Bộ Công Thương họp khẩn nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án nguồn điện
Cho đến nay, thực trạng cung cấp điện quốc gia cho thấy việc thiếu điện không chỉ là sự lo xa mà đã là một nguy cơ trước mắt. Thiếu điện sẽ khiến sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, đời sống người dân bị đảo lộn, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế đất nước. Chính vì vậy, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho các dự án nguồn điện ngay sau khi kết thúc phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV. Lãnh đạo Bộ Công Thương đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và ý kiến của các đại biểu Quốc hội với tinh thần cầu thị, trách nhiệm nhằm triển khai ngay các giải pháp đảm bảo điện cho phát triển kinh tế - xã hội.
Toàn cảnh cuộc họp khẩn của Bộ Công Thương tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các dự án nguồn điện |
Nhìn nhận thực tế, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện cao trong 2019-2020 và kéo dài tới 2022-2023, nguy cơ không có dự phòng ở vùng phụ tải cao như Tây Nam Bộ là rất lớn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: "Tình hình đang rất cấp bách và chúng ta không thể chậm trễ hơn được nữa".
Trong báo cáo gửi Chính phủ, Quốc hội, Bộ Công Thương nêu các lý do suy giảm khả năng cung cấp điện như điều kiện bất lợi thời tiết với tính cực đoan cao, nguồn nước cạn khiến các nhà máy thuỷ điện không tích đủ lượng nước cần để phát điện. Mặt khác, Việt Nam đang đối mặt suy giảm thị trường năng lượng sơ cấp khi dự báo sẽ phải nhập 20 triệu tấn than vào 2020 và tăng lên 35 triệu tấn than vào 2035. Nguồn khí tự nhiên cũng suy giảm mạnh vì không có cơ chế cho tìm kiếm thăm dò nguồn khí mới khiến nhà máy điện khí không thể phát điện cho dự án ở Đông Nam Bộ.
Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong các năm 2019-2020 hệ thống điện có thể đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do hệ thống điện gần như không có dự phòng nên trong năm 2020 có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện.
Các năm 2021-2025, mặc dù đã phải huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu, tuy nhiên hệ thống điện không đáp ứng nhu cầu phụ tải và xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam với mức thiếu hụt tăng từ 3,7 tỷ kWh (năm 2021) lên gần 10 tỷ kWh (năm 2022), mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 khoảng 12 tỷ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỷ kWh năm 2024 và 3,5 tỷ kWh năm 2025.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, trung bình mỗi kWh điện chạy dầu sẽ mất chi phí khoảng 5.000 đồng, có nghĩa là chỉ tính riêng giai đoạn 5 năm sắp tới mỗi năm đất nước sẽ mất không khoảng từ 20 nghìn đến 50 nghìn tỉ đồng để bù giá điện.
Tại cuộc họp chiều 11/11, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối về năng lượng, tham mưu cho Chính phủ xây dựng tổng sơ đồ. Bộ đã có nhiều hoạt động cụ thể để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Thời gian qua còn nhiều dự án chậm tiến độ, gây nguy cơ thiếu điện, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, tác động đến đời sống dân sinh. Do vậy, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị, cơ quan liên quan rà soát lại khuôn khổ pháp lý, báo cáo, có biện pháp cụ thể xử lý ngay các vướng mắc đối với các dự án chậm tiến độ.
Tại cuộc họp, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã báo cáo, phân tích chi tiết tình hình triển khai các dự án điện quan trọng như Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1, chuỗi điện khí Lô B và Cá Voi Xanh…và các dự án điện năng lượng tái tạo (mặt trời, gió) đến thời điểm hiện tại; nêu các nguyên nhân, vướng mắc dẫn đến các dự án chậm tiến độ và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nhanh dự án.
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị cần đánh giá cụ thể từng dự án, vướng mắc ở đâu, khó khăn chỗ nào, khả năng đáp ứng được tiến độ đến đâu. Trong trường hợp không đáp ứng được về mặt tiến độ thì giải pháp thay thế là gì, nếu nhập khẩu điện thì nhập khẩu ở nguồn nào, giá cả ra sao, khả năng đấu nối ra sao? Nếu sử dụng năng lượng tái tạo điện mặt trời, điện gió để thay thế thì khả năng đáp ứng được đến đâu, có những vướng mắc khó khăn hay cần phải điều chỉnh cơ chế, chính sách nào...
Bộ trưởng đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực trực tiếp theo dõi, giám sát chỉ đạo, chịu trách nhiệm làm đầu mối phối hợp với Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tập trung giải quyết vướng mắc, nhất là về vốn, nguồn ngoại tệ. Đồng thời phải có chương trình làm việc hàng tháng để rà soát và thống nhất giải pháp thực hiện liên quan tới dự án chậm tiến độ, có kịch bản cho từng tình huống… như vậy mới có thể hoàn thành nhiệm vụ và yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
“Bộ Công Thương sẽ có báo cáo cụ thể với Chính phủ về nguy cơ thiếu điện, đưa ra các giải pháp về cơ chế để giải quyết. Chúng ta cần làm ngay, cấp bách lắm rồi và không thể chậm trễ”, người đứng đầu ngành Công Thương nhấn mạnh.
Thành Công