Bộ Trưởng Bộ Công Thương: Điện phải đi trước một bước
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải trình tại Quốc hội |
Giải trình tại Quốc hội về một số ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Quán triệt tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước hiện nay là: “Xây dựng pháp luật theo hướng kiến tạo vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất”, “Dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”; “Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài”.
Được sự thống nhất, đồng hành của Cơ quan chủ trì thẩm tra, Bộ Công Thương đã có Báo cáo tiếp thu, giải trình gửi đến các đại biểu Quốc hội.
Về đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua dự án luật tại một kỳ họp, Bộ trưởng cho biết, quy hoạch Điện VIII xác định đến năm 2030 tức chỉ còn hơn 5 năm nữa chúng ta phải tăng gấp đôi công suất. Đến năm 2050, tức 26 năm nữa phải tăng gấp 5 lần công suất hiện nay. Nếu từ bây giờ không có luật và không có những cơ chế, chính sách cụ thể chúng ta không thể thu hút được đầu tư.
Giai đoạn từ nay đến năm 2030 cần 14 - 16 tỷ USD mỗi năm, nhưng từ sau năm 2030 phải cần từ 16 - 18 tỷ USD/1 năm mới bảo đảm an ninh năng lượng điện. Do đó, Bộ rất mong luật này sớm được thông qua vì nếu không có chính sách thì không có đầu tư, không có đầu tư sẽ không có điện, không có điện thì không có gì hết. Điện phải đi trước một bước. Tuy nhiên, Bộ với tư cách cơ quan chủ trì soạn thảo hay lớn hơn là Chính phủ sẽ chấp hành quyết định của Quốc hội.
Theo Bộ trưởng, nhiệm vụ đặt ra yêu cầu cấp bách là phải có cơ chế, chính sách phù hợp, đồng bộ, khả thi mới thu hút được các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước cho phát triển các nguồn và lưới điện. Đặc biệt, là điện từ năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch hay lưới điện truyền tải liên miền.
Hiện nay, chúng ta đã có cơ chế cho thu hút đầu tư vào hệ thống lưới điện, điểm 2 Điều 4 Luật Điện lực (sửa đổi). Luật mới này cơ bản mở cánh cửa ra cho các nhà đầu tư đầu tư về hệ thống truyền tải. Đương nhiên, hệ thống cao áp và siêu cao áp phải là nhà nước, bây giờ đang cân nhắc giữa chuyện để 220kV trở xuống hay là 110kV trở xuống, nếu các đại biểu bấm nút thông qua điện áp 220kV trở xuống là tư nhân có thể đầu tư để có thể huy động được các nguồn năng lượng tái tạo phân tán rải rác, khắp nơi trong cả nước thì chúng tôi cũng chấp hành nhưng rõ ràng đây là vấn đề an ninh năng lượng quốc gia.
Bộ trưởng chia sẻ thêm, điện gió ngoài khơi ở các nước phát triển rất mạnh, nhưng chúng ta có một điểm khác với các nước, vì ở một vị trí địa chính trị, địa quốc phòng rất đặc biệt. Vì thế, không thể phát triển một cách ồ ạt, không có lựa chọn, không có những quy định chặt chẽ.
Vì vậy, phải quy định trước mắt là những tập đoàn nhà nước, những doanh nghiệp trong nước, những doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng không được chuyển giao, kể cả trong thời gian đầu tư dự án cũng như vận hành, đã chấp nhận là nhà đầu tư thì phải chấp nhận những điều kiện chúng ta đưa ra.
Thu hồi dự án điện chậm tiến độ để đảm bảo cung ứng điện cho tương lai
Về các dự án chậm triển khai, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh sự cần thiết phải thu hồi các dự án điện chậm tiến độ, để giải quyết tình trạng thiếu điện đang ngày càng trầm trọng. Theo Bộ trưởng, nhu cầu điện năng của Việt Nam đến năm 2030 sẽ cần gấp đôi công suất hiện tại, và đến năm 2050, con số này sẽ phải gấp 5 lần. Tuy nhiên, các nguồn điện truyền thống như thủy điện và điện than không còn dư địa phát triển, trong khi năng lượng tái tạo như điện mặt trời hay điện gió vẫn gặp khó khăn trong việc tăng trưởng nhanh chóng.
Bộ trưởng Diên giải thích rằng các dự án điện có đặc thù khác biệt so với các loại dự án đầu tư khác, bởi điện luôn phải đi trước một bước và cần có cơ chế thu hồi các dự án chậm tiến độ. Theo ông, nhiều dự án đã được giao cho nhà đầu tư trong nhiều năm nhưng vẫn chưa triển khai, gây ra sự thiếu hụt điện năng. Bộ trưởng khẳng định, nếu không có cơ chế mạnh mẽ để thu hồi các dự án này, đất nước sẽ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thiếu điện.
Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi sẽ quy định rõ thẩm quyền quyết định các cơ chế đặc thù thúc đẩy các nguồn điện tái tạo như điện mặt trời, điện gió và cả điện hydro xanh/Ảnh minh họa |
Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật Điện lực sửa đổi sẽ quy định rõ thẩm quyền quyết định và các cơ chế đặc thù để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và điện khí. Các quy định mới cũng sẽ bao gồm việc phát triển thị trường điện cạnh tranh, đặc biệt là thúc đẩy các nguồn điện tái tạo như điện mặt trời, điện gió và cả điện hydro xanh.
Về việc phát triển điện gió ngoài khơi, Bộ trưởng cho biết, đây là một công nghệ đã được triển khai thành công ở nhiều quốc gia, và Việt Nam cũng cần có những quy định chặt chẽ để bảo vệ an ninh quốc gia, đặc biệt là đối với các dự án có sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề cập đến việc phát triển thị trường điện cạnh tranh ở cả ba cấp độ: sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ điện. Mặc dù các nhà đầu tư ngoài nhà nước chiếm 52% thị phần điện hiện nay, Bộ trưởng khẳng định rằng thị trường điện vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển cạnh tranh hơn nữa. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng cần phải kiểm soát chặt chẽ giá điện để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chủ trì thẩm tra để tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực và trình Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp này. Theo ông, việc chậm thông qua Luật sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thu hút đầu tư và phát triển hệ thống điện quốc gia, gây khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu điện năng trong tương lai.
Huy Tùng