Các sự kiện nổi bật của Petrovietnam trong tuần từ ngày 23/10 đến 30/10/2022

19:06 | 30/10/2022

9,516 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Các sự kiện nổi bật của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trong tuần từ ngày 23/10 đến 30/10/2022.

1. Petrovietnam có 6 doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2022

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam vừa ban hành Quyết định số 1977/QĐ-BCT công nhận 172 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2022. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) có 6 doanh nghiệp được công nhận trong đợt này.

Các sự kiện nổi bật của Petrovietnam trong tuần từ ngày 23/10 đến 30/10/2022
Bộ sản phẩm Phân bón Phú Mỹ của PVFCCo được công nhận là Thương hiệu Quốc gia năm 2022

Chương trình Thương hiệu Quốc gia (THQG) là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển THQG thông qua thương hiệu sản phẩm. Việc tham gia chương trình là một quá trình để doanh nghiệp đánh giá toàn diện các hoạt động, kết quả sản xuất/ kinh doanh và chiến lược xây dựng thương hiệu thông qua hệ thống tiêu chí của chương trình; từ đó khuyến khích các doanh nghiệp chia sẻ và theo đuổi các giá trị cốt lõi của chương trình, đó là “Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong”.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có 6 doanh nghiệp đạt THQG năm 2022 gồm: Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS); Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (PVFCCo); Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC); Công ty CP Quản lý và Khai thác Tài sản Dầu khí (PSA- PETROSETCO); Công ty CP CNG Việt Nam (CNG Việt Nam, thuộc PV GAS).

2. Petrovietnam tiếp tục khẳng định vị trí doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2022

Ngày 25/10 tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietnamNet tổ chức Lễ công bố và vinh danh Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2022. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tiếp tục giữ vị trí số 1 trong Bảng xếp hạng năm thứ 4 liên tiếp.

Các sự kiện nổi bật của Petrovietnam trong tuần từ ngày 23/10 đến 30/10/2022
Ông Trần Quang Dũng, Trưởng Ban Truyền thông và Văn hoá doanh nghiệp Petrovietnam, đại diện Tập đoàn nhận vinh danh Doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2022.

Năm 2022 là năm thứ 4 liên tiếp Petrovietnam giữ vị trí số 1 trong Bảng xếp hạng PROFIT500. Cùng với Petrovietnam nhiều doanh nghiệp thuộc Tập đoàn, ngành Dầu khí đã giữ vị trí cao trong Bảng xếp hạng năm nay. Cụ thể, PV GAS (xếp thứ 16), BSR (22), PVFCCo (44); Vietsovpetro (53); PV Power (71); PVCFC (75); PVI (117); PVTrans (126); PVOIL (144); PTSC (151); Tổng Công ty Bảo hiểm PVI (161); PETROSETCO (253); PV GAS D (301); PTSC M&C (358); PSD (406); PVI Re (418); Nhật Việt Trans (479). Những kết quả này một lần nữa khẳng định hiệu quả hoạt động của Petrovietnam trong những năm qua, với tình hình tài chính lành mạnh cùng năng lực quản trị biến động linh hoạt, được đánh giá và công nhận khách quan bởi nhiều tổ chức uy tín trong và ngoài nước.

3. 7 công trình của ngành Dầu khí đạt giải thưởng VIFOTEC 2021

Ngày 25/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã công bố các công trình đoạt giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2021. Ngành Dầu khí có 7 công trình nghiên cứu khoa học công nghệ đoạt giải.

7 công trình của ngành Dầu khí được trao giải trong đợt này gồm: Lĩnh vực Cơ khí - tự động hóa có công trình “Thiết kế, chế tạo và ứng dụng thiệt bị HABE (Hydraulic Extendable Bail Arm/Quang treo thuỷ lực” của kỹ sư Nguyễn Văn Hiếu (chủ nhiệm) và các cộng sự Công ty TNHH MTV Giếng khoan Dầu khí PVD (PVD Well Services) - Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) đạt giải Ba.

Công nhân, kỹ sư BSR đã làm chủ khoa học công nghệ lọc hóa dầu (Hình tư liệu)
Công nhân, kỹ sư BSR đã làm chủ khoa học công nghệ lọc hóa dầu (Hình tư liệu)

Công trình “Thiết kế, chế tạo máy test động Mechanical seal” của kỹ sư Nguyễn Anh Khoa (chủ nhiệm) và các cộng sự Xưởng cơ khí – Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đạt giải Khuyến khích.

Lĩnh vực Công nghệ tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới có công trình “Tối ưu nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà máy Đạm Cà Mau” của kỹ sư Văn Tiến Thanh và các cộng sự Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đạt giải Ba.

Trong lĩnh vực Công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên có các công trình: Công trình “Quy trình tổng hợp dung dịch NH3” của kỹ sư Phạm Thường (chủ nhiệm) và các cộng sự Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đạt giải Ba.

Công trình “Giải pháp và tái sử dụng xúc tác RFCC đã qua sử dụng” của kỹ sư Huỳnh Công Vĩnh (chủ nhiệm) và các công sự Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đạt giải Ba.

Công trình “Tăng nhiệt độ điểm chớp cháy cho sản phẩm DCO đáp ứng tiêu chuẩn FO (FP) của BSR làm tiền đề cho việc nghiên cứu sản xuất MFO của BSR” của thạc sỹ Nguyễn Hoàng Tri (chủ nhiệm) và các cộng sự Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đạt giải Ba.

Công trình “Chính xác hoá phân bổ đặc tính chất lưu PVT bằng áp dụng nghiên cứu cân bằng nhiệt động học kết hợp với phương trình trạng thái” của thạc sỹ Nguyễn Hoàng Đức (chủ nhiệm) và các cộng sự Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đạt giải Khuyến khích.

4. Ủy ban QLVNN làm việc với DQS: Giúp DQS có hướng đi tốt nhất

Ngày 26/10, Đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Uỷ ban QLVNN) do ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban QLVNN dẫn đầu đã đến khảo sát thực địa và làm việc tại Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS).

đoàn công tác khảo sát thực địa tại DQS.
Đoàn công tác khảo sát thực địa tại DQS.

Theo thông tin từ DQS, trong 9 tháng đầu năm 2022, DQS đã đem lại doanh thu hơn 520 tỷ, bằng 144% so với kế hoạch 9 tháng đầu năm. Các dự án trong 3 tháng cuối năm 2022, đơn vị ước tính doanh thu sẽ đạt hơn 97 tỷ đồng. Trước đó, năm 2021, DQS đã thực hiện tổng số 26 đơn hàng, với 18 đơn hàng ngoài ngành. Tổng doanh thu hợp nhất năm 2021 của DQS ước thực hiện bằng 103% so với kế hoạch năm đã được Petrovietnam phê duyệt và đạt 114% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu các năm gần đây cho thấy sự “khởi sắc” mạnh mẽ của DQS sau khoảng thời gian thua lỗ và đứng trước bờ vực phá sản.

Kết luận buổi làm việc, ông Hồ Sỹ Hùng cho biết, các vấn đề mà DQS đang gặp phải cần có những giải pháp cụ thể để tháo gỡ. Đối với các vấn đề liên quan sẽ tiếp tục được xem xét để tìm ra hướng giải quyết. Ủy ban QLVNN sẽ tạo điều kiện về những thủ tục, cơ chế và sẽ đệ trình lên cấp trên xem xét, đưa ra các phương hướng xử lý giúp DQS có hướng đi tốt nhất trong thời gian sắp tới.

5. Tăng cường hiệu quả phối hợp, khẳng định vị thế của các tổ chức đoàn thể trong ngành Dầu khí

Nhằm tăng cường hiệu quả phối hợp công tác giữa các đoàn thể chính trị - xã hội trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Tập đoàn), ngày 26/10 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị liên tịch giữa Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN) - Hội Cựu chiến binh Tập đoàn - Đoàn Thanh niên Tập đoàn.

Các sự kiện nổi bật của Petrovietnam trong tuần từ ngày 23/10 đến 30/10/2022
Đồng chí Trần Quang Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban TT&VHDN kết luận Hội nghị

Tại hội nghị, các tổ chức đoàn thể đã có báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm 2022, dự kiến phương hướng nhiệm vụ, hoạt động trong 3 tháng cuối năm và chương trình kế hoạch của năm 2023. Đồng thời, đại diện các tổ chức đoàn thể đã có báo cáo về kết quả thực hiện các nội dung theo Kế hoạch liên tịch số 56 KHLT/CĐDK-ĐTN-HCCB ngày 28/9/2021 về triển khai tái tạo văn hoá Petrovietnam tại các đơn vị, tổ chức trực thuộc và dự kiến kế hoạch triển khai giai đoạn tiếp theo. Trong thời gian qua, các tổ chức đoàn thể cùng phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để các hội viên, công đoàn viên, đoàn viên thanh niên tham gia các chương trình hoạt động, các phong trào thi đua để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tăng cường tình đoàn kết cũng như góp phần vào việc thực hiện Đề án Tái tạo Văn hóa Petrovietnam.

Trên cơ sở các ý kiến báo cáo, trao đổi tại Hội nghị, đồng chí Trần Quang Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban TT&VHDN ghi nhận và đánh giá cao kết quả phối hợp hoạt động giữa CĐ DKVN - Hội CCB Tập đoàn - Đoàn Thanh niên Tập đoàn trong thời gian qua, đặc biệt kết quả thực hiện các nội dung theo Kế hoạch liên tịch số 56 KHLT/CĐDK-ĐTN-HCCB ngày 28/9/2021 về triển khai tái tạo văn hoá Petrovietnam. Những kết quả bước đầu trong việc triển khai Kế hoạch liên tịch đã mang lại hiệu quả, sức lan tỏa tốt tới toàn đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể, từ đó nâng cao trách nhiệm, tính tự chủ trong triển khai các hoạt động trong toàn bộ hệ thống chính trị của Tập đoàn.

Trong thời gian tới, đồng chí Trần Quang Dũng đề nghị các tổ chức đoàn thể tiếp tục phát huy những ưu điểm trong thời gian qua, khắc phục các hạn chế để công tác phối hợp hoạt động giữa 3 tổ chức ngày càng tốt hơn và đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo chỗ dựa vững chắc để Tập đoàn, các đơn vị thành viên cùng đồng tâm, đồng sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.

6. Họp Chiến lược phát triển BSR đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Để hoàn thiện Chiến lược phát triển Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 25/10/2022, BSR và Tập đoàn tư vấn Boston (BCG, có trụ sở chính tại Hoa Kỳ - là Nhà tư vấn uy tín hàng đầu thế giới đã được lựa chọn để triển khai dự án này) đã tổ chức cuộc họp cấp cao giữa các Bên để rà soát báo cáo lần cuối.

Buổi họp Chiến lược phát triển BSR đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Buổi họp Chiến lược phát triển BSR đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Thành viên HĐTV Petrovietnam Bùi Minh Tiến đánh giá Đề án Chiến lược phát triển của BSR phù hợp với Chiến lược phát triển chung của Petrovietnam, trong đó Petrovietnam không chỉ là Tập đoàn tập trung vào 5 lĩnh vực cốt lõi như ban đầu mà đang từng bước thâm nhập vào lĩnh vực năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi. Tầm nhìn, sứ mệnh của BSR cũng đồng nhất với tầm nhìn, sứ mệnh với Petrovietnam, tức là chuyển dịch để xanh hơn, sạch hơn, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Để đề án Chiến lược phát triển của BSR được hoàn chỉnh, Thành viên HĐTV Petrovietnam Bùi Minh Tiến đề nghị Tư vấn thể hiện rõ các số liệu dự báo cung -cầu tại thị trường Việt Nam đối với các mốc Chiến lược quan trọng (năm 2030 và 2045) nhằm đảm bảo các giải pháp chiến lược của BSR phù hợp với xu thế và sát với thực tế nhất có thể.

Sau buổi làm việc và tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, góp ý, Tư vấn BCG tiếp tục làm việc với BSR để hoàn thiện đề án Chiến lược phát triển BSR đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

7. Giàn khai thác Cá Tầm 2 đón dòng dầu đầu tiên

Vào lúc 8h ngày 28/10/2022, giàn khai thác Cá Tầm 2 (CTC-2) thuộc mỏ Cá Tầm, Lô 09-3/12 đã chính thức khai thác dòng dầu đầu tiên (first oil).

Các sự kiện nổi bật của Petrovietnam trong tuần từ ngày 23/10 đến 30/10/2022
Giàn khai thác Cá Tầm 2 (CTC-2)

Giàn CTC-2 cùng các hạng mục kết nối nội mỏ được xây dựng tại mỏ Cá Tầm, Lô 09-3/12, thuộc thềm lục địa Việt Nam, cách thành phố Vũng Tàu khoảng 160 km về phía Đông Nam. Đây là loại giàn đầu giếng cỡ nhỏ do Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro tự thiết kế, mua sắm, chế tạo, lắp đặt, đấu nối và chạy thử (EPCIC). Giàn CTC-2 được xây dựng để khai thác dầu và khí với 12 lỗ giếng khoan, có tổng khối lượng xây lắp khoảng 2.380 tấn.

Việc về đích sớm hơn mục tiêu 47 ngày của CTC-2 sẽ góp phần đáng kể trong việc hoàn thành Chương trình công tác và ngân sách năm 2022 của Lô 09-3/12, cũng như góp phần vào kế hoạch sản xuất chung của Nhà điều hành Vietsovpetro trong năm 2022.

Công trình CTC-2 đã hoàn thành và đưa vào khai thác tiếp tục khẳng định sức mạnh nội lực, sự tự chủ nhân lực, công nghệ của Nhà điều hành Vietsovpetro trong việc thiết kế, thi công chế tạo, lắp đặt các công trình biển. Đây cũng là món quà đầy ý nghĩa để chúc mừng Tổ hợp Nhà thầu Vietsovpetro - PVEP - Bitexco kỷ niệm tròn 10 năm ngày ký PSC Lô 09-3/12, là một cột mốc ghi nhận sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa các bên Nhà thầu.

8. Trường Đại học Dầu khí Việt Nam công bố đạt chuẩn kiểm định chất lượng ABET

Sáng ngày 28/10/2022, tại Thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) long trọng tổ chức lễ công bố đạt chuẩn kiểm định chất lượng ABET - tổ chức kiểm định của Hoa Kỳ đối với 3 chương trình đào tạo của trường là: Kỹ thuật Địa chất (KTĐC), Kỹ thuật Dầu khí (KTDK) và Kỹ thuật Hóa học (KTHH); có hiệu lực từ 1/10/2019 đến 30/9/2028. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là minh chứng khẳng định về chất lượng và hiệu quả các mặt hoạt động của PVU với xã hội; đồng thời nâng cao vị thế và hình ảnh của trường, giúp người học có nhiều cơ hội học tập cũng như làm việc trên toàn cầu.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh trao chứng nhận đạt chuẩn ABET cho PVU
Thứ trưởng Ngô Thị Minh trao chứng nhận đạt chuẩn ABET cho PVU

Việc được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng của ABET, sinh viên Trường Đại học Dầu khí Việt Nam được đào tạo trong một môi trường với trang thiết bị đầy đủ hiện đại đạt được sự công nhận của một tổ chức quốc tế uy tín; được đào tạo một cách toàn diện... Với kết quả này, PVU là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam có tất cả các chương trình đào tạo về dầu khí đạt chuẩn kiểm định chất lượng ABET.

9. “Luôn rèn luyện, tăng cường tính chủ động, chuyên nghiệp trong công tác văn phòng”

Ngày 28/10, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã tổ chức hội nghị Công tác Văn phòng năm 2022 tại Đà Nẵng. Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá các kết quả của khối văn phòng Tập đoàn và các đơn vị đã đạt được trong thời gian qua.

Ông Hoàng Quốc Vượng – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrovietnam đánh giá cao công tác văn phòng của Tập đoàn và của các đơn vị. Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác văn phòng, khối văn phòng đã đóng góp công sức rất lớn khi thực hiện nhiệm vụ xây dựng môi trường làm việc đảm bảo an toàn, thông suốt, đảm bảo công tác sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và tất cả các đơn vị.

“Vai trò của công tác văn phòng vô cùng quan trọng. Tại thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng, nhiều đơn vị đã bị gián đoạn sản xuất, cung ứng bị đứt đoạn, riêng Tập đoàn và các đơn vị thành viên của chúng ta vẫn có thể tiếp tục duy trì công tác sản xuất, kinh doanh một cách thông suốt, ổn định. Đó cũng là một phần công sức của khối văn phòng. Tôi mong rằng, khối văn phòng sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa đội ngũ làm việc, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp hơn nữa; luôn rèn luyện, tăng cường tính chủ động và chuyên nghiệp. Cũng cần có sự thống nhất giữa các mô hình văn phòng trên toàn Tập đoàn. Đối với những người làm công tác văn phòng, phải cố gắng nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với vị trí, nhiệm vụ, chức năng được giao, đóng góp sức mình vào sự phát triển chung của toàn Tập đoàn”, Chủ tịch Hoàng Quốc Vượng chia sẻ.

10. Để NMNĐ Thái Bình 2 thực sự là điểm sáng của nền kinh tế

Ngày 29/10, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng dẫn đầu đoàn công tác Tập đoàn kiểm tra tiến độ tại dự án Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2 (Dự án).

Tính đến ngày 29/10, Dự án còn 63 ngày nữa là phải hoàn thành. Tiến độ tổng thể Dự án đạt 96,95%. Đoàn công tác của Tập đoàn đã kiểm tra thực tế tiến độ vận hành các hạng mục cảng nhận than, hệ thống kho than số 2 của Dự án. Sau đó, Tổng Giám đốc Petrovietnam đã chủ trì giao ban công trường tại trụ sở Ban QLDA.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng kiểm tra tiến độ vận hành cảng nhận than NMNĐ Thái Bình 2.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng kiểm tra tiến độ vận hành cảng nhận than NMNĐ Thái Bình 2.

Tại buổi giao ban đã diễn ra Lễ công bố và quyết định của Tổng Giám đốc Tập đoàn bổ nhiệm đồng chí Mai Văn Long – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh giữ chức Phó Trưởng ban QLDA NĐDK Thái Bình 2.

Sau khi lắng nghe ý kiến, trao đổi của lãnh đạo các nhà thầu vận hành, xây dựng, lãnh đạo các ban chuyên môn Tập đoàn, của Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Phạm Tiến Dũng, kết luận giao ban, đồng chí Lê Mạnh Hùng đánh giá cao nỗ lực của tập thể CBCNV Ban QLDA, Tổng thầu và các nhà thầu trên công trường. Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, đây là giai đoạn rất quan trọng, tập thể CBCNV trên công trường tiếp tục cố gắng triển khai để NMNĐ Thái Bình 2 thực sự là điểm sáng của nền kinh tế.

Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng yêu cầu Ban QLDA, Tổng thầu PETROCONs và các nhà thầu thực hiện các nhóm công việc sau: cập nhật, thống nhất, quán triệt kế hoạch, mục tiêu dự án trong ngắn hạn và dài hạn; Trên cơ sở kế hoạch cần phân tích rủi ro, cơ hội; Hoàn thiện công tác lắp đặt, chạy thử; Tổ chức bộ máy chuẩn bị sản xuất vận hành đồng bộ và sẵn sàng chuyển giao phát điện thương mại; Thực hiện nhanh và đầy đủ các thủ tục pháp lý chuyển giao nhà máy; Chuẩn bị chu đáo về tài chính, trong đó chủ yếu là mua than, vật tư chính, hóa chất… Bên cạnh đó, yêu cầu nhà thầu Thanh Đảo Sotec phải huy động đủ nhân lực vận hành chạy thử nhà máy, nhân lực có kinh nghiệm đề phòng các trường hợp khẩn cấp và xử lý sự cố.

Các sự kiện nổi bật của Petrovietnam trong tuần từ ngày 16/10 đến 23/10/2022Các sự kiện nổi bật của Petrovietnam trong tuần từ ngày 16/10 đến 23/10/2022
Các sự kiện nổi bật của Petrovietnam trong tuần từ ngày 9/10 đến 16/10/2022Các sự kiện nổi bật của Petrovietnam trong tuần từ ngày 9/10 đến 16/10/2022
Các sự kiện nổi bật của Petrovietnam trong tuần từ ngày 2/10 đến 9/10/2022Các sự kiện nổi bật của Petrovietnam trong tuần từ ngày 2/10 đến 9/10/2022

H.A

DMCA.com Protection Status