Bức tranh điện gió ngoài khơi: Triển vọng và những vấn đề đặt ra (Kỳ VIII)

06:05 | 23/07/2024

1,330 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Khu vực APAC hiện là thị trường điện gió ngoài khơi khu vực lớn nhất hiện nay, chiếm 55% tổng công suất gió ngoài khơi được lắp đặt toàn cầu vào cuối năm 2023.

Thúc đẩy hợp tác khu vực để giải quyết các thách thức trong chuỗi cung ứng và khai thác tiềm năng điện gió ngoài khơi

Hiện cũng như nhiều lĩnh vực công nghiệp cơ sở hạ tầng lớn khác, điện gió toàn cầu đã phải đối mặt với tình trạng dễ bị tổn thương ngày càng gia tăng trong chuỗi cung ứng vài năm qua. Môi trường chính sách và thị trường vẫn còn nhiều biến động ở nhiều nơi trên thế giới, trong khi các nhà hoạch định chính sách tiếp tục thúc đẩy nội địa hóa trong nước, điều này thường mâu thuẫn với tham vọng và mốc thời gian của các mục tiêu năng lượng tái tạo. Việc cấp phép, sự chấp nhận của xã hội và tắc nghẽn lưới điện tiếp tục tạo ra sự không chắc chắn về việc thực hiện dự án, mặc dù có những dấu hiệu tích cực ở châu Âu, Hoa Kỳ và các khu vực khác nơi những rào cản này đang dần được giải quyết.

Bức tranh điện gió ngoài khơi: Triển vọng và những vấn đề đặt ra (Kỳ VIII)
Hiện Trung Quốc đang là thị trường điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới hiện nay

Việc gia tăng căng thẳng thương mại cũng tạo ra sự phức tạp trong việc lập kế hoạch chuỗi cung ứng, càng làm trầm trọng thêm rủi ro thực tế và nhận thức được về sự phụ thuộc bên ngoài song thường không có cuộc trao đổi đo lường về độ rủi ro tách ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Tất cả những yếu tố này đã cản trở việc lập kế hoạch chuỗi cung ứng và đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi trong nhiều năm qua. Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) gần đây đã lưu ý việc đầu tư vào sản xuất điện gió, bao gồm các cơ sở lớp vỏ bọc turbine gió, cánh quạt và tháp đỡ, thậm chí đã giảm về số lượng tuyệt đối (2023), với hầu hết các khoản đầu tư mới đều diễn ra ở Trung Quốc. GWEC Market Intelligence đã theo dõi sự mở rộng khoảng cách cung cầu đối với các thành phần điện gió ngoài khơi quan trọng. Dự báo đến năm 2026, những trở ngại tiềm tàng sẽ phát sinh ở mọi khu vực trên thế giới (đặc biệt là khu vực Bắc Mỹ và châu Âu) ngoại trừ Trung Quốc từ giữa thập kỷ trở đi, đối với nhiều bộ phận điện gió quan trọng, bao gồm hộp số kết nối chuyển động quay của rotor với máy phát điện, máy phát điện, cánh quạt, bộ chuyển đổi điện và các vật đúc kim loại tương thích với điện gió ngoài khơi, tháp đỡ, móng (đáy cố định) và cáp ngầm. Để giải quyết các dấu hiệu chậm chạp từ phía nguồn cầu và đầu tư dồn dập, chuỗi cung ứng sẽ cần phải công nghiệp hóa và tiêu chuẩn hóa, coi khu vực hóa chuỗi cung ứng là một mục tiêu tăng trưởng quan trọng và hỗ trợ các chính sách thương mại công bằng nhằm xây dựng các lĩnh vực cạnh tranh lành mạnh, đồng thời đẩy chi phí cao hơn cho người dùng cuối hoặc thị trường phân mảnh.

GWEC khuyến nghị: (i) Hợp tác để có cơ sở hạ tầng dùng chung và chuỗi cung ứng tiết kiệm chi phí là rất quan trọng. Các sáng kiến như Hợp tác năng lượng Biển Bắc (NSEC), tập hợp các quốc gia xung quanh Biển Bắc, là hình mẫu tốt để các khu vực khác noi theo trong việc giúp sản xuất cánh quạt, lớp bọc turbine, tháp đỡ, đế móng, cáp ngầm và các cơ sở sản xuất khác phát triển xung quanh thị trường Biển Bắc theo thời gian cũng như những nỗ lực xây dựng các hệ thống lưới điện nhằm tạo điều kiện cho các hệ thống truyền tải xuyên biên giới hiệu quả hơn. (ii) Hợp tác khu vực cũng rất quan trọng khi thị trường đạt đến mức trưởng thành, ví dụ như các khu vực có thể trông cậy vào sự hợp tác giữa các cảng biển của quốc gia thuộc châu Âu để đáp ứng Tuyên bố Esbjerg (Vương quốc Đan Mạch, 2022) nhằm đem lại tham vọng điện gió ngoài khơi ngày càng tăng hoặc Liên minh cảng gió ngoài khơi Scotland (SOWPA) được thành lập để nâng cao khả năng cạnh tranh trong khu vực của Vương quốc Anh. (iii) Các khu vực khác sẽ cần theo đuổi chiến lược đa dạng hóa nguồn cung và khôi phục/nội địa một số phân khúc để phát triển năng lực trong nước và xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu linh hoạt hơn. Cần chú ý đến đa dạng hóa chiến lược đối với sản xuất hộp số, máy phát điện, bộ chuyển đổi năng lượng, khai thác và tinh chế các nguyên tố đất hiếm quan trọng mà khả năng phục hồi toàn cầu hiện còn ở mức thấp và rủi ro tập trung ở Trung Quốc cao. (iv) Đa dạng hóa chuỗi cung ứng không nên biểu hiện bằng các biện pháp ngăn chặn dòng chảy thương mại hiện tại và làm gián đoạn hoặc trì hoãn việc triển khai dự án; cần khuyến khích các nhà cung cấp quốc tế từ tất cả các quốc gia mở rộng thị trường bên ngoài khu vực trong nước của họ để đảm bảo lợi ích học hỏi kinh nghiệm toàn cầu có thể được chuyển giao xuyên biên giới. Điều này đặc biệt quan trọng đối với việc chuyển giao học hỏi kinh nghiệm Global North-Global South nhằm đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng. (v) Thương mại công bằng và minh bạch là điều cần thiết để đạt được các mục tiêu của quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu, giúp đem lại lợi ích kinh tế. Đạo luật Gảm thiểu lạm phát IRA (Hoa Kỳ) là một ví dụ về cách tiếp cận dựa trên khuyến khích để chống lạm phát và cung cấp hỗ trợ tài chính cho đầu tư vốn tài chính vào chuỗi cung ứng, trong khi Gói năng lượng gió của EU thì đưa ra cách tiếp cận đa chiều theo nhu cầu để tăng tốc triển khai dự án và cải thiện điều kiện đầu tư tổng thể cho sản xuất và phát triển điện gió.

Nghiên cứu điển hình: Thúc đẩy chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi ở khu vực APAC

Khu vực APAC hiện là thị trường điện gió ngoài khơi khu vực lớn nhất hiện nay, chiếm 55% tổng công suất gió ngoài khơi được lắp đặt toàn cầu vào cuối năm 2023. Khu vực này có khả năng chiếm 59% tổng công suất dự báo sẽ được bổ sung trên toàn thế giới từ năm 2024 và 2030, nâng tổng công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi từ 41 GW công suất (2023), lên mức 172 GW công suất (2030).

Hiện Trung Quốc đang là thị trường điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới hiện nay. Mặc dù các mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi đã được chính phủ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, CH Ấn Độ, Philippines và Australia cũng như chính quyền Đài Loan-Trung Quốc đưa ra công bố song Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục thống trị tăng trưởng ở khu vực này trong thời gian tới. Tuy nhiên, với việc thị trường điện gió ngoài khơi trở nên đa dạng hơn ở khu vực APAC từ năm 2028, tình hình này có thể sẽ thay đổi và thị phần của Trung Quốc trong khu vực này sẽ giảm xuống chỉ còn 69% (2030) từ mức 89% (2023) do các dự án gió ngoài khơi quy mô thương mại lớn sẽ sớm đi vào hoạt động. Tại Hàn Quốc, Nhật Bản và loạt dự án gió ngoài khơi đầu tiên tại các thị trường mới nổi như Philippines, CH Ấn Độ và Australia dự báo cũng sẽ được xây dựng vào cuối thập kỷ này hoặc đầu những năm 2030. Hiện tại, sự phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi ở khu vực này cực kỳ không đồng đều. Theo báo cáo chuỗi cung ứng gió toàn cầu do GWEC và BCG công bố tại COP28 về xây dựng chuỗi cung ứng năng lượng gió toàn cầu cho mục tiêu 1,5°C của thế giới, hiện chỉ có Trung Quốc hội tụ đủ năng lực chuỗi cung ứng để đáp ứng mức tăng trưởng cần thiết để đáp ứng mục tiêu Thỏa thuận Paris. Các thị trường còn lại trong khu vực này thậm chí không thể đáp ứng được dự báo về điện gió ngoài khơi (2030) theo kịch bản chính sách kinh doanh hiện tại. Ngoại trừ Trung Quốc, các nút thắt có thể xảy ra ở khu vực này đối với lớp vỏ bọc turbine (từ năm 2026), cánh quạt (từ năm 2025), tháp đỡ (từ năm 2024), vật liệu đúc (từ năm 2025), đế móng đáy (từ năm 2023), tàu lắp đặt turbine (từ năm 2025), và cảng biển chuyên dụng (từ năm 2023).

Việc mở rộng chuỗi cung ứng nội địa là rất quan trọng để khai thác tiềm năng tăng trưởng trong khu vực này. Sự hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực APAC cũng rất quan trọng để đáp ứng các mục tiêu về công suất điện gió ngoài khơi do chính phủ các nước trong khu vực APAC đặt ra. Mặc dù tình hình địa chính trị làm phức tạp thêm việc chuyển sang hợp tác cũng như liên kết giữa chính phủ các nước trong khu vực này song các thị trường điện gió ngoài khơi khu vực APAC mới hơn vẫn có thể học hỏi được một số bài học kinh nghiệm quan trọng từ kinh nghiệm của châu Âu trong việc tìm ra phương cách cân bằng việc xây dựng niềm tin thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước quản lý các thách thức bên ngoài như việc cung cấp các nguyên liệu quan trọng, đồng thời phát triển chuỗi cung ứng song tránh được các yêu cầu cụ thể về hàm lượng nội địa làm gia tăng thêm chi phí, sự sai lệch các quyết định đầu tư và làm chậm tốc độ triển khai dự án điện gió ngoài khơi.

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng điện gió ngoài khơi ở khu vực này, cam kết và hợp tác chính trị rất quan trọng bởi vì làm việc cùng nhau sẽ giúp nâng cao niềm tin giữa các quốc gia khác nhau, đồng thời cho phép hợp tác giải quyết các thách thức chung bao gồm hệ thống lưới điện, cảng biển, tàu thuyền và các kỹ năng liên quan. Trong mùa hè năm 2023, GOWA đã khởi động một loạt hội nghị bàn tròn kín quy tụ các đại diện cấp cao từ chính phủ nhiều nước, lĩnh vực công nghiệp điện gió ngoài khơi và các bên liên quan trên khắp khu vực APAC. Mục đích là để giải quyết các thách thức trong chuỗi cung ứng và khám phá các cơ hội hợp tác khu vực nhằm thúc đẩy việc tăng tốc năng lượng gió ngoài khơi. Tại các cuộc hội thảo này, các đại diện đến từ Australia, Philippines, Sri Lanka, CH Ấn Độ và Việt Nam cũng như đại diện từ bang Victoria (Australia) đã phát biểu chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về tham vọng và thách thức về điện gió ngoài khơi tương ứng của họ, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều chỉnh các nỗ lực của quốc gia và địa phương nhằm hỗ trợ sự hợp tác quốc tế trong khu vực APAC, tình trạng thiếu vốn đầu tư để hỗ trợ phát triển và mở rộng quy mô chuỗi cung ứng, có thể bao gồm các ưu đãi tài chính, trợ cấp và các chính sách thân thiện với đầu tư, trong đó, lợi nhuận của chuỗi cung ứng gió ngoài khơi là trọng tâm của các cuộc thảo luận, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế đầy thách thức hiện nay.

Link nguồn:

https://www.connaissancedesenergies.org/sites/connaissancedesenergies.org/files/pdf-actualites/GOWR-2024_digital_final_2.pdf

Tuấn Hùng

Connaissance des Énergies

Mobile Version DMCA.com Protection Status