30 năm Ngày khai thác tấn dầu đầu tiên từ tầng đá móng (6/9/1988 - 6/9/2018)

Vietsovpetro: Sâu nặng nghĩa tình

08:29 | 06/09/2018

10,000 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Đây là lần đầu tiên Vietsovpetro tìm thấy dấu hiệu dầu trong đá móng, là cơ sở định hướng cho việc triển khai tìm kiếm - thăm dò dầu khí trong tầng móng ở các giếng khoan tiếp theo (GK số 3, số 6, số 2...) trên mỏ Bạch Hổ để viết nên câu chuyện thần kỳ về các mỏ dầu trong đá móng trên thềm lục địa Việt Nam. Tôi đã cảm nhận được một điều quan trọng cho bản thân mình: tầng sét kết màu đen dày hàng trăm mét với đủ mọi điều kiện phức tạp chính là "vị hắc thần” canh giữ kho báu trong tầng đá móng. Kho báu chỉ mở cửa cho những người có nhiệt huyết, trí tuệ và ý chí kiên định xứng đáng.
vietsovpetro sau nang nghia tinh“Một triệu tấn dầu từng là mong ước của cả dân tộc”
vietsovpetro sau nang nghia tinhVietsovpetro và ký ức về DK 1-1 (Kỳ 1)
vietsovpetro sau nang nghia tinhVietsovpetro - "người anh cả" nghĩa tình

Vào cuối tháng 5/2005, nhà thơ Phạm Tiến Duật dẫn đầu một “tiểu đội” các nhà thơ, nhà báo gồm các anh: Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Hoàng Sơn, Thanh Bình, Phạm Văn Đoan vào thăm và giao lưu với người lao động ở Vietsovpetro. Không có gì bí mật và nhiều người đã biết, anh Duật là thần tượng thơ của tôi. Lần đầu tiên tôi được đọc thơ anh là vào năm 1970, chùm thơ đoạt giải Nhất cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ 1969-1970: Lửa đèn, Gửi em cô thanh niên xung phong, Bài thơ về tiểu đội xe không kínhNhớ. Tôi yêu thơ của anh bởi tình yêu thương con người bao la, chân thật và tinh tế, bởi sự hài hòa hợp lý giữa chất lãng mạn bay bổng, ngang tàng với tư duy sắc sảo mà hóm hỉnh.

Nói như vậy để bạn đọc có thể cảm nhận, tôi vui đến thế nào khi được giao nhiệm vụ “nặng nề”: đón tiếp và làm việc với “tiểu đội” các nhà thơ với tư cách là Tổng Biên tập Bản tin Vietsovpetro, Phó Tổng giám đốc Địa chất Vietsovpetro - sự ưu ái này có lẽ xuất phát từ nhận thức: Địa chất gần với thiên nhiên hơn.

Trong cuộc gặp mặt đầu tiên để trao đổi và thống nhất chương trình làm việc, anh Duật đặt vấn đề rất nhanh và rõ: “Đoàn các anh đã làm việc với các đơn vị dầu khí ở phía Bắc, ở TP HCM. Các anh có 3 ngày làm việc ở Vũng Tàu với Vietsovpetro, trong đó có 2 ngày ra công trình dầu khí trên biển. Thông tin chung về dầu khí, về Vietsovpetro các anh cũng đã có được lưng vốn kha khá. Điều các anh cần là tâm tư, những trăn trở của các em, những người lính tiên phong trực tiếp trên mặt trận dầu khí này”.

Tôi hiểu và hoàn toàn ủng hộ cách đặt vấn đề của anh, những nhà “tâm hồn học”. Sau khi trao đổi và thống nhất với anh về chương trình của đoàn: gặp mặt các bạn yêu thơ ở Vietsovpetro vào buổi tối tại lầu 5 khách sạn Hòa Bình - Palace, ra giàn khoan tự nâng Tam Đảo (khi đó anh Nguyễn Ngọc Hoàng là giàn trưởng) vào sáng hôm sau, giao lưu với anh em trên giàn vào buổi tối, nghỉ một đêm trên biển và sẽ bay trở lại Vũng Tàu, tôi đã tâm sự với các anh những điều mình cảm nhận, trăn trở cũng như tâm đắc sau 20 năm làm việc trong tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro (1985-2005).

Tìm kiếm - thăm dò và khai thác dầu khí là ngành công nghiệp có những đặc thù nổi bật là: đầu tư rất lớn, rủi ro rất cao và (để tạo lập thế quân bình) nếu thành công sẽ thu hồi vốn rất nhanh và lợi nhuận cao.

Chi phí cho 1 giếng khoan trên biển tính bằng đơn vị chục triệu USD. Chi phí đóng/hoặc mua một cỗ máy khoan, một tàu chở dầu, một giàn khai thác trên biển tính bằng đơn vị trăm triệu USD.

Tỷ lệ giếng khoan tìm kiếm thành công (phát hiện ra chỗ nằm của dầu khí có giá trị thương mại) trung bình trên toàn thế giới là 23%. Lưu ý rằng ở nước Mỹ, một trong ba cường quốc dầu khí hiện nay cùng với Ả Rập Xê Út và Liên bang Nga, với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến bậc nhất, tỷ lệ này chỉ đạt 18% vì lý do địa chất: Các mỏ dầu khí đến 94% (25,893/27,473 mỏ) thuộc loại nhỏ (cái kim càng nhỏ thì càng khó mò) (lưu ý: mỏ nhỏ trong thống kê này là những mỏ có trữ lượng thu hồi dưới 5 triệu tấn dầu hoặc dưới 5 tỷ m3 khí). Chính vì vậy, một nhà đầu tư làm dầu khí cần phải có tiềm lực kinh tế mạnh để có thể gánh chịu rủi ro, kể cả rủi ro dài hạn như trường hợp của Israel, trong giai đoạn 1965-1975, khoan 22 giếng khoan tìm kiếm mà không giếng nào phát hiện được dầu khí, tỷ lệ thành công trong 10 năm là con số 0 (“Hiệu quả kinh tế trong tìm kiếm thăm dò dầu khí ở nước ngoài- Bộ Địa chất Liên Xô - 1978).

Chẳng nói xa xôi, một ví dụ rất gần, rất dễ kiểm tra là chính thực tế khoan tìm kiếm - thăm dò dầu khí đã được tiến hành ở miền Bắc - Bồn trũng sông Hồng. Trong giai đoạn 1961-1985, Liên đoàn Địa chất 36 (sau đổi tên là Công ty Dầu khí 01 - đóng tại thị xã Thái Bình) với sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị bạn như: Đoàn 36F (chuyên về thu nổ địa chấn, vẽ bản đồ cấu tạo/hình dạng các tầng đất đá trong lòng đất), Đoàn 36B (đơn vị nghiên cứu tổng hợp tài liệu địa chất các loại), đã tiến hành khoan 20 giếng khoan sâu tìm kiếm dầu khí trên 12 cấu tạo: Kiến Xương (A, B, C), Tiền Hải (A, B, C), Phủ Cừ (A, B), trũng Đông Quan, mũi vát nhọn Thái Thụy… Kết quả nhận được, chỉ có một giếng khoan phát hiện được mỏ khí condensate có giá trị thương mại. Mỏ thuộc loại nhỏ (khoảng 1,3 tỷ m3 khí), tỷ lệ thành công là 5%. Giếng khoan phát hiện là giếng 61 - trên cấu tạo Tiền Hải C (nằm trên địa phận xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải). Anh em dầu khí Thái Bình gọi là “Giếng Tổ”, thật chẳng sai!

Chính vì vậy, khi thành lập Liên doanh Vietsovpetro năm 1981, hai phía tham gia đã thỏa thuận đóng góp của mỗi phía 750 triệu USD để tạo lập vốn điều lệ ban đầu là 1,5 tỷ USD.

Về mặt vật chất, những người lao động ở Vietsovpetro đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất: 1981-1991, khi mới thành lập. Hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân chuyên ngành huy động chủ yếu từ miền Bắc vào, không kịp bố trí đủ chỗ ăn, ở dù Nhà nước và đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo đã hết sức ưu tiên, huy động mọi khả năng có thể, kể cả việc mượn tạm diện tích của các nhà thờ, hội trường của các phường dân phố...

Trong giai đoạn này, năm 1982 nhà thơ Nguyễn Duy đã vào thăm “đại công trường” dầu khí Vietsovpetro. Hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân cùng các binh đoàn bộ đội tập trung chặt, nhổ sú vẹt, san lấp bãi lầy, nạo vét và xây dựng cảng cho tàu ra vào, chuẩn bị các bến bãi phục vụ cho việc tập kết vật tư và chế tạo, xây lắp các thiết bị dầu khí... Anh Duy đã có bài thơ “Lời hát trên cầu cảng Vũng Tàu” tặng cho những người lao động dầu khí. Bài thơ đã nói đến những vất vả khó khăn, đặc biệt đã phản ánh được khí thế sôi động lạc quan và những ước vọng, khát khao của mỗi con người tại đây bởi họ biết rằng đang trên đường thực hiện nguyện ước của Bác Hồ kính yêu trong sự mong đợi của nhân dân cả nước:

Em sẽ có thành phố Dầu kỳ lạ

Nhà máy mọc lên trên bờ bãi sình lầy

Đây Núi Lớn và kia Thành Tuy Hạ

Thênh thang trời cho mây khói bay

Em sẽ có nhấp nhô giàn khoan Biển

Cột trụ trời sừng sững giữa khơi xa

Nắng lấp lánh vệt dầu ngũ sắc

Ánh đèn giăng thêm dải ngân hà

Anh sẽ tặng em món quà như vậy đó

Lời hứa như hòn đá anh xây

Anh đang hát bằng lời mồ hôi đổ

Lời của nắng cháy da, lời của nốt chai dày”.

Với các nhà thơ, tôi không kể nhiều về địa chất hay kỹ thuật công nghệ dầu khí, tôi chỉ thông tin ngắn tới các anh rằng: Ngay từ giếng khoan đầu tiên mà Vietsovpetro tự khoan từ giàn khoan cố định số 1 (MSP-1) trên mỏ Bạch Hổ, các em của anh đã gặp và vượt qua những khó khăn, thử thách rất lớn. Đó là thời điểm khoan qua ranh giới phân cách tầng trầm tích sét kết màu đen và tầng đá móng phong hóa, nứt nẻ ở chiều sâu 3.100 m. Cả một tháng không khoan sâu thêm được một mét nào để xuyên vào tầng đá móng như yêu cầu và nhiệm vụ thăm dò địa chất đã đặt ra vì các điều kiện đặc biệt phức tạp của lòng đất: Áp suất dị thường cao đi liền với hiện tượng mất dung dịch toàn phần khi vừa chớm mở vào tầng móng gây ra hiện tượng sập lở liên tục thành giếng khoan do mất cân bằng áp suất. Hàng núi đất, đá sập lở, chủ yếu là các cuội sét kết màu đen kích thước 2÷10cm đã được đưa lên bề mặt và chuyên chở bằng tàu vào bờ.

vietsovpetro sau nang nghia tinh
Gian MSP1 khai thác tấn dầu đầu tiên trên mỏ Bạch Hổ

Tôi đã cho các anh xem viên cuội sét kết màu đen tôi đã lưu giữ từ ngày ấy (tháng 12/1985). Mỗi lần ngắm viên cuội này tôi lại nhớ và thầm cảm ơn những đồng đội trong lĩnh vực khoan và dung dịch ngày ấy. Họ là Cục trưởng Cục khoan Vovk. V.S (sau này là Tổng giám đốc của Vietsovpetro), Chánh Kỹ sư Kezimov Na-đư (người Azecbaizan), Cục Phó thứ nhất Đinh Văn Danh, Giàn trưởng giàn MSP-1 Gaziev.G . I, Đốc công khoan biển đầu tiên của Việt Nam Hà Ngọc Khuê (sau này là Giám đốc XN Khoan và Phó Tổng giám đốc về khoan của Vietsovpetro) cùng tập thể kỹ sư, công nhân đội khoan giàn MSP-1. Với trí tuệ của mình, bằng các đơn pha chế dung dịch hợp lý với các chất trám nhét để khắc phục hiện tượng mất dung dịch chủ yếu là vỏ trấu của hạt gạo quê nhà huy động từ các miền quê của Vũng Tàu - Bà Rịa và các chế độ khoan doa phù hợp đã cho phép chòong khoan đi vào tầng móng an toàn để rồi khoan được hai hiệp mẫu lõi quý giá trong 2 khoảng chiều sâu 3123 ‑ 3127 mét và 3128 ‑ 3135 mét. Mẫu lõi thu được là đá móng Granit phong hóa, nhiều hang hốc, nhiều nứt nẻ và đặc biệt là có các vết dầu. Đây là lần đầu tiên Vietsovpetro tìm thấy dấu hiệu dầu trong đá móng, là cơ sở định hướng cho việc triển khai tìm kiếm - thăm dò dầu khí trong tầng móng ở các giếng khoan tiếp theo (GK số 3, số 6, số 2...) trên mỏ Bạch Hổ để viết nên câu chuyện thần kỳ về các mỏ dầu trong đá móng trên thềm lục địa Việt Nam. Tôi đã cảm nhận được một điều quan trọng cho bản thân mình: tầng sét kết màu đen dày hàng trăm mét với đủ mọi điều kiện phức tạp như đã nói chính là “vị hắc thần” canh giữ kho báu trong tầng đá móng. Kho báu chỉ mở cửa cho những người có nhiệt huyết, trí tuệ và ý chí kiên định xứng đáng.

Tôi tâm sự với anh về một trở ngại có thể gọi là nằm ngoài các lĩnh vực chuyên môn dầu khí, không đáng có và không nên có, đó là những tranh chấp trong việc phân định các vùng trên biển với các nước láng giềng.

Nằm ngoài lĩnh vực chuyên môn dầu khí bởi lẽ thông thường đó là công việc của các nhà chính trị, các nhà ngoại giao. Không đáng có bởi lẽ các nước liên quan trong khu vực đều là thành viên, đã ký và tham gia “Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982” (UNCLOS) với những điều khoản, quy định rất chi tiết, rõ ràng. Thực tế, với tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, thẳng thắn, xây dựng và tin tưởng lẫn nhau, Việt Nam và Thái Lan đã ký kết thỏa thuận về ranh giới các vùng trên biển và vùng biển chồng lấn giữa hai nước ngày 9/8/1987. Việt Nam và Campuchia đã ký kết thỏa thuận phân định các vùng nước lịch sử năm 1982. Năm 1992, Việt Nam và Malayxia đã ký thỏa thuận về vùng biển chồng lấn, ngay sau đó hai nước đã phối hợp để thăm dò và khai thác chung trên khu vực chồng lấn PM3 một cách hòa bình, hai bên cùng có lợi. Thực tế này cho thấy, nếu không có ý đồ bành trướng vô lý, nếu không có dã tâm chiếm đoạt những thứ không phải của mình, việc đạt tới thỏa thuận không phải là công việc quá khó khăn.

Tôi cũng dành thời gian để trải lòng, tâm sự với anh những suy nghĩ của mình về Bác Hồ. Bác không chỉ là vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam mà còn là vị “Tổ” khai sinh ngành Dầu khí Việt Nam.

Đối với tôi, Bác là hóa thân của Đức Phật với đầy đủ những tinh hoa của tâm từ bi, bình đẳng, trí tuệ, với niềm tự tin không gì lay chuyển vào sức mạnh của bản thân mình, của đồng bào mình, của Chí - Nhân - Đại - Nghĩa. Yêu kính Bác, hiểu, tin và tự nguyện đi theo Người, chỉ có một cách thể hiện là làm theo những lời dặn của Người, hành động để biến những ước nguyện của Người thành hiện thực.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chiều ngày 18/9/1954 Bác Hồ đến Đền Hùng. Người nghỉ đêm ở nhà Tăng trong Đền Hùng. Sáng ngày 19/9 Bác đi thăm Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng rồi trở về Đền Giếng. Tại đây Người nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại Đoàn quân Tiên Phong đang trên đường hành quân về tiếp quản Thủ đô. Bác dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” (“Hồ Chí Minh - 9 năm kháng chiến” Đỗ Hoàng Linh - Tủ sách Danh Nhân).

Thực hiện lời dặn của Người, những người lao động ở Vietsovpetro, với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp quốc tế Liên Xô, sự hỗ trợ của đồng bào và chiến sỹ cả nước đã hoàn thành các công trình nhà giàn DK, các thành phố nổi trên biển mang tên Bạch Hổ, Rồng, Đại Hùng, Đồi Mồi, Thiên Ưng... như những “cột trụ trời sừng sững giữa khơi xa” khẳng định chủ quyền của người Việt Nam trên biển, làm ấm lòng nhân dân cả nước.

vietsovpetro sau nang nghia tinh
Tháng 5/1987 phát hiện dầu công nghiệp đầu tiên từ tầng móng mỏ Bạch Hổ (ảnh: tư liệu Vietsovpetro)

Trong “Di chúc” gửi lại cho đồng bào, Người có một nguyện vọng, đó là: “Thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe Xã hội Chủ nghĩa và các nước bè bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta”. Lời người dặn là để khẳng định “thắng lợi hoàn toàn” trong cuộc chiến chống Mỹ là “một điều chắc chắn”, đồng thời nhắc nhở đồng bào, con cháu không quên truyền thống tình cảm “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” cao đẹp mà ông cha đã truyền lại.

Ngay sau khi phát hiện dòng dầu công nghiệp đầu tiên trên mỏ Bạch Hổ tại giếng khoan số 5 (ngày 24/5/1984), một con phố trung tâm đẹp và sầm uất nhất ở Vũng Tàu đã được mang tên BACU - Thủ đô của nước cộng hòa Azecbaizan để nhắc nhớ đến chuyến thăm Bacu lịch sử của Bác ngày 23/7/1959, đánh dấu việc các bạn Liên Xô và Azecbaizan đã hoàn thành trọn vẹn tâm nguyện và ủy thác của Người: “Tôi hy vọng và tin rằng sau khi kháng chiến thắng lợi, Liên Xô sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, rồi giúp khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Bacu hiện nay”.

Vào năm 2005 ấy, tôi nói với anh, còn 6 năm nữa (vào năm 2011), Hiệp định Liên chính phủ Việt - Nga về hoạt động của Vietsovpetro sẽ hết hiệu lực. Nhưng tôi mong muốn và tin rằng Chính phủ hai nước sẽ có sự bàn bạc hợp lý để đi đến quyết định gia hạn Hiệp định này bởi giá trị của hình mẫu hợp tác thủy chung, tin cậy lẫn nhau và hiệu quả kinh tế to lớn đã được chứng minh sau 30 năm hoạt động. Tổng thống Nga Putin trong thư chúc mừng gửi tập thể lao động Vietsovpetro nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập xí nghiệp (1981-2001) đã khẳng định: “Thành quả lao động của Vietsovpetro là hình mẫu cụ thể nhất của sự hợp tác hai bên cùng có lợi giữa nước Nga và Việt Nam... Điều quan trọng là, sự hợp tác này không chỉ mang lại những lợi ích kinh tế to lớn mà còn có giá trị củng cố sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân hai nước chúng ta”.

Sau lần gặp gỡ đầu tiên ấy, khi trở ra Hà Nội, anh Phạm Tiến Duật và anh Nguyễn Đức Mậu đều có thơ gửi cho những đứa em và người lao động ở Vietsovpetro. Anh Duật gửi vào bài “Thềm lục địa ngày xuân nhìn từ Bạch Hổ” do anh viết tay. Nhiều người yêu thơ Phạm Tiến Duật còn được anh ký tặng tập thơ nhỏ “Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây” của anh. Đối với tôi - người yêu thơ anh, đó là một phần thưởng, một kỷ niệm “hơi bị tuyệt vời”!

Thơ của các anh là lời khen, lời động viên chân tình đối với lớp đàn em trẻ, là sự cảm thông với những khó khăn, thách thức trong nghề dầu khí mà em của các anh đang ngày đêm đối mặt.

Hãy yên lòng anh ơi!

Các thế hệ dầu khí ở Vietsovpetro trong công cuộc tìm kiếm dầu khí không ngừng nghỉ này sẽ hành quân và tác chiến với tinh thần của những “Người lính Trường Sơn”, “Người lính Cụ Hồ”.

Trần Hồi

DMCA.com Protection Status