Hội đồng Khoa học Công nghệ PVN:

Các nhà khoa học đóng góp trí tuệ cho công tác tái cấu trúc

09:32 | 05/06/2014

725 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Sáng 4/6, Hội đồng Khoa học Công nghệ (KHCN) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ chức kỳ họp thứ I nhiệm kỳ 2014 – 2016.

Dự kỳ họp có TS Đỗ Văn Hậu, quyền Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc PVN; đồng chí Phạm Xuân Cảnh, quyền Bí thư Đảng ủy PVN và các đồng chí trong Hội đồng Thành viên, Ban Tổng giám đốc, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng KHCN PVN, các thành viên Hội đồng KHCN PVN nhiệm kỳ 2014 – 2016.

Kỳ họp này, Hội đồng KHCN PVN đã thảo luận những vấn đề: Tình hình triển khai kế hoạch tái cấu trúc Tập đoàn; Các công bố về địa chất dầu khí trên biển Đông của Trung Quốc; An ninh, an toàn trong các hoạt động dầu khí trên biển trong tình hình hiện nay.

TS Đỗ Văn Hậu phát biểu tại kỳ họp

Trong tái cấu trúc, hiện nay đã có 16/18 đơn vị của PVN được phê duyệt phương án tái cấu trúc. Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam (PVEP) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) sẽ tái cấu trúc sau năm 2015. Tuy nhiên, quá trình tái cấu trúc của PVN đã có những điểm nghẽn, như sau: vấn đề thoái vốn; xử lý các đơn vị thua lỗ, tình hình tài chính xấu, một số dự án chậm đưa vào sử dụng; xử lý các công ty cấp IV; các công ty chưa phê duyệt phương án tái cấu trúc; vấn đề cổ phần hóa; định hướng xử lý các đơn vị nhận từ Vinashin.

Từ những điểm nghẽn trên, Hội đồng KHCN PVN đưa ra nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 và 2015 là hoàn thành cổ phần hóa và chuyển đổi 2 đơn vị: Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Đồng thời đẩy mạnh thoái vốn, xử lý dứt điểm các dự án nhiên liệu sinh học, xơ sợi…

Phát biểu tham luận về tái cấu trúc, Phó tổng giám đốc PVN Lê Minh Hồng nhận định: Phải cổ phần hóa vì: một số đơn vị đầu tư dàn trải, ra ngoài ngành; lĩnh vực kinh doanh của một số đơn vị chồng chéo, trùng lắp; công ty mẹ của một số tổng công ty yếu kém; năng lực quản trị và sức cạnh tranh không cao. Mục tiêu của tái cấu trúc: sắp xếp tổ chức lại bộ máy, các lĩnh vực kinh doanh, vốn, nâng cao năng lực quản trị để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Đồng chí Lê Minh Hồng đề nghị sau 1 năm thực hiện tái cấu trúc, PVN nên trình lại đề án tái cấu trúc để Chính phủ xem xét dựa trên tình hình thực tế. Nhân dịp này, đồng chí Lê Minh Hồng đặt 3 câu hỏi cho các nhà khoa học dầu khí giải quyết trong thời gian tới: Làm sao để thoái vốn được trong bối cảnh thị trường ngày nay? Việc giải thể, phá sản các đơn vị không còn vốn, năng lực hoạt động thì phương án như thế nào? Các đơn vị cùng góp vốn thành lập một đơn vị khác thì thoái vốn ở các đơn vị này sẽ tính toán như thế nào?.

Trưởng ban Đầu tư Phát triển PVN Vũ Văn Nghiêm nêu quan điểm: “Mục tiêu quan trọng nhất của tái cấu trúc là phát triển bền vững. Tuy nhiên, PVN cần phải đẩy nhanh quá trình xây dựng chiến lược một cách nghiêm túc, đột phá, khả thi, làm định hướng cho công tác tái cấu trúc”.

TS Ngô Thường San (phải) trao đổi với các đại biểu bên lề kỳ họp

TS Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam kiến nghị, trong thời gian tới, Việt Nam cần mở rộng công tác điều tra cơ bản tổng hợp các chương trình nghiên cứu nhà nước có sự tham gia của quốc tế và các công trình này cần được công bố trên các tạp chí thế giới. Nên tổ chức định kỳ các hội thảo, hội nghị quốc tế với sự tham gia rộng rãi học giả nước ngoài, ở đó cần nhiều báo cáo của tác giả Việt Nam…

Về an ninh, an toàn các hoạt động dầu khí trên biển Đông, Hội đồng KHCN đề nghị, trước các diễn biến ngày càng phức tạp trên biển Đông, PVN cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng như cảnh sát biển, hải quân để tuần tra thường xuyên và có biện pháp ứng phó kịp thời.

Phát biểu tại kỳ họp, TS Đỗ Văn Hậu đã chỉ ra những việc cần làm ngay của Hội đồng KHCN PVN. TS Đỗ Văn Hậu đề nghị Hội đồng cho ý kiến sâu sắc về các dự án đầu tư ra nước ngoài của PVN; xử lý các nhà máy nhiên liệu sinh học.

TS Đỗ Văn Hậu cũng đề nghị Viện Dầu khí Việt Nam đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở nghiên cứu trong nước. Công bố rộng rãi các công trình nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế.

Về an ninh dầu khí trên biển Đông, TS Đỗ Văn Hậu lưu ý Hội đồng cần xem xét và đưa ra những giải pháp cho PVN và giải pháp đề xuất lên Chính phủ cho an ninh các công trình dầu khí biển. Đồng thời, Hội đồng sẽ có ý kiến với lãnh đạo PVN về xây dựng chiến lược phát triển Tập đoàn đến năm 2025, định hướng 2035.

Đức Chính

DMCA.com Protection Status