Hành trình "trải lòng đất, vượt sóng khơi"
![]() |
Ông Nguyễn Đăng Liệu (bên phải) xem tài liệu trên tàu địa chấn |
Trong câu chuyện đầy cảm xúc nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Petrovietnam, ông Nguyễn Đăng Liệu - nguyên Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam đã chia sẻ với chúng tôi những kỷ niệm sâu sắc, những khó khăn cam go và cả niềm tin son sắt vào thế hệ trẻ tiếp bước con đường chinh phục tài nguyên của Tổ quốc.
Ông Nguyễn Đăng Liệu bắt đầu bước vào công tác trong lĩnh vực dầu khí từ tháng 12-1972, khi đất nước còn chia cắt và bom đạn vẫn chưa ngơi nghỉ. Trong suốt 35 năm gắn bó, ông từng làm kỹ sư địa vật lý, đội trưởng sản xuất, giám đốc đơn vị cơ sở, trưởng phòng, rồi trở thành lãnh đạo của Petrovietnam. Mỗi vị trí, mỗi giai đoạn đều ghi dấu ấn đáng nhớ.
“Ngày 30-4-1975, đất nước thống nhất, tôi mang trong mình khát vọng được cống hiến ngay trên những vùng biển rộng lớn của Tổ quốc. Và chỉ 3 tháng sau, tôi có cơ hội tham gia xây dựng dự án và sau đó là Đội trưởng điều hành khảo sát địa vật lý để xác định lại cấu tạo Bạch Hổ - sau này trở thành mỏ dầu lớn nhất Việt Nam”, ông Liệu kể.
Không chỉ là khảo sát kỹ thuật đơn thuần, ông Liệu và đồng đội còn phải “sống cùng biển”, bám trụ nhiều tháng trời giữa sóng gió. “Có những đợt khảo sát kéo dài cả tháng, lênh đênh ngoài khơi, chúng tôi vừa làm việc, vừa tránh bão, kể cả các ngày lễ lớn trên tàu”, ông chia sẻ.
Giai đoạn 1978-1979, ông tiếp tục tham gia các đợt khảo sát trên các tàu địa vật lý thuê của nước ngoài như LONGVA2, GECO, POISK…; trên phần lớn các lô và khu vực biển có triển vọng dầu khí của thềm lục địa Việt Nam - một công việc khổng lồ, gian nan nhưng cũng vô cùng vinh quang. Chính từ những dữ liệu đầu tiên ấy, các cấu tạo có tiềm năng dầu khí như Bạch Hổ, Rồng, Cửu Long (sau là Rạng Đông), Đồng Nai - La Ngà (sau là cụm mỏ Sư Tử)... lần lượt được xác định, đánh dấu bước ngoặt cho công nghiệp dầu khí nước nhà.
![]() |
Ông Nguyễn Đăng Liệu |
Giai đoạn 1961-1975, ngành còn ở dạng “phôi thai”, vừa hình thành đội ngũ, vừa loay hoay với cơ sở vật chất gần như không có gì. “Khi ấy, chỉ có vài chục kỹ sư địa chất - địa vật lý - khoan mới tốt nghiệp từ Liên Xô, Romania trở về cùng làm việc với các chuyên gia Liên Xô. Vũ khí của chúng tôi là tinh thần học hỏi và niềm tin mãnh liệt của Đảng, Chính phủ rằng, Việt Nam nhất định có dầu và sẽ xây dựng được một ngành công nghiệp dầu khí hiện đại”, ông Liệu chia sẻ.
Trong điều kiện đất nước bị chiến tranh tàn phá, cả ngành vẫn lặng lẽ chuẩn bị lực lượng: gửi người đi học, tiếp nhận chuyên gia quốc tế, xây dựng cơ sở nền tảng để sẵn sàng khi thời cơ đến. Chính nhờ những bước đi căn cơ đó mà đến năm 1975 - sau khi đất nước thống nhất - dầu khí Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ.
Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam được thành lập ngày 3-9-1975, đánh dấu thời kỳ tổ chức bài bản các hoạt động thăm dò và khai thác. Tuy nhiên, lúc đó khó khăn vẫn chồng chất. “Ở Đồng bằng sông Hồng, điều kiện địa chất phức tạp; ngoài biển, kỹ thuật lại quá mới mẻ, tốn kém và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thế giới khi ấy chỉ có các tập đoàn năng lượng lớn mới đủ sức làm chủ công nghệ khai thác biển sâu”, ông Liệu nói.
Đặc biệt, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc hợp tác quốc tế, tiếp cận công nghệ tiên tiến, nguồn vốn nước ngoài; cũng như mở rộng phạm vi thăm dò ngoài khơi. Nhưng với tư duy linh hoạt, Đảng và Chính phủ đã chủ trương ký hợp đồng chia sản phẩm (PSC) với các biến thể phù hợp với các công ty nước ngoài, vừa thu hút đầu tư, vừa tranh thủ chuyển giao kỹ thuật. Chính sách này trở thành một bước ngoặt quan trọng, mở ra “cánh cửa lớn” vươn ra biển lớn.
Ông Nguyễn Đăng Liệu không giấu được xúc động khi nhớ lại thời khắc lịch sử, ngày 26-6-1986 - khi những dòng dầu đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ chính thức được khai thác. Đó là kết quả của biết bao nỗ lực âm thầm, của những năm tháng sống và làm việc trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, nhưng chan chứa niềm tin.
Từ thành công bước đầu đó, dầu khí Việt Nam tiếp tục vươn xa. Những mỏ dầu khí mới như Đại Hùng, Rồng, Rạng Đông, Ruby lần lượt được đưa vào khai thác. Không dừng ở đó, Việt Nam còn chủ động xây dựng các nhà máy khí - điện - đạm, đặc biệt là Nhà máy Đạm Phú Mỹ (vận hành từ năm 2004) - một biểu tượng cho sự trưởng thành toàn diện của ngành.
“Những năm 1990-2005 là giai đoạn chuẩn bị cho sự ra đời của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Tôi vinh dự được tham gia vào quá trình hoạch định chiến lược, xây dựng nền tảng cho giai đoạn phát triển bùng nổ sau này. Ngày Tập đoàn chính thức thành lập năm 2006 là một cột mốc tự hào, không chỉ với tôi mà với cả thế hệ cán bộ dầu khí đi trước”, ông Liệu bồi hồi nhớ lại.
Sau khi nghỉ hưu, ông Nguyễn Đăng Liệu vẫn dõi theo từng bước phát triển của ngành với niềm tự hào và tin tưởng. Ông khẳng định thế hệ cán bộ trẻ không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn đầy nhiệt huyết và bản lĩnh.
![]() |
Giàn MSP1 khai thác tấn dầu đầu tiên trên mỏ Bạch Hổ năm 1986 |
“Tôi thực sự khâm phục họ. Những công trình khai thác biển quy mô lớn do Việt Nam tự thiết kế, chế tạo, vận hành - điều mà trước đây chúng tôi chỉ dám mơ - giờ đã là hiện thực. Nhiều công ty năng lượng quốc tế còn thuê chính kỹ sư Việt Nam tư vấn, xây dựng giàn khoan và hạ tầng biển. Đó là bước tiến vượt bậc”, ông Liệu nhấn mạnh.
Ông cũng nhắn nhủ: Những người làm trong lĩnh vực về năng lượng, ngoài năng lực, còn cần có cái tâm - biết tiết chế, biết lắng nghe và biết trân trọng những gì thiên nhiên ban tặng.
Ở tuổi gần 80, ông Nguyễn Đăng Liệu vẫn giữ ngọn lửa đam mê cháy mãi với nghề. Sau khi nghỉ hưu, ông tham gia Hội Dầu khí Việt Nam với tư cách Phó Chủ tịch và hiện đang là Ủy viên Ban Chấp hành Hội, có đóng góp nhất định trong công tác phản biện, xây dựng cơ chế, chính sách cho ngành.
Với ông, dầu khí không chỉ là một lĩnh vực kinh tế - đó còn là sứ mệnh chinh phục, bảo vệ chủ quyền biển đảo và làm giàu cho đất nước từ những gì sâu thẳm nhất dưới lòng đất mẹ.
Câu chuyện của ông Liệu không chỉ là những dòng hồi ức quý giá, mà còn là lời nhắc nhở cho thế hệ kế cận: hãy sống và làm việc với đam mê, trách nhiệm và một niềm tin son sắt vào tương lai, vào ngành công nghiệp - năng lượng đang chuyển mình vững bước.
Hành trình “trải lòng đất, vượt sóng khơi” để dò tìm những cấu tạo có tiềm năng dầu khí của ông Nguyễn Đăng Liệu cùng với các đoàn địa vật lý là một phần quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển, đặt nền móng vững chắc cho sự ra đời của Petrovietnam. |
Mạnh Tưởng
-
Đảng ủy Petrovietnam khai giảng Lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và Lớp bồi dưỡng lý luận chính trị năm 2025 khu vực Vũng Tàu
-
Petrovietnam đồng hành cùng đất nước: Dấu ấn tự hào trên “Đoàn tàu Thống nhất” lịch sử
-
Triển khai các hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập Petrovietnam: Chuyên nghiệp, hiệu quả, tạo sức lan tỏa cao
-
Sống như cuộc đời muốn