Bất cập trong quản lý kinh doanh xăng dầu (Tiếp theo và hết)

07:00 | 01/11/2019

6,394 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Thời gian qua, đã có nhiều quy định pháp luật, nhiều giải pháp được thực thi nhằm siết chặt quản lý kinh doanh xăng dầu. Nhưng dường như “cây gậy pháp luật” chưa đủ sức răn đe, làm lành mạnh thị trường xăng dầu?    

Kỳ cuối: Giải pháp nào hữu hiệu?

3 vấn đề lớn trong quản lý

Theo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương, hiện vẫn còn tồn tại 3 vấn đề lớn trong quản lý mặt hàng xăng dầu.

Trước tiên, việc mua bán các nguyên liệu, dung môi, phụ gia và các chế phẩm liên quan để pha chế xăng dầu khá dễ dàng trên thị trường. Kẻ gian có thể mua xăng dầu có chỉ số octan thấp pha trộn với xăng dầu có chỉ số octan cao, pha thêm dung môi, phụ gia, chất tạo màu… để cho ra loại xăng dầu có chỉ số octan theo tiêu chuẩn là A95, người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là xăng giả, chất lượng thấp, đâu là xăng đúng tiêu chuẩn. Chỉ đến khi mẫu xăng được đem đi kiểm nghiệm, cơ quan chức năng mới phát hiện được thật - giả.

bat cap trong quan ly kinh doanh xang dau tiep theo va het
Bất cập trong quản lý kinh doanh xăng dầu (Tiếp theo và hết)

Thứ hai, theo quy định hiện hành, đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được ký hợp đồng làm đại lý cho một tổng đại lý hoặc một thương nhân đầu mối/phân phối xăng dầu. Nếu tổng đại lý hoặc thương nhân đầu mối/phân phối xăng dầu đó không kinh doanh nhiên liệu sinh học thì đại lý được ký thêm hợp đồng làm đại lý cho một pháp nhân khác để kinh doanh nhiên liệu sinh học. Việc kiểm soát nguồn xăng dầu thông qua hóa đơn xuất, nhập. Tuy nhiên, trên thực tế, việc kiểm soát khối lượng xăng dầu đầu vào, đầu ra theo hóa đơn đối với đại lý bán lẻ xăng dầu chưa chặt chẽ, đặc biệt là việc bán lẻ xăng dầu không xuất hóa đơn vẫn còn tràn lan, nên đại lý xăng dầu rất dễ “hợp thức hóa” khi mua xăng dầu trôi nổi trên thị trường, xăng dầu giả để pha trộn với xăng dầu nhập chính thức từ thương nhân đầu mối/phân phối, tổng đại lý… rồi ung dung bán cho người tiêu dùng để trục lợi.

Thứ ba, công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu vẫn còn nhiều bất cập, chồng chéo, hiệu quả không cao. Hiện nay, có rất nhiều cơ quan có thể kiểm tra, kiểm soát kinh doanh xăng dầu như QLTT, Sở Khoa học và Công nghệ, Công an… Chính vì vậy, khi phát hiện vụ sản xuất xăng giả quy mô lớn của Trịnh Sướng và đồng bọn, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng không làm tròn nhiệm vụ vì… sợ giẫm chân lên nhau.

Trong thực tế, lực lượng QLTT khi kiểm tra các cửa hàng xăng dầu chủ yếu tập trung vào việc niêm yết giá, gian lận đo lường, còn việc kiểm tra chất lượng, tiêu chuẩn xăng dầu do Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ địa phương đảm nhiệm (theo quy định của Nghị định 83/2014/NĐ-CP).

Theo Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên, hiện các hành vi gian lận trong kinh doanh xăng, dầu hết sức phức tạp, có tính phổ biến, thủ thuật tinh vi, đặc biệt là thủ thuật thay đổi phần mềm có sai số lớn cài đặt lên bộ vi xử lý để gian lận đo lường.

Ông Chu Xuân Kiên kiến nghị: Cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Công an, Cục Thuế, Cục QLTT, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Trong quá trình cấp phép kinh doanh xăng dầu, cơ quan quản lý phải yêu cầu doanh nghiệp, hộ kinh doanh ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nếu vi phạm phải xử lý nghiêm, nếu sai phạm nhiều lần thì phải rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn, nhất là vi phạm về chất lượng.

Giải pháp quản lý từ “gốc”

Trước hết, về giải pháp tăng cường quản lý hóa chất phối chế xăng dầu, Chính phủ đã ban hành Nghị định 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất, Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, trong đó đã quy định những điều kiện chặt chẽ đối với kinh doanh hóa chất liên quan đến phối trộn xăng dầu; quy định đầy đủ về thanh tra, kiểm tra các hóa chất, bảo quản hóa chất, quy định về phòng cháy chữa cháy…

Nhưng thực tế lại nảy sinh các câu hỏi: Lực lượng chức năng đã làm đúng, làm đủ và có đủ sức để làm hay không? Việc xử lý các vụ việc gian lận trong bán lẻ xăng dầu như thế nào, hiệu quả ra sao?

Lực lượng QLTT trực tiếp kiểm tra, kiểm soát hoạt động thương mại nói chung, kinh doanh xăng dầu nói riêng trên thị trường cả nước, nhưng con người, trình độ khoa học kỹ thuật, thiết bị công nghệ… không thể đáp ứng được yêu cầu.

Trả lời những câu hỏi đó, có một vấn đề rất đáng quan tâm: Lực lượng QLTT trực tiếp kiểm tra, kiểm soát hoạt động thương mại nói chung, kinh doanh xăng dầu nói riêng trên thị trường cả nước, nhưng con người, trình độ khoa học kỹ thuật, thiết bị công nghệ… không thể đáp ứng được yêu cầu. Bởi vậy, bất cứ nghi vấn nào về gian lận thương mại cũng phải “mời” sự tham gia của Công an, Sở Khoa học và Công nghệ địa phương. Với lực lượng vừa mỏng, vừa thiếu, không thể tránh khỏi việc QLTT chưa điều tra, nắm bắt chứng cứ thì kẻ gian đã thấy “động”, xóa dấu vết.

Một trong những giải pháp quan trọng là quản lý từ “gốc”, nói cách khác, cần quy hoạch lại thương nhân đầu mối xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu. Giải pháp về “ngọn” là thương nhân bán lẻ xăng dầu buộc phải chịu trách nhiệm về chất lượng cũng như số lượng xăng dầu bán cho người dân, bị xử lý nghiêm khắc nếu vi phạm. Cần có quy định bắt buộc áp dụng khoa học công nghệ như gắn camera theo dõi 24/24h tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, gắn thiết bị định vị đối với tất cả các phương tiện vận chuyển xăng dầu.

Đặc biệt, là Tổng cục QLTT là đơn vị trực tiếp đấu tranh với gian lận thương mại trên thị trường cần được tăng quyền, được đầu tư về kỹ thuật công nghệ để cán bộ QLTT từng bước chủ động xử lý các vụ gian lận thương mại, đặc biệt là các mặt hàng kinh doanh có điều kiện, liên quan trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người dân như xăng dầu, thực phẩm…

Có thể nói, chỉ khi nào xử lý vấn đề gốc trong quy trình từ nhập khẩu, sản xuất xăng dầu đến bán lẻ cho người tiêu dùng, đầu tư cho lực lượng thực thi pháp luật, mới có thể hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xăng dầu giả, kém chất lượng.

bat cap trong quan ly kinh doanh xang dau tiep theo va het

Bất cập trong quản lý kinh doanh xăng dầu (Kỳ 1)

Thành Công

DMCA.com Protection Status