền đề cho phát triển.

Chờ những kỳ tích mới

Hiện nay, tại bể Cửu Long, ngoài những mỏ dầu khí đã được phát hiện trong móng và đưa vào khai thác, như: Bạch Hổ, Rồng của Vietsovpetro; Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng của Cửu Long JOC; Rạng Đông của JVPC... còn có những phát hiện khác, như: Sư Tử Nâu, Nam Rồng-Đồi Mồi, Jade, Diamond, Pearl, Hải Sư Đen, Thăng Long, Hổ Xám South... cũng đang chuẩn bị đưa vào khai thác trong thời gian gần. Tầng chứa đá móng granitoid trở thành đối tượng quan tâm khi tiến hành tìm kiếm thăm dò trong các bể trầm tích khác. Ngoài bể Cửu Long, dầu khí tiếp tục được phát hiện trong đá móng granitoid ở bể Nam Côn Sơn như mỏ Đại Hùng, Gấu Chúa… Những thành tựu khoa học-công nghệ của các nhà địa chất và kỹ sư dầu khí của NDK Việt Nam và Vietsovpetro có giá trị thực tiễn không chỉ trong bể Cửu Long mà có thể ứng dụng cho các bể chứa dầu khác trên thềm lục địa Việt Nam và khu vực.

Sau 32 năm kể từ ngày khai thác tấn dầu thô đầu tiên (26-6-1986), đặc biệt là sau khi khai thác thành công dầu từ tầng đá móng (6-9-1988), đến nay, Vietsovpetro đã khai thác được hơn 230 triệu tấn dầu, trong đó dầu khai thác từ đá móng mỏ Bạch Hổ là khoảng gần 200 triệu tấn, cung cấp vào bờ hơn 34 tỷ mét khối khí đồng hành, doanh thu bán dầu đạt gần 78 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước hơn 48 tỷ USD. Đặc biệt, hệ số thu hồi dầu trung bình từ tầng đá móng mỏ Bạch Hổ cũng đạt mức kỷ lục là 40%, trong khi mức bình quân trên thế giới chỉ khoảng 30%.

Tuy nhiên, hiện nay, các mỏ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong đó có mỏ lớn nhất là Bạch Hổ đều đang ở giai đoạn cuối, sản lượng suy giảm rất nhanh, khoảng 15-30%/năm. Từ mức đỉnh khai thác là hơn 12 triệu tấn dầu/năm đến nay, để duy trì được sản lượng khoảng 4 triệu tấn dầu/năm đối với Vietsovpetro là không hề dễ dàng. Do đó, rất cần trí tuệ, sự nỗ lực của những người lao động dầu khí, tiếp tục tìm hiểu đặc điểm địa chất riêng biệt của thềm lục địa Việt Nam, từ đó tạo ra các kỳ tích mới. Cùng với đó, NDK cũng cần cơ chế, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là cơ chế tài chính phù hợp với tình hình mới để ngành có thể phát triển bền vững.

Theo QĐND

DMCA.com Protection Status