Petrovietnam là “lõi cứng” trong cấu trúc an ninh năng lượng quốc gia
![]() |
TS Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam |
PV: Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành cùng quá trình phát triển của đất nước, xin được nghe đánh giá của ông về vai trò chiến lược mà Petrovietnam đã đảm nhận trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia?
TS Nguyễn Quốc Thập: Trong 50 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, nay là Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), với vai trò là một trong Tập đoàn kinh tế nhà nước trong lĩnh vực năng lượng đã được Đảng và Nhà nước giao cho nhiệm vụ và trọng trách to lớn là cùng các tập đoàn, doanh nghiệp khác trong lĩnh vực năng lượng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV)… bảo đảm an ninh năng lượng cho sự phát triển của đất nước.
Ngày nay, trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra trên toàn cầu nhằm hướng đến nền kinh tế xanh, ít phát thải, Petrovietnam không chỉ thể hiện vai trò là Tập đoàn nhà nước trụ cột của nền kinh tế quốc dân mà còn đi đầu trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, vừa giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thực thi thành công chiến lược phát triển bền vững của ngành như Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị: “Phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trở thành Tập đoàn công nghiệp - năng lượng quốc gia gắn với phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng truyền thống; tham gia chuỗi giá trị năng lượng mới, năng lượng tái tạo...”.
Chính vì vậy, trong hành trình 50 năm xây dựng và phát triển, Petrovietnam là một “lõi cứng” trong cấu trúc an ninh năng lượng của Việt Nam và nhiệm vụ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển của Tập đoàn.
Tập đoàn đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí - năng lượng khá hoàn chỉnh, đồng bộ từ khâu tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí đến phát triển công nghiệp khí, chế biến khí, nhập khẩu, tàng trữ và tái hóa khí (LNG), công nghiệp điện than/khí và dịch vụ kỹ thuật dầu khí/điện gió ngoài khơi.
Trong đó, lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi. Đồng thời, Tập đoàn đã đào tạo được đội ngũ cán bộ, người lao động hùng hậu có trình độ cao, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm nguồn năng lượng ổn định, bền vững và chủ động cho nền kinh tế.
![]() |
Người lao động Petrovietnam làm việc trên giàn khoan (ảnh: Trần Văn Quỳnh) |
PV: Nguồn cung năng lượng của đất nước đã được duy trì ổn định như thế nào nhờ những đóng góp của Petrovietnam, nhất là vào những thời kỳ khó khăn, thưa ông?
TS Nguyễn Quốc Thập: Nguồn cung năng lượng của đất nước đến từ nhiều nguồn nhiên liệu khác nhau như dầu khí, điện, than…, bao gồm được khai thác sản xuất trong nước, cũng như nhập khẩu để đáp ứng cho nhu cầu phát triển của đất nước. Petrovietnam, với hoạt động cốt lõi là tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí, đã đóng góp đáng kể trong việc duy trì ổn định nguồn cung về năng lượng cho sự phát triển của đất nước, đặc biệt trong thời kỳ khó khăn.
Theo đó, hầu hết sản lượng dầu thô và khí thiên nhiên khai thác trong nước trong suốt giai đoạn vừa qua, cũng như hiện nay đều đến từ các công trình, dự án do Petrovietnam làm chủ đầu tư hoặc tham gia điều hành khai thác cùng các đối tác nước ngoài.
Bên cạnh đó, với việc là chủ đầu tư Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và tham gia góp vốn vào liên doanh Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, cùng hệ thống kinh doanh xăng dầu trải rộng trên khắp đất nước của Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL) - đơn vị thành viên của Tập đoàn, Petrovietnam còn đáp ứng năng lượng, các sản phẩm cho nhu cầu dân sinh cũng như các ngành sản xuất công nghiệp như sản xuất phân bón, lọc hóa dầu, sản xuất điện…
Cụ thể, kể từ khi tấn dầu thô đầu tiên được khai thác năm 1986 đến nay, đã hơn 460 triệu tấn dầu trong nước và khoảng 200 tỉ m3 khí được khai thác, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, với hơn 100 hợp đồng dầu khí đã được ký kết với các nhà đầu tư quốc tế và trong nước, hoạt động dầu khí đã bao phủ hầu hết thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, đóng góp quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông.
Với 5 hệ thống đường ống dẫn khí lớn, hằng năm Petrovietnam cung cấp gần 9-11 tỉ m3 khí cho sản xuất 35% sản lượng điện quốc gia, 70% sản lượng đạm và 70-80% khí cho các hộ tiêu thụ dân dụng của cả nước.
Trong lĩnh vực điện - trụ cột thiết yếu của an ninh năng lượng, Petrovietnam đã ghi dấu ấn rõ nét với tỷ trọng công suất phát điện đứng thứ hai cả nước, chỉ sau EVN. Tổng công suất các nhà máy điện của Petrovietnam đến nay đạt 8.229 MW, chiếm khoảng 15% tổng sản lượng điện quốc gia. Thành tựu này không chỉ khẳng định năng lực nội tại và vai trò của Petrovietnam trong cơ cấu ngành điện quốc gia, mà còn góp phần tạo lập thế cân bằng, bảo đảm sự ổn định cho hệ thống điện trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng. Thông qua các đơn vị thành viên như Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power), Chi nhánh Phát điện Dầu khí (PVPGB), Petrovietnam đã phát triển nhiều dự án điện khí lớn, đóng vai trò điều tiết và cung ứng điện quốc gia.
Từ sản phẩm thượng nguồn, Petrovietnam cũng đã phát triển 2 nhà máy Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ, cung cấp ra thị trường trung bình trên 15 triệu tấn urê/năm, đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu phân bón trong nước, góp phần làm chủ nguồn phân bón cho nông nghiệp, giảm phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, công trình thế kỷ, biểu tượng của ngành lọc hóa dầu Việt Nam từ khi chính thức đưa vào vận hành sản xuất đến nay đã sản xuất khoảng 6 triệu tấn dầu/năm, cùng với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã góp phần chủ động sản xuất xăng dầu trong nước, giảm phụ thuộc nhập khẩu, tăng năng lực dự trữ năng lượng chiến lược, đặc biệt là đáp ứng nhiên liệu theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng.
![]() |
Kho cảng LNG của PV GAS |
PV: Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa chiến lược của việc tái định danh Petrovietnam thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam, đặc biệt là vai trò trong bảo đảm an ninh năng lượng, tăng trưởng kinh tế đất nước và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, phát triển bền vững?
TS Nguyễn Quốc Thập: Định danh mới “Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam” là một bước đi mang tính chuyển đổi tư duy chiến lược rất sâu sắc. Tên gọi mới không chỉ là sự thay đổi hình thức, mà là sự khẳng định vai trò của Petrovietnam như một trụ cột trong hệ sinh thái công nghiệp và năng lượng quốc gia.
Điều này tạo điều kiện và mở ra cho Petrovietnam cơ hội phát triển ngoài lĩnh vực năng lượng truyền thống trước đây (chủ yếu là khai thác, thu gom, vận chuyển và chế biến dầu khí). Petrovietnam có thể tận dụng nguồn lực, tài sản được Nhà nước giao, cũng như kinh nghiệm quản trị trong quá trình hình thành và phát triển của mình để đóng góp nhiều hơn nữa trong vai trò bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Trong đó, ba yếu tố chính làm nên vai trò chiến lược đặc biệt của Petrovietnam đối với an ninh năng lượng, gồm: Chủ động nguồn cung, bảo đảm phần lớn nhiên liệu hóa thạch và các nguồn nhiên liệu khác cho đất nước từ khai thác, chế biến dầu khí, sản xuất điện, giao thông đến công nghiệp…; hoạt động chuyển dịch năng lượng, phát triển xanh, dẫn đầu với các dự án LNG và năng lượng tái tạo, góp phần đưa Việt Nam tiến tới cơ cấu tiêu thụ năng lượng với tỷ lệ phát thải thấp, tạo thế chủ động trong lĩnh vực năng lượng, góp phần thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng về kinh tế lẫn địa chính trị chiến lược trong khu vực của đất nước.
Việt Nam đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững ở mức hai con số, đồng thời bước vào kỷ nguyên phát triển xanh, số hóa và toàn cầu hóa. Petrovietnam với vị thế, năng lực và kinh nghiệm của mình, đang hoàn thiện chiến lược phát triển trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, việc tái định danh giúp Petrovietnam chủ động hơn trong tham gia các liên minh, tổ chức quốc tế về năng lượng xanh. Trong đó, Tập đoàn đa dạng hóa danh mục sản phẩm, đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng mới và các dạng năng lượng sạch; bao gồm toàn bộ chuỗi giá trị dầu khí truyền thống (thăm dò, khai thác, sản xuất xăng dầu), phát triển công nghiệp khí, LNG, mở rộng sang năng lượng tái tạo, năng lượng mới như điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, hydro xanh, amoniac xanh...
Phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới là hướng đi chiến lược, tạo động lực tăng trưởng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế quốc tế của Tập đoàn, đặc biệt là tập trung nguồn lực để thực hiện Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 được Thủ tướng Chính phủ giao.
Ngoài ra, Petrovietnam cũng cần mở rộng hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp năng lượng lớn trên thế giới để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, từng bước tham gia chuỗi cung ứng trong các dự án năng lượng tái tạo, như hợp tác với Singapore trong thực hiện dự án xuất khẩu điện gió ngoài khơi đang thực hiện.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Petrovietnam ra đời trong bối cảnh Việt Nam phải tự lực về năng lượng và trưởng thành cùng hành trình phát triển đất nước. Tinh thần “Vì Tổ quốc mà tìm dầu, vì tương lai mà đổi mới” phải tiếp tục là kim chỉ nam của Tập đoàn. Tôi tin rằng nếu giữ vững tinh thần đó, Petrovietnam không chỉ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, mà còn có thể trở thành “người dẫn đường” chuyển dịch năng lượng quốc gia. |
Phương Thảo
-
Petrovietnam and AWS Co-Host Digital Technologies to facilitate Green Energy and Industries Seminar
-
Petrovietnam và Westinghouse (Hoa Kỳ) sẽ ký kết Biên bản ghi nhớ về phát triển điện hạt nhân
-
Bứt phá toàn diện, PVCFC giữ thế chủ lực trong vụ Hè Thu 2025
-
[VIDEO] Lan tỏa tinh thần học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn Petrovietnam