Ngành dầu khí Việt Nam phát triển cùng đất nước

Bài 1: Có nguồn gốc quân đội, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

16:04 | 10/12/2018

837 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới khai thác dầu trong thân đá móng-điều chưa từng có trong khoa học dầu khí. Những thành tựu của ngành dầu khí đóng góp rất lớn vào việc phát triển kinh tế đất nước, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an sinh xã hội.

Hiện nay, trước rất nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra, đòi hỏi truyền thống vượt khó của ngành dầu khí (NDK) cần tiếp tục được phát huy, đồng thời cũng cần có thêm các động lực từ cơ chế, chính sách.

Để triển khai công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí, ngày 27/11/1961, Tổng cục Địa chất ra Quyết định số 271-ĐC thành lập Đoàn Thăm dò dầu lửa số 36 (thường gọi là Đoàn 36). Từ đó, ngày 27/11 hằng năm trở thành ngày truyền thống của NDK. Tuy nhiên, dầu thô chỉ được tìm thấy sau khi giải phóng miền Nam và nhiệm vụ giai đoạn đầu gian khó của NDK được giao cho quân đội.

Sang ngành dầu khí là chấp nhận đãi ngộ thấp hơn

Năm 1976, Chính phủ bổ nhiệm đồng chí Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) làm Bộ trưởng phụ trách dầu khí. Tổng cục Dầu khí (thành lập năm 1975) được giao tiếp quản các cơ sở vật chất và tài liệu của các công ty dầu khí tại miền Nam.

Khi ấy, NDK còn nghèo nàn cả về trang bị, vật chất và con người. NDK chủ trương lấy người của quân đội sang để làm nòng cốt ban đầu, đồng thời tuyển chọn trong cán bộ, học sinh để tìm những người có đủ trình độ, cử đi đào tạo kỹ thuật dầu khí tại Liên Xô. Sở dĩ, cán bộ, chiến sĩ quân đội rất phù hợp với NDK, vì: Muốn xây dựng các công trình dầu khí lớn thì phải có lực lượng lớn, với trình độ chuyên môn, có ý chí, tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm cao. NDK được coi là ngành công nghiệp quan trọng nên cán bộ cần có lý lịch tốt.

bai 1 co nguon goc quan doi pham chat bo doi cu ho
Đoàn công tác thuộc Tổng cục Dầu khí và cán bộ Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo ra thăm giàn khoan số 1 mỏ Bạch Hổ. Ảnh tư liệu

Lúc ấy, cán bộ NDK chủ yếu lấy từ các cán bộ chính trị, quân sự; kỹ sư trong các lĩnh vực: Xây dựng, địa chất, vật lý; thợ cơ khí, thợ điện, lái xe đang công tác trong quân đội. Cán bộ chỉ huy quân đội sang NDK được bổ nhiệm làm đoàn trưởng, đoàn phó hoặc phụ trách về mảng hành chính; cán bộ chính trị thì làm bí thư đảng ủy, bí thư chi bộ các đơn vị, xí nghiệp.

Những năm 1977-1981, có rất nhiều cán bộ quân đội được điều sang NDK, tiêu biểu như: Trung tướng Nguyễn Hòa, Tư lệnh Quân đoàn 1 chuyển sang làm Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí (TCDK); Thiếu tướng Tô Ký, Chính ủy, Tư lệnh Quân khu 3 được điều sang làm phái viên Bộ trưởng phụ trách dầu khí ở miền Nam; Đại tá Đặng Quốc Tuyển, Phó chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng Kinh tế (Bộ Quốc phòng) kiêm Tư lệnh Binh đoàn 14 chuyển sang làm Phó tổng cục trưởng TCDK, phụ trách mảng cán bộ và đời sống; Đại tá Phạm Văn Diêu, Phó chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế (Bộ Quốc phòng) sang làm Phó tổng cục trưởng TCDK phụ trách về xây dựng công trình ngầm, cảng biển...

Theo ông Đỗ Ngọc Ngạn, thư ký Bộ trưởng Đinh Đức Thiện, do NDK lúc ấy khó khăn nên cán bộ khi chuyển từ quân đội sang phải chấp nhận chế độ đãi ngộ thấp hơn. “Cấp trung tá như tôi lúc đó, tiêu chuẩn mỗi tháng18kg lương thực, 10 bao thuốc lá... nhưng khi sang dầu khí, làm dân văn phòng nên tiêu chuẩn gạo chỉ còn 13kg (phiếu C). Hơn nữa, cán bộ cấp chỉ huy nếu ở lại quân đội thì còn cơ hội tiếp tục được thăng quân hàm, còn sang NDK, chế độ cũng chưa thật rõ ràng”, ông Đỗ Ngọc Ngạn cho biết.

Vì thế, để cải thiện đời sống cho người lao động, TCDK quyết định thành lập một công ty đời sống, chuyên lo việc trồng trọt, chăn nuôi, tìm các nguồn lương thực, thực phẩm để “cứu đói” cho cán bộ, công nhân viên. NDK mở được hai nông trường: Nông trường trồng sắn và trại nuôi lợn ở Trị An (Đồng Nai); nông trường trồng lúa ở Phụng Hiệp (Cần Thơ). Lúc đông nhất, công ty đời sống có khoảng 300 người, chủ yếu là cán bộ, chiến sĩ từ ngành hậu cần quân đội chuyển sang.

Gian lao những buổi đầu xây dựng căn cứ dầu khí

Khi mới được giải phóng, Vũng Tàu chỉ là một vùng đất khá hoang vắng, với những bãi sú vẹt bao quanh rộng hàng trăm héc-ta và hàng chục ngôi biệt thự của Mỹ-ngụy bỏ hoang. Đường vào Vũng Tàu là con lộ 51 ngoằn ngoèo, rộng 4m, hai bên đường cỏ lau cao lút đầu người. Nhưng bằng nhãn quan chiến lược tinh tường, các lãnh đạo của NDK khi đó đã chọn Vũng Tàu là địa điểm để xây dựng căn cứ trên bờ. Các công ty bên dân sự chào thua vì không đủ nhân lực và máy móc. Trên quyết định huy động quân đội gánh vác nhiệm vụ gian nan này.

Thế là một cuộc chuyển quân rầm rộ lập tức được thực hiện. Sư đoàn 318 của Quân khu 4 đang ở Nghệ An được lệnh chuyển vào Vũng Tàu để xây dựng căn cứ dầu khí. Sư đoàn 336 đang làm nhiệm vụ ở bên nước bạn Lào cũng được lệnh chuyển về. Tương tự, Trung đoàn 526 (trung đoàn vận tải trực thuộc Bộ Quốc phòng), Trung đoàn 693 (tiền thân là Trung đoàn 4 Công an nhân dân vũ trang, nay là Bộ đội Biên phòng) ở Tây Ninh, Bệnh viện 264 (cấp trung đoàn) và một số tiểu đoàn độc lập, như: Tiểu đoàn công binh, thông tin... cũng lần lượt được điều về Vũng Tàu. Tất cả đơn vị nói trên hợp lại dưới một cái tên mới: Binh đoàn 318 Dầu khí (gọi tắt là Binh đoàn 318). Binh đoàn 318 có vị trí và quyền hạn như một quân đoàn. Bộ Quốc phòng quản lý quân số, con người, còn nghiệp vụ thì do TCDK chỉ đạo. Thời kỳ cao điểm, quân số của binh đoàn lên tới hai vạn người. Tên giao dịch với bên ngoài của Binh đoàn 318 là: Xí nghiệp Liên hiệp Xây lắp Dầu khí. Tư lệnh của binh đoàn đồng thời là tổng giám đốc, phó tư lệnh là phó tổng giám đốc.

Mùa hè năm 1979, các đơn vị của Binh đoàn 318 bắt đầu về đóng ở Vũng Tàu. Lúc đó, đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo vừa được thành lập. Vì thời đó, Binh đoàn 318 là các đơn vị chiến đấu mới chuyển sang, nên chưa được cấp các công cụ như đơn vị làm nhiệm vụ xây dựng, mà chủ yếu vẫn chỉ là các trang bị chiến đấu cá nhân, bao gồm: Xẻng ngắn, cuốc chim, rồi mỗi tiểu đội có một chiếc xà beng, một, hai chiếc búa... Đây là những công cụ để người lính sử dụng vào việc đào hầm, đào hào. Cán bộ, chiến sĩ cứ lưng trần, tay không dưới nắng như đổ lửa để nhổ bãi sú vẹt khổng lồ đến tứa máu hai bàn tay.

Ý chí giúp người lính vượt qua những thử thách khắc nghiệt của thời chiến, lại một lần nữa là điểm tựa để họ vượt qua những gian khổ lúc dựng xây đất nước... Về sau, công trường của Binh đoàn 318 mới được cấp một số trang bị tân tiến, phương tiện vận tải cũng đầy đủ hơn. Đến cuối năm 1983, bãi sú vẹt được dọn sạch, một phần của cảng cũng hoàn tất việc san lấp mặt bằng. Trước yêu cầu của tình hình mới, tháng 11/1983, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký quyết định thành lập Liên hiệp Xây lắp Dầu khí trên cơ sở các đơn vị của Binh đoàn 318.

Phẩm chất người lính hiện nay vẫn thể hiện trong cán bộ, người lao động ngành dầu khí. Đó là, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, dù đó là những nhiệm vụ không dễ dàng, thuận lợi. Đó là, luôn nỗ lực đạt kết quả tốt nhất. Và một điều rất quan trọng là rất nhiều công trình dầu khí đang bám trụ kiên cường ở những vị trí tiền tiêu của Tổ quốc với không ít gian nan, hiểm nguy. Sự xuất hiện của công trình dầu khí, người dầu khí vừa để bảo vệ, để khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông, vừa góp phần làm giàu cho Tổ quốc.

Theo QĐND

bai 1 co nguon goc quan doi pham chat bo doi cu hoĐầu tư vào ngành Dầu khí - Triển vọng khả quan
bai 1 co nguon goc quan doi pham chat bo doi cu ho8 nhóm giải pháp bảo đảm phát triển bền vững ngành Dầu khí

DMCA.com Protection Status