Chiến lược, quy hoạch năng lượng phải được xây dựng trên cơ sở tiềm năng tài nguyên đất nước

07:00 | 19/10/2022

5,721 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - “Gốc có vững, cây mới bền”. Mọi thứ đều được bắt đầu từ gốc rễ, có gốc thì mới có ngọn. Việc xây dựng chiến lược hay quy hoạch phát triển năng lượng cũng vậy, nó phải được dựa trên số liệu tiềm năng, trữ lượng tài nguyên đất nước theo từng phân ngành. Có như vậy nó mới đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện. Đây là vấn đề được TS Phan Ngọc Trung, nguyên Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Trưởng ban Tư vấn & Phản biện Hội Dầu khí Việt Nam đặt ra khi đề cập Dự thảo Chiến lược, Quy hoạch năng lượng đang được Bộ Công Thương chủ trì xây dựng và đang lấy ý kiến rộng rãi.
Chiến lược, quy hoạch năng lượng phải được xây dựng trên cơ sở tiềm năng tài nguyên đất nước
TS Phan Ngọc Trung, nguyên Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Trưởng ban Tư vấn & Phản biện Hội Dầu khí Việt Nam

Theo TS Phan Ngọc Trung, nếu ví nền kinh tế là một “cơ thể sống” thì các sản phẩm của ngành năng lượng như điện, than, xăng dầu, khí… chính là “nguồn sống”, là “máu”, là “thức ăn” của nền kinh tế. Sự phát triển của ngành năng lượng vì thế là sự đảm bảo cho quá trình tăng trưởng, phát triển ổn định, bền vững của mọi quốc gia, vùng lãnh thổ. Vậy nên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt được Đảng, Chính phủ đặt ra đối với công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển của ngành năng lượng là “phải đi trước một bước”. Đi trước để tạo nền tảng, tiền đề cho các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế hay hiểu một cách đơn giản là để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng cho quá trình tăng trưởng, phát triển của “cơ thể” nền kinh tế.

Chiến lược và quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia vì thế cần phải đảm bảo tính khả thi ở mức cao nhất, các mục tiêu, kế hoạch được đề ra cũng phải sát với thực tế, bám sát với định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hay nói một cách khác thì nó phải có sự đồng điệu, hòa nhịp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế để thực sự là nền tảng, tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội như tinh thần đã được Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị đặt ra.

Đề cập cụ thể đến dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến rộng rãi, TS Phan Ngọc Trung cho rằng, trước hết cần phải xem xét các mục tiêu, kế hoạch được đặt ra trong chiến lược, quy hoạch được xây dựng dựa trên cơ sở nào, có đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn và tiềm năng hay không. Điều này rất quan trọng bởi đây là lĩnh vực có tính đặc thù cao, nguồn năng lượng sơ cấp vẫn chiếm tỷ trọng lớn lại nhiều rủi ro.

“Chiến lược hay quy hoạch năng lượng phải được xây dựng trên cơ sở tiềm năng, trữ lượng tài nguyên theo từng loại hình/phân ngành năng lượng. Số liệu về tiềm năng và trữ lượng chỉ có thể tin cậy nhờ vào công tác điều tra cơ bản, tìm kiếm, thăm dò được triển khai thường xuyên theo chu kỳ thời gian. Chúng ta sẽ không thực hiện được nếu như các mục tiêu, kế hoạch được đề ra vượt xa tiềm năng thực tế. Nó giống như việc muốn khai thác nhiều dầu khí nhưng tiềm năng, trữ lượng không có thì lấy đâu mà khai thác”, TS Phan Ngọc Trung nêu vấn đề.

Chiến lược, quy hoạch năng lượng phải được xây dựng trên cơ sở tiềm năng tài nguyên đất nước
Khai thác dầu khí tại mỏ Đại Hùng.

Việc khảo sát, nghiên cứu để từ đó đưa ra các đánh giá chính xác nhất về tiềm năng, trữ lượng của các loại hình năng lượng cũng phải được thực hiện một cách thường xuyên, có tính liên tục để tạo cơ sở, tiền đề xem xét, điều chỉnh các kế hoạch khai thác, phát triển các nguồn năng lượng sao cho có hiệu quả. Không ai đảm bảo rằng trữ lượng của một mỏ dầu ngày hôm nay được xác định là 100 triệu thùng thì 5 hay 10 năm nữa trữ lượng đó vẫn như vậy. Nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật và có thể là từ thực tế khai thác, trữ lượng đó không đạt như kỳ vọng hoặc cũng có thể cao hơn kỳ vọng. Khi đó chúng ta sẽ phải cần có sự điều chỉnh cho phù hợp để làm sao mục tiêu chung của chiến lược, quy hoạch năng lượng vẫn được đảm bảo, các nguồn năng lượng được khai thác một cách tối ưu, hiệu quả nhất, giảm thiểu/hạn chế sự phụ thuộc năng lượng từ bên ngoài nhất là phụ thuộc chỉ vào một số nguồn nhất định . Điều này là vô cùng quan trọng bởi chỉ một sự “lệch pha” trong quá trình thực hiện thì lập tức nó sẽ tác động ngay đến “sức khỏe” của nền kinh tế. Câu chuyện năng lượng ở châu Âu hiện nay chính là một minh chứng rõ nét nhất cho cảnh báo đó.

Thứ nữa, khi xem xét, đánh giá các dự thảo về chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng, chúng ta cần phải xem xét đến tính liên thông, tương hỗ và liên kết giữa các phân ngành năng lượng đôi khi cần tạo thành chuỗi, đặc biệt là 3 lĩnh vực dầu khí, điện và than - những trụ cột, giữ vai trò chủ đạo trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trong đó, điện là khâu cuối với tỷ phần cao cung cấp năng lượng trực tiếp, là đầu vào cho hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế cũng như đời sống nhân dân. Điện có thể được ví là “máu” nuôi sống “cơ thể nền kinh tế” nhưng để dòng máu đó thông suốt, đảm bảo đủ cả về chất và lượng thì không thể thiếu dầu khí và than, bởi đây cũng chính là đầu vào cơ bản của điện, ngoài thủy điện và các loại hình năng lượng tái tạo.

Chính vì thế, việc tiến hành nghiên cứu, đưa đánh giá về tiềm năng, trữ lượng còn giúp chúng ta đề ra kế hoạch khai thác một cách hiệu quả nhất các nguồn lực tài nguyên năng lượng. Tùy bối cảnh, thời điểm, chúng ta có thể điều chỉnh tỷ trọng khai thác các nguồn năng lượng khác nhau để “pha trộn” sao cho có tính hiệu quả nhưng vẫn phù hợp ngưỡng tiêu chuẩn môi trường cho phép. Lúc này có thể là điện than đang có tỷ phần cao nhưng 5-10 năm nữa có thể sẽ là điện khí, phong điện, điện mặt trời...

Các chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng bên cạnh việc được xây dựng trên cơ sở đánh giá tiềm năng, trữ lượng của đất nước, có tính liên thông giữa các phân ngành năng lượng thì cũng không nên quá đi vào chi tiết mà chỉ cần đặt ra những mục tiêu, định hướng chung nhất cho cả ngành và từng phân ngành năng lượng. Những yếu tố mang tính chi tiết, cụ thể sẽ được cụ thể hóa, đề cập trong các chiến lược, quy hoạch phát triển của từng phân ngành năng lượng.

Điều quan trọng nữa, theo TS Phan Ngọc Trung, các chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng cũng cần phải được thể chế hóa vào các quy định pháp luật có liên quan một cách nhanh nhất, sớm nhất và nhất là đối với tiến độ dự án trong quy hoạch. Có như vậy, các chủ thể tham gia mới có cơ sở pháp lý và xác định trách nhiệm triển khai, thực hiện, các mục tiêu, kế hoạch được đặt ra và chỉ khi đó tính khả thi của chiến lược và quy hoạch mới có sở sở đảm bảo!

Thanh Ngọc

Quy hoạch phát triển lưới điện trong chiến lược phát triển năng lượngQuy hoạch phát triển lưới điện trong chiến lược phát triển năng lượng
Định hướng phát triển ngành dầu khí theo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045Định hướng phát triển ngành dầu khí theo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045
Ngành Điện trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045Ngành Điện trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
EU công bố Chiến lược năng lượng nhằm loại bỏ phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạchEU công bố Chiến lược năng lượng nhằm loại bỏ phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch
Nga thay đổi chiến lược năng lượngNga thay đổi chiến lược năng lượng
Chiến lược công nghiệp hydro của Trung QuốcChiến lược công nghiệp hydro của Trung Quốc
Chiến lược năng lượng mới của ItaliaChiến lược năng lượng mới của Italia
Đằng sau chiến lược năng lượng 2015 của Trung QuốcĐằng sau chiến lược năng lượng 2015 của Trung Quốc
Chiến lược năng lượng hạt nhân và tham vọng của Bắc KinhChiến lược năng lượng hạt nhân và tham vọng của Bắc Kinh
Chiến lược năng lượng của Arập XêútChiến lược năng lượng của Arập Xêút
Thấy gì từ chiến lược năng lượng của Iran?Thấy gì từ chiến lược năng lượng của Iran?

DMCA.com Protection Status