Cháy xe tại Việt Nam không phải là hiện tượng bất thường

13:32 | 24/04/2012

687 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Nhiều vụ cháy nổ xe liên tục xảy ra, đặc biệt câu trả lời chưa rõ ràng về nguyên nhân từ phía các cơ quan chức năng khiến người dân hết sức lo lắng. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chế biến Dầu khí (PVPro) – Viện Dầu khí Việt Nam – đã tiến hành khảo sát và nghiên cứu đánh giá về hiện tượng trên.

Kết quả phân tích được PVPro đưa ra dựa trên cơ sở khoa học và phù hợp với hiện tượng cháy xe chung trên thế giới, có thể khiến người sử dụng phương tiện giao thông an tâm hơn.

Việt Nam có tỉ lệ cháy xe thấp hơn 10 lần Mỹ, Anh và Thụy Điển

Theo ông Phan Minh Quốc Bình, Giám đốc PVPro, trung tâm đã tiến hành so sánh con số thống kê cháy nổ xe ở Việt Nam và một số nước trên thế giới, nghiên cứu tài liệu về ảnh hưởng của các phụ gia pha xăng, khả năng gây cháy của nhiên liệu và lấy mẫu phân tích thực nghiệm.

Thử nghiệm xe chạy bằng xăng pha cồn (gasohol) - một trong nhiều hoạt động của Trung tâm PVPro

PVPro đã nghiên cứu thống kê số vụ cháy nổ xe ở Mỹ, Anh và Thụy Điển. Theo đó, Mỹ trung bình có 267.000 vụ cháy xe/năm trong thời gian từ năm 2003 đến 2007 (trên tổng số khoảng 254 triệu xe đăng ký). Như vậy, Mỹ có tỉ lệ xe cháy/tổng số xe đăng ký là khoảng 0,1%, với trung bình 31 vụ cháy xe/giờ và 1 người chết/ngày do cháy xe. Ngoài ra, ngay tại Mỹ có tới khoảng 12% số vụ cháy nổ xe không tìm ra nguyên nhân. Tại Anh, năm 2007 có số vụ cháy xe thấp nhất trong vòng 13 năm (tính đến 2007), giảm 14% so với năm 2006, nhưng vẫn có tới 50.800 xe cháy, trong đó có 78% là xe ôtô con, 8% xe tải, 3% xe tải lớn. Tỉ lệ cháy xe trên tổng xe đăng ký của Anh là 0,1-0,2%. Tại Thụy Điển, thống kê riêng cháy xe buýt – phương tiện có thể gây ảnh hưởng tới nhiều người, với trung bình 1.242 xe buýt đăng ký mới hàng năm và 13.710 xe sử dụng hàng năm, tỉ lệ cháy xe trong giai đoạn 1999-2009 lên tới 0,9%, riêng năm 2009 là 1,1%. Hầu hết nguyên nhân cháy xe buýt là từ buồng máy.

Qua nghiên cứu các vụ cháy nổ xe ở 3 quốc gia này, PVPro nhận định, nguyên nhân cháy xe chủ yếu do các lỗi kỹ thuật, hỏng hóc các bộ phận cơ khí, hệ thống điện, lỗi của quá trình sửa chữa hoặc bảo trì, bảo dưỡng trước đó, rò rỉ xăng dầu lên các bề mặt nóng và đặc biệt không tìm thấy nguyên nhân do nhiên liệu đối với các nước khảo sát. Nguồn cháy chủ yếu là từ máy phát điện, động cơ khởi động, ống dẫn nóng, khu vực ống xả…, vị trí cháy chủ yếu ở khu vực động cơ, hộp số…

Trở lại với số vụ cháy xe ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã thống kê chi tiết số vụ cháy xe từ hai nguồn báo chí và Cục Phòng cháy chữa cháy (PCCC) – Bộ Công an. Theo đó, Cục PCCC thống kê năm 2010 có 128 vụ cháy nổ xe, năm 2011 có 196 vụ. Các cơ quan báo chí năm 2011 đưa 65 vụ, đến thời điểm ngày 15/3/2012 đưa 75 vụ. Nhóm nghiên cứu đưa ra nhận xét, trong số các vụ cháy xác định được nguyên nhân thì đa số là do chập điện, va chạm; nguồn cháy, vị trí cháy… trong các vụ cháy nổ xe ở Việt Nam không khác biệt so với thế giới, đồng thời không tìm thấy nguyên nhân cháy do nhiên liệu. Con số thống kê vụ cháy tăng từ 126 năm 2010 lên 196 vụ năm 2011 của Cục PCCC và 75 vụ tính đến tháng 3/2012 (thống kê báo chí) khá lôgic với sự gia tăng phương tiện. Còn số vụ cháy nổ xe trên báo chí ghi nhận rất cao kể từ sau vụ cháy nổ xe gây chết người ngày 1/12/2011 tại Bắc Ninh.

Đặc biệt, nếu so với tổng số phương tiện đăng ký (gồm 1,27 triệu ôtô, xe khách, 32 triệu xe máy năm 2010 và 1,43 triệu ôtô, xe khách, 35 triệu xe máy năm 2011), Việt Nam có tỉ lệ trung bình 0,01 % cháy xe ôtô/xe khách, tỉ lệ cháy xe máy còn thấp hơn nữa, khoảng 0,000072% (theo nhận định của nhóm nghiên cứu, tỉ lệ cháy xe máy thực tế có thể cao hơn số này do chủ phương tiện xe máy không khai báo đầy đủ khi xảy ra cháy); trong khi tỉ lệ cháy xe trung bình ở Mỹ là 0,1%, Anh là 0,1-0,2%, Thụy Điển riêng xe buýt là 1,1%.

Theo PVPro, tỉ lệ cháy xe ở Việt Nam thấp hơn 10 lần Mỹ, Anh, Thụy Điển. Tỉ lệ cháy xe rất thấp đối với xe máy trong khi Việt Nam là nước có thị trường xe máy lớn thứ 4 thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia).

Nhóm đã tiến hành nghiên cứu tài liệu về khả năng gây cháy nổ xe khi pha các phụ gia oxygenates và phụ gia chống ôxy hóa vào xăng. Theo đó, không ghi nhận các phụ gia phổ biến, có thể bị pha trộn gây gian lận thương mại, có khả năng dẫn đến tự bốc cháy xe.

Như vậy, theo ông Phan Minh Quốc Bình, điều quan trọng nhất sau nghiên cứu và khảo sát này là có thể kết luận hiện tượng cháy xe ở Việt Nam không phải là bất bình thường. Các nước trên thế giới đều xảy ra hiện tượng này và đều chưa tìm thấy nguyên nhân cháy xe do nhiên liệu. Những thông tin cháy xe liên tục đăng tải trên báo chí gần đây tăng cao, có thể do hiệu ứng từ một số vụ cháy nổ xe gây chú ý dư luận, nhưng điều đó không phản ánh sự gia tăng đột biến hay bất thường nào.

Khuyến cáo sửa chữa và bảo dưỡng xe ở nơi tin cậy

Thay vì hoang mang, lo lắng một cách chưa có căn cứ khoa học, theo ông Phan Minh Quốc Bình, người dân nên tìm hiểu những nguyên nhân gây cháy đã được các nhà nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam chỉ ra để phòng vệ cho bản thân. Sau khảo sát và nghiên cứu này, PVPro đưa ra khuyến cáo về việc bảo trì, bảo dưỡng xe và phát hiện, khắc phục lỗi kỹ thuật có thể có của nhà sản xuất. Bản thân nhiên liệu xăng dầu đã là chất cháy, nhưng để xảy ra sự cháy thì cần có điều kiện cần (ba yếu tố chất cháy, ôxy, nguồn nhiệt tác động đồng thời và hữu hiệu với nhau) và đủ (các nhân tố cháy phải tương tác với một lượng thích hợp; khi có mồi cháy trực tiếp, nhiệt độ của chất cháy phải đạt đến nhiệt độ chớp cháy; khi không có mồi cháy trực tiếp, chất cháy phải đạt nhiệt độ tự bốc cháy).

Ví dụ, ngay cả khi xăng bị rò rỉ ra ngoài, việc cháy nổ chỉ xảy ra khi xăng gặp tia lửa điện hoặc bị rò trên bề mặt tiếp xúc quá nóng, tương tác với ôxy không khí, khi đủ điều kiện sẽ xảy ra hiện tượng tự bốc cháy. PVPro chỉ ra khu vực có khả năng gây hiện tượng tự bốc cháy cao là nơi tiếp giáp giữa động cơ và ống xả (ống bô). Nhiệt độ tại khu vực này có thể nằm trong khoảng 400-1.000oC khi xe lưu thông, tạo điều kiện gây ra hiện tượng tự bốc cháy khi nhiên liệu rò rỉ hay các vật dụng (giẻ lau, rơm rạ…) bị vướng trong quá trình xe lưu thông trên đường tiếp xúc để người sử dụng phương tiện giao thông chú ý. Từ các vụ cháy nổ đã xác định nguyên nhân, có thể thấy những sơ suất trong bảo dưỡng xe như dây điện lâu ngày bị hở, rối, chụm lại do rửa xe, bình điện bị hỏng, các miếng nhựa bị lão hóa, xăng dầu rò rỉ, dầu nhớt đóng cặn ở các khớp nối… có thể dẫn tới cháy nổ về sau. Do đó, người dân nên chú ý phát hiện sớm những bất thường, lỗi kỹ thuật của xe, sửa chữa, bảo dưỡng xe ở những nơi tin cậy để phòng tránh những vụ cháy nổ đáng tiếc.

Thanh Loan

DMCA.com Protection Status