Cán bộ hưu trí địa chất, trắc địa tham quan Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

16:55 | 18/06/2015

1,287 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ngày 17/6, đoàn cán bộ hưu trí địa chất, trắc địa, họa đồ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã tổ chức tham quan Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Tham gia đoàn có bác Nguyễn Giao, Anh hùng lao động, nguyên Vụ trưởng kỹ thuật Tổng cục Dầu khí, nguyên Tổng giám đốc  Liên doanh Vietsovpetro làm Trưởng đoàn; bác Trần Lê Đông, Anh hùng lao động, nguyên Tổng Giám đốc Liên doanh Vietsovpetro cùng hơn 70 thành viên nguyên là lãnh đạo, cán bộ chuyên gia đầu ngành về địa chất, trắc địa, thử vỉa, địa hóa,  họa đồ thuộc các đơn vị PVEP, PVI, Liên doanh Vietsovpetro…

Đây là chương trình thuộc kế hoạch thường niên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong việc tri ân với các thế hệ người lao động ngành Dầu khí. Những người đã có mặt trên các nẻo rừng Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, núi rừng Thanh Nghệ, Nam trung bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, các đảo xa và thềm lục địa Việt Nam để khảo sát địa chất nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò về dầu khí.

Có thể nói, hoạt động của cán bộ địa chất, trắc địa, họa đồ đã cung cấp rất nhiều tài liệu và thông tin quý giá, những kết luận quan trọng về cấu trúc địa chất, tiềm năng dầu khí cho ngành Dầu khí Việt Nam. Lịch sử ngành dầu khí ghi nhận đậm nét những mốc son trong thời kỳ đầu khó khăn, gian khổ của nhưng người đã tham gia công tác khảo sát địa chất, trăc địa từ những ngày đầu chưa hình thanh ngành dầu khí đến nay đã tạo dựng được nền móng cho sự phát triển của một nền công nghiệp dầu khí trong tương lai.

Đoàn công tác tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại đài quan sát trên đồi Cây Sấu

Đón tiếp đoàn, ông Nguyễn Hoài Giang,  Chủ tịch HĐTV  Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị quản lý và vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất đã báo cáo nhanh với đoàn về quá trình xây dựng, nhận bàn giao và vận hành nhà máy.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia được xem như biểu tượng của ngành công nghiệp Việt Nam. Từ khi cho ra đời dòng sản phẩm đầu tiên đến nay, bình quân hàng năm doanh thu của BSR đạt 5 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 1 tỷ USD/năm. Công suất của nhà máy là 6,5 triệu tấn, đáp ứng gần 30% nhu cầu xăng dầu của cả nước. Trong tương lai, BSR nâng công suất của nhà máy lên 8,5 triệu tấn, đáp ứng hơn 40% nhu cầu xăng dầu của cả nước. Đồng thời, phối hợp với các nhà máy lọc dầu mới để mong muốn đáp ứng nhu cầu tối đa về xăng dầu của nội địa góp phần đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước..

Hiện nay, BSR đã trở thành doanh nghiệp đứng ở vị trí thứ 6 trong số các doanh nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam. Kể từ khi vận hành thương mại đến nay, BSR đã đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 100 ngàn tỷ đồng. Đóng góp vào thu ngân sách của Quảng Ngãi hằng năm trên 80%. Tính riêng năm 2014, BSR đóng góp vào tổng thu ngân sách quốc gia khoảng 3%.

Cũng trong năm 2014, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Nhà máy Polypropylene đã hoạt động an toàn, ổn định ở công suất thiết kế. Năm 2014, giá dầu giảm nhanh và sâu đã ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty nhưng bằng sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc của tập thể CBCNV Công ty BSR nên các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra.

Công tác tổ chức kinh doanh được triển khai hiệu quả, các hợp đồng tiêu thụ, phân phối sản phẩm với các đầu mối kinh doanh đều diễn ra theo đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ vận hành của Nhà máy lên tới 102%  và góp phần ổn định thị trường.

Đoàn công tác tham quan Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt đoàn, bác Trần Lê Đông bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới Đảng uỷ, Lãnh đạo Tập đoàn và Văn phòng Tập đoàn đã tạo điều kiện tổ chức chuyến đi đầy ý nghĩa này; đây là dịp để các cán bộ hưu trí, đã chuyển công tác, chuyển ngành có cơ hội gặp mặt, ôn lại những năm tháng làm việc tại ngành Dầu khí và vinh dự được tới thăm một đơn vị điển hình tiêu biểu của ngành. “Để có được như ngày hôm nay, chúng ta phải luôn ghi nhớ và tỏ lòng biết ơn đến lớp đàn anh, những nhà địa chất đầu đàn như bác Ngô Thường San, Trần Văn Hồi, Hoàng Thành, Nguyễn Hữu Lạc…; các vị tiền bối địa chất, những người đặt nền móng gây dựng nên ngành Dầu khí Việt Nam như ông Lê Văn Cự, Nguyễn Quang Hạp, Nguyễn Đình Khuông…”.

Tại nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn, bác Nguyễn Giao gửi lời cảm ơn chân thành tới Ban Tổng giám đốc Công ty BRS đã nhiệt tình tiếp đón đoàn, dẫn đoàn đi thăm quan giới thiệu nhà máy. Cả đoàn thực sự ấn tượng trước những đổi thay và lớn mạnh của đơn vị với cơ sở vật chất khang trang, nhiều công trình sản xuất kinh doanh xen kẽ văn hoá được xây dựng làm tô đẹp thêm cảnh quan.

Bác Nguyễn Giao nêu rõ vị trí chiến lược và vai trò tiên phong của BSR ở khâu trung nguồn. “Tôi mong rằng, BSR sẽ ngày càng phát triển lớn mạnh hơn nữa trong tương lai, đào tạo được những thế hệ chuyên gia về lọc-hóa dầu ngày càng chuyên nghiệp, tinh nhuệ, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của ngành Dầu khí. Rồi đây, các cán bộ, chuyên gia của BSR sẽ tỏa đi khắp đất nước, trở thành những trụ cột của ngành lọc-hóa dầu trong tương lai”, bác Nguyễn Giao chia sẻ.

Cũng tại buổi tham quan Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đoàn đã được nghe bác Lê Lâm Hoa, xúc động kể về những ngày đầu tham gia xây dựng nhà máy với biết bao khó khăn từ lúc còn đào móng, xây dựng cho đến cả chuyện liên quan đến tâm linh... Nay sau 21 năm trở lại thăm thành phố Quảng Ngãi đã thay đổi, với “trái tim” là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã sự tạo ra bước đột phá về kinh tế, xã hội cho địa phương này.

Trước đó, ngày 16/6, đoàn cán bộ hưu trí địa chất, trắc địa, họa đồ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã thăm bán đảo Sơn Trà nơi được xem là "lá phổi xanh" của Đà Nẵng, thăm Chùa Linh Ứng Bãi Bụt nơi có tượng Phật Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam.

Nguyễn Hoan

Năng lượng Mới

DMCA.com Protection Status