Góp ý Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp:

Cần đơn giản hóa các thủ tục, quy định, tăng tính chủ động trong sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước

07:05 | 23/08/2024

802 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Chiều 22/8, Bộ Tài chính tổ chức Tọa đàm “Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, nhằm lấy ý kiến của các doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) hướng đến hoàn thiện dự thảo Luật.
Cần đơn giản hóa các thủ tục, quy định, tăng tính chủ động trong sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước
Tọa đàm Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Để doanh nghiệp được chủ động sử dụng vốn hiệu quả

Tại tọa đàm, ông Dương Mạnh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam đề nghị, các doanh nghiệp thành viên thẳng thắn nêu ý kiến phản ánh thực tế trong quá trình sản xuất kinh doanh, đóng góp xác đáng cho cơ quan soạn.

“Mục tiêu lớn nhất của sửa đổi Luật lần này là đơn giản hóa các thủ tục, quy định để doanh nghiệp được chủ động sử dụng đồng vốn hiệu quả, hoàn thành vai trò trách nhiệm của các doanh nghiệp nhà nước”, ông Sơn nhấn mạnh.

Cần đơn giản hóa các thủ tục, quy định, tăng tính chủ động trong sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước
Ông Dương Mạnh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam phát biểu

Làm rõ đối tượng áp dụng của dự thảo Luật

Nêu góp ý về đối tượng áp dụng của Luật, ông Nguyễn Công Luận, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho rằng, vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp là phần vốn chủ sở hữu được đầu tư tại doanh nghiệp và được ghi nhận tương ứng với tỷ lệ vốn góp tại doanh nghiệp. Điều này mâu thuẫn với nguyên tắc vốn/tài sản góp vào doanh nghiệp là tài sản/vốn của doanh nghiệp. Do đó, PV GAS đề xuất làm rõ khái niệm về “vốn nhà nước” để xác định đối tượng áp dụng của Luật cho phù hợp.

Về đối tượng chịu sự điều chỉnh, hiện dự thảo Luật áp dụng với doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp (doanh nghiệp cấp 1) sẽ làm tăng trách nhiệm cho cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Tuy nhiên, về đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác (doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp – doanh nghiệp cấp 2) sẽ tạo cơ chế bất bình đẳng giữa các cổ đông trong việc thực hiện quyền/nghĩa vụ của cổ đông theo điều lệ của doanh nghiệp.

Do đó, PV GAS kiến nghị dự thảo Luật chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp cấp 1 theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020. Đối với doanh nghiệp cấp 2 chỉ áp dụng đối với người đại diện phần vốn của doanh nghiệp cấp 1.

Cần đơn giản hóa các thủ tục, quy định, tăng tính chủ động trong sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước
Ông Nguyễn Công Luận, Phó Tổng Giám đốc PV GAS phát biểu ý kiến

Đồng tình với PV GAS, ông Trần Thái Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho rằng, trong quản lý vốn ở các doanh nghiệp cấp 2, chỉ nên nêu nguyên tắc còn phần lớn điều hành sẽ để doanh nghiệp mẹ tức doanh nghiệp cấp 1 quyết định.

Về phân cấp đầu tư của doanh nghiệp cấp 2, ông Bảo cũng đề xuất chỉ quy định đến doanh nghiệp cấp 1 chịu trách nhiệm về chế tài áp dụng cho từng doanh nghiệp thành viên cụ thể, dựa trên sức khỏe tài chính mỗi doanh nghiệp cấp 2.

Với kiến nghị của các doanh nghiệp thành viên tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Mậu - Thành viên HĐTV Petrovietnam cho biết, đó cũng chính là mong muốn, đề xuất của Tập đoàn.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Mậu nhìn nhận vấn đề quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, quản lý nhân sự và chiến lược kinh doanh, dự thảo Luật đang đưa ra quy định chung các doanh nghiệp nhà nước là chưa phù hợp.

“Petrovietnam đang có chung một quy định với các doanh nghiệp có vốn nhà nước khác nhỏ hơn. Chúng tôi đề xuất dự thảo Luật đưa ra cơ chế giao Chính phủ có quyền xác định một nhóm doanh nghiệp trọng yếu sẽ được hưởng các cơ chế mạnh hơn”, ông Mậu góp ý.

Nói thêm về quy định đầu tư, theo ông Nguyễn Văn Mậu hiện có 2 quy trình: Thứ nhất trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt; thứ 2 trình chủ sở hữu phê duyệt. Nếu đi song song 2 quy trình này sẽ rất phức tạp, chồng chéo, bởi nội hàm hồ sơ là giống nhau nên Thành viên HĐTV Petrovietnam kiến nghị cơ quan soạn thảo lược bớt, giảm thiểu thủ tục cho doanh nghiệp.

Cần đơn giản hóa các thủ tục, quy định, tăng tính chủ động trong sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước
Ông Nguyễn Văn Mậu, Thành viên HĐTV Petrovietnam phát biểu

Coi trọng phân cấp, phân quyền

Góp ý cho dự thảo Luật, ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans) cho biết, doanh nghiệp lĩnh hội dự thảo và hiểu rằng tinh thần chung là phân cấp, phân quyền, tạo thông thoáng hơn cho doanh nghiệp.

Điều này được thể hiện rõ nhất ở 2 điểm: Nhà nước không can thiệp vào quản trị quản lý doanh nghiệp. Vốn nhà nước đưa vào doanh nghiệp là vốn doanh nghiệp hoạt động.

Ông Việt Anh đánh giá, đây là bước tiến mới của dự thảo Luật bởi khi dòng vốn đã vào doanh nghiệp thì cần được điều chỉnh theo chế tài của Luật Doanh nghiệp, tránh trùng lặp và bị hiểu sai.

Tuy nhiên, theo đại diện PV Trans, việc quy định quá kỹ về sử dụng quỹ đầu tư phát triển là không nên vì quỹ này đã được quy định nhiều ở Luật Doanh nghiệp 2020. Bên cạnh đó, việc phân cấp đầu tư rất quan trọng ở đầu tư vốn và đầu tư tài sản, cần xem xét các khía cạnh để đưa vào Luật tránh tắc nghẽn khi áp dụng.

“Nhà nước khi đầu tư vốn vào doanh nghiệp thì nhà nước cũng là một cổ đông nên quyền định đoạt là quyền quyết định đối với cổ phần, không thể tham gia quá sâu vào quản lý. Doanh nghiệp cấp 2 đã có Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, điều chỉnh. Mọi quyết định hoạt động của doanh nghiệp cấp 2 đều được thông qua đại hội đồng cổ đông và điều lệ doanh nghiệp”, Chủ tịch HĐQT PV Trans Phạm Việt Anh nêu ý kiến.

Tại tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp thành viên khác của Petrovietnam như PVOIL, PTSC, PVFCCo cũng đã nêu kiến nghị, góp ý về nhiều vấn đề như: sửa đổi Luật theo hướng tạo thông thoáng hơn cho doanh nghiệp có vốn nhà nước; đơn giản hóa, giảm bớt các thủ tục đầu tư, quản lý; không can thiệp quá sâu vào các vấn đề như quỹ đầu tư phát triển, quỹ lương hay các vấn đề khác… hướng đến mục tiêu là tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, "cởi trói" giúp doanh nghiệp có vốn nhà nước có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn.

Phát biểu kết luận tọa đàm, ông Doãn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, sẽ tiếp thu kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp thành viên Petrovietnam theo đúng nguyên tắc mục tiêu đặt ra, góp phần sớm hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần thứ nhất tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13).

Phương Thảo

Mobile Version DMCA.com Protection Status