Sống như cuộc đời muốn

08:35 | 03/08/2011

186 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Chọn một buổi sáng thanh thản, trong lành, tâm hồn nhẹ nhõm trong trạng thái như vậy tôi thường có nhiều cảm hứng tôi đến nhà riêng của ông cựu Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ở một khu phố khá hẻo lánh so với quan niệm chung về nơi ở của những quan chức doanh nghiệp lớn như ông.

Vân Phương

Trước khi vào chuyện

Trong một chuyến đi ra biển với Đinh Thị Hồng Thúy, khi tôi chia sẻ với cô kế hoạch mời người đi viết về một số nhân vật của tập III “Những người đi tìm lửa”, Thúy hỏi ngay:

- Anh định mời ai viết về chú Nguyễn Đăng Liệu?

- Anh chưa định ai cả. Anh còn đang tìm. Với từng tạng nhân vật phải tìm được người viết phù hợp. Họ thấy thích thú nhau thì bài viết mới hay được. Anh phải biết sơ qua về ông Liệu đã rồi mới quyết định.

- Riêng chú Liệu thì để em nói cho mà nghe. Một thời em từng làm thư ký cho chú ấy…

- Vậy thì hay quá – tôi reo lên cắt ngang lời Thúy như người gặp may. Mà đúng là gặp may thật khi Thúy sẽ còn đồng hành với tôi một số ngày nữa, kể cả sau khi từ giàn khoan vào bờ. Nhưng tôi chẳng cần nhiều thời gian đến thế mà cũng không phải hỏi bất cứ câu nào. Tự Thúy nói ra những gì tôi cần biết trước về ông Liệu. Theo Thúy thì ông là người nói ít làm nhiều, không ngại phải lao vào chỗ vất vả, không sợ phải chịu trách nhiệm. Trong cuộc sống, do hiểu rộng, từng trải nên ông rất tinh tế trong ứng xử và khá kỹ tính với văn chương chữ nghĩa. Những việc ông Liệu làm cho ngành Dầu khí đôi khi chưa được nhiều người biết đến một cách công bằng nhưng ông không lấy đó làm phiền muộn. Ông hành xử như bổn phận và theo trách nhiệm được giao. Hoặc nói khái quát lại thì ông Liệu sống và làm những gì cuộc đời muốn ở ông. Khả năng đến đâu ông làm đến đó và cố gắng hoàn thành một cách tốt nhất. Thúy có lẽ còn nói nhiều nữa, bằng tình cảm kính trọng vị thủ trưởng cũ của mình, nhưng tôi lại bị một ý tưởng chợt đến chi phối: Hình như tôi đang theo đuổi mẫu nhân vật như vậy trong sáng tác văn chương. Họ không tỏa sáng chói trước con mắt mọi người nhưng bù lại họ có thể làm thức dậy ánh sáng từ nhiều người. Đó là tuýp người thuộc về một giai đoạn chuyển tiếp từ hành động theo cảm tính, sang lý trí nhưng vẫn giữ được sự ấm áp của con tim. Họ là bản lề của cánh cửa mở từ hôm qua sang ngày hôm nay và với những người thực sự xuất sắc thì có thể lan tỏa ảnh hưởng đến cả tương lai. Tôi đã gặp nhiều người như vậy.

Riêng với ông Nguyễn Đăng Liệu thì hình như, qua lời kể của Thúy, tôi đã có trong tay điều mình cần. Với kinh nghiệm của người có gần 30 năm cầm bút, tôi cố gắng hình dung nhanh trong đầu xem ông Liệu có thuộc tuýp người tôi vừa nghĩ tới? Chắc chắn ông là người sống nhiều bằng nội tâm, có cái mạnh mẽ của lý trí nhưng tựu trung lại vẫn là người bị chi phối bởi cảm xúc. Muốn hiểu về những người như vậy phải thám hiểm họ từ nhiều chiều. Và cái cách cổ điển nhưng hữu hiệu mà tôi hay áp dụng là cởi mở và chia sẻ bằng tất cả sự chân thành của mình. Cuối cùng, chính tôi sẽ viết về ông – tôi bảo với Thúy như vậy. Thông thường, do đã hiểu nhau trong vài việc – Thúy sẽ nghĩ tôi coi việc viết về ông Liệu là việc khó nên không muốn chất lên người khác. Có thể cô ấy đã nghĩ đúng. Nhưng mọi việc không chỉ như vậy…

Ông Nguyễn Đăng Liệu (Ảnh: Mạnh Thắng).

Tôi biết trước khi về nghỉ hưu ông Liệu là Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ông trưởng thành từ cơ sở, trải qua hầu hết mọi công việc, từ một anh cán bộ kỹ thuật cho đến cán bộ cấp phòng của một công ty, sau đó vào Nam, ra Bắc như con thoi để làm lãnh đạo những công ty mới thành lập hoặc mới sáp nhập. Ông không trụ ở đâu quá lâu, do yêu cầu của công việc và có thể là do số phận. Nhiều nơi khi ông đến là một cơ ngơi đổ nát hoặc chưa có gì. Vai trò của ông tại những nơi đó không phải lúc nào cũng nổi trội, do ông không thích tự đánh bóng tên tuổi mình hoặc do thời thế chưa muốn tạo ra những nhân vật. Nhưng cùng với thời gian, dấu ấn của ông là không thể phủ nhận cho dù chính thời gian cũng làm con người quên lãng đi nhiều thứ đáng lẽ nên ghi nhớ.

Ngoài nhiệm vụ tự đặt ra cho mình, tôi đã có chút tò mò để quyết định gặp ông Nguyễn Đăng Liệu sớm hơn kế hoạch do chính tôi đặt ra. Chọn một buổi sáng thanh thản, trong lành, tâm hồn nhẹ nhõm – trong trạng thái như vậy tôi thường có nhiều cảm hứng – tôi đến nhà riêng của ông cựu Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ở một khu phố khá hẻo lánh so với quan niệm chung về nơi ở của những quan chức doanh nghiệp lớn như ông. Trước đó, qua điện thoại tôi đã không khách khí trình bày mục đích cuộc thăm viếng của tôi và nói rõ vì công việc là chủ yếu. Tôi đặt ngay ra một vài yêu cầu chính để ông có một chút chuẩn bị. Khi nghe tôi nói vậy ông Liệu chỉ cười, bảo tôi cứ đến, gặp nhau rồi hẵng tính. Không hiểu sao tôi tin chắc rằng, ông là người nghiêm túc trong hẹn hò.

Và những gì tôi đoán trước về ông Liệu không xa thực tế là mấy. Đúng là ông đã ghi vào lịch cuộc hẹn với tôi. Đúng là ông có cái giản dị, thân thiện của người trải đời. Đúng là ông có vẻ mặt khá trầm tĩnh của người hướng sâu vào nội tâm, không thích phô trương. Bất ngờ và thú vị nhất với tôi là hóa ra quê chúng tôi chỉ cách nhau đúng chiều rộng một con đường quốc lộ, cùng có phong cảnh rất đẹp với người nơi khác đến nhưng với chúng tôi thì chỉ thấy nổi bật nhất là nghèo. Tức là chúng tôi là đồng hương, mặc dù huyện Hoài Đức quê ông vài ba lần chuyển đi chuyển lại giữa Hà Tây cũ và Hà Nội để cuối cùng lại về Hà Nội, lại là đồng hương trong một Hà Nội mở rộng và trở thành thủ đô hoành tráng về diện tích lớn thứ 17 thế giới. Nó bỗng gợi tôi liên tưởng tới một điều thú vị: Hình như nó cũng giống cuộc đời mỗi chúng tôi, sinh ra, lớn lên với biết bao khát vọng mặc dù không bao giờ biết trước điều gì đang chờ đón. Và hồn nhiên lao vào cuộc sống. Rồi cái số là phải lang thang, cứ chuyển qua, chuyển lại hết nơi này đến nơi khác để cuối cùng lại về chính với mảnh đất của mình. Cũng đáng là một triết lý thú vị.

Chúng tôi trở thành những người tri kỷ khá nhanh. Có thể ông cũng đã thấy ở tôi một sự tin cậy nào đó, đáng để chia sẻ chuyện cuộc đời. Còn tôi ngồi nghe ông không chỉ như nghe lại chuyện của một con người, nhiều chuyện thú vị, mà hơn thế còn như sống lại một thời mà chính tôi cũng ít nhiều là nhân chứng. Chỉ có điều mỗi chúng tôi đem đến góp cho cuộc đời một nội dung khác nhau, cách trình bày cũng khác nhau. Và để viết điều gì đó về ông tôi đã phải loay hoay mãi trong việc tìm cái cách thể hiện lại điều ông thể hiện đương nhiên là sống động hơn. Đó là cái khó của người viết. Cuối cùng tôi quyết định mình chỉ là người ghi lại và cố gắng trung thành tối đa cả về chi tiết lẫn nhịp kể một đoạn tự bạch da diết nhất của ông liên quan đến những giai đoạn lịch sử cũng đáng nhớ nhất của ngành Dầu khí nước nhà. Hình như có nhiều điều ông đã không có cơ hội nói ra đúng lúc và nay là một dịp tốt để thực hiện điều đó cho dù muộn mằn.

“Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo thuộc huyện Hoài Đức (trước là Hà Tây, nay là Hà Nội) – ông Liệu kể bằng giọng rỉ rả. Tuy hoàn cảnh gia đình có một chút éo le nhưng tôi vẫn được mẹ cho theo học cẩn thận để cuối cùng đủ tiêu chuẩn đi học nước ngoài. Tôi học ở Rumani, Trường Dầu khí và Địa chất Bucaret. Thực lòng tôi không hề được lựa chọn, bảo tôi học cái gì thì tôi học cái đó. Lúc bấy giờ đã ai hình dung ra sự nghiệp Dầu khí nó thế nào. Nhưng hai tiếng Dầu khí có vẻ cũng rất thú vị. Tôi cắm đầu vào học, coi đó như là một cơ hội cho đời mình. Trở về nước, sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc, cũng không có sự lựa chọn mà chờ tổ chức phân công. Phân công việc gì thì làm việc ấy. Tôi được đưa về công tác tại Tổng cục Địa chất, biên chế vào Đoàn Địa vật lý 36F trực thuộc Liên đoàn Địa chất Dầu khí 36. Thế là đúng chuyên môn rồi. Công việc của chúng tôi là khảo sát bằng phương pháp thu nổ sóng địa chấn để vẽ bản đồ lòng đất làm cơ sở cho việc khoan tìm kiếm dầu khí. Nói thì oai thế nhưng do đặc điểm của phương pháp địa chấn, phần lớn thời gian của các đội khảo sát là làm việc ngoài đồng ruộng, người cán bộ khảo sát phải làm đủ thứ việc, nhiều khi chẳng dính gì đến chuyên môn.

Thời đó, ngày nào cũng đáng là kỷ niệm. Địa bàn của chúng tôi là suốt một rẻo đồng bằng Bắc Bộ, lên cả vùng trũng An Châu, cho đến dọc bờ biển dài từ Thái Bình sang Nam Định. Chỗ nào cũng cảnh lán trại hoặc ở nhờ nhà dân, gạo chợ, nước sông. Chỗ nào khi đến cũng đầy hy vọng tìm thấy cấu tạo địa chất có khả năng chứa dầu. Sao mà khao khát thấy dầu thôi thúc chúng tôi mạnh mẽ đến thế? Có lẽ bởi sự trông chờ của mọi người vào sự đổi đời cũng quá lớn. Hồi đó đời sống kham khổ, khỏi phải nói, nhưng lòng anh nào cũng phơi phới lý tưởng nên chúng tôi làm việc không biết mệt. Nếu chỉ trông vào sức lực đơn thuần thì chắc không ai trụ lại nổi. Sau này nỗi nhớ dai dẳng nhất lại là những cơn đói. Nhiều bữa mỗi người chỉ được cái bánh mỳ luộc mà anh em gọi vui là cái “sẹo trâu”. Nhưng có “sẹo trâu” vẫn còn là may.

Năm 1974, sau khi các đoàn khảo sát địa vật lý 36F, 36Đ và 36T được sáp nhập và tổ chức lại chúng tôi được bố trí làm việc tại Đoàn bộ đóng tại Chợ Gạo Hưng Yên. Lại bắt đầu một thời kỳ khá gian khổ, tôi được phân công làm việc trong phòng kỹ thuật với điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị rất nghèo nàn, nhưng tương lai thì không hề mờ mịt. Chẳng ai nghĩ gì khác ngoài hy vọng vào công việc. Những năm tháng “dựng nghiệp” này nhiều người gắn bó sâu sắc hơn tôi đã kể rất hay nên tôi không muốn nhắc lại.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại Đại sứ quán Mỹ.

Cho tới năm 1975, đất nước thống nhất, tôi được cử vào Nam cùng một số người bạn khác tham gia tiếp quản tài liệu kỹ thuật tại Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản của chính quyền Sài Gòn và tổ chức triển khai công tác chuẩn bị cho đợt khảo sát dầu khí đầu tiên sau ngày giải phóng ở miền Nam. Với ngành Dầu khí thì đó là dấu mốc đầu tiên của thời kỳ Nam tiến. Còn với cá nhân tôi thì bắt đầu của những nhiệm vụ hoàn toàn mới, trên một vùng đất có tất cả những gì gọi là lạ lẫm. Tại Công ty Dầu khí phía nam (được thành lập ngay sau đó) chúng tôi được mọi người giúp đỡ và tạo điều kiện để thu thập tài liệu, bản đồ và thực hiện các chuyến khảo sát thực địa nhằm xác định mạng lưới tuyến địa vật lý, dịch văn bản hợp đồng, tìm hiểu thủ tục xuất nhập cảnh cho chuyên gia nước ngoài và thủ tục xuất nhập khẩu thiết bị, vật tư cần thiết để chuẩn bị triển khai đề án khảo sát địa vật lý dầu khí khu vực biển ven bờ phía nam và Đồng bằng sông Cửu Long.

Sau khi một hợp đồng kinh tế được ký kết với Tổng Công ty Địa Vật lý (CGG) của Pháp, tôi được cử làm Đội trưởng Đội Địa chấn biển. Nhiệm vụ ban đầu của chúng tôi là tiến hành thu nổ địa chấn trên vùng biển nói trên có tuyến liên kết với mỏ Bạch Hổ trước đó người Mỹ đã khảo sát địa vật lý, khoan thăm dò và trong tài liệu để lại nói là phát hiện dầu. (Sau này tôi được biết, vì muốn kéo người Mỹ ở lại miền Nam mà người ta đã phao lên ở thềm lục địa phía nam Việt Nam tồn tại một trữ lượng dầu mỏ khổng lồ). Nhiệm vụ của chúng tôi sẽ phải khẳng định lại kết quả khảo sát đó của người Mỹ. Đương nhiên, đây là một trách nhiệm nặng nề về mặt tâm lý với cá nhân tôi. Lần đầu tiên tôi phải trực tiếp chịu trách nhiệm về một việc rất quan trọng. Kết quả của chúng tôi sẽ ảnh hưởng đến những quyết sách của ngành Dầu khí sau này. Nếu đúng thì không sao, nhưng giả sử không đúng thì vấn đề gì sẽ xảy ra? Rất may là chúng tôi đã có những kinh nghiệm quý báu trước đó, cùng với chút bản lĩnh dám làm, dám chịu. Chúng tôi tiến ra biển bằng tinh thần của những chiến binh đi chinh phục. Hiểu đó là cách nói văn chương cũng được nhưng đúng là nếu không có tinh thần đó khó mà không do dự. Những gì chúng tôi làm được xin để người khác đánh giá.

Tôi chỉ xin kể về những kỷ niệm có muốn quên cũng không được với đại dương. Tôi sẽ còn nhớ mãi ấn tượng của những ngày đầu lênh đênh trên biển, khu vực mỏ Bạch Hổ. Ngay ngày đầu tiên, sau khi tàu khảo sát rời phao zero, chúng tôi gặp sóng to, gió lớn. Thông thường, để bảo đảm an toàn thì tàu phải thả neo ở đâu đó nằm chờ. Nhưng hồi đó tàu giúp chúng tôi thực hiện thu nổ là loại tàu chuyên dụng phải thuê của Pháp, với giá cao ngất ngưởng so với tiềm lực tài chính của ta, vào khoảng 33.000 Fr Pháp một ngày (tương đương 60 triệu đồng Việt Nam lúc bấy giờ, một số tiền rất lớn nếu đem so với giá lúa vào khoảng vài ngàn đồng một tấn, chưa kể giá trị vật chất của các thiết bị khác được huy động trong nước), nên chúng tôi không thể dừng lại. Phải tranh thủ từng phút một. Chúng tôi làm việc cật lực trong điều kiện biển động dữ dội. Phần lớn anh em đều kiệt sức vì say sóng, có người không chịu nổi đến nỗi phải viện ra lý do đau ruột thừa để được đưa cấp tốc vào bờ. Một lần chúng tôi đang tác nghiệp khu vực biển Côn Đảo thì nhận được tin có bão. Sau khi điện xin ý kiến chỉ đạo của đất liền chúng tôi quyết định không cho tàu vào bờ – vì có vào cũng không kịp – mà ra Côn Đảo tránh bão. Nghe thế chúng tôi cũng rất hồi hộp vì sắp được tận mắt chứng kiến cái địa ngục trần gian mà người Pháp tạo ra và sau này người Mỹ nâng cấp để giam cầm những chiến sĩ cách mạng. Vào gần đến đảo thì tàu phải dừng lại vì sợ mắc cạn. Không chịu nổi cảnh chờ đợi, anh em trẻ đồng loạt nhảy xuống biển bơi vào bờ. Đang bơi thì thấy trên bờ có nhiều người dân đảo tập trung, cùng hướng về phía chúng tôi. Chỉ khi trên biển có tai nạn mọi người mới tập trung đông kiểu như vậy. Tuy thế, chẳng ai trong chúng tôi đoán ra có chuyện gì, tiếp tục bơi vào. Hóa ra hôm đó hoàn toàn chỉ nhờ may mắn mà chúng tôi thoát chết, bởi nơi chúng tôi cập bờ có tên là Mũi Cá Mập. Tại đó cá mập thường xuyên xuất hiện. Chúng tôi thoát phải đối mặt với những sát thủ của biển có lẽ vì hôm đó động biển. Nghe mọi người nói chúng tôi đều nhìn nhau hú vía.

Kết quả của đợt khảo sát đầy gian khổ đó cho phép chúng tôi khẳng định cấu tạo Bạch Hổ như nhưng gì tài liệu để lại là đúng. Các kết quả đó chính là cơ sở để thiết kế mạng lưới tuyến thăm dò địa vật lý chi tiết mỏ Bạch Hổ được tiến hành vào năm 1978 và những năm tiếp sau, để cuối cùng đưa mỏ Bạch Hổ, có tầng chứa dầu trong đá móng kết tinh, vào hàng những mỏ dầu lớn của thế giới.

Ông Nguyễn Đăng Liệu

Năm sinh: Ngày 27/10/1947

Quê quán: Lại Yên, Hoài Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội)

Trình độ chuyên môn: Kỹ sư Địa vật lý Dầu khí

Trình độ chính trị: Cao cấp

Từng tham gia các chức vụ:

- Trưởng phòng Quản lý Khoa học kỹ thuật, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Viện Dầu khí,

- Giám đốc, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công ty Địa vật lý – Hải Phòng

- Phó giám đốc Công ty Petrovietnam II TP Hồ Chí Minh

- Giám đốc, Phó bí thư Chi bộ Công ty Petrovietnam I Hải Phòng

- Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam khóa 2000-2005

- Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Đã nghỉ hưu

Khen thưởng:

- Huân chương Lao động hạng Hai, Ba

- Chiến sĩ thi đua toàn quốc 2001

- Huân chương Hòa bình và Hữu nghị của Liên bang Nga

- Huy chương Hữu nghị của Cộng hòa Hàn Quốc

- Nhiều kỷ niệm chương và bằng khen của các cấp

(Xem tiếp kỳ sau)

{lang: 'vi'}

V.P

DMCA.com Protection Status