Xây dựng Quy hoạch năng lượng quốc gia:

Cần đánh giá đầy đủ hiện trạng các phân ngành ngành năng lượng

09:37 | 01/12/2022

29,779 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xây dựng cho thời kỳ 2021-2030 nên việc đánh giá hiện trạng cần phải đầy đủ các phân ngành năng lượng hiện có và với thời hạn tới hết 2020. Bởi thực tế là các chỉ tiêu về phát triển các ngành năng lượng trong thời gian qua đều không đạt, nhưng nguyên nhân tại sao thì lại rất mờ nhạt. Do đó phải chỉ cho ra được nguyên nhân chủ quan thì mới khắc phục được, nếu không tình trạng trên sẽ cũng tái lặp lại như vậy, nghĩa là đến 2030 hay 2045-2050 các mốc chỉ tiêu sẽ khó khả thi để đạt được.

Hội Dầu khí Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương góp ý về Dự thảo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Dự thảo Quy hoạch).

Cần đánh giá đầy đủ hiện trạng các phân ngành ngành năng lượng
Người lao động dầu khí làm việc trên Giàn Hải Thạch - Mộc Tinh

Tại văn bản trên, Hội Dầu khí Việt Nam đánh giá Dự thảo Quy hoạch đã được các đơn vị tư vấn nghiên cứu, biên soạn khá công phu với khối lượng khổng lồ để phác họa được bức trang tổng thể ngành Năng lượng Việt Nam phát triển trong giai đoạn quy hoạch, tuân thủ Luật Quy hoạch số 21/17/QH14. Tuy nhiên, để đáp ứng mục tiêu có được bản Dự thảo Quy hoạch tốt hơn, đáp ứng đúng theo quy định và sự kỳ vọng từ các cấp quản lý và quan trọng nhất là đảm bảo tính khả thi, Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng vẫn còn một số vấn đề/nội dung cần xem xét, làm rõ.

Cụ thể, Dự thảo Quy hoạch cần tập trung đánh giá, nghiên cứu đề ra mục tiêu khả thi để thực hiện được, trong đó vấn đề tiến độ phải được đặt ra mang tính ràng buộc/“pháp lệnh”, tránh đi vào chi tiết từng phân ngành năng lượng vì đã hoặc sẽ được thể hiện trong các quy hoạch từng phân ngành năng lượng.

Quy hoạch này xây dựng cho thời kỳ 2021-2030 nên việc đánh giá hiện trạng cần phải đầy đủ các phân ngành năng lượng hiện có và với thời hạn tới hết 2020. Thực tế là các chỉ tiêu về phát triển các ngành năng lượng trong thời gian qua đều không đạt, nhưng nguyên nhân tại sao thì lại rất mờ nhạt.

“Phải ra cho được nguyên nhân chủ quan thì mới khắc phục được, nếu không tình trạng trên sẽ cũng tái lặp lại như vậy, nghĩa là đến 2030 hay 2045-2050 các mốc chỉ tiêu sẽ khó khả thi để đạt được”, Hội Dầu khí Việt Nam đưa quan điểm.

Dự thảo Quy hoạch, phần cơ cấu tổ chức ngành Năng lượng không nhắc tới phân ngành Năng lượng tái tạo và phần đánh giá hiện trạng cho từng phân ngành lại khác nhau về mốc thời gian. Do đó, rất cần thiết đánh giá sự tương hỗ của các phân ngành năng lượng trong tổng thể năng lượng quốc gia. Bản thân các phân ngành năng lượng có sự tương tác với nhau và sẽ trở thành chuỗi trong thể năng lượng quốc gia mới đảm bảo hiệu quả.

Dự thảo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đang được xây dựng để trình cho các cấp phê duyệt, vậy nên, Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng Dự thảo Quy hoạch rất cần có được quan điểm phát triển năng lượng đất nước. Cơ sở pháp lý của Dự thảo Quy hoạch cũng cần bổ sung các luật chuyên ngành và các nghị định, thông tư có liên quan.

Ngành Năng lượng dựa nhiều vào việc khai thác và sử dụng tài nguyên của đất nước sao có hiệu quả dựa trên tiềm năng. Tuy nhiên, Dự thảo Quy hoạch chưa được ra một cách hệ thống quy hoạch đánh giá tiềm năng tài nguyên năng lượng của đất nước (điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng năng lượng sơ cấp cảu đất nước với từng phân ngành để dựa trên đó mới có thể xây dựng quy hoạch khả thi được. Năng lượng tái tạo là phân ngành mới phát triển những năm gần đây nhưng còn mang tính tự phát và “cảm tính” khi chưa hề có một kết quả đánh giá toàn bộ/tổng thể nào về tiềm năng và dựa nhiều vào các kết quả điều tra, đánh giá của tổ chức nào đó, với mục đích riêng của tổ chức đó, không đảm bảo tính khách quan và có thể mất tính chủ động.

Từ phân tích đó, Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng cần đưa ra đánh giá cơ cấu theo các phân ngàng năng lượng (bao gồm từ tài nguyên trong nước và nhập khẩu) trong việc cung cấp năng lượng sơ cấp cho nền kinh tế đất nước để xác định vị trí của mỗi phân ngành.

Quy hoạch phải nêu ra 2 phần rõ ràng là đầu vào là nguồn năng lượng sơ cấp (tại chỗ và nhập khẩu), hệ thống hạ tầng cơ sở (xử lý vận chuyển, chế biến, cảng xuất/nhập khẩu, truyền tải…) để tạo ra các nguồn năng lượng thứ cấp/cuối cùng. Tuy nhiên, Dự thảo Quy hoạch lại tỏ ra mất cân đối về việc này.

Để góp phần giảm phát thải khí nhà kinh, trong Dự thảo Quy hoạch cần đưa ra những giải pháp mang tính đột phá về công nghệ để thu hồi và sử dụng CO2 từ phát thải của các nhà máy đốt nhiên liệu hóa thạch cũng như phần CO2 tách ra từ dòng khí khai thác từ các có chứa hàm lượng CO2 cao.

Trước đó, khi đề cập với PetroTimes về Dự thảo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Dự thảo Quy hoạch đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến rộng rãi, TS Phan Ngọc Trung, nguyên Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Trưởng ban Tư vấn & Phản biện Hội Dầu khí Việt Nam cũng thẳng thắn cho rằng: Trước hết cần phải xem xét các mục tiêu, kế hoạch được đặt ra trong chiến lược, quy hoạch được xây dựng dựa trên cơ sở nào, có đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và tiềm năng hay không. Điều này rất quan trọng bởi đây là lĩnh vực có tính đặc thù cao, nguồn năng lượng sơ cấp vẫn chiếm tỷ trọng lớn lại nhiều rủi ro.

“Chiến lược hay quy hoạch năng lượng phải được xây dựng trên cơ sở tiềm năng, trữ lượng tài nguyên theo từng loại hình/phân ngành năng lượng. Số liệu về tiềm năng và trữ lượng chỉ có thể tin cậy nhờ vào công tác điều tra cơ bản, tìm kiếm, thăm dò được triển khai thường xuyên theo chu kỳ thời gian. Chúng ta sẽ không thực hiện được nếu như các mục tiêu, kế hoạch được đề ra vượt xa tiềm năng thực tế. Nó giống như việc muốn khai thác nhiều dầu khí nhưng tiềm năng, trữ lượng không có thì lấy đâu mà khai thác”, TS Phan Ngọc Trung nêu vấn đề.

Việc khảo sát, nghiên cứu để từ đó đưa ra các đánh giá chính xác nhất về tiềm năng, trữ lượng của các loại hình năng lượng cũng phải được thực hiện một cách thường xuyên, có tính liên tục để tạo cơ sở, tiền đề xem xét, điều chỉnh các kế hoạch khai thác, phát triển các nguồn năng lượng sao cho có hiệu quả. Không ai đảm bảo rằng trữ lượng của một mỏ dầu ngày hôm nay được xác định là 100 triệu thùng thì 5 hay 10 năm nữa trữ lượng đó vẫn như vậy. Nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật và có thể là từ thực tế khai thác, trữ lượng đó không đạt như kỳ vọng hoặc cũng có thể cao hơn kỳ vọng. Khi đó chúng ta sẽ phải cần có sự điều chỉnh cho phù hợp để làm sao mục tiêu chung của chiến lược, quy hoạch năng lượng vẫn được đảm bảo, các nguồn năng lượng được khai thác một cách tối ưu, hiệu quả nhất, giảm thiểu/hạn chế sự phụ thuộc năng lượng từ bên ngoài, nhất là phụ thuộc chỉ vào một số nguồn nhất định. Điều này là vô cùng quan trọng bởi chỉ một sự “lệch pha” trong quá trình thực hiện thì lập tức nó sẽ tác động ngay đến “sức khỏe” của nền kinh tế. Câu chuyện năng lượng ở châu Âu hiện nay chính là một minh chứng rõ nét nhất cho cảnh báo đó.

Thứ nữa, khi xem xét, đánh giá các dự thảo về chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng, chúng ta cần phải xem xét đến tính liên thông, tương hỗ và liên kết giữa các phân ngành năng lượng đôi khi cần tạo thành chuỗi, đặc biệt là 3 lĩnh vực dầu khí, điện và than - những trụ cột, giữ vai trò chủ đạo trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trong đó, điện là khâu cuối với tỷ phần cao cung cấp năng lượng trực tiếp, là đầu vào cho hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế cũng như đời sống nhân dân.

"Điện có thể được ví là “máu” nuôi sống “cơ thể nền kinh tế” nhưng để dòng máu đó thông suốt, đảm bảo đủ cả về chất và lượng thì không thể thiếu dầu khí và than, bởi đây cũng chính là đầu vào cơ bản của điện, ngoài thủy điện và các loại hình năng lượng tái tạo", TS Phan Ngọc Trung nói.

Thanh Ngọc

Chuyển đổi số – một phần tất yếu trong chiến lược phát triển của PetrovietnamChuyển đổi số – một phần tất yếu trong chiến lược phát triển của Petrovietnam
Thủ tướng: Quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lượcThủ tướng: Quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược
Định hướng phát triển ngành dầu khí theo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045Định hướng phát triển ngành dầu khí theo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045
Chuyển đổi số là nhu cầu tự thân mang tính chiến lược của PetrovietnamChuyển đổi số là nhu cầu tự thân mang tính chiến lược của Petrovietnam
Chiến lược, quy hoạch năng lượng phải được xây dựng trên cơ sở tiềm năng tài nguyên đất nướcChiến lược, quy hoạch năng lượng phải được xây dựng trên cơ sở tiềm năng tài nguyên đất nước
Họp Chiến lược phát triển BSR đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045Họp Chiến lược phát triển BSR đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

DMCA.com Protection Status